Trung Quốc: Bệnh viện chật kín trong bối cảnh các biến thể COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác tăng cao
Truyền thông xã hội Trung Quốc tràn ngập các thông tin tham khảo về việc bị “dương tính lần hai hoặc lần ba” với COVID-19.
Số trường hợp nhiễm biến thể COVID-19 được đưa tin là đang gia tăng ở Trung Quốc, cùng với số lượng các ca bệnh truyền nhiễm khác gia tăng, khiến các bệnh viện chật kín chỗ.
Truyền xã hội Trung Quốc tràn ngập các thông tin tham khảo về việc bị “dương tính lần hai hoặc lần ba” với COVID-19 khi cư dân mạng chia sẻ các kinh nghiệm tái nhiễm loại virus này, hầu hết là nhiễm biến thể mới EG.5 (Eris).
Theo Cục Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ nhiễm EG.5 gia tăng từ 0.6% vào tháng Tư lên tới 71.6% vào tháng Tám và trở thành một bệnh dịch chiếm tỷ lệ cao nhất ở tất cả các tỉnh thành.
Cô Lý Mai (Li Mei, bí danh) là một trong những người nhiễm bệnh tại thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh, đã chia sẻ với The Epoch Times hôm 10/09 về quá trình cô bị nhiễm virus.
Khi đi làm về hôm 08/08, cô Lý, nhân viên của một doanh nghiệp quốc doanh, cảm thấy khó thở khi lên cầu thang, vì vậy cô đã nhờ chồng đưa đến bệnh viện để thở oxy.
Tại Bệnh viện số 3 của thành phố, cô Lý đã ngạc nhiên khi nhìn bức ảnh chụp quét lớp CT phổi của mình. Cô cho biết các bác sĩ cho cô thấy một phần ba lá phổi của cô đã trở thành “phổi trắng.”
“Đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy bản thân rất cận kề bờ vực sinh tử. Tôi thật may mắn vì giữ được tính mạng,” cô nói và cho biết thêm cô không ngờ lại bị phổi trắng khi không bị sốt.
Cô Lý đã nằm lại bệnh viện nửa tháng do hệ miễn dịch yếu, tốn kém 4,000 nhân dân tệ (khoảng 550 USD). Cô cũng nhờ các mối quan hệ để mua thuốc nhập cảng với giá cao, tốn hơn 8,000 nhân dân tệ (khoảng 1,100 USD).
Cô cho biết, so với các bệnh nhân khác dùng đến cả trăm ngàn nhân dân tệ nhưng có người vẫn tử vong sau khi hao tốn tiền của, thì cô chi tiêu tương đối ít.
Theo như cô Lý, thuốc nhập cảng (Pfizer) không thể tìm thấy trên thị trường mà chỉ có sẵn ở các bệnh viện cấp tỉnh. Cuối cùng cô phải mua thuốc thông qua một người thân làm việc ở khoa hô hấp của bệnh viện tỉnh.
Cô cũng đã mua thuốc tăng cường hệ miễn dịch γ-globulin (một hỗn hợp globulin miễn dịch ở người). Vào giai đoạn đỉnh điểm của dịch bệnh, γ-globulin có giá hàng chục ngàn nhân dân tệ một lọ, trong khi giá lúc đầu là 650 nhân dân tệ (khoảng 89 USD) một lọ.
Cô Lý cho biết khi cô nằm viện, bệnh viện chật kín bệnh nhân và phòng chăm sóc đặc biệt bị quá tải. Cô biết có hai người đã qua đời vì COVID-19, trong đó một người là nam thanh niên ở độ tuổi 30.
Cô kể rằng có một cụ già bị chuyển tới lui giữa bệnh viện tỉnh và bệnh viện thành phố nhưng cuối cùng thì quay lại bệnh viện mà cô nằm, tuy nhiên bệnh viện này từ chối tiếp nhận vì không muốn tỷ lệ tử vong ở bệnh viện tăng lên.
Viêm phổi ở trẻ em
Theo trang web chính thức của thành phố Khai Bình, tỉnh Quảng Đông, tỷ lệ mắc bệnh viêm phổi mycoplasma ở Quảng Đông, Phúc Kiến, và các tỉnh phía nam đã gia tăng đáng kể sau mỗi năm.
