Tối cao Pháp viện nhất loạt phán quyết ủng hộ IRS, bác bỏ yêu cầu hoàn thuế trong vụ kiện tranh chấp thuế gia sản
Pháp viện cho rằng, doanh thu tăng thêm bắt nguồn từ một công cụ lập kế hoạch di sản làm tăng thêm giá trị của một công ty gia đình sẽ phải chịu thuế.
Hôm 06/06, Tối cao Pháp viện đã ra phán quyết nhất loạt ủng hộ Sở Thuế vụ (IRS) trong một vụ kiện tranh chấp về việc đánh thuế doanh thu từ các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của cổ đông.
Thẩm phán Clarence Thomas đã chấp bút cho phán quyết 9–0 của pháp viện trong vụ kiện này, mang tên Connelly kiện Sở Thuế vụ.
Vụ kiện liên quan đến một công ty được nắm giữ chặt chẽ* của hai người anh em. Sau khi người anh trai qua đời, cơ quan thuế và người tiếp quản di sản đã bất đồng ý kiến về giá trị cổ phiếu.
(*Theo định nghĩa của IRS, một công ty được nắm giữ chặt chẽ, hay “closely held corporation”, là một công ty có hơn 50% giá trị cổ phiếu đang lưu hành thuộc sở hữu của 5 cá nhân trở xuống tại bất kỳ thời điểm nào trong nửa cuối năm thuế và không phải là một công ty dịch vụ cá nhân.)
Các công ty được nắm giữ chặt chẽ thường có các thỏa thuận quy định về việc mua lại cổ phiếu của một cổ đông sau khi cổ đông đó qua đời để duy trì tính chất nắm giữ chặt chẽ của công ty. Theo những phương pháp lập kế hoạch di sản thông thường, các công ty sẽ mua bảo hiểm nhân thọ cho cổ đông để bảo đảm giao dịch mua lại này được tài trợ.
Tối cao Pháp viện cho rằng số tiền thu được từ bảo hiểm nhân thọ mà sẽ được sử dụng để mua lại cổ phần của người quá cố phải được đưa vào khi tính giá trị của những cổ phiếu đó cho mục đích đánh thuế gia tài liên bang (estate tax).
Đơn kháng cáo của ông Thomas Connelly, người tiếp quản di sản của ông Michael Connelly, đã bị Tòa Phúc thẩm Hoa Kỳ Khu vực Tám bác bỏ hồi tháng 06/2023.
Theo IRS, người tiếp quản di sản này đã nợ gần 1 triệu USD sau khi cơ quan thuế phát hiện ra rằng Crown C Corp., một công ty kinh doanh vật liệu xây dựng có trụ sở tại St. Louis, đã không báo cáo số tiền thu được từ bảo hiểm nhân thọ sau khi ông Michael Connelly qua đời vào năm 2013.
Vào thời điểm qua đời, ông Michael Connelly, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành quá cố của công ty, đang nắm giữ 77.18% cổ phần, trong khi ông Thomas Connelly nắm giữ 22.82%.
Người tiếp quản di sản đã nộp tờ khai thuế gia sản báo cáo giá trị cổ phiếu của anh trai mình là 3 triệu USD, nhưng IRS đã tiến hành một cuộc kiểm toán trong đó một hãng kế toán đã định giá cổ phiếu công ty này ở mức hơn 3.8 triệu USD vào thời điểm người anh trai qua đời.
IRS xác định rằng số tiền thu được từ bảo hiểm nhân thọ cần phải được đưa vào định giá công ty, có nghĩa là công ty đã có giá trị 6.8 triệu USD vào ngày người anh qua đời. Do đó, IRS cho rằng người tiếp quản di sản này nợ thêm 890,000 USD. Người tiếp quản di sản đã trả số tiền này và sau đó khởi kiện cơ quan thuế tại tòa án liên bang ở Missouri.
