Trò chơi ‘bán hàng’ của con trẻ khiến người lớn phải suy ngẫm
Cuối tuần, bọn trẻ ở nhà chơi trò “mở tiệm” mua bán. Cậu cả bày ra đủ loại đồ chơi làm hàng rao bán, còn tự tay vẽ mấy tờ tiền rồi phân phát cho mọi người để mua sắm. Tôi từ bên cạnh đi ngang qua, cậu bé kiên trì mời tôi lựa mua một món đồ chơi.
Trong lúc cậu bé thao thao nói về giá bán, chiết khấu, giảm giá của từng món hàng như thế nào, tôi bắt đầu chọn mua. Tôi chọn một quả cầu pha lê và hỏi giá. Cậu bé đĩnh đạc trả lời, “Thưa quý khách, cái này giá 10 ngàn.” Tôi làm ra bộ hết sức kinh ngạc nói: “Ôi, đắt quá. Giảm giá 50% thì tôi mới mua.”
Trong khi trao đổi để mua món đồ này, tôi không ngừng nghĩ cách đối đáp. Chỉ cần cậu bé ra giá, tôi sẽ nhượng bộ một chút, rồi nhất quyết không thay đổi. Ví dụ, nếu cậu bé nói giá 6 ngàn, tôi sẽ đề nghị 5 ngàn rưỡi, sau đó tỏ vẻ rất kiên quyết. Nếu cậu bé không chấp thuận, thì lần giao dịch này xem như không thành công. Tuy nhiên, đề nghị của cậu bé đã phá vỡ hoàn toàn kế hoạch của tôi. Cậu đáp: “Thôi, bán cho quý khách với giá 1 ngàn đồng.”
Mọi người trong nhà nghe thấy vậy thì cười nghiêng ngả, hỏi rằng rốt cuộc ai là người hạ giá vậy? Trẻ con chơi không theo nếp thường khiến tôi thực sự bối rối, nhất thời không biết xử trí ra sao. Nếu chấp thuận giá bán này, phải chăng quá khi dễ cậu bé? Còn vẫn khăng khăng mức giá mà tôi đưa ra, thì có phải quá ngớ ngẩn không?
Tôi hỏi con trai, “con có biết giảm giá 50% nghĩa là như thế nào không?” Cậu bé lắc đầu. Tôi giải thích với cháu, giảm 50% chính là giảm một nửa giá gốc, một nửa của 10 ngàn là 5 ngàn. Tôi nghĩ rằng cậu bé sẽ sửa lại báo giá trước đó. Không ngờ, cậu lại thản nhiên đáp: “1 ngàn cũng rất nhiều rồi ạ …”
Cứ như vậy, giao dịch đầu tiên của chúng tôi đã hoàn tất. Tôi đã mua được một món đồ chơi với mức giá siêu rẻ. Tôi thầm nghĩ, sau cuộc mặc cả buồn cười này, có lẽ cậu con trai sẽ thay đổi ý định hoặc cố tình tăng giá … Tuy nhiên, sau đó vẫn không có gì thay đổi, cậu bé tiếp tục chơi rất vui vẻ, cũng không đi tìm tôi để đòi lại đồ chơi.
Nhìn trẻ con ngốc nghếch không phân biệt rõ về các con số hoặc chiết khấu, lại “mở cửa tiệm” một cách nghiêm túc, thật không nhịn được cười. Thế nhưng, biểu cảm trên khuôn mặt của cậu bé là chân thực. Cậu rất nghiêm túc với việc bán hàng đồ chơi, hơn nữa cũng không quan tâm kiếm được bao nhiêu tiền từ mức giá mà mình đưa ra. Trong suy nghĩ của cậu, 10 ngàn là một con số rất lớn, mà 1 ngàn cũng rất lớn. Vì vậy, nếu 10 ngàn không thỏa thuận được, thì 1 ngàn cũng không tệ, như vậy là cậu đã mãn nguyện lắm rồi.
Tóm lại, thái độ của con trẻ đối với việc mua bán vô cùng đơn giản: giá cả có thể tùy ý định, cũng có thể tùy ý chiết khấu, chỉ cần bán được hàng. Trái lại, người lớn chúng ta khi mua bán là mang theo kỳ vọng. Chúng ta thường cho rằng phản ứng tự nhiên của người bán là ra sức tăng giá, trong khi người mua cố gắng hạ giá càng nhiều càng tốt. Như vậy, cả hai bên đều đang tranh giành quyền lợi của mình.
Mộc Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