Hoa Kỳ: Trang web của một tổ chức bị tấn công mạng sau khi công bố lời chứng về nạn thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ
Một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại New York gần như ngay lập tức trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng ác ý sau khi công bố lời chứng của một vị bác sĩ tố giác sau khi người này nói chuyện với một học viên Pháp Luân Công, người đã bị mổ lấy thận ở Trung Quốc mà không có sự đồng ý. Người phụ nữ này là một nạn nhân trong thông lệ thu hoạch nội tạng cưỡng bức của nhà cầm quyền cộng sản. Người tố giác cho biết, bà đã qua đời không lâu sau cuộc trò chuyện với bác sĩ.
Hồi tháng 04/2019, bà Trương Tú Cầm (Zhang Xiuqin), 46 tuổi, chỉ sống được một thời gian ngắn ngủi sau ca phẫu thuật mổ lấy một quả thận đã thuật lại trải nghiệm bà đã kinh qua cho một vị bác sĩ tại một bệnh viện quân y trọng điểm ở Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, một tỉnh cực bắc Trung Quốc.
Bác sĩ tố giác, được ẩn danh để bảo vệ sự an toàn, đã cung cấp đoạn video ghi lại cuộc trò chuyện này cho Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG), một tổ chức bất vụ lợi có trụ sở tại New York chuyên theo dõi nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức của nhà cầm quyền nước này. Hôm 17/07, tổ chức này đã công bố bản ghi âm cũng như bản ghi lời chứng của vị bác sĩ này.
Vị bác sĩ này cho biết bà quan sát thấy nhiều vết thương trên cơ thể bà Trương, một vết thương hở trên bụng, vị trí bị mổ lấy thận, và một vết thương hở khác gần vùng gan của bà. Bà chỉ bị cắt mất một quả thận. Vị bác sĩ này tin rằng bà Trương có thể đã phải chịu đựng những hành vi bức hại nghiêm trọng vốn làm biến dạng hầu hết các cơ quan nội tạng trong đó có cả gan, kết quả là những cơ quan này không đủ tiêu chuẩn để cấy ghép.
Chỉ vài giờ sau khi lời chứng này được công bố, WOIPFG đã hứng chịu cuộc tấn công mạng nghiêm trọng nhất tính từ trước đến nay trong suốt hai thập niên tồn tại.
Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần bao gồm một bộ công pháp tĩnh tại, lấy các giá trị là chân, thiện và nhẫn làm nguyên lý chỉ đạo, đã trở thành mục tiêu của cuộc đàn áp đẫm máu do Đảng Cộng Sản Trung Quốc gây ra suốt hai mươi bốn năm qua.
Năm 2019, một tòa án độc lập đã kết luận rằng các học viên của môn tập này là nguồn cung cấp chính cho nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức do nhà nước hậu thuẫn, một thông lệ đang diễn ra trên một “quy mô đáng kể.”
Trong suốt cả tuần, cuộc tấn công từ chối dịch vụ đã khiến trang web của tổ chức này ngừng hoạt động liên tục. Tiến sĩ Uông Chí Viễn (Wang Zhiyuan), người dẫn dắt nhóm nghiên cứu của WOIPFG, cho biết cuộc tấn công kéo dài này đã tiết lộ nguồn lực mà chính quyền cộng sản sẵn sàng sử dụng để dập tắt chuyện này.
Chính quyền Bắc Kinh đã phản ứng nhanh chóng, Tiến sĩ Uông biết được từ người quen của ông ở Trung Quốc.
Vào đêm công bố lời chứng, lúc đó là ban ngày ở Bắc Kinh, Bộ Công An, cơ quan công an hàng đầu của Trung Quốc, đã ra lệnh cho văn phòng trực thuộc của họ ở Hắc Long Giang, nơi bệnh viện quân y tọa lạc, đi điều tra vấn đề, nguồn tin của Tiến sĩ Uông kể lại. Trụ sở chính cũng cử người đến thành phố Cáp Nhĩ Tân để nhận báo cáo.
“Chắc chắn họ đã rất hoảng sợ,” Tiến sĩ Uông nói với The Epoch Times. “Chỉ cần nghĩ xem họ đã phản ứng nhanh như thế nào là biết được.”
