Tội phạm buôn người ở Trung Quốc bán chính con ruột của mình
Gần đây, một phụ nữ ở Hoa lục đã bị bắt giữ vì tội bắt cóc 11 trẻ em trong ba năm. Theo đó, người này đã bán chính con ruột của mình trong lần phạm tội đầu tiên.
Theo lời khai, người phụ nữ này tên là Dư Hoa Anh (Yu Huaying), sinh năm 1963, quê ở huyện Hạc Khánh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Bà Dư sinh trưởng trong gia cảnh nghèo khó, là con út trong gia đình có bốn anh chị em, học đến lớp hai thì phải nghỉ học đi làm. Bà khai nhận, vụ án đầu tiên là bán chính người con ngoài giá thú của mình, và đến nay vẫn chưa tìm lại được đứa trẻ.
Chỉ vì lòng tham của mình mà từ năm 1993 đến năm 1996, bà Dư Hoa Anh cùng một người họ Cung (đã qua đời) đã bắt cóc tổng cộng 11 trẻ em ở tỉnh Quý Châu và thành phố Trùng Khánh, sau đó thực hiện giao dịch buôn người đến nhiều khu vực như thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc.
Bà Dư bị bắt sau khi một người phụ nữ tên là Dương Nữu Hoa (Yang Niuhua) tố cáo. 26 năm trước, cô Dương từng là một trong những nạn nhân bị bà Dư bắt cóc và bán đi khi cô mới chỉ năm tuổi. Hiện tại, tòa án đã kết án tử hình bà Dư.
Ngày 03/05/2021, cô Dương Nữu Hoa (31 tuổi) đăng một đoạn video lên mạng Internet để tìm người thân. Ngay ngày hôm sau, cô đã liên lạc được với gia đình trước đây của mình. Cô Dương trở về quê hương ở Quý Châu, nhưng tiếc thay cha mẹ cô đều đã qua đời vì quá thương nhớ cô. Vì vậy, cô Dương quyết định báo án. Chưa đầy một tháng sau, bà Dư Hoa Anh đã bị bắt.
Ông Lê Nghi Minh (Li Yiming), một người làm truyền thông, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng: “Các vùng nông thôn Trung Quốc rất nghèo khó. Những tội phạm buôn người này từ nhỏ đã sống trong cảnh đói nghèo, không được học hành nhiều, càng không nói đến các khái niệm về đạo đức. Đối với họ, họ có thể làm bất cứ điều gì miễn là có tiền. Về căn bản, họ không hiểu được thế nào là ‘thương thiên hại lý [nghĩa là tàn nhẫn; nhẫn tâm; không có tính người].’”
Ông nhận định: “Người dân Trung Quốc ngày nay đã bị cuộc tẩy não vô thần của ĐCSTQ hủy hoại. Nếu tâm một người vẫn còn niềm tin vào Thần Phật, thì dù họ nghèo khó đến đâu cũng sẽ không làm ra những chuyện như buôn người.”
Cô Tần Dao (Qin Yao, bí danh), cư dân thành phố Hợp Phì, tỉnh Giang Tô, là họ hàng của một nạn nhân của nạn buôn bán trẻ em. Hôm 22/09, cô chia sẻ với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times như sau: “20 năm trước, khi chú tôi đang làm việc ở một công trường xây dựng, thì dì tôi đưa em họ bốn tuổi đến mở một sạp hàng nhỏ trên thị trấn buôn bán. Nào ngờ, dì vừa quay người đi thì em họ đã biến mất. Hai cô chú chạy vạy mượn tiền người thân bạn hữu để đi khắp nơi tìm em họ, nhưng đều không tìm được. Cách đây vài năm, chú tôi đã qua đời trong một chuyến đi tìm con ở Trịnh Châu, còn dì trở về quê trong tình trạng sức khỏe rất kém, tinh thần không ổn định. [Việc em họ mất tích] đã khiến gia đình họ tan nát. Những kẻ buôn người thực sự cặn bã, phá hủy hết gia đình này đến gia đình khác.”
Hiện ĐCSTQ không thông báo số liệu thống kê chính thức mang tính quốc gia, và cũng không có hệ thống thông tin trên toàn quốc về số trẻ em mất tích. Truyền thông Hoa lục đưa tin cho hay, số trẻ em mất tích ở Trung Quốc lên đến 200,000 em mỗi năm, trung bình có khoảng 550 em mất tích mỗi ngày. Trong đó, gần 80% trẻ em mất tích do bị bắt cóc, xác suất tìm được chỉ là 1%.
Theo dữ liệu công bố trên trang web của Bộ Công an ĐCSTQ vào ngày 31/12/2021, tính đến tháng 12/2021, cơ quan này đã tìm lại được tổng cộng 10,932 trường hợp trẻ em bị mất tích và bị bắt cóc. Trong đó, có 2,538 trường hợp mất tích từ 20 đến 30 năm; 1,812 trường hợp mất tích từ 30 đến 40 năm; 371 trường hợp mất tích từ 40 đến 50 năm; 190 trường hợp mất tích từ 50 đến 60 năm; 110 trường hợp mất tích trên 60 năm, và trường hợp lâu nhất kéo dài đến 74 năm.
Ngày 01/06/2022, Bộ Công an ĐCSTQ thông báo, các cơ quan công an trên toàn quốc đã giải quyết 400 vụ án bắt cóc và buôn bán trẻ em tồn đọng, bắt giữ 1,124 nghi phạm và cứu được 11,198 người từng mất tích và bị bắt cóc trong nhiều năm.
Ngày 09/10/2007, anh Tôn Trác (Sun Zhuo), con trai ông Tôn Hải Dương (Sun Haiyang), chủ một tiệm bánh bao ở Bạch Thạch Châu, thành phố Thâm Quyến, đã bị nhóm buôn người bắt cóc ngay trước nhà. Sau đó, gia đình ông Tôn gần như đi khắp Trung Quốc để tìm kiếm con trai. Tuy nhiên, phía công an lại không tích cực tìm kiếm những trường hợp bị mất tích. Không những họ không lập án điều tra mà còn ngăn cản các bậc cha mẹ tự đi tìm kiếm con.
Ông Tôn Hải Dương nói: “Đến nay, rất ít trẻ em được tìm thấy. Thậm chí số trẻ em mất tích còn tăng mạnh trong nhiều năm qua.”