Viêm phổi mycoplasma là một căn bệnh truyền nhiễm phổi cấp tính, với hầu hết bệnh nhân là trẻ em. Các ca nghiêm trọng còn phải dùng đến phương pháp rửa phổi — còn gọi là phương pháp rửa phế quản-phế nang.
Hôm 11/09, cô Lưu Dung (bí danh), nhập viện cùng với cậu con trai bốn tuổi ở Bệnh viện Đồng Tế tại Vũ Hán, đã nói với The Epoch Times rằng tình trạng của con trai cô không quá nghiêm trọng, trong khi những đứa trẻ khác mắc bệnh nặng cần phải được rửa phổi.
Cô cho biết: “Hiện tại có quá nhiều bệnh nhân đến nỗi chúng tôi phải chờ vài ngày mới có giường.”
Trang web của một bệnh viện tại thành phố Tô Châu cũng cho biết từ tháng Bảy đến tháng Tám, khoa nhi của bệnh viện chật kín bệnh nhân, hầu hết là trẻ em nhập viện mắc viêm phổi do vi khuẩn mycoplasma, đặc biệt là viêm phổi thùy.
“Trước đây, tỷ lệ nhiễm mycoplasma cao vào mùa thu và mùa đông, nhưng năm nay, bệnh lại xuất hiện sớm trong mùa hè, và bùng phát dữ dội hơn, tăng mạnh hơn qua mỗi năm,” trang web cho biết.
“Đặc điểm của dịch bệnh viêm phổi do vi khuẩn mycoplasma lần này khác với những năm trước đây — diễn biến bệnh kéo dài, tiến triển nhanh, và hầu hết là viêm phổi thùy,” trang web chia sẻ.
Cô Phương Hoa (bí danh) đến từ tỉnh Hà Nam cho biết đứa con trai ba tuổi của cô bị sốt từ ngày 10/08, sau đó được chẩn đoán viêm phổi thùy. Sau khi điều trị nội trú tại bệnh viện huyện trong tám ngày nhưng không có chuyển biến khả quan và bị sốt không thuyên giảm, cậu bé đã được chuyển sang phòng chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện Nhân dân Tam Môn Hiệp và được điều trị ở đây cho đến ngày 02/09.
Cậu bé đã trải qua ba lần rửa phổi, mỗi lần tốn 2,000 nhân dân tệ (khoảng 280 USD) để đối phó với cơn sốt.
“Có rất nhiều ca viêm phổi tại bệnh viện của chúng tôi, và rất nhiều trong số đó là viêm phổi thùy, vốn là căn bệnh khó chữa,” cô chia sẻ với The Epoch Times hôm 09/09.
“Tiến hành rửa phổi sẽ gây chấn thương, nhưng vẫn cần phải làm. Nếu không làm, thì đứa trẻ sẽ không thể khỏe hơn. Không có cách nào khác.”
Bác sĩ cũng nói với cô Phương rằng hệ miễn dịch của con cô quá yếu và đề nghị cô tìm cách mua γ-globulin, loại thuốc khiến cô phải bỏ ra hơn 3,000 nhân dân tệ (khoảng 411 USD).
Sau đó, bác sĩ nói rằng các loại thuốc do nội địa sản xuất không có tác dụng với con cô nữa và họ cần phải dùng đến thuốc nhập cảng.
Cô Phương đã nhờ đến tất cả mối quan hệ của mình nhưng cũng không thể mua được thuốc nhập cảng. Cô nói rằng nếu cô muốn dùng thuốc nhập cảng, thì cậu bé sẽ phải được chuyển đến một bệnh viện tỉnh.
Sau khi cân nhắc các loại chi phí y tế đắt đỏ, cô đã phải bỏ cuộc nhưng may mắn thay, con trai cô ngày càng khỏe hơn.
Trong thời gian con cô điều trị tại bệnh viện, cô Phương đã bị lây bệnh viêm phổi. Để tiết kiệm chi phí, cô đã không nằm viện mà chỉ truyền nước ngoại trú trong vòng bảy ngày.
“Không còn cách nào khác,” cô thốt lên. “Nếu phải tốn nhiều tiền hơn cũng được thôi, miễn là con tôi khỏe mạnh là được.”
