Bạn kỷ luật bao nhiêu, bạn sẽ tự do bấy nhiêu!
Trước áp lực của cuộc sống, chúng ta thường khao khát “tự do,” muốn thoải mái phân bổ thời gian, được làm những gì mình thích, không bị gò bó! Tuy nhiên trên thực tế, muốn “tự do,” trước hết phải “tự giác”!
Trước đây có một bài viết với tựa đề “Bạn kỷ luật tự giác bao nhiêu, bạn sẽ tự do bấy nhiêu!” Nếu không học cách “kỷ luật tự giác”, lúc càng tự do thì bạn sẽ càng rơi vào vũng bùn mang tên “buông thả”… Bài viết này đã được nhiều người chia sẻ trên Internet. Nguyên văn bài viết như sau:
***
Bạn tôi đã nghỉ việc vì muốn “tự do” để làm những điều mình thích. Sau khi từ chức, cuối cùng cô ấy đã thoát khỏi nhiều ràng buộc. Cô ấy lập một danh sách những việc mình muốn làm nhưng trước đó vì quá bận nên chưa thực hiện được. Ví dụ như đọc sách, tập thể dục, học tiếng Hàn …
Ba tháng sau khi bạn tôi nghỉ việc, tôi đến thăm cô ấy. Một lần, hai lần, ba lần, tôi gõ cửa và đợi. Tuy nhiên, khi cánh cửa vừa hé mở, tôi trông thấy cô ấy xuất hiện với hình ảnh nhếch nhác, quần áo lôi thôi. Cô ấy nhìn tôi như cầu cứu: “Mình muốn đi làm lại…”
Hồi tưởng lại ba tháng trước, cô ấy nói với tôi một cách đầy quyết tâm: “Mình đã quyết định nghỉ việc. Công việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều khiến mình phát điên. Mình không có thời gian để làm bất cứ điều gì mong muốn. Đã đến lúc phải làm việc đó. Mình muốn tận hưởng chút tự do.”
Trước khi nghỉ việc, bạn tôi là nhân viên lễ tân của một công ty. Mỗi ngày, cô ấy thức dậy lúc 7h sáng, y phục chỉnh tề, đi đến công ty, và trên môi luôn nở nụ cười trong suốt ca làm việc. Có lẽ điều đó khiến cô ấy cảm thấy mệt mỏi.
Sau khi nghỉ làm, cô ấy cũng đã có được “tự do.” Thế nhưng sau ba tháng, cuộc sống của bạn tôi đã rơi vào hỗn loạn. Mọi kế hoạch tốt đẹp mà cô ấy vạch ra đều “phá sản.” Bạn tôi từng chia sẻ, sau khi nghỉ việc, cô ấy sẽ ngồi thư thả nhâm nhi tách cà phê, đọc sách trong căn phòng đầy ánh nắng ban mai. Tôi vẫn nhớ như in khung cảnh đẹp đẽ mà cô ấy đã kể với tôi.
Tuy nhiên sau ba tháng không gặp, cảnh tượng đầu tiên khi bước vào phòng của cô bạn lại khiến tôi bất ngờ: quần áo bẩn chất thành đống, chăn màn nhăn nhúm ở góc giường, trên bàn đầy cốc cà phê, hộp bánh, những mẩu socola nằm lăn lóc trên thảm… Quả thật, tôi cố gắng nhón chân để không giẫm lên những cuốn tạp chí, hoặc không làm đổ chai rượu dưới sàn nhà. Căn phòng của cô ấy tựa như vừa bị đạo tặc ghé thăm vậy.
Không cần hỏi, chắc hẳn mọi người cũng biết mấy tháng qua bạn tôi đã sống như thế nào, và cũng biết được những kế hoạch mà cô ấy dự định ban đầu ra sao. Trong bộ đồ ngủ, cô ấy nhìn tôi, não nề nói: “Mình đã tăng 5kg.”
Lúc này, tôi chợt nhớ đến một câu nói đáng suy ngẫm: “Chỉ có người tự kỷ luật mới có thể được tự do.”
