Trung Quốc: Năm bệnh viện liên quan đến hoạt động thu hoạch nội tạng sống bị điều tra tham nhũng
Chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn hiện nay trong ngành y tế Trung Quốc đã gây ra một đợt sóng lớn, khiến nhiều bệnh viện bị điều tra hoặc tố cáo về hành vi tham nhũng. Ít nhất 5 bệnh viện trong số đó bị nghi ngờ tham gia vào hoạt động thu hoạch nội tạng sống.
Bác sĩ của bệnh viện Tương Nhã 3 bị tố cáo tống tiền 100,000 nhân dân tệ “phí nguồn gan”
Bệnh viện Tương Nhã 3 thuộc Đại học Trung Nam (The Third Xiangya Hospital of Central South University) ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, là một trong những “tâm bão” của chiến dịch chống tham nhũng trong ngành y tế Trung Quốc. Sau khi 9 nhân viên y tế của bệnh viện này cùng nhau tố cáo vị Trưởng khoa hô hấp, một vụ âm thầm thu “phí nguồn gan” của một bác sĩ đã trở thành tâm điểm. Chỉ trong vòng năm ngày, Bệnh viện Tương Nhã 3 đã xuất hiện hai lần trong danh sách tìm kiếm “nóng” trên mạng xã hội Weibo.
Hôm 14/08, anh Tưởng (Jiang) đăng một bài viết nói rằng, cha anh đã trải qua một ca ghép gan tại Bệnh viện Tương Nhã 3 vào năm 2018 do viêm gan virus. Ngoài chi phí ghép tạng, bác sĩ còn yêu cầu 100,000 nhân dân tệ (khoảng 14,000 USD) tiền mặt cho “phí nguồn gan.” Bác sĩ nói rằng số tiền này sẽ được bệnh viện trao cho Hội Chữ thập đỏ để chuyển cho người hiến tạng như một khoản trợ cấp.
Do tình trạng của cha mình quá khẩn cấp, nên anh Tưởng lập tức xoay sở khoản tiền này và đưa cho hai bác sĩ. Thế nhưng bốn ngày sau ca cấy ghép, cha anh đã qua đời trên xe cấp cứu tại bệnh viện.
Anh Tưởng đã chi gần 300,000 nhân dân tệ (khoảng 41,000 USD) để điều trị cho cha mình. Về khoản “phí nguồn gan” 100,000 nhân dân tệ, anh yêu cầu bệnh viện giao biên lai nhưng bị từ chối. Bác sĩ cho biết số tiền này không phải do cá nhân thu, bệnh viện cũng không thu, mà là do Hội Chữ thập đỏ quản lý. Ai là người hiến tạng và ai là người nhận, cả người nhà và bác sĩ đều không biết, chỉ có Hội Chữ thập đỏ biết.
Trong vài năm sau đó, anh Tưởng đã khởi kiện ba bệnh viện từng điều trị cho cha mình với lý do sơ suất trong điều trị, đồng thời cáo buộc Bệnh viện Tương Nhã 3 thu “phí nguồn gan” bất hợp pháp. Sau hai lần thua kiện, anh Tưởng và Bệnh viện Tương Nhã 3 đã hòa giải ngoài tòa án, Bệnh viện Tương Nhã 3 đã bồi thường cho anh Tưởng 98,000 nhân dân tệ (khoảng 13,000 USD).
Trong bài viết, anh Tưởng cho biết: “Lúc đó gia đình rất cần tiền nên tôi đã đồng ý [nhận tiền bồi thường của bệnh viện]. Nhưng tôi vẫn mãi không biết được liệu phí nguồn gan đó có bất hợp pháp hay không, và liệu nó có thực sự được đưa cho người hiến tạng hay không.”
Bài viết của anh Tưởng đã thu hút sự chú ý của nhiều người, nhưng ý kiến của các bên liên quan không giống nhau.