“Nếu họ không làm gì sai thì tại sao họ lại kích động đến như vậy? Họ có thể đã sử dụng phương tiện truyền thông như một lối thoát để tấn công chúng tôi và chấm dứt chuyện này. Nhưng họ không hề dám hé răng nửa lời trước công chúng.”
Tiến sĩ Torsten Trey, giám đốc điều hành của tổ chức ủng hộ đạo đức y khoa có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, Tổ chức Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức, cũng có cùng quan điểm về vấn đề này.
“Hoạt động tấn công mạng này thường đi kèm với một mục đích. Trong bối cảnh thương mại, việc tấn công mạng đi kèm với các lợi ích về tài chính hoặc đánh cắp tài sản trí tuệ. Không điều nào ở trên là phù hợp cả,” ông nói với The Epoch Times.
“Nếu quý vị thử lần theo nghi vấn rằng tại sao trang web của Hoa Kỳ bị tấn công, thì quý vị sẽ đi đến kết luận rằng các tin tức trước giờ về thông lệ thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở bệnh viện Trung Quốc chắc chắn là chính xác. Cuộc tấn công bằng cách xâm nhập này cho thấy bản ghi hình đó hẳn là đáng tin cậy.”
Tiến sĩ Trey lưu ý thêm rằng WOIPFG đã từ chối tiết lộ video vì lo ngại về sự an toàn của người cung cấp. Ông cho rằng đoạn video chưa được công bố có thể là một động lực khác cho hoạt động xâm nhập “vì tin tặc có thể muốn cản trở việc công bố hoặc muốn kiểm soát thiệt hại.”
Tiến sĩ Uông cho biết, nhằm “ngăn chặn, che đậy, và hạ thấp tầm quan trọng của” bất kỳ thông tin nào liên quan đến thu hoạch nội tạng cưỡng bức — đây là chiến lược của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kể từ khi những cáo buộc đầu tiên được đưa ra ánh sáng gần hai thập niên trước.
Mặc dù đã có hai trường hợp ngoại lệ đáng chú ý.
Đầu năm 2006, các nhân chứng đã công khai tiết lộ những điều kinh hoàng bên trong trại tập trung Tô Gia Đồn ở phía đông bắc Trung Quốc, cho biết rằng chính quyền đang bí mật thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ. Đáp lại, chính quyền Trung Quốc đã cho cơ sở này ngừng hoạt động và, như một chiêu trò phô trương, họ đã mời các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đi tham quan quanh trại tập trung.
Cuối năm đó, một điều tra viên bí mật của WOIPFG đã ghi âm lại lời của Bác sĩ Lô Quốc Bình (Lu Guoping) đến từ Bệnh viện Dân tộc Quảng Tây phía nam Trung Quốc. Ông đã thừa nhận qua điện thoại rằng bệnh viện này đang lấy thận và gan của học viên Pháp Luân Công để sử dụng cho các ca phẫu thuật ghép tạng. Đáp lại, phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc Phoenix TV đã phát hành một cuộc phỏng vấn với bác sĩ Lô, trong đó ông đã phủ nhận cuộc nói chuyện đó.
Tiến sĩ Uông lưu ý rằng cuộc phỏng vấn trên Phoenix TV đã phản tác dụng bởi vì trên thực tế họ đang giúp xác thực cuộc phỏng vấn qua điện thoại mà WOIPFG đã thực hiện.
“Người đàn ông đó là người có tật nói lắp. Đó là một nét rất đặc trưng,” Tiến sĩ Uông cho biết. “Chúng tôi đã phỏng vấn ông ta gần nửa giờ đồng hồ, ai có thể bịa ra kiểu giọng nói như vậy được chứ? Với hình ảnh, video và giọng nói của ông ta, thì đoạn băng đó đó đã trở thành một bằng chứng khác chứng minh tính xác thực của đoạn băng ghi âm của chúng tôi.”
Theo điều tra viên, cuộc phỏng vấn mà sau đó đã biến mất vĩnh viễn trên mạng Internet của Trung Quốc này đã đặt dấu chấm hết cho các nỗ lực của truyền thông nhà nước nhằm phủ nhận mọi bằng chứng về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times