Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ sẽ xem xét lại vụ kiện liên quan đến việc Facebook thu thập dữ liệu
Các nhà đầu tư cho rằng công ty này đã lừa dối họ và điều này dẫn đến giá trị cổ phiếu của công ty giảm xuống.
Hôm 10/06, Tối cao Pháp viện đồng ý xem xét vụ kiện của rất nhiều cổ đông cáo buộc công ty mẹ Meta Platforms Inc. của Facebook đã lừa dối các nhà đầu tư liên quan đến tranh cãi về việc thu thập dữ liệu liên quan đến Cambridge Analytica, một công ty tư vấn chính trị.
Phán quyết cuối cùng của Tối cao Pháp viện trong vụ án này có thể có tác động về sau đến các tiêu chuẩn của công ty về vấn đề tiết lộ thông tin.
Theo hồ sơ của Facebook đệ trình lên tòa án cấp cao nhất của quốc gia, vụ việc liên quan đến một vụ kiện tập thể về gian lận chứng khoán tư nhân phát sinh từ “việc thu thập sai trái và lạm dụng dữ liệu người dùng Facebook” của Cambridge Analytica, một công ty có trụ sở tại Anh hiện đã ngừng hoạt động.
Hồi tháng 12/2022, Meta đã đồng ý chi trả 725 triệu USD để dàn xếp một vụ kiện tập thể cho rằng công ty này đã cho phép các bên thứ ba, bao gồm Cambridge Analytica, có quyền truy cập vào thông tin cá nhân của lên đến 87 triệu người dùng. Vụ việc này được công bố vào năm 2018.
Trước đây Cambridge Analytica từng làm việc cho chiến dịch tranh cử tổng thống thành công của ứng cử viên Donald Trump vào năm 2016, và đã truy cập vào dữ liệu cá nhân từ hàng triệu tài khoản Facebook nhằm mục đích là nhắm mục tiêu vào cử tri và lập hồ sơ cử tri. Các chủ tài khoản không đồng ý và dữ liệu của họ đã được thu thập bằng một ứng dụng.
Vụ bê bối này đã dẫn đến các cuộc điều tra của chính phủ và Tổng Giám đốc Meta Mark Zuckerberg được triệu tập để làm chứng trước Quốc hội.
Vào năm 2019, Facebook đã đồng ý trả 5 tỷ USD để giải quyết một cuộc điều tra của Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ về các thủ thuật quyền tư ẩn của mình và 100 triệu USD để dàn xếp vụ kiện của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ cáo buộc họ đã lừa dối các nhà đầu tư về việc lạm dụng dữ liệu của họ.
Đồng thời, Meta đang bị Liên minh Âu Châu điều tra về các hành vi có thể vi phạm các quy tắc an toàn trẻ em trên nền tảng Facebook và Instagram của mình.
Tối cao Pháp viện đã chấp nhận đơn kiến nghị xem xét lại (certiorari) trong vụ Facebook Inc. kiện Ngân hàng Amalgamated, theo một án lệnh chưa được ký.
Không có thẩm phán nào phản đối và Pháp viện không giải thích về quyết định của mình. Ít nhất bốn trong số chín thẩm phán phải bỏ phiếu để chấp nhận đơn kiến nghị xem xét lại này để tiến đến giai đoạn tranh luận trực tiếp.
Tối cao Pháp viện sẽ xem xét liệu một tòa phúc thẩm liên bang có sai lầm khi cho phép vụ kiện trị giá hàng tỷ dollar này tiến hành dựa trên các cáo buộc rằng Facebook, tên gọi của công ty vào thời điểm đó, đã thổi phồng giá cổ phiếu bằng cách không đưa ra công bố đầy đủ thông tin rằng dữ liệu người dùng của họ sẽ bị lạm dụng.
Các nhà đầu tư cho rằng vấn đề tranh cãi này đã góp phần khiến giá cổ phiếu giảm vào năm 2018, dẫn đến công ty mất hơn 200 tỷ USD vốn hóa thị trường.
Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 9 đã ra phán quyết bất lợi cho Facebook trong vụ kiện diễn ra vào tháng 10/2023.
Facebook đang yêu cầu Tối cao Pháp viện bác bỏ vụ kiện này.
Tòa án địa hạt liên bang đã bác bỏ yêu cầu bồi thường của nguyên đơn ba lần nhưng Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 9 đã phục hồi các yêu cầu bồi thường, điều mà Facebook cho biết trong đơn kiến nghị của mình là “đã áp dụng các quan điểm của bên ngoài cuộc cực đoan.”
“Quyết định của Tòa Phúc thẩm Khu vực 9 sẽ là một tín hiệu đánh dấu cho các vụ kiện tập thể mà sẽ bị bác bỏ ở bất kỳ khu vực nào khác,” đơn kiến nghị nêu rõ.
Bên bị đơn, Ngân hàng Amalgamated, lập luận rằng quyết định của tòa án phúc thẩm là đúng và Tối cao Pháp viện nên bác bỏ kháng cáo này.
“Không có xung giữa các tòa án ở