Sau ba năm rưỡi giam giữ, học giả Trung Quốc bị kết án vì gọi COVID là ‘virus Trung Cộng’
Bạn bè thân hữu và luật sư lên án gay gắt việc ông bị kết án về ‘tội phát ngôn’
Một giáo sư đã về hưu ở độ tuổi 70 gần đây đã được trả về nhà sau khi bị giam giữ ba năm rưỡi ở Trung Quốc vì chỉ trích cách Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối phó với đại dịch và gọi COVID-19 là “virus Trung Cộng.”
Trong những ngày đầu xảy ra đại dịch, ông Trần Triệu Chí (Chen Zhaozhi), từng giảng dạy tại Đại học Khoa học và Công nghệ Bắc Kinh, đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ khi nói rằng virus gây ra đại dịch “không phải là virus Trung Quốc mà là virus Trung Cộng” và chia sẻ các bài đăng thảo luận về mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát ở quốc gia này.
Hồi tháng 03/2020, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ ông, cáo buộc ông “bịa đặt” và “cố tình truyền bá thông tin sai lệch.” [Tuy nhiên phải ba năm rưỡi sau, mãi đến] hôm 08/09, chính quyền mới kết án ông với tội danh “gây gổ và gây rối,” một cáo buộc mà Bắc Kinh thường áp dụng đối với những người chỉ trích. Ông được trả tự do một ngày sau phán quyết của tòa án.
“Tôi, Trần Triệu Chí, đã trở lại — và sống sót trở lại,” ông nói trong một đoạn video quay trên điện thoại mà The Epoch Times thu được. Ông Trần đang ngồi trên một chiếc xe lăn ở nhà. Dù mỉm cười nhưng ông cho biết tình trạng sức khỏe của mình “rất kém” và không thể đứng dậy nếu không được trợ giúp.
Ông Trần chỉ là một người trong danh sách dài các học giả, nhà bất đồng chính kiến, và ký giả công dân Trung Quốc bị trừng phạt vì cố gắng làm sáng tỏ mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát COVID trong bối cảnh Bắc Kinh đang liên tục che đậy.
Một luật sư Trung Quốc biết nhiều về hoàn cảnh của ông Trần nói với The Epoch Times rằng ông Trần mắc bệnh Alzheimer và trong thời gian ông bị giam trong tù, bệnh tình của ông đã ngày càng trở nên nghiêm trọng. Ông đã nhiều lần yêu cầu được tạm tha để chữa bệnh nhưng vô ích.
“Đó là một cuộc truy tố chính trị,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn, yêu cầu ẩn danh để được an lòng giãi bày.
Một luật sư khác, người cũng yêu cầu không tiết lộ danh tính của mình vì sợ bị trả thù, nói rằng tên gọi “virus Trung Cộng” là một từ ngữ gây kích động đối với nhà cầm quyền Bắc Kinh.
“Đây là điều họ sợ nhất,” ông nói với The Epoch Times. “Kẻ trộm sợ nhất là bị người khác gọi tên.”
Một người bằng hữu của ông Trần đã gọi cho ông sau khi ông được thả. Ông lưu ý rằng cách nói chuyện của ông Trần — và phản ứng trong cuộc trò chuyện — đã chậm lại rất nhiều so với ba năm trước. Người bạn này cho biết, mặc dù điều đó dường như không khiến các nhà chức trách bớt cảnh giác hơn: nhiều người canh gác đã ngồi trước tòa nhà chung cư của ông ấy để theo dõi ông.
Mặc dù chưa rõ ông đã trải qua những gì trong tù, nhưng người bạn này lưu ý rằng ông Trần hiện phụ thuộc hoàn toàn vào vợ trong những nhu cầu cơ bản của mình.
Theo người bạn này mô tả, ông Trần là một “người nhiệt tâm, tốt bụng,” luôn sẵn sàng giúp đỡ những người khởi kiện, giúp đỡ họ về mặt tài chính cũng như lời khuyên để thúc đẩy vụ kiện của họ.
“Đó là tội ác nhắm vào quyền ngôn luận,” người bạn này nói với The Epoch Times, mô tả vụ án của ông Trần. Ông nói, “Bình luận về đại dịch — đối với các nhà chức trách thì đây là điều cấm kỵ.” Với ảnh hưởng của ông Trần trong xã hội, ông tin rằng chính quyền muốn lấy ông Trần làm gương.
Kêu gọi chịu trách nhiệm về đại dịch
Đối với Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin), một nhà lập pháp có quan điểm chỉ trích ĐCSTQ, thì hình phạt mà Bắc Kinh gây ra cho ông Trần gợi nhớ đến bản chất đàn áp của nhà cầm quyền này và vai trò của họ trong việc khiến COVID-19 lây lan, đại dịch mà đến nay đã khiến hàng triệu người trên toàn cầu thiệt mạng.
Ông Gallagher, người đứng đầu Ủy ban Đặc biệt về ĐCSTQ của Hạ viện, nói với The Epoch Times, “Tôi nghĩ rằng chúng ta chưa đủ quyết liệt trong việc bóc trần sự che đậy của ĐCSTQ về nguồn gốc của đại dịch, nhưng tôi không ngạc nhiên khi họ sẽ trấn áp bất kỳ người bất đồng chính kiến nào — nếu quý vị nhìn vào những nỗ lực rất lớn mà họ đã thực hiện, không chỉ để ngăn chặn thông tin trong giai đoạn đầu của đại dịch mà còn để làm băng hoại cộng đồng khoa học của chúng ta ở Mỹ.”
“Đó là một ví dụ điển hình việc ảnh hưởng của ĐCSTQ đã gây ra tác động tàn khốc đối với nền kinh tế toàn cầu.”
Trong những ngày đầu của đại dịch, Bắc Kinh đã khiển trách các bác sĩ cố gắng cảnh báo về sự nguy hiểm của đợt bùng phát, dập tắt những nghi vấn về dữ liệu chính thức, và giam giữ các ký giả công dân cố gắng khám phá cảnh tượng tuyệt vọng trên thực tế trong bối cảnh các cơ quan truyền thông nhà nước cùng nhau hạ thấp tầm quan trọng của số ca tử vong do dịch bệnh.
Ông Phương Bân (Fang Bin), người đã quay video cảnh hàng loạt túi đựng xác được cất giấu bên trong bệnh viện hồi đầu tháng Hai, đã bị giam ba năm trước khi được trả tự do hôm 30/04.
Trước Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh năm 2021, 11 học viên Pháp Luân Công sinh sống tại Bắc Kinh đã phải chịu án tù từ hai đến tám năm sau khi họ chia sẻ tài liệu liên quan đến đại dịch với The Epoch Times.
Một ký giả công dân khác tên là Trương Triển (Zhang Zhan) hiện đang thụ án bốn năm mặc dù có báo cáo rằng tình trạng sức khỏe của cô đang rất yếu.
Ba năm trôi qua, nhà cầm quyền này vẫn kiểm soát chặt chẽ thông tin, dù là về đại dịch hay bất cứ điều gì khác, chống lại mọi nỗ lực điều tra COVID-19 đã bắt đầu như thế nào.
Ông Gallagher nói, đó càng là lý do để thế giới bên ngoài hành động.
Bản tin có sự đóng góp của Lý San San, Lạc Á, và Thường Xuân
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times