Toronto: Các học viên Pháp Luân Công kỷ niệm cuộc thỉnh nguyện làm nên lịch sử ở Bắc Kinh
Hôm 25/04, các học viên Pháp Luân Công ở Toronto đã tập trung bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc để tưởng nhớ đến cuộc thỉnh nguyện ôn hòa làm nên lịch sử ở Bắc Kinh 24 năm về trước.
Vào ngày 25/04/1999, hơn 10,000 học viên Pháp Luân Công đã tập trung bên ngoài trụ sở của chính quyền Trung Quốc ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho các học viên đã bị bắt giữ sai trái ở thành phố Thiên Tân, cũng như các học viên trên khắp đất nước đang bị sách nhiễu và bị công an điều tra. Họ cũng có nguyện vọng là chính quyền sẽ dỡ bỏ lệnh cấm đối với các kinh sách của Pháp Luân Công.
Một quan chức cao cấp đã gặp một số học viên và hứa với họ rằng ông sẽ xem mình có thể làm được gì, và tình hình dường như đang chuyển biến theo hướng tích cực.
Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, vào ngày 20/07/1999, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành một cuộc đàn áp toàn diện đối với môn tu luyện này. Kể từ đó, hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ trong các trại lao động, nhà thương điên, hệ thống hắc lao không chính thức, và các cơ sở giam giữ khác nơi họ phải chịu đựng sự tra tấn về tinh thần và thể xác nhằm buộc họ từ bỏ đức tin của mình. Số người thiệt mạng là không thể đếm xiết.
Rất nhiều học viên tập trung tại Toronto để tưởng nhớ đến ngày này là những người buộc phải rời khỏi quê hương vì chiến dịch đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với các học viên Pháp Luân Công. Họ kêu gọi ĐCSTQ chấm dứt cuộc đàn áp đang diễn ra này và cũng kêu gọi chính phủ Canada ngăn chặn hoạt động nhắm mục tiêu vào các học viên của các đặc vụ làm việc cho nhà cầm quyền Trung Quốc.
Bà Phan Học Phong (Pan Xuefeng), người bị ĐCSTQ bỏ tù ba năm vì tham gia cuộc thỉnh nguyện năm 1999, cho biết bà đã chứng kiến cách chính quyền này làm biến chất các quan chức Trung Quốc, dẫn họ vào con đường đàn áp các học viên Pháp Luân Công để đổi lấy tiền thưởng, và sử dụng cơ quan tuyên truyền nhà nước để lan truyền những lời dối trá về môn tu luyện tinh thần này.
“Ngày nay, ĐCSTQ đã mở rộng ảnh hưởng của mình đến Canada, và đang ngày càng trở nên hung hăng trong vài năm qua,” bà Phan nói bằng tiếng Trung. “Một số học viên Pháp Luân Công đã liên tục bị sách nhiễu, thậm chí một số người còn bị theo dõi đến tận nhà và bị đe dọa.”
Bà cũng cho biết các đặc vụ của ĐCSTQ đã và đang đe dọa thân nhân của các học viên đó ở Trung Quốc và những cá nhân có thiện cảm với chính quyền này đã tiến hành các cuộc tấn công bằng lời nói hoặc thể xác nhằm vào các học viên Pháp Luân Công ở Canada.
“Tôi khẩn nài chính phủ Canada ngăn không cho ĐCSTQ làm điều ác ở Canada, đồng thời bảo vệ quyền tự do và sự an toàn của người dân,” bà Phan nói.
Một học viên khác, Irene Ma, đã rời Trung Quốc vào năm 2017, cho biết trong khi ĐCSTQ và công an của họ sử dụng quyền lực và sự kiểm soát đối với xã hội Trung Quốc, thì các học viên Pháp Luân Công muốn lên tiếng vì người dân, tìm thấy sự can đảm từ đức tin của họ.
“Tôi nghĩ ý nghĩa của buổi tề tựu này là để nhiều người hơn nữa hiểu rằng học viên Pháp Luân Công chúng tôi sẽ luôn ở đây. Sự việc này không giống như những gì Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố, rằng bằng cách huỷ hoại một số người trong chúng tôi, [họ có thể] làm giảm giá trị và ý nghĩa thực sự của Pháp Luân Công.”
Cuộc đàn áp
Pháp Luân Công là một môn tu luyện tinh thần có nguồn gốc Phật gia bao gồm các bộ công pháp tĩnh tại và các nguyên tắc đạo đức dựa trên chân, thiện, và nhẫn. Sau khi được giới thiệu vào năm 1992, môn tu luyện này đã phát triển nhanh chóng, với ước tính có khoảng 70 triệu đến 100 triệu người theo học trên khắp Trung Quốc vào năm 1999.
Tuy nhiên, sự phổ biến rộng rãi của Pháp Luân Công đã bị xem là mối đe dọa đối với chế độ độc tài toàn trị của cố lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân. Tháng 07/1999, ông bắt đầu một chiến dịch đàn áp sâu rộng, cam kết sẽ “xóa sổ” môn tu luyện này khỏi Trung Quốc.
Nhiều học viên Pháp Luân Công đã tìm được cách đào thoát khỏi đất nước này và vạch trần những phương thức tàn bạo mà ĐCSTQ sử dụng để đàn áp môn tu luyện này, bao gồm tra tấn, lạm dụng tình dục và tinh thần, và thậm chí là thu hoạch nội tạng người sống để kiếm lời.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times