Nhân viên của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hồ Nam nói với hãng truyền thông Phong Diện Tân Văn (thecover.cn) rằng người nhận tạng cần phải trả phí phẫu thuật thông thường, phí vận chuyển tạng và các chi phí khác, nhưng không có phí nguồn gan. Ngay cả khi phí này được quyên góp cho Hội Chữ thập đỏ, thì nó sẽ được chuyển vào trương mục công và sẽ có một bản ghi lưu trữ. “Bác sĩ hoặc bệnh viện tư nhân sẽ không thu tiền mặt. Nếu có tình huống như vậy, có thể báo cáo với bộ phận kiểm tra kỷ luật của Ủy ban Y tế.”
Nhân viên Văn phòng Y tế thuộc Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Nam nói với tờ Tân Kinh Báo (bjnews.com.cn) rằng, theo “Tiêu chuẩn thu phí cấy ghép nội tạng người tỉnh Hồ Nam,” một lá gan của người trưởng thành là 250,000 nhân dân tệ (khoảng 34,000 USD); số tiền này sẽ được sử dụng làm chi phí mai táng cho gia đình người hiến tạng, chi phí nhân lực và trục trặc giao thông nếu có, v.v. Tuy nhiên, phải cung cấp bằng chứng tương ứng về các khoản phí cũng như giấy chứng nhận của nhân viên có liên quan do tổ chức thu mua nội tạng chính thức cung cấp.
Nhân viên Bệnh viện Tương Nhã 3 cho biết tranh chấp với anh Tưởng đã được giải quyết thông qua hòa giải. “Tòa án đã ra phán quyết, số tiền cũng đã được trả lại cho anh ấy sau khi hòa giải. Tôi không biết anh ấy vẫn đang băn khoăn điều gì.”
Khoản phí nguồn gan 100,000 nhân dân tệ mà anh Tưởng trả cho bệnh viện 5 năm trước đã đi về đâu, cho đến nay vẫn là một bí ẩn.
Giáo sư Vương Nhạc (Wang Yue) tại Viện Y khoa Nhân văn thuộc Đại học Bắc Kinh cho biết không có cái gọi là “phí nguồn gan,” càng không thể để các bác sĩ thu tiền mặt rồi giao cho người hiến tạng. Nếu bác sĩ tự ý thu phí, thì có khả năng là họ dính líu đến mua bán nội tạng.
WOIPFG: Bệnh viện Tương Nhã 3 bị nghi ngờ là trung tâm điều phối nội tạng
Bệnh viện Tương Nhã 3 là bệnh viện đa khoa cấp 3 trực thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Tháng 08/2001, bệnh viện này xây dựng một trung tâm y tế cấy ghép với diện tích gần 8,000 mét vuông, đồng thời Trung tâm y tế cấy ghép tỉnh Hồ Nam cũng được thành lập tại đây. Bệnh viện Tương Nhã 3 đã trở thành một trong những trung tâm cấy ghép quy mô nhất, hoàn chỉnh nhất và tân tiến nhất ở Trung Quốc vào thời điểm đó.
Năm 2007, tờ báo của bệnh viện này đã từng khoe khoang rằng: “Bệnh viện của chúng tôi từng thực hiện đồng thời hai ca ghép gan và năm ca ghép thận, có khả năng thực hiện sáu hoặc bảy ca ghép cùng một lúc.”
“Tổ chức Quốc tế Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công” (WOIPFG, World Organisation to Investigate the Persecution of Falun Gong), một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã thực hiện phép tính dựa trên số lượng giường bệnh, thời gian nhập viện trung bình để cấy ghép và tỷ lệ luân chuyển giường bệnh tại Bệnh viện Tương Nhã 3. Qua đó, WOIPFG phát hiện, bệnh viện này có khả năng thực hiện hơn 1,000 ca phẫu thuật cấy ghép mỗi năm.
