Trung Quốc: Mở rộng các biện pháp kiềm chế COVID-19 làm dấy lên sự phản đối trong dân chúng
BẮC KINH — Hôm thứ Sáu (25/11), sự tức giận đã nhen nhóm trong dân chúng và các nhóm kinh doanh ở Trung Quốc vì các biện pháp kiềm chế nhằm kiểm soát COVID-19 chặt chẽ hơn nữa khi nước này ghi nhận một số ca nhiễm bệnh hàng ngày cao kỷ lục khác chỉ vài tuần sau khi khởi lên chút hy vọng rằng các biện pháp sẽ được nới lỏng.
Sự gia tăng trở lại của các ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc, với 32,695 ca nhiễm mới tại địa phương đã được ghi nhận vào hôm thứ Năm (24/11) khi nhiều thành phố báo cáo các đợt bùng phát, đã dẫn đến các đợt phong tỏa trên diện rộng và các biện pháp kiềm chế khác đối với việc di chuyển và làm ăn kinh doanh, cũng như những phản ứng tiêu cực.
Số ca mắc COVID-19 thực tế có thể còn cao hơn nhiều. Dữ liệu về COVID-19 của Trung Quốc rất khó xác thực vì chính quyền cộng sản Trung Quốc thường xuyên giữ kín hoặc thay đổi thông tin.
Phản ứng với COVID-19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang gây ra những thiệt hại ngày càng lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc, và vào thứ Sáu, ngân hàng trung ương của nước này đã thực hiện một hành động hỗ trợ được nhiều người dự đoán, đó là cắt giảm lượng tiền mặt mà các ngân hàng phải dự trữ. Điều này khiến 500 tỷ nhân dân tệ (69.8 tỷ USD) thanh khoản dài hạn được đưa vào thị trường.
Trong lúc các ca bệnh gia tăng đã thúc đẩy phản ứng ngày càng căng thẳng theo cách tiếp cận zero COVID hà khắc của Trung Quốc, việc công bố 20 biện pháp đã gây ra sự hoang mang và bất ổn trên diện rộng ở các thành phố lớn, trong đó có Bắc Kinh, nơi nhiều cư dân bị cách ly tại nhà.
‘Anh hùng Trùng Khánh’
Nhiều nhà phân tích dự đoán rằng việc nới lỏng đáng kể các biện pháp kiềm chế virus corona sẽ chỉ diễn ra sớm nhất từ tháng Ba hoặc tháng Tư tới.
Tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới ở trung tâm thành phố Trịnh Châu, hơn 20,000 nhân công mới tuyển vào đã phải rời đi sau tình trạng bất ổn về nhân công liên quan đến COVID trong tuần này, khiến sản lượng tại nhà máy của Foxconn, nhà cung cấp của Apple tại Trung Quốc, tiếp tục suy giảm.
Nhiều người đã chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc phát ngôn của một người đàn ông ở thành phố Trùng Khánh vùng tây nam kêu gọi ĐCSTQ thừa nhận sai lầm về chính sách COVID-19.
Theo đoạn video mà Reuters xem được, một người đàn ông đeo kính đang nói say sưa với những cư dân trong hôm thứ Năm, “Hãy cho tôi tự do, nếu không thì kết liễu tôi đi.”
“Trên đời này chỉ có một thứ bệnh tật, đó là vừa nghèo vừa mất tự do,” anh nói thêm. “Giờ thì chúng ta đã có cả hai. Chỉ là chúng ta đang vật lộn và chịu đựng một chút xíu bệnh cảm lạnh mà thôi.”
Sau đó người này đã được nhân viên an ninh áp tải vào xe cảnh sát, khiến những người đứng xem quát tháo một cách giận dữ.
Các hashtag liên quan đến người đàn ông mà cư dân mạng gọi là “gia huynh siêu nhân của Trùng Khánh” hay “anh hùng Trùng Khánh” đã bị kiểm duyệt vào hôm thứ Sáu. Nhưng người dùng cá nhân vẫn tiếp tục thể hiện sự ủng hộ bằng cách đăng những thông điệp tinh tế hoặc hình ảnh hoạt hình về anh.
Còn các cách tiếp cận khác thì sao?
Khi tình trạng phong tỏa khiến nhiều người gặp khó khăn hơn, một số người đang đề nghị các phương pháp thay thế. Tại Bắc Kinh, cư dân của một số khu nhà đã chia sẻ trên WeChat các đề nghị rằng những người hàng xóm mắc bệnh có thể được cách ly tại nhà như thế nào nếu họ không có các triệu chứng nghiêm trọng.
Không rõ liệu những sáng kiến như vậy có thành công hay không.
Các thông báo liệt kê những trường hợp nào mà nhân viên y tế có quyền đưa một người ra khỏi nhà cũng được lan truyền trên mạng, nhằm giáo dục người dân về quyền của họ nếu được yêu cầu đưa đến trung tâm cách ly.
Nhà kinh tế cao cấp Louise Loo của Oxford Economics cho biết có tin tức rằng công chúng ở khắp các tỉnh thành ngày càng bất mãn về các đợt phong tỏa một phần hoặc toàn bộ, như trường hợp trong đợt đại bùng phát hồi tháng Tư vừa qua, mặc dù những điều này “chưa phản ánh qua hành động tập thể quy mô lớn.”
Bà Loo viết: “Như trước đây, chúng tôi dự đoán rằng các quan chức có thể sẽ phản ứng nhanh chóng để ngăn chặn nguy cơ xã hội của các cuộc biểu tình leo thang, thông qua việc kết hợp các biện pháp kiểm soát thông tin mạnh tay hơn hoặc nới lỏng dần các hạn chế.”
Đợt bùng phát hồi tháng Tư vừa qua đã tập trung ở Thượng Hải, còn các cụm ca nhiễm đợt này là rất nhiều và dàn trải.
Thành phố Quảng Châu ở phía nam và Trùng Khánh ở tây nam đã ghi nhận đa phần các ca mắc bệnh, trong lúc đó, các thành phố như Thành Đô, Tế Nam, Lan Châu, Tây An, và Vũ Hán ghi nhận hàng trăm ca nhiễm mới mỗi ngày. Bắc Kinh đã báo cáo 1,860 ca nhiễm hôm thứ Năm.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times