Dịch bệnh do virus Adeno ở Quảng Châu
Adeno là một loại virus gây bệnh phổ biến có thể lây truyền qua giọt bắn, tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi miệng của bệnh nhân, hoặc tiếp xúc với thực phẩm hoặc nước có virus.
Trẻ em và người cao niên dễ bị nhiễm virus này nhất. Trường học, bệnh viện, và các chỗ tụ tập đông người khác là những nơi phổ biến mà virus có thể phát tán. Virus Adeno có thể gây ra các triệu chứng về hô hấp như ho, chảy nước mũi, và đau họng.
Cô Hoàng Kiệt, nhập viện cùng con tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Châu, cho biết vài ngày trước, con trai ba tuổi của cô bị sốt 40 độ C kèm theo ho dữ dội và đã nhập viện được năm ngày.
Thể trạng của bản thân cô cũng không được tốt, hơn nữa còn bị sốt và ho.
“Hiện tại đang là mùa cao điểm của virus adeno. Các giường bệnh đều đã được lấp đầy,” cô cho biết.
Lần đầu tiên có trường hợp nhiễm đậu mùa khỉ ở nữ giới
Theo công bố của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc ngày 08/09, số lượng ca nhiễm virus đậu mùa khỉ hồi tháng Tám đã vượt quá 500, và những ca nhiễm bệnh ở nữ giới đã xuất hiện lần đầu tiên.
Trung Quốc ghi nhận 501 ca nhiễm đậu mùa khỉ mới tại 25 tỉnh thành (các khu tự trị và các thành phố trực thuộc trung ương), bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông, Chiết Giang, Hà Nam, và Trùng Khánh.
Theo công bố, 98.9% số ca nhiễm là nam giới, và 92.5% được nhận dạng là nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.
Năm ca trong số đó là nữ giới, và đều đã có quan hệ tình dục với người khác giới trong vòng 21 ngày trước khi phát bệnh.
Đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết Dengue lan rộng
Sốt xuất huyết Dengue (còn gọi là sốt break-bone) cũng đã bùng phát ở tỉnh Vân Nam và tỉnh Hải Nam, cùng với hoạt động diệt trừ muỗi trên quy mô lớn của nhiều chính quyền địa phương.
Dengue là một loại bệnh truyền nhiễm do virus, lây lan từ muỗi qua người và phổ biến hơn ở các vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Hầu hết những người nhiễm sốt xuất huyết Dengue đều không có triệu chứng. Đối với những người có triệu chứng, thì thường hay gặp nhất là sốt cao, đau đầu, toàn thân đau nhức, buồn nôn, và phát ban.
Hầu hết các bệnh nhân đều hồi phục trong vòng một đến hai tuần, nhưng một số ca Dengue có thể trở nên nghiêm trọng và dẫn đến tử vong.
Hôm 05/09, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh dịch tỉnh Hải Nam cảnh báo những ca sốt xuất huyết Dengue nghiêm trọng đã được tìm thấy ở Trung Quốc. Hôm 12/09, Cơ quan Sức khỏe Ái quốc Hải Khẩu, thủ phủ của tỉnh, thông báo rằng thành phố sẽ cần thực hiện ba đợt kiểm soát muỗi từ ngày 12 đến ngày 29/09.
Hôm 01/09, những nhân viên y tế tại thành phố Cảnh Hồng, tỉnh Vân Nam, chia sẻ với The Epoch Times rằng bệnh viện đã quá tải với 100 đến 200 lượt bệnh nhân mỗi ngày do dịch sốt xuất huyết Dengue.
Các nhân viên chăm sóc sức khỏe nhấn mạnh rằng sốt xuất huyết Dengue cần phải được điều trị tại bệnh viện, vì bệnh này nguy hiểm hơn COVID-19, và đã có nhiều trường hợp tử vong.
“Tôi biết các trường hợp tử vong ở những người từ hai đến 60 tuổi. Hai cụ cao niên và một đứa trẻ,” ông Vương Khải (bí danh), một cư dân của khu tự trị Tây Song Bản Nạp, từng mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue, đã chia sẻ với The Epoch Times hôm 01/09.
Tuệ Chân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times