Các cuộc đàm phán do Moscow hậu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria chuẩn bị nối lại sau khi tạm dừng
Các hành động khôi phục mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria — sau 12 năm thù địch gay gắt — dường như đã trở lại đúng hướng sau một thời gian gián đoạn hàng tuần.
Quá trình hòa giải này, được Moscow khuyến khích, đã tạm thời bị đình chỉ vào tháng trước (02/2023) sau khi các trận động đất kinh hoàng làm rung chuyển cả hai quốc gia này.
Hôm 27/03, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov cho biết vòng đàm phán tiếp theo do Moscow chủ trì giữa các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có thể sẽ được tổ chức vào tháng tới.
Ông Bogdanov nói với hãng thông tấn TASS của Nga rằng, “Chúng tôi đã sẵn sàng [để tổ chức cuộc họp này].”
Ông nói thêm rằng các nỗ lực hòa giải của Nga là nhằm bình thường hóa mối quan hệ giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, điều mà ông mô tả là một “mục tiêu chiến lược quan trọng.”
Hồi năm 2011, Thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ đã cắt đứt mối quan hệ với Damascus. Kể từ đó, nước này đã trợ giúp cho các nhóm vũ trang ở Syria ủng hộ việc lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad. Ngược lại, Moscow là một người ủng hộ trung thành của ông Assad và chính phủ của ông. Kể từ năm 2015, Nga đã duy trì quân đội ở Syria theo lời mời của ông Assad.
Bất chấp những khác biệt lâu dài về Syria, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Nga, nước có chung quan hệ thương mại rộng lớn và một đường biên giới dài trên biển.
Hồi tháng 12/2022, Moscow đã tổ chức các cuộc hội đàm mang tính bước ngoặt giữa các bộ trưởng quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Đó là cuộc gặp đầu tiên giữa các quan chức cao cấp của hai quốc gia này trong hơn một thập niên.
Các trận động đất khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng
Cuộc họp này là nhằm tiến hành một cuộc thảo luận giữa các ngoại trưởng, sau đó là hội nghị thượng đỉnh giữa ông Assad và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Tuy nhiên, hôm 06/02, động lực hướng tới việc nối lại mối quan hệ hoàn toàn bị giảm sút khi các trận động đất liên tiếp làm rung chuyển Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Những trận động đất này đã khiến 50,000 người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và hàng ngàn người khác thiệt mạng ở miền bắc Syria đồng thời dẫn đến thiệt hại trên diện rộng.
Hiện nay, mọi chuyện đã lắng xuống, các bước chuẩn bị dường như đang được tiến hành cho một vòng đàm phán Thổ Nhĩ Kỳ-Syria mới do Moscow chủ trì.
Hôm 15/03, ông Assad đã đến thăm Moscow và tại đây, ông đã gặp người đồng cấp Nga, ông Vladimir Putin. Trong chuyến thăm, ông Assad đã tái khẳng định rằng ông sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ miễn là những cuộc đàm phán này “phục vụ lợi ích của người dân Syria” và dẫn đến “các kết quả cụ thể.”
Hôm 25/03, ông Erdogan đã tổ chức một cuộc điện đàm với ông Putin, trong đó hai nhà lãnh đạo này đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ quá trình bình thường hóa quan hệ, theo một tuyên bố do văn phòng của ông Erdogan đưa ra.
Điều đáng chú ý là các cuộc đàm phán trong tương lai có thể sẽ bao gồm các đại diện của Iran. Giống như Moscow, Tehran kiên quyết ủng hộ Damascus và duy trì các lực lượng ở Syria.
Trong một chuyến thăm tới Ankara vào tháng này, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian đã bày tỏ mong muốn của nước ông về việc chứng kiến “một sự ấm lên trong mối quan hệ” giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại một cuộc họp báo chung với ông Amirabdollahian, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết Tehran sẵn sàng giúp giải quyết “những sự khác biệt về quan điểm” giữa Ankara và Damascus.
Trong khi đó, Hoa Thịnh Đốn vẫn kiên quyết phản đối việc hòa giải — bởi bất kỳ ai — với ông Assad, khi mô tả ông Assad là một “nhà độc tài tàn bạo.”
Hoa Kỳ cũng có một sự hiện diện quân sự ở Syria, đặc biệt là ở phía đông bắc của đất nước này. Tại đây, Hoa Kỳ trang bị vũ khí và trợ giúp nhóm chiến binh người Kurd YPG.
Là một nhánh của Đảng Công Nhân Người Kurd (PKK), YPG bị cả Damascus và Ankara xem là một nhóm khủng bố.
Hoa Thịnh Đốn cho biết họ phải duy trì một sự hiện diện quân sự ở Syria để ngăn chặn sự trỗi dậy của nhóm khủng bố ISIS, vốn đã bị tiêu diệt phần lớn — ít nhất là về mặt tổ chức — hồi năm 2019.
Các lực lượng Hoa Kỳ dưới các cuộc không kích
Những ngày gần đây đã chứng kiến căng thẳng gia tăng giữa các lực lượng của Iran và Hoa Kỳ ở Syria — được cho là có khoảng 900 binh sĩ.
Hôm 23/03, một căn cứ của Hoa Kỳ ở phía đông bắc Syria đã bị một phi cơ không người lái tấn công, và các quan chức quốc phòng Hoa Kỳ tuyên bố phi cơ này “có nguồn gốc từ Iran.” Theo Ngũ Giác Đài, một nhà thầu quân sự đã thiệt mạng và một số quân nhân bị thương.
Bộ Quốc phòng cho biết trong một tuyên bố, Hoa Kỳ đã đáp trả bằng cách tấn công các mục tiêu ở miền đông Syria có liên quan đến Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran.
Sau đó, Syrian Observatory for Human Rights (Cơ quan quan sát Nhân Quyền Syria) có trụ sở tại Vương quốc Anh cho biết các cuộc không kích của Hoa Kỳ đã làm 19 người thiệt mạng, trong đó có binh lính Syria, các dân quân, và các chiến binh ngoại quốc — có lẽ là người Iran.
Hôm 25/03, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani đã lên án các cuộc tấn công của Hoa Kỳ là “các cuộc tấn công khủng bố,” đồng thời tuyên bố rằng thường dân cũng đã thiệt mạng.
Phủ nhận sự tham gia của Iran trong cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái có chủ đích nói trên, ông đã cáo buộc Hoa Thịnh Đốn sử dụng mối đe dọa do nhóm khủng bố ISIS gây ra như một cái cớ để duy trì quân đội Hoa Kỳ ở lại Syria.
Hãng thông tấn Fars của Iran dẫn lời ông Kanaani cho biết: “Việc Hoa Kỳ tuyên bố rằng họ hiện diện ở Syria để chống lại ISIS — mà sự thành lập của tổ chức này là điều mà Hoa Kỳ đóng một vai trò quan trọng trong đó — là một cái cớ để tiếp tục chiếm đóng và cướp bóc các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Syria.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times