Trung Quốc siết chặt việc ra vào Quảng trường Thiên An Môn, Hồng Kông bắt giữ 32 người
BẮC KINH — Hôm Chủ Nhật (04/06), Trung Quốc đã siết chặt việc ra vào Quảng trường Thiên An Môn ở trung tâm Bắc Kinh. Đây là ngày kỷ niệm sự kiện đại thảm sát quân sự nhắm vào các cuộc biểu tình đòi dân chủ năm 1989 để lại một con số thương vong chưa được xác định, cũng như các cuộc thảo luận và hoạt động tưởng niệm bị cấm trong đại lục.
Tại Hồng Kông, vùng lãnh thổ cuối cùng do Trung Quốc kiểm soát tổ chức các hoạt động tưởng niệm sự kiện này, có tám người, bao gồm các nhà hoạt động và nghệ sĩ, đã bị giam giữ vào đêm trước ngày kỷ niệm vụ thảm sát, một hành động cho thấy không gian tự do ngôn luận đang bị thu hẹp của thành phố này. Hồi cuối hôm Chủ Nhật, cảnh sát cho biết họ đã bắt giữ một phụ nữ vì cáo buộc cản trở người thi hành công vụ, sau đó họ đã áp giải 23 người khác về đồn để điều tra thêm vì nghi ngờ vi phạm trật tự công cộng. Nhiều người trong số họ đã bị cảnh sát bắt giữ quanh Công viên Victoria.
Không gian công cộng rộng lớn này với những bãi cỏ và sân thể thao từng là nơi tổ chức một buổi thắp nến hàng năm để tưởng nhớ hàng trăm hoặc hàng ngàn người đã thiệt mạng khi đoàn xe tăng và bộ binh của quân đội lăn bánh vào trung tâm Bắc Kinh vào đêm ngày 03/06 và rạng sáng ngày 04/06/1989.
Trung Quốc từ lâu đã đàn áp cuộc thảo luận về bảy tuần biểu tình do sinh viên lãnh đạo vốn thu hút người đi làm và giới nghệ sĩ. Kể từ khi luật an ninh quốc gia sâu rộng được áp dụng hồi tháng 06/2020 ở Hồng Kông, thì việc thảo luận [về chủ đề này] cũng ngày càng trở nên bị hạn chế. Luật này cấm bất kỳ ai thực sự tổ chức các sự kiện tưởng niệm.
Số người tử nạn trong vụ đại thảm sát năm 1989 vẫn chưa được biết và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không ngừng sách nhiễu người dân tại quê nhà hoặc ở hải ngoại, những người muốn lưu giữ ký ức về các sự kiện trên.
Xung quanh Quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh, an ninh được tăng cường. Nơi đây từ lâu đã được bao quanh bởi các trạm kiểm soát an ninh vốn yêu cầu những người bước vào phải xuất trình giấy tờ tùy thân. Những người đi bộ hoặc đi xe đạp trên Đại lộ Trường An chạy về phía bắc quảng trường này cũng bị chặn lại và buộc phải xuất trình giấy tờ tùy thân. Những người có thị thực ký giả trong hộ chiếu được thông báo rằng họ cần có sự cho phép đặc biệt để ra vào khu vực này.
Tuy nhiên, vẫn có rất đông khách du lịch đến thăm địa điểm mang tính biểu tượng này, với hàng trăm người đứng xếp hàng để vào quảng trường.
Trước ngày kỷ niệm này, một nhóm những bà mẹ có con thiệt mạng trong vụ thảm sát Thiên An Môn đã tìm cách đòi bồi thường và một lần nữa đưa ra một tuyên bố kêu gọi “sự thật, bồi thường, và trách nhiệm giải trình.”
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) kêu gọi ĐCSTQ thừa nhận trách nhiệm về việc sát hại những người biểu tình đòi dân chủ.
Bà Vương Á Thu (Yaqiu Wang), nhà nghiên cứu cao cấp về Trung Quốc tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tuyên bố: “Chính quyền Trung Quốc tiếp tục trốn tránh trách nhiệm giải trình đối với vụ Thảm sát Thiên An Môn kéo dài hàng thập niên, vốn đã khuyến khích việc giam giữ tùy tiện hàng triệu người, kiểm duyệt và giám sát nghiêm ngặt, cũng như nỗ lực làm suy yếu nhân quyền trên bình diện quốc tế.”
Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết, trong khi Hồng Kông, một thuộc địa cũ của Anh được bàn giao cho ĐCSTQ cai trị hồi năm 1997, sử dụng luật chống nổi loạn thời thuộc địa để trấn áp những người bất đồng chính kiến, thì sự kiên định của những tiếng nói không theo khuôn phép “cho thấy những nỗ lực của chính quyền nhằm ép buộc im lặng và tuân thủ là vô ích.”
Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, “Chiến dịch đáng xấu hổ của chính quyền Hồng Kông nhằm ngăn chặn mọi người tổ chức lễ kỷ niệm này phản ánh sự kiểm duyệt của chính quyền trung ương Trung Quốc và là một sự xúc phạm đối với những người thiệt mạng trong cuộc đàn áp Thiên An Môn.”
Các nhà chức trách do Bắc Kinh chỉ định ở Hồng Kông đã phong tỏa khu vực tưởng niệm Thiên An Môn trong ba năm qua, với lý do sức khỏe cộng đồng. Hồi năm 2020, hàng ngàn người đã bất chấp một lệnh cấm của cảnh sát để tổ chức sự kiện này.
Bất chấp việc dỡ bỏ hầu hết các hạn chế về COVID-19, lễ kỷ niệm công khai của thành phố năm nay đã bị dập tắt theo luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt nhằm truy tố hoặc bịt miệng nhiều nhà hoạt động Hồng Kông. Ba nhà lãnh đạo của nhóm từng tổ chức lễ thắp nến đã bị buộc tội lật đổ theo luật này. Bản thân nhóm này đã tan rã hồi năm 2021, sau khi cảnh sát thông báo rằng họ đang bị điều tra vì làm việc cho các tổ chức ngoại quốc, một cáo buộc mà nhóm đã phủ nhận.
Sau khi luật an ninh được ban hành sau các cuộc biểu tình quy mô lớn hồi năm 2019, các biểu tượng liên quan đến Thiên An Môn, bao gồm cả các bức tượng tại các trường đại học, cũng đã bị dỡ bỏ. Gần đây nhất, những cuốn sách về các sự kiện này đã bị các thư viện công cộng loại bỏ khỏi kệ.
Khi được hỏi liệu việc tưởng niệm vụ thảm sát ở nơi công cộng với tư cách cá nhân có hợp pháp hay không, nhà lãnh đạo Hồng Kông Lý Gia Siêu (John Lee) nói rằng nếu ai đó vi phạm pháp luật, “tất nhiên cảnh sát sẽ phải hành động.”
Hôm Chủ Nhật, nhiều người dân Hồng Kông, những người không rõ chính quyền có thể xem điều gì là hành động lật đổ, đã cố gắng kỷ niệm sự kiện này theo những cách kín đáo.
Cô Trần Bảo Anh (Chan Po-ying), lãnh đạo Liên đoàn Đảng Dân chủ Xã hội, một tay cầm một cây nến LED và tay kia cầm hai bông hoa giấy màu vàng. Cô đã bị cảnh sát đưa đi khỏi một khu vực khám xét.
Đài truyền hình công cộng RTHK đưa tin họ biết được rằng cảnh sát sẽ khai triển tới 6,000 sĩ quan để tuần tra trên các con phố, bao gồm Công viên Victoria và các tòa nhà trụ sở chính phủ.
Tại Công viên Victoria, cảnh những người biểu tình đòi dân chủ đã được thay thế bằng một lễ hội do các nhóm ủng hộ Bắc Kinh tổ chức để đánh dấu việc thành phố được bàn giao cho Trung Quốc hồi năm 1997.
Đến khoảng 8 giờ 30 phút tối, 14 người khác, bao gồm các nhà hoạt động và một cựu lãnh đạo Hiệp hội Ký giả Hồng Kông, đã bị cảnh sát đưa đi tại khu mua sắm Vịnh Đồng La, nơi Công viên Victoria tọa lạc.
Các sự kiện hôm Chủ Nhật phản ánh môi trường chính trị áp lực vốn đã kích khởi làn sóng di cư sang Anh và các nước khác cũng như mâu thuẫn sâu sắc giữa những người dân đã tích cực tham gia vào nền chính trị địa phương.
Một lễ kỷ niệm đã được tổ chức tại Đài Bắc, thủ phủ của đảo dân chủ tự trị Đài Loan, nơi mà ĐCSTQ tuyên bố là lãnh thổ của mình và có thể bị thôn tính bằng vũ lực. Hơn 500 người tham dự đã thắp nến, nghe các bài diễn văn, và hô vang các khẩu hiệu dưới một cơn mưa nặng hạt.
Ông Hoàng Quốc Tài (Kacey Wong), một nghệ sĩ nằm trong số rất nhiều cư dân Hồng Kông đã chuyển đến hòn đảo này, cho biết hơn 30 năm tưởng niệm các cuộc biểu tình năm 1989 đã khiến hoạt động này trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống.
Ông Hoàng cho biết một người bằng hữu là một nghệ sĩ, ông Trần Thức Sâm (Sanmu Chen), đã bị giam giữ cùng với những người khác khi đang cố gắng tổ chức một buổi biểu diễn đường phố tại Vịnh Đồng La ở Hồng Kông.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times