Bà nội trợ kỷ luật
Hồi mới ra ngoại quốc, tôi thuê nhà và sống chung với gia đình chủ. Hằng ngày, ông chủ ra ngoài làm việc, các con thì đi học ở trường tiểu học gần nhà, còn bà chủ ở nhà làm các công việc nội trợ, chăm sóc gia đình.
Trong quan niệm hạn hẹp của tôi, “nội trợ” là một nghề tự do. Họ chỉ cần “nấu nướng,” “làm việc nhà.” Và tất nhiên, với các bà nội trợ, cả ngày họ có thể chẳng cần trang điểm. Họ có thể thoải mái mặc đồ ngủ, chẳng cần chú ý đến cử chỉ của mình, cũng không phải chịu áp lực của hàng tá quy tắc của công ty …
Tuy nhiên, với cô chủ của tôi thì hoàn toàn ngược lại. Mặc dù là nội trợ nhưng cô vẫn tự giác tập thể dục, học tập chăm chỉ … Quả thật, tôi chưa bao giờ gặp một bà nội trợ tự giác như cô.
Mỗi ngày cô đều dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho chồng và con. Sau khi tiễn mọi người trong gia đình, cô ấy mặc đồ thể thao và dành một giờ đồng hồ chạy bộ quanh khu phố.
Sau khi về nhà, cô ấy tắm rửa, trang điểm, khoác lên mình một bộ váy xinh đẹp. Buổi chiều, cô sẽ đọc sách, uống trà và thưởng thức món tráng miệng. Đây là những thói quen mà cô ấy duy trì thường xuyên. Ngoài điều đó ra, cô cũng giống như bao bà nội trợ khác, đảm nhận trách nhiệm chăm sóc gia đình.
Khi đó, công việc của tôi khá bận rộn. Tôi luôn mong đến chủ nhật để có thể nằm cả ngày trên giường. Bất giác, tôi nghĩ, không hiểu tại sao cô chủ lại có thể có những sở thích khiến bản thân mình phải bận rộn hơn như vậy nhỉ? Tôi cũng không hiểu tại sao ở cô ấy luôn toát lên sự điềm tĩnh, vui vẻ và thanh lịch hơn bất kỳ bà nội trợ nào mà tôi từng thấy.
Từ gương mặt, đôi mắt của cô chủ, tôi thấy được nụ cười hạnh phúc từ nội tâm. Có lẽ, đó là điều quý giá nhất mà một người phụ trung niên có được.
Đột nhiên tôi cảm thấy, sự tự do nhưng đầy tự giác này đã mang đến khả năng kiểm soát cuộc sống của chính mình. Điều này trái ngược với sự tự do mà tôi từng nghĩ. Tôi cũng sớm nhận ra rằng, mỗi ngày tan ca trở về nhà, tôi đều muốn làm bạn với chiếc giường, và dành cả ngày cuối tuần để cuộn mình trong chăn. Như vậy là tôi đang dung túng cho sự lười biếng và thụ động.
Tôi chợt nhận ra, một phần bất hạnh của tôi đều đến từ sự “tự do” vô kỷ luật này. Nó khiến cuộc sống của tôi tuột dốc không kiểm soát, hạn chế khả năng trở thành một người tốt hơn, đồng thời làm “mai một” mọi kế hoạch mà tôi đã đề ra.
Tôi bắt đầu chạy bộ từ năm 2014 và đã kiên trì được hai năm. Ban đầu, mục đích chạy bộ của tôi là để không bị béo phì. Tuy nhiên qua thời gian, tôi nhận ra, chạy bộ mang lại cho tôi sức mạnh của tính kỷ luật tự giác.
Hành trình không ngừng nỗ lực chống lại sức ì của bản thân, vượt qua chính mình, là những tiến bộ từng ngày mà tính kỷ luật tự giác đã mang lại cho tôi. Chạy bộ là một bộ môn tuyệt vời để rèn luyện “tính kỷ luật” của một người.
