Khảo sát của Fed tiết lộ triển vọng kinh tế mờ nhạt cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ
Theo báo cáo Beige Book công bố ngày 29/05 của Hệ thống Dự trữ Liên bang (Fed), nền kinh tế Hoa Kỳ đã tiếp tục tăng trưởng với tốc độ chậm trong quý 1/2024; tuy nhiên, các doanh nghiệp đã trở nên bi quan hơn do nhu cầu tiêu dùng giảm và lạm phát gia tăng.
Beige Book, được xuất bản tám lần một năm, cung cấp bản tóm tắt về tình hình kinh tế trên khắp các khu vực của Hệ thống Dự trữ Liên bang, nêu bật các điều kiện đa dạng về kinh tế giữa các ngành và khu vực.
Beige Book đưa tin: “Triển vọng chung ngày càng bi quan hơn trong bối cảnh có báo cáo về sự bất ổn gia tăng và rủi ro suy thoái lớn hơn.”
Hoạt động kinh tế của Hoa Kỳ tăng nhẹ từ đầu tháng Tư đến giữa tháng Năm, với lĩnh vực du lịch và lữ hành có sự tăng trưởng đáng kể trên toàn quốc. Sự tăng trưởng này chủ yếu là do gia tăng trong lĩnh vực du lịch giải trí và chuyến đi kinh doanh. Tuy nhiên, những mối liên lạc trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn bày tỏ những kỳ vọng khác nhau cho mùa hè. Nhu cầu về các dịch vụ phi tài chính tăng lên và hoạt động dịch vụ vận tải cũng đa dạng.
“Nền kinh tế của chúng ta đang chậm lại,” ông Steve Beaman, Giám đốc điều hành của Alevar Technologies, nói với The Epoch Times. “Các doanh nghiệp rất bi quan về nền kinh tế hoặc ngày càng bi quan vì số liệu lạm phát, môi trường chính trị mà chúng ta đang gặp phải, tình hình địa chính trị mà chúng ta có, và rồi còn … tình trạng quản lý. Tất cả những yếu tố đó kết hợp với nhau khiến [các doanh nghiệp], đặc biệt là… các doanh nghiệp độc lập, lo ngại về việc chi vốn cho một chiến lược tăng trưởng.”
Ông Beaman là cựu cố vấn kinh tế cho Fortune 500 và là tác giả của các cuốn sách “Giấc Mơ Mỹ Gặp Khó Khăn” (The American Dream Under Fire) và “Con Đường Dẫn Đến Thịnh Vượng” (The Path to Prosperity). Ông có 40 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực kinh doanh và tài chính. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình trong vai trò một nhà môi giới chứng khoán bán lẻ rồi sau đó chuyển sang lĩnh vực tổ chức tài chính. Ông từng là một trong những người áp dụng sớm nhất công nghệ vào lĩnh vực tài chính và đồng sáng lập một trong những công ty FinTech đầu tiên.
“Tôi làm việc rất nhiều với các doanh nghiệp độc lập, và tôi đang nghe và cảm nhận được tâm lý bi quan,” ông nói. “Tôi nghĩ họ đang đặc biệt xem California như một ví dụ điển hình cho chính sách tồi và họ đang xem xét tác động của những chính sách đó ở Illinois, New Jersey, và một số tiểu bang khác. Vì vậy, quan điểm bi quan trong các doanh nghiệp về cuộc bầu cử đó đang mang lại sự không chắc chắn rất lớn.”
Thị trường lao động vẫn ổn định, với tám khu vực ghi nhận việc làm tăng nhẹ, trong khi bốn khu vực còn lại báo cáo số liệu việc làm không đổi. Mặc dù cung và cầu nhân công trên thị trường lao động tiếp tục cân bằng nhưng tình trạng thiếu hụt vẫn tồn tại ở một số ngành hoặc lĩnh vực cụ thể.
Tăng trưởng tiền lương đã ở mức vừa phải, và áp lực tiền lương đã giảm bớt ở một số khu vực nhất định. Một số khu vực dự đoán tăng trưởng việc làm ở mức khiêm tốn sẽ tiếp tục, trong khi những khu vực khác ghi nhận kỳ vọng tuyển dụng giảm do nhu cầu kinh doanh yếu hơn và tình trạng không chắc chắn.