Ngày 24/09/2003, hãng truyền thông địa phương của tỉnh Hồ Nam, tờ Đại Chúng Vệ Sinh Báo đã đưa tin về bài diễn văn của ông Hoàng Khiết Phu (Huang Jiefu, khi đó là Thứ trưởng Bộ Y tế của ĐCSTQ) tại Bệnh viện Tương Nhã 3. Trong đó, ông Hoàng nói về việc xây dựng một mạng lưới phân phối nội tạng, liên quan đến việc lưu trú tập trung những người hiến tạng và xây dựng một trung tâm phân phối nội tạng.
Bài báo nói rằng, “hoạt động cấy ghép nội tạng nhờ thị trường nguồn cung kiểu mẫu đã tiết kiệm rất nhiều chi phí y tế cho bệnh nhân, không cần vận chuyển người hiến tạng qua lại sẽ cắt giảm một nửa chi phí phẫu thuật. Chất lượng cấy ghép cũng được cải thiện rất nhiều do thời gian chờ cấy ghép được rút ngắn.”
Bài báo cũng cho biết, “Với sự tham gia của các cơ quan hành chính y tế, mạng lưới quản lý cấp tỉnh, khu vực và quốc gia đã dần dần được hình thành, đóng vai trò chia sẻ thông tin, sử dụng và phân bố nguồn lực hợp lý.”
Trong một báo cáo điều tra hồi tháng 08/2016, WOIPFG cho biết, với sự tham gia của quân đội, Bộ Y tế của ĐCSTQ đã thành lập các ngân hàng nội tạng lớn trên cả nước. Tuy nhiên, làm sao để có thể điều phối tốt các ngân hàng nội tạng đó, làm sao để “sử dụng hợp lý” nguồn nội tạng đó một cách tối đa, thì cần phải có một trung tâm phân phối tầm cỡ quốc gia. Với vị trí dẫn đầu trong ngành cấy ghép nội tạng, Bệnh viện Tương Nhã 3 có khả năng đóng vai trò là trung tâm phân phối nội tạng quốc gia của ĐCSTQ.
WOIPFG cho rằng “thị trường hiến tạng kiểu mẫu,” “không cần vận chuyển người hiến tạng qua lại,” “rút ngắn thời gian chờ cấy ghép” mà tờ Đại Chúng Vệ Sinh Báo đề cập, cho thấy sự tồn tại của một kho cung cấp nội tạng người sống và khỏe mạnh.
Bốn bệnh viện khác cũng liên quan đến tội ác thu hoạch nội tạng sống
Trong chiến dịch chống tham nhũng trong ngành y tế gần đây tại Trung Quốc, ngoài Bệnh viện Tương Nhã 3, nhiều giám đốc bệnh viện cũng bị điều tra hoặc tố cáo về việc thu hoạch nội tạng.
ĐCSTQ tuyên bố rằng cuộc điều tra chống tham nhũng trong ngành y tế sẽ truy ngược về 20 năm trước, độ sâu, bề rộng và cường độ của cuộc điều tra này là chưa từng thấy.
Ngày 14/08, ông Trương Vân Cường (Zhang Yunqian), nguyên Phó bí thư đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện nhân dân số 1 thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu đã bị điều tra; ông Đô Bằng Phi (Du Pengfei), nguyên Bí thư Đảng ủy Bệnh viện trực thuộc số 2 của Đại học Y An Huy cũng bị điều tra trong cùng ngày;
Ngày 15/08, ông Từ Ba (Xu Bo), Trưởng Khoa Thông tim can thiệp của Bệnh viện Phụ Ngoại thuộc Viện Khoa học Y khoa Trung Quốc ở Bắc Kinh, đã bị điều tra;
Ngoài ra, gần đây còn có một bài viết về ông Đặng Khải Văn (Deng Qiwen), Bí thư kiêm Giám đốc Bệnh viện Nhân dân quận Nam Sơn, thành phố Thâm Quyến, được lan truyền trong các nhóm WeChat. Nhân viên Cục Y tế quận Nam Sơn, Thâm Quyến, cho biết họ đã nắm bắt được tình hình liên quan và đang điều tra.
