Các cuộc biểu tình của Trung Quốc phản đối phong tỏa lan rộng ra ngoại quốc
Những người biểu tình từ các quốc gia khác nhau đã tham gia để thể hiện sự ủng hộ đối với các cuộc biểu tình phản đối các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ngừa đại dịch COVID-19 và các biện pháp hà khắc khác của chế độ cộng sản Trung Quốc vốn đã làm rung chuyển nước này.
Các cuộc biểu tình ở Trung Quốc nổ ra sau khi ít nhất 10 người ở thành phố Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi), Tân Cương, đã thiệt mạng một cách kinh hoàng do cháy chung cư. Những nhân viên cứu hộ đã không thể đến hiện trường đúng giờ vì các chốt chặn và rào chắn do COVID-19 khắp nơi trong toàn bộ khu dân cư. Sau khi đoạn video về vụ hỏa hoạn được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, vụ việc đã làm giấy lên sự phẫn nộ. Tại Urumqi, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra hôm 25/11, với việc người dân yêu cầu dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Các nhà chức trách đã tuyên bố nới lỏng các hạn chế vào ngày hôm sau.
Theo Reuters, để thể hiện sự hiệp trợ với các cuộc biểu tình ở Trung Quốc, các cuộc biểu tình và cầu nguyện quy mô nhỏ đã được tổ chức tại các thành phố trên khắp thế giới, trong đó có Sydney, London, Paris, và Tokyo. Các nhà bất đồng chính kiến và sinh viên ngoại quốc đã tổ chức những cuộc biểu tình này.
Tại lãnh sự quán Trung Quốc ở London, hàng ngàn sinh viên quốc tế đã tề tựu để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ hỏa hoạn Urumqi, hô vang những khẩu hiệu như “ĐCSTQ hãy hạ đài” và “Tập Cận Bình hãy từ chức.” Tại Tokyo, người dân tập trung tại nhà ga xe lửa Shinjuku để phản đối chính quyền Trung Quốc.
Tại Thượng Hải, hàng trăm người biểu tình đã tập trung trên một con đường vào cuối ngày thứ Bảy (26/11), thắp nến và cầu nguyện cho những người thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn. Một số người kêu gọi chính phủ phải xin lỗi công khai về những ca tử vong này.
Một người dân tộc Duy Ngô Nhĩ nói với AP, “Ai cũng đều nghĩ rằng người Trung Quốc sợ phải ra ngoài để biểu tình, rằng họ không có dũng khí gì hết.”
“Thực ra trong thâm tâm tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng sau đó khi tôi đến đó, tôi thấy rằng với môi trường như thế thì mọi người ở đó đã rất can đảm.”
Hôm Chủ Nhật (27/11), các cuộc biểu tình lại nổ ra ở Thượng Hải một lần nữa, với việc người dân yêu cầu chấm dứt xét nghiệm PCR và nhất định yêu cầu quyền tự do cơ bản của họ.
Trong các video từ những nơi như Quảng Châu, Nam Kinh, và những nơi khác, người ta thấy những người biểu tình chống lại cảnh sát và tháo dỡ các chướng ngại vật. Được biết, các cuộc biểu tình đã được tổ chức tại 50 trường đại học tại Bắc Kinh.
Tại trường đại học Thanh Hoa, ngôi trường cũ của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, khoảng 2,000 sinh viên đã kêu gọi “quyền tự do ngôn luận” và yêu cầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát COVID-19.
Người biểu tình nêu ra nhiều vấn đề
Một số cuộc biểu tình hiệp trợ được tổ chức ở ngoại quốc cũng tập trung vào các vấn đề nhân quyền khác. Trong các cuộc biểu tình ở London, những người biểu tình đã hô vang các khẩu hiệu, “Sát cánh với Tân Cương,” “Ủng hộ Tây Tạng,” “Sát cánh với Hồng Kông,” “Ủng hộ Đài Loan,” “Chống lại chế độ độc tài,” và “Chống lại bạo lực.”
Tuy nhiên, một số người biểu tình muốn tập trung vào vụ hỏa hoạn ở Urumqi và các biện pháp hạn chế COVID-19. Một người tổ chức cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch vào thứ Hai (28/11) ở New York nói với Reuters rằng cuộc biểu tình này sẽ tránh các vấn đề như việc giam giữ người Duy Ngô Nhĩ và nền độc lập của Đài Loan.
“Chúng tôi đã nói chuyện với một số nhà hoạt động từ Đài Loan và Tân Cương … Chúng tôi đã đồng ý kiềm chế (điều đó),” ông nói. “Chúng tôi biết điều đó có thể khiến nhiều người không tham gia cuộc biểu tình.”
Trong khi đó, cảnh sát Trung Quốc cũng đang đàn áp báo chí. Tại Thượng Hải, một ký giả của BBC đã bị các sĩ quan cảnh sát đánh đập và bị bắt giữ trong thời gian ngắn vì đưa tin về những cuộc biểu tình này.
Theo BBC, cảnh quay trên mạng xã hội cho thấy một số sĩ quan cảnh sát túm lấy ký giả Ed Lawrence và đè anh xuống đất. Các hãng truyền thông tuyên bố rằng các sĩ quan đã đá ký giả này sau đó còng tay và đưa anh đi.
BBC cho biết trong một tuyên bố, “Rất đáng lo ngại khi một trong những ký giả của chúng tôi bị tấn công theo cách này khi đang thực hiện nhiệm vụ của mình. Chúng tôi không nhận được lời giải thích hay lời xin lỗi chính thức nào từ các nhà chức trách Trung Quốc, ngoài một tuyên bố của các quan chức sau đó đã thả anh ấy rằng họ đã bắt giữ anh vì lợi ích của chính anh phòng khi anh bị lây nhiễm Covid từ đám đông.”
Trong một lần đưa tin về những cuộc biểu tình này, một ký giả của đài truyền hình quốc gia RTS của Thụy Sĩ đã bị ba cảnh sát bao vây.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times