Ngành sản xuất nhìn chung có kết quả dao động từ ổn định đến tăng nhẹ; ngành này đang phải đối mặt với những thách thức do lãi suất cao và chi phí đầu vào tăng.
Chi tiêu của người tiêu dùng có mức tăng nhẹ, do các cá nhân có thu nhập tùy ý tạo ra, trong khi các cá nhân có thu nhập thấp hơn giảm chi tiêu hoặc chọn mua hàng hóa giá rẻ hơn.
Báo cáo cũng cho biết giá đã tăng với tốc độ vừa phải trong giai đoạn báo cáo. Những mối liên lạc ở hầu hết các khu vực đều lưu ý rằng người tiêu dùng phản đối việc tăng giá lên cao hơn nữa, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận thu hẹp trong bối cảnh giá đầu vào tăng.
Về việc làm, thị trường lao động vẫn ổn định với tám khu vực báo cáo mức tăng việc làm từ không đáng kể đến khiêm tốn. Bốn khu vực còn lại báo cáo không có thay đổi về việc làm. Trong khi cung và cầu nhân công trên thị trường lao động tiếp tục cân bằng, một số ngành hoặc khu vực nhất định vẫn thiếu hụt lao động.
Báo cáo Beige Book của Hệ thống Dự trữ Liên bang nêu rõ, “Việc làm nhìn chung đã tăng với tốc độ nhẹ. Tám khu vực báo cáo việc làm tăng ở mức không đáng kể đến khiêm tốn, và bốn khu vực còn lại báo cáo không có thay đổi nào trong số lượng việc làm.”
Nhìn chung, trong khi một số ngành có dấu hiệu tăng trưởng, thì một số ngành khác phải đối mặt với thách thức do lãi suất cao và chi phí đầu vào tăng. Hệ thống Dự trữ Liên bang cho biết họ sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các điều kiện này để đưa ra các quyết định chính sách tiền tệ của mình.
Ông Beaman cũng nhắc nhở rằng chúng ta nên nhìn nhận dữ liệu với sự suy xét.
Ông nói, “Đúng, báo cáo đã cho thấy những số liệu không tốt. Nhưng bất cứ khi nào chúng ta bắt đầu dùng những con số đó để ngoại suy tương lai, hãy nhớ rằng mỗi lần quý vị làm như thế, thì quý vị có thể sai mà cũng có thể đúng. Dự đoán tương lai không phải là một môn khoa học.”
Theo công cụ FedWatch Tool của Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (CME), một đợt cắt giảm lãi suất 0.25% dự kiến sẽ diễn ra tại cuộc họp hoạch định chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vào tháng Mười Một tới, hạ mức lãi suất hiện tại từ phạm vi 5.25-5.5% xuống khoảng từ 5-5.25%. Dự kiến, một đợt cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản thứ hai sẽ diễn ra tại cuộc họp FOMC vào ngày 29/01/2025.
CME FedWatch Tool là một nguồn tài nguyên của CME Group, chuyên cung cấp thông tin chi tiết theo thời gian thực về kỳ vọng của thị trường đối với các quyết định chính sách tiền tệ của Hệ thống Dự trữ Liên bang trong tương lai, sử dụng hợp đồng quỹ liên bang tương lai để dự đoán xác suất thay đổi lãi suất.
“Có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy nền kinh tế đang chậm lại, nhưng áp lực lạm phát vẫn còn đó,” ông E.J. Antoni, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Ngân sách Liên bang Grover M. Hermann thuộc Quỹ Di Sản, nói với The Epoch Times. “Điều này tạo ra những trở ngại đáng kể nhưng cũng đặt ra một kịch bản không có lợi cho các nhà hoạch định chính sách trong ngắn hạn.”
Ông Antoni nói rằng sẽ là khôn ngoan khi chuẩn bị cho một thời kỳ lạm phát tăng cao và tăng trưởng kinh tế trì trệ, hay còn gọi là “lạm phát đình trệ.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times