Tôi phải làm sao để bảo vệ con mình? (Phần 1)
Bộ Giáo dục New South Wales ở Úc đã đưa Giáo dục chống kỳ thị (Anti-bias education) vào chương trình giáo dục mầm non của trường công lập, truyền bá quan niệm về Xu hướng tính dục (Sexual orientation) và Nhận dạng giới tính (Gender identity) cho các giáo viên mầm non. Và khi các trường mẫu giáo dạy cho trẻ những khái niệm này, họ đã không cần sự cho phép của các bậc phụ huynh, cha mẹ của trẻ thậm chí còn không biết điều đó.
Nan đề gặp phải trong giáo dục mầm non
Nếu con của quý vị đang học mẫu giáo, khi đón con, quý vị có thể đã nhìn thấy những cậu bé mặc váy hoặc thắt bím tóc ở trường mẫu giáo; hoặc là nhìn thấy cầu vồng được dán khắp trường mẫu giáo vào tháng Sáu. Lúc này quý vị mới giật mình khi ngày lễ tôn vinh nhóm người đồng tính và chuyển giới (LGBT) đã trở thành một phần trong giáo dục đối với trẻ nhỏ.
Câu chuyện có thật thứ nhất
Anh Dan là một người cha sống ở thành phố Lismore, New South Wales. Anh đã kể cho phóng viên của Epoch Times về câu chuyện của mình. Dan có một cậu con trai bốn tuổi, một hôm khi anh đưa con đến trường mẫu giáo, anh thấy ở khu vực cổng ra vào, ngoài một cuốn sổ tay đánh dấu ra vào, còn có một cuốn sổ liên lạc giữa hiệu trưởng và giáo viên.
Anh Dan tình cờ mở cuốn sổ liên lạc này và thấy một đoạn mô tả như sau của hiệu trưởng trường mẫu giáo: “Hôm nay tôi lấy hai bồn tắm đồ chơi màu xanh và màu hồng, cùng một búp bê bé trai và một búp bê bé gái. Tôi kiểm tra một cậu bé (trong vườn trường), tôi hỏi cậu bé: Con búp bê nào nên đi vào bồn tắm nào? Cậu bé đặt búp bê bé trai vào bồn tắm màu xanh và búp bê bé gái vào bồn tắm màu hồng. Tôi đã rất kinh ngạc và hỏi cậu bé tại sao lại làm như vậy? Cậu bé trả lời: ‘Vì bồn tắm màu xanh là màu của con trai, còn bồn tắm màu hồng là màu của con gái’”. Hiệu trưởng viết, “Tôi lập tức hỏi cậu bé tại sao lại như vậy?”. Hiệu trưởng tiếp tục viết rằng, việc giáo dục Nhận dạng giới tính (Gender identity, nhận thức của một người về giới tính của bản thân họ) ở trường mẫu giáo đã được thực hiện trong một thời gian, nhưng không có hiệu quả đáng kể.
Anh Dan cho biết sau khi đọc nội dung trên, anh đã rất thắc mắc: “Vị hiệu trưởng này làm sao vậy, cháu bé này nói không sai mà”. Anh nói rằng anh đã tìm gặp vị hiệu trưởng và thẳng thắn hỏi cô ấy: “Những điều này rốt cuộc là gì, cô đã truyền bá điều gì cho những cháu bé này? Điều cô đang làm là đảo ngược quan niệm đúng đắn của trẻ.”
Vị hiệu trưởng nghe vậy thì hai tay khẽ run lên, anh Dan biết cô ấy đang sợ hãi, giống như bị phát hiện mình đã làm sai điều gì đó.
Anh Dan cho rằng, “Cô ấy thực hiện loại kế hoạch này, nó chỉ có thể khởi tác dụng gây nhầm lẫn giới tính cho những cháu bé còn quá nhỏ.”
Câu chuyện có thật thứ hai
Vào năm 2021, trang tin tức news.com.au của Úc cũng đưa tin về sự việc xảy ra tại một trường mẫu giáo ở North Beach của Sydney.
Cha của một cháu bé ba tuổi phát hiện ra rằng trường mẫu giáo đang dạy các bé về “Giới tính linh hoạt” (Gender Fluid). Trong cuốn truyện mà giáo viên đọc cho học sinh nghe có mô tả một cậu bé tên Julian và ước mơ trở thành một cô gái của cậu bé như thế nào. Họ còn đọc cho các em một cuốn sách có tên “Pink for Boys” (Màu hồng của bé trai) để thách thức với quan điểm cũ về giới tính đối với màu xanh/màu hồng.