Sau khi nghỉ việc vào đầu năm nay, cuộc sống của tôi không có nhiều thay đổi ngoại trừ nội dung công việc. Tôi vẫn thức dậy lúc 6h30 sáng, gấp chăn, dọn dẹp phòng rồi chạy bộ ít nhất 5km. Khi về, tôi thay y phục, trang điểm, ngồi vào bàn viết đến trưa. Buổi chiều, tôi thu thập tài liệu, soạn bài, trả lời độc giả. Tối đến, tôi đọc sách hoặc đi gặp gỡ bạn bè …
Phải thừa nhận rằng tính kỷ luật tự giác đã giúp tôi làm chủ được cuộc sống của mình và tiến về phía trước theo hướng tốt hơn. Mọi thứ trong cuộc sống đều đi theo đúng trật tự. Tôi đã được hưởng lợi từ sự tự giác này. Tôi kiên trì để tạo cho mình thói quen tốt, sống một cuộc sống trọn vẹn, và thấy rằng bản thân đang điều chỉnh cuộc sống của mình ngày càng tốt lên.
Thỉnh thoảng, bạn bè đến chơi cảm thấy tôi có chút lập dị: “Con gái đi ra ngoài mua đồ mà phải trang điểm đã đủ khó hiểu rồi. Tại sao cậu ở nhà cũng phải trang điểm vậy?”.
Không chỉ làm hài lòng người khác, mà còn phải làm hài lòng chính mình. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, đây cũng là một loại “kỷ luật tự giác.” Khi tôi mặc quần áo đẹp, trang điểm vào đầu ngày, toàn thân sạch sẽ và tươm tất, tôi biết rằng ngày hôm đó tôi cần phải có thái độ trang trọng và nghiêm túc, tuyệt đối không được phép lười biếng, cẩu thả.
Tôi nhớ mình đã từng đọc được một câu của triết gia người Đức Immanuel Kant: “Cái gọi là tự do, không phải là làm theo ý mình mà là làm chủ bản thân.” Và giờ đây tôi càng tin rằng, kỷ luật tự giác là thói quen có lợi nhất mà một người có thể trau dồi khi còn trẻ.
“Kỷ luật tự giác” là nền tảng của sự tự do và cũng là yếu tố then chốt dẫn đến thành công. “Kỷ luật tự giác” là đặc điểm chung của nhiều người thành công trên thế giới. Tác giả Thomas C. Corley đã đặt ra cụm từ “thói quen giàu có.” Ông đã nghiên cứu cuộc sống của 177 người giàu trong 5 năm, và phát hiện 76% trong số họ kiên trì tập thể dục hơn 30 phút mỗi ngày. Ngoài ra, hơn một nửa số họ thức dậy ít nhất ba giờ trước khi ngồi vào bàn làm việc. Đây có lẽ cũng là một hình thức kỷ luật tự giác.
Trong số những người chạy bộ mà tôi biết, hầu hết họ đều có lối sống tự kỷ luật. Hầu hết mọi người đều có lịch trình làm việc và nghỉ ngơi đều đặn, duy trì thói quen ăn uống lành mạnh và rất trân trọng thời gian. Loại kỷ luật tự giác này đã trở thành nền tảng của sự tự do và thành công. Sau khi đọc thông tin hoặc tự truyện của một số người thành công, tôi nhận thấy chạy bộ hay tính kỷ luật tự giác là một trong những đặc điểm của nhiều người.
Cô Nghiêm Ca Linh (Yan Geling), tác giả và là nhà biên kịch người Mỹ gốc Hoa, đã tóm tắt những tác phẩm văn học kinh điển mà cô từng đọc và nhận xét rằng: Tôi thấy những bậc thầy văn học này, cả nam và nữ, đều có một số đức tính hoặc khuyết điểm chung. Ví dụ, họ đều có ý chí sắt đá, kỷ luật quân sự và lối sống thanh đạm.
Bảo An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