Phóng viên ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times phát hiện rằng Bệnh viện Nhân dân số 1 của thành phố Quý Dương tỉnh Quý Châu, Bệnh viện trực thuộc số 2 của Đại học Y An Huy, Bệnh viện Phụ Ngoại của Viện Khoa học Y khoa Trung Quốc và Bệnh viện Nhân dân quận Nam Sơn của thành phố Thâm Quyến, đều tiến hành hoạt động cấy ghép nội tạng. Hơn nữa, tại các bệnh viện này đều có những người phụ trách liên quan từng bị WOIPFG liệt vào danh sách những người bị nghi ngờ thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống.
Hôm 18/08, ông Lê Nghi Minh (Li Yiming), nhà bình luận các vấn đề thời sự hiện đang sống tại Nhật Bản, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng có vẻ như những điều này là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng thực tế không phải vậy. Ông nói: “Cái gọi là chống tham nhũng y tế của ông Tập Cận Bình thực ra là để thu lợi nhuận. Trong túi ông ấy không có tiền, nên ở đâu có tiền thì ông ấy sẽ gặt. Ngành y tế vốn rất béo bở, mà ghép tạng là ngành sinh lợi nhất. Vì vậy, những bệnh viện bị nghi ngờ tham gia thu hoạch nội tạng sống này đã trở thành mục tiêu chính của cơn bão chống tham nhũng.”
Ông Lê nói rằng chính quyền Bắc Kinh không lấy việc đả kích các bệnh viện cấy ghép nội tạng này làm mục tiêu, nhưng những bệnh viện này chắc chắn sẽ bị đả kích. Đây cũng là hậu quả mà họ gánh chịu từ tội ác thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống.
Các học viên Pháp Luân Công là nguồn cung cấp nội tạng chính
Trong một báo cáo điều tra hồi tháng 09/2019, WOIPFG cho biết sau khi ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công vào tháng 07/1999, số ca ghép tạng ở Trung Quốc tăng vọt với mức độ đồng bộ rất cao; một số lượng lớn các trung tâm ghép tạng đã nhanh chóng được thành lập.
Báo cáo điều tra cho thấy, sau thời điểm đó, thời gian chờ ghép tạng ở Trung Quốc rất ngắn, nguồn cung rất dồi dào; không chỉ một bệnh nhân được chọn nhiều tạng hiến mà còn có chương trình khuyến mãi ghép tạng miễn phí; thậm chí Trung Quốc còn trở thành một trung tâm cấy ghép nội tạng mới nổi trên thế giới, tạo nên cơn sốt của ngành “du lịch ghép tạng.”
Theo báo cáo điều tra, Trung Quốc tồn tại một kho cung cấp nội tạng sống rất lớn, tội ác thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống do ĐCSTQ thực hiện chưa bao giờ dừng lại.
Cuộc điều tra của WOIPFG trùng khớp với cuộc điều tra của ông David Kilgour và ông David Matas người Canada. Cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour, cùng luật sư nhân quyền quốc tế David Matas đã điều tra tội ác thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ trong hơn mười năm, và phỏng vấn rất nhiều người có liên quan.
Ngày 17/02/2022, tại một cuộc hội thảo do Trung tâm Tự do Tôn giáo tại Viện Hudson (một tổ chức tư vấn ở Hoa Thịnh Đốn) tổ chức, ông Matas nói rằng: “Có một sự thật đáng sợ là, bệnh nhân có thể chọn ngày trước để cấy ghép một cơ quan nội tạng quan trọng, cho dù đó là tim, gan hay phổi. Rõ ràng là có người đã bị sát hại, và nội tạng của họ đã bị lấy đi.”
Bài viết có sự đóng góp của phóng viên Ellen Wan.
Dịch Phàm thực hiện
Tùy Phong biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