Chuyên gia chia sẻ: Làm thế nào để con trẻ vâng lời cha mẹ?
Để con ngoan ngoãn nghe lời không phải là điều dễ dàng đối với các bậc cha mẹ. Đôi khi bạn yêu cầu trẻ làm điều gì đó, trẻ có thể sẽ làm sai, hoặc là không nghe lời, thậm chí khóc lóc ầm ĩ. Trẻ em cũng có suy nghĩ của bản thân mình và mong muốn có quyền tự chủ. Về vấn đề làm sao để khiến con trẻ vâng lời, một chuyên gia đã chia sẻ ba bí quyết cho các bậc cha mẹ.
Ông Jeffrey D. Shahidullah, nhà tâm lý học nhi khoa và là trợ lý Giáo sư tâm thần học tại Đại học Texas ở Austin, đã viết trên trang web Tâm lý học Ngày nay (Psychology Today) rằng, có ba điểm chính để trẻ vâng lời:
- Trẻ có nhiều khả năng tuân theo các chỉ dẫn mang lại kết quả tốt hơn cho mình.
- Khi cha mẹ cho trẻ thấy kết quả của việc vâng lời và không vâng lời, trẻ sẽ biết vâng lời mới là thượng sách.
- Khi bạn yêu cầu trẻ làm điều gì đó lần đầu tiên, lựa chọn phương án phần thưởng sẽ có thể khích lệ trẻ phối hợp.
Ông Shahidullah giải thích rằng trẻ em có sở thích riêng, các bé cũng đang dần dần phát triển ý thức tự chủ và kiểm soát. Trẻ cũng sẽ suy nghĩ về cách trả lời để đạt được kết quả tốt nhất. Khi cha mẹ yêu cầu con trẻ vâng lời, họ cũng nên quan tâm đến ý thức tự chủ và kiểm soát của con trẻ.
Dưới đây là ba bí quyết khiến con trẻ vâng lời cha mẹ:
Đưa ra hướng dẫn hiệu quả
Ông Shahidullah nói rằng điều quan trọng là “nói với cháu bé nên làm gì, chứ không phải không được làm gì.”
Ông lấy ví dụ, khi bạn đang đi bộ trên vỉa hè với trẻ và đến gần một vũng nước đọng, bạn nên nói với trẻ rằng, “con hãy tránh vũng nước đó” thay vì “đừng đi vào vũng nước.” Điều này có thể cung cấp cho trẻ hướng dẫn rõ ràng để tránh vũng nước.
Khi chúng ta nói với trẻ nhỏ những điều không được làm (ví dụ: không được bước vào vũng nước), trẻ có thể sẽ chọn dùng những hành động khác kém lý tưởng hơn (ví dụ: nhảy qua vũng nước).
Đưa ra ít hướng dẫn hơn
Ông Shahidullah cho biết các bậc cha mẹ thường chỉ dẫn con quá nhiều. Nếu trẻ nghe quá nhiều hướng dẫn cùng một lúc, các bé có thể sẽ tỏ ra không nghe không thấy điều gì. Khi cha mẹ lặp lại cùng một hướng dẫn, trẻ sẽ nghĩ: “Tại sao mình phải làm việc mà ba nói lần đầu, cuối cùng lại nói lần thứ hai, lần thứ ba, lần thứ tư? Mình vẫn cứ tục làm việc của mình thôi (như chơi trò chơi điện tử thay vì đi đánh răng).”
Trẻ em có nhiều khả năng vâng lời hơn khi bậc cha mẹ chỉ đưa ra những hướng dẫn quan trọng (chẳng hạn như đánh răng, làm bài tập và đi ngủ) và loại bỏ những hướng dẫn không cần thiết (chẳng hạn như mang nước cho ba).
Kiên trì hoàn thành hướng dẫn
Ông Shahidullah nói rằng, bạn nên cho con mình thấy được kết quả khác biệt giữa việc làm theo hướng dẫn và không làm theo hướng dẫn.
Trẻ em thường không làm theo hướng dẫn vì trẻ muốn có được thứ mình muốn (chẳng hạn như có nhiều thời gian hơn để chơi trò chơi điện tử), hoặc để tránh những điều các bé không muốn làm (chẳng hạn như đi ngủ).
Cha mẹ thường bảo trẻ tắt trò chơi điện tử, đánh răng, đi tắm và chuẩn bị đi học. Khi trẻ không vâng lời sau khi cha mẹ nói điều đó lần thứ nhất, trẻ thường không cho đó là vấn đề của mình, mà là vấn đề của cha mẹ. Tuy nhiên, khi trẻ cho rằng việc không vâng lời là vấn đề của bản thân, thì hành vi của trẻ sẽ thay đổi. Nói cách khác, trẻ nhận ra rằng nếu không vâng lời, có thể mất một số quyền hoặc phần thưởng (chẳng hạn như thời gian sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại di động).
Khi con của bạn thường xuyên không làm theo lời cha mẹ, thì áp dụng phương thức phần thưởng có thể sẽ khích lệ trẻ. Bạn có thể nói rằng, nếu con nhanh chóng tuân thủ, con có thể tùy chọn một trong nhiều phần thưởng (chẳng hạn như chọn một hoạt động thú vị mà trẻ thích).
Nguyên lý căn bản cho phương pháp lựa chọn phần thưởng này là nó cung cấp phần thưởng ngay lập tức cho sự vâng lời của con trẻ. Đối với một số trẻ phản kháng lại chỉ dẫn của cha mẹ, phương pháp này sẽ khiến quyết định của trẻ chuyển từ “mình có muốn làm theo lời ba không, muốn hay không?” thành “mình nên chọn hoạt động thú vị nào, cuộc thi Limbo, vũ hội hay trò The Floor Is Lava?”
Cuối cùng, ông Shahidullah nói rằng, các hoạt động hoặc trò chơi chọn làm phần thưởng nên được thay đổi thường xuyên để tăng sự mới mẻ và tránh cho trẻ cảm thấy nhàm chán.
Trần Tuấn Thôn thực hiện
Mạt Lệ biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