Người cha này cho biết: “Con trai tôi ba tuổi, đang trong giai đoạn học nói và tập tự đi vệ sinh. Giống như hầu hết những em bé khác, cháu chưa biết cách kiểm soát cảm xúc của mình, tất cả những gì (cháu) cần chỉ là tình yêu thương”. “Điều mà các trường mẫu giáo nên cung cấp và quan tâm, đó là những nhu cầu cơ bản về sức khỏe thể chất và tinh thần của con em chúng ta, thay vì truyền bá những khái niệm không liên quan và không phù hợp trong quá trình học tập quý giá của trẻ ở giai đoạn này.”
Các ông bố trong hai câu chuyện trên cuối cùng đã quyết định đưa con về nhà và tự dạy con!
Hiện trạng
Anh Dan trong câu chuyện đầu tiên cho biết anh rất kinh ngạc và tức giận. Sau khi về nhà, anh đã tích cực tìm kiếm những thông tin về “Giáo dục chống kỳ thị” mà Bộ Giáo dục New South Wales đưa vào chương trình giáo dục mầm non ở các trường công lập. Anh biết được rằng chương trình giảng dạy này đang truyền bá quan niệm về Xu hướng tính dục và Nhận dạng giới tính cho các giáo viên mầm non. Điều đáng kinh ngạc là khi các trường mẫu giáo dạy cho trẻ những khái niệm này, họ không cần sự cho phép của phụ huynh, cha mẹ của các em bé này thậm chí còn không biết điều đó.
Dan cho biết, vì lo lắng cho việc giáo dục trẻ em trong độ tuổi đi học, anh đã phải đi liên hệ khắp nơi. Đầu tiên, anh liên hệ với dân biểu ở địa phương của mình, sau đó là bà Sarah Mitchell, Bộ trưởng Bộ Giáo dục New South Wales, để đề xuất những lo ngại của mình. Và những phản hồi nhận được khiến anh vô cùng thất vọng.
Anh Dan bắt đầu gọi điện và tìm kiếm các trường mẫu giáo ở Lismore loại trừ “giáo dục chống kỳ thị” ra khỏi chương trình giáo dục. Anh phát hiện rằng, ở Lismore, ngoại trừ một trường tư thục của Giáo hội, thì các trường mẫu giáo hoặc trường mầm non còn lại đều có chương trình “giáo dục chống kỳ thị” này. Điều đó có nghĩa là, trẻ nhỏ từ 3-5 tuổi đã bắt đầu tiếp xúc với chủ đề đồng tính luyến ái, thậm chí vô tri vô giác tán đồng với nhóm người này và hành vi của họ. Anh cũng được biết rằng rất nhiều trường học của Giáo hội hoặc trường tư thục khi dạy những chủ đề gây tranh cãi này, họ sẽ cung cấp thông tin cho phụ huynh và tôn trọng ý kiến của phụ huynh, để phụ huynh quyết định xem con mình có tiếp nhận hay không.
Cuối cùng, vào tháng 12 năm ngoái, anh Dan và vợ thất vọng quyết định đưa con về nhà và dạy trẻ (học tại gia). Anh Dan nói, vợ chồng anh biết rằng việc lớn lên cùng với những trẻ em khác ở trường mẫu giáo là rất quan trọng đối với sự phát triển khả năng giao tiếp ngôn ngữ, kỹ năng xã hội cũng như thể chất và tinh thần của con trẻ. Tuy nhiên, ở độ tuổi còn nhỏ như vậy mà trẻ đã phải tiếp xúc với những bé trai mặc váy và tết tóc ở trường mẫu giáo, hơn nữa còn cùng nhau ăn mừng ngày lễ của người đồng tính và chuyển giới (LGBT), điều này thực sự không tốt cho trẻ. Anh chỉ muốn cố gắng bảo vệ con, không muốn con bị rối loạn trong quan niệm quá sớm.
Có thể quý vị sẽ ngạc nhiên với những điều kể trên, nó bắt đầu từ kế hoạch Liên minh Trường học An toàn (Safe Schools Coalition). Trong bài tiếp theo, chúng tôi sẽ giới thiệu về kế hoạch Liên minh Trường học An toàn của Úc và phần hỏi đáp của các chuyên gia giáo dục.
Tùy Phong biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