Trung Quốc thắt chặt an ninh sau các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối các chính sách COVID hà khắc
Chính quyền Trung Quốc đã siết chặt an ninh ở một số thành phố sau các cuộc biểu tình lớn bùng phát trên khắp đất nước vào cuối tuần qua. Những cuộc biểu tình này là một hành động hiếm hoi thể hiện sự phản đối chính sách zero-COVID hà khắc của Bắc Kinh, chính sách đã làm đảo lộn cuộc sống thường nhật trong ba năm qua.
Hôm thứ Hai (28/11), cảnh sát đã chặn và khám xét người dân tại các địa điểm biểu tình cuối tuần qua ở Thượng Hải và Bắc Kinh, sau khi đám đông ở đó và ở các thành phố khác của Trung Quốc đã xuống đường trong cuộc biểu tình công khai lớn nhất để phản đối Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong nhiều thập niên.
Sự bất tuân quy mô lớn của công chúng, trong đó những người biểu tình kêu gọi lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình từ chức, đặt ra một thách thức lớn đối với ông Tập, người đã đích thân ủng hộ phương pháp zero-COVID, kêu gọi xét nghiệm hàng loạt, truy vết tiếp xúc và phong tỏa kéo dài.
Không có dấu hiệu của các cuộc biểu tình mới trong ngày 28/11 ở Bắc Kinh hay Thượng Hải, nhưng hàng chục cảnh sát đã có mặt tại các khu vực diễn ra biểu tình.
Người dân và người dùng mạng xã hội cho biết cảnh sát đã yêu cầu mọi người đưa điện thoại của họ để kiểm tra xem họ có mạng riêng ảo (VPN) và ứng dụng Telegram, vốn đã được những người biểu tình sử dụng vào cuối tuần, hay không. VPN là bất hợp pháp đối với hầu hết mọi người ở Trung Quốc, trong khi ứng dụng Telegram bị chặn khỏi Internet của Trung Quốc.
Sự phẫn nộ của công chúng
Làn sóng phẫn nộ bùng lên sau vụ hỏa hoạn gây thương vong vào tuần trước ở Urumqi (Ô Lỗ Mộc Tề), thủ phủ của khu vực miền tây bắc Tân Cương, một số khu vực đã bị phong tỏa trong hơn ba tháng.
Các bài đăng trên mạng xã hội trực tuyến trên khắp đất nước và cư dân Trung Quốc đã qui trách nhiệm cho các hạn chế nghiêm ngặt về COVID-19 khiến ít nhất 10 người thiệt mạng, nói rằng các hạn chế này đã cản trở việc thoát khỏi tòa nhà đang bị hỏa hoạn và làm trì hoãn các nỗ lực cứu hộ, một cáo buộc đã bị các quan chức địa phương bác bỏ.
Đối với nhiều người Trung Quốc khác, những người đã phải chịu đựng các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt trong ba năm qua, thảm kịch này có cảm giác như đang cận kề.
“Với những hạn chế như vậy — niêm phong cửa nhà của mọi người và nhốt họ trong lửa — mọi người đều lo lắng rằng [nạn nhân] tiếp theo có thể là chính họ. Ai không sợ chứ?” Một người đàn ông sống ở Bắc Kinh nói với The Epoch Times hôm 28/11. Ông không muốn tiết lộ danh tính vì sợ bị trả thù.
Để tưởng nhớ các nạn nhân, người dân đã mang theo hoa và thắp nến, tập trung tại Thượng Hải và các thành phố khác vào cuối tuần qua. Các buổi thắp nến cầu nguyện cũng diễn ra trong khuôn viên các trường đại học trên cả nước, từ thành phố Vũ Hán ở miền trung đến Thành Đô ở phía nam.
Các cuộc biểu tình đã nổ ra ở ít nhất 10 thành phố vào cuối tuần qua. Vào cuối ngày Chủ Nhật, nhiều người vẫn tập trung tại đường Nguyên Nhai của Thượng Hải, yêu cầu chính quyền thả người biểu tình, một người đàn ông sống gần đó nói với The Epoch Times.
‘Đả đảo Đảng Cộng sản!’
Tại Thượng Hải, đám đông đã mở rộng yêu cầu của họ bằng cách kêu gọi chấm dứt sự cai trị của ĐCSTQ và ông Tập Cận Bình, người đã nói rõ rằng đất nước sẽ tuân theo phương pháp zero-COVID trong một cuộc họp chính trị lớn hồi tháng trước.