Tối cao Pháp viện đã xem xét liệu số tiền thu được từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nhằm tài trợ cho việc công ty mua lại cổ phần của người đồng sở hữu đã qua đời có nên được đưa vào định giá cổ phiếu hay không.
Người tiếp quản di sản lập luận rằng cổ phiếu không nên bị đánh thuế vì số tiền thu được được sử dụng để mua lại số cổ phiếu đang lưu hành. IRS phản đối, cho rằng cổ phiếu phải chịu thuế dựa trên giá trị thị trường hợp lý được đo bằng giá mà cổ phiếu có thể được bán khi người đồng sở hữu qua đời.
Theo đơn kiện của người em, vụ kiện này liên quan đến một câu hỏi quan trọng của luật thuế liên bang mà các tòa phúc thẩm liên bang không đồng thuận.
Theo Bộ luật Thuế vụ, khi một cá nhân qua đời, tài sản phải chịu thuế tài sản liên bang của người đó được tính toán dựa trên giá trị thị trường hợp lý của tài sản nắm giữ tại thời điểm qua đời.
Đơn kiện nêu rõ, “Trong nhiều trường hợp, giá trị thị trường hợp lý có thể được xác định thông qua một phân tích đơn giản về thị trường đại chúng. Nhưng khi một loại tài sản cụ thể không được giao dịch tự do, thì giá trị thị trường hợp lý phải được xác định trên cơ sở định giá và đánh giá.”
“Theo quy định hiện hành của Bộ Ngân khố, số tiền bảo hiểm nhân thọ phải trả cho một công ty có thể liên quan đến việc xác định giá trị cổ phiếu của người quá cố trong công ty đó trong một số trường hợp nhưng không phải trong những trường hợp khác.”
“Câu hỏi được đặt ra là liệu số tiền một công ty nắm giữ chặt chẽ thu được từ một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho một cổ đông, để giúp cho việc mua lại cổ phiếu của cổ đông đó, có nên được xem là tài sản của công ty khi tính giá trị cổ phiếu của cổ đông cho mục đích đánh thuế gia sản liên bang hay không.”
Trong bản ý kiến mới của mình, Thẩm phán Thomas kể lại rằng anh em nhà Connelly đã ký một thỏa thuận để bảo đảm công ty sẽ tiếp tục thuộc về gia đình nếu một trong hai anh em qua đời. Theo thỏa thuận đó, công ty có thể bị buộc phải mua lại cổ phần của người đã khuất.
Để tài trợ cho việc mua lại cổ phần, công ty đã mua bảo hiểm nhân thọ cho mỗi người trong hai anh em. Sau khi ông Michael Connelly qua đời, đã xảy ra tranh chấp về cách định giá cổ phiếu của ông để tính thuế gia sản.
“Câu hỏi trung tâm là liệu nghĩa vụ mua lại cổ phiếu của ông Michael của doanh nghiệp có phải là một trách nhiệm pháp lý làm giảm giá trị của những cổ phiếu đó hay không.” Thẩm phán Thomas viết, “Chúng tôi kết luận rằng không và do đó khẳng định [phán quyết của Tòa án Khu vực Tám].”
Thẩm phán giải thích rằng khi ông Michael Connelly qua đời, công ty đã có trị giá gần 4 triệu USD và gia đình định giá cổ phiếu của ông vào khoảng 3 triệu USD. Tuy nhiên, cơ quan thuế giữ quan điểm rằng giá trị công ty là gần mức 7 triệu USD vì số tiền thu được từ bảo hiểm là 3 triệu USD. Quan điểm này khiến cổ phiếu của người quá cố trị giá hơn 5 triệu USD.
Thẩm phán Thomas viết, “Bởi vì việc mua lại theo giá trị thị trường hợp lý không ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của bất kỳ cổ đông nào, nên không có người sẵn lòng mua lại cổ phiếu của ông Michael nào sẽ coi nghĩa vụ của Crown trong việc mua lại cổ phiếu của ông Michael theo giá thị trường hợp lý là một yếu tố làm giảm giá trị của những cổ phiếu đó.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times