“Đả đảo Đảng Cộng sản! Tập Cận Bình, hãy từ chức đi!” Mọi người lặp lại các khẩu hiệu, theo các video trực tuyến và những người tham dự.
Đầu năm nay, thành phố 21 triệu dân này đã phải chịu đợt phong tỏa kéo dài hai tháng, dẫn đến việc người dân không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế, thực phẩm và vật dụng.
Việc công khai thể hiện sự phẫn nộ đối với nhà lãnh đạo ĐCSTQ cũng như bản thân Đảng như vậy là chưa từng có kể từ các cuộc biểu tình rầm rộ ở Quảng trường Thiên An Môn của Bắc Kinh năm 1989. Khi hàng chục ngàn sinh viên đại học tập trung tại trung tâm thủ đô của Trung Quốc ba thập niên trước để kêu gọi dân chủ và cải cách, ĐCSTQ đã cử xe tăng và quân đội để đè bẹp những người biểu tình trẻ tuổi này.
Một số người Trung Quốc hy vọng rằng động lực của phong trào này sẽ tiếp tục.
“Tôi hy vọng sẽ có nhiều cuộc biểu tình hơn nữa. Một tia lửa duy nhất có thể gây ra đám cháy trên thảo nguyên,” một cư dân Thượng Hải họ Mã cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại hôm Chủ Nhật (27/11), đề cập đến một khẩu hiệu phổ biến mà nhà lãnh đạo đầu tiên của chế độ Trung Quốc Mao Trạch Đông đã sử dụng để mô tả cách các phong trào chính trị của ĐCSTQ lan rộng khắp đất nước.
Các nhà chức trách giữ im lặng
Kể từ thứ Hai (28/11), truyền thông nhà nước Trung Quốc vẫn giữ im lặng về các cuộc biểu tình cuối tuần. Các quan chức cấp cao của ĐCSTQ cũng im lặng.
Các cuộc biểu tình trên toàn quốc diễn ra chỉ một tháng sau khi ông Tập siết chặt sự kiểm soát của ông đối với Đảng và đất nước tại Đại hội Đảng lần thứ 20. Để bảo đảm cho một nhiệm kỳ thứ ba kỷ lục, ông Tập đã đưa các đồng minh của mình, bao gồm ông Lý Cường (Li Qiang), cựu Bí thư Thành ủy Thượng Hải, người giám sát việc phong tỏa thành phố hai tháng đầu năm nay, vào cơ quan ra quyết định hàng đầu của ĐCSTQ.
Khi được hỏi về tình trạng bất ổn lan rộng vào thứ Hai, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói với các phóng viên rằng: “Những gì quý vị đề cập không phản ánh những gì thực sự đã xảy ra”, đồng thời nói thêm rằng ĐCSTQ sẽ chủ trì một cuộc chiến “thành công” chống lại COVID-19.
Tối Chủ Nhật, hàng trăm cư dân Bắc Kinh đã tập trung tại cầu Lượng Mã, cầm tờ giấy trắng để bày tỏ sự phản đối. Những chiếc xe hơi đi ngang qua bấm còi để thể hiện sự ủng hộ, video trực tuyến và cảnh quay cho thấy.
“Chúng tôi không muốn đeo khẩu trang, chúng tôi muốn tự do!” Người biểu tình hô vang. “Chúng tôi không muốn xét nghiệm COVID, chúng tôi muốn tự do!”
Tại một cuộc biểu tình khác ở thủ đô vào tối Chủ Nhật, người dân hô vang: “Chúng tôi không muốn những hạn chế. Chúng tôi muốn sống!”
Tại Vũ Hán, thành phố của Trung Quốc, nơi khởi phát đại dịch, hàng ngàn cư dân, chủ yếu là chủ các cửa hàng, đã xuống đường hôm Chủ Nhật. Mọi người đã phá vỡ các rào cản mà các quan chức sử dụng để hạn chế việc di chuyển của họ. Không giống như các thành phố khác, nguyên nhân gây ra tình trạng bất ổn không phải do vụ hỏa hoạn ở Tân Cương, mà là do các đợt phong tỏa lặp đi lặp lại mà các chủ cửa hàng cho rằng đã gây tổn hại cho hoạt động kinh doanh của họ, một phụ nữ điều hành một cửa hàng vải đã chứng kiến cảnh tượng đó nói với The Epoch Times.
Ký giả Ed Lawrence của BBC “đã bị bắt và còng tay khi đưa tin về các cuộc biểu tình ở Thượng Hải”, phát ngôn viên của kênh này cho biết trong một tuyên bố hôm Chủ Nhật. Đài truyền hình Anh Quốc cho biết họ “vô cùng lo ngại” về cách đối xử với ông Lawrence, người đã bị “đánh và đá” trong vụ bắt giữ này.
Khi được hỏi về vụ việc tại cuộc họp báo hôm thứ Hai, ông Triệu tuyên bố rằng ký giả của BBC đã không tiết lộ danh tính của mình vào thời điểm đó, mặc dù ông Triệu đã thừa nhận vụ bắt giữ này.
Một số nới lỏng
Các quan chức địa phương ở một số thành phố đã nới lỏng một số hạn chế từ thứ Hai.
Quảng Châu, một trung tâm sản xuất ở miền nam Trung Quốc, đã loại bỏ các yêu cầu xét nghiệm bắt buộc ở bảy quận, cho phép những người đã ở nhà trong một thời gian dài, chẳng hạn như sinh viên tham gia các khóa học trực tuyến và nhân viên làm việc từ xa, không phải xét nghiệm axit nucleic, theo Thời báo Hoàn Cầu đưa tin .
Các quan chức thành phố phụ trách công tác phòng chống đại dịch của Bắc Kinh cho biết hôm thứ Hai rằng họ sẽ không chặn cửa các tòa nhà chung cư và sẽ để các lối thoát hiểm thông thoáng. Họ không đề cập đến thảm kịch ở Tân Cương châm ngòi cho các cuộc biểu tình cuối tuần qua.
Nhưng những người sống ở thủ đô cho biết họ vẫn đang phải sống dưới những hạn chế khắc nghiệt. Một cư dân Bắc Kinh họ Quách cho biết chính quyền địa phương đột ngột phong tỏa khu dân cư của anh ở quận Hải Điến hôm Chủ Nhật, mặc dù không có ca nhiễm mới nào được ghi nhận ở đây.
“Làm sao họ có thể đột ngột niêm phong cửa của chúng tôi mà không có bất kỳ thông báo trước nào? Chúng tôi thậm chí không thể có được nhu yếu phẩm hàng ngày của mình. Làm thế nào chúng tôi có thể hợp tác phòng chống COVID?” người đàn ông giận dữ nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với The Epoch Times.
“Nếu họ [các quan chức] tiếp tục như vậy, người dân sẽ khó mà sống sót. Sau đó, họ chắc chắn sẽ nổi dậy.”
Gợn sóng lan khắp thế giới
Hưởng ứng tiếng nói trong nước, những người biểu tình Trung Quốc ở Tokyo đã tập trung tại nhà ga xe lửa Shinjuku đông đúc, cầm tờ giấy trắng, kêu gọi Đảng và ông Tập Cận Bình từ chức. Tại London, những người biểu tình, chủ yếu ở độ tuổi 20 và 30, đã tập trung bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc vào cuối ngày Chủ Nhật. Hơn một ngàn người đã tham dự để công khai bày tỏ sự tức giận của họ đối với lãnh đạo Đảng, những người tham gia nói với The Epoch Times.
Các nhà quan sát ở hải ngoại hiện đang theo dõi sát sao ông Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo quyền lực nhất của đất nước kể từ thời Mao Trạch Đông, sẽ phản ứng thế nào với thách thức khó khăn này xuất hiện không lâu sau khi ông giành được nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ này.
Tuy nhiên, các nhà quan sát không mong đợi sự đảo ngược của chính sách zero-COVID, mà ĐCSTQ và ông Tập đã coi đó là một phương pháp ưu việt so với cách ứng phó với đại dịch của phương Tây.
Những lo ngại này đã được phản ánh trên thị trường toàn cầu hôm thứ Hai, với chứng khoán Trung Quốc và đồng nhân dân tệ giảm mạnh.
“Nếu ông Tập quyết định tiếp tục [với cách tiếp cận zero-COVID], thì đó sẽ là một canh bạc đối với số phận của ĐCSTQ và đất nước,” ông Trịnh Húc Quang (Zheng Xuguang), một cựu lãnh đạo sinh viên trong cuộc biểu tình năm 1989 hiện đang sống ở Hoa Kỳ, cho biết.
Ông nói thêm rằng: “Liệu làn sóng kháng cự mới nhất có thể thành công hay không phần lớn phụ thuộc vào phản ứng của các quan chức cao cấp trong quân đội và [ĐCSTQ]”.
Bản tin có sự đóng góp của Lạc Á, Hồng Ning và Reuters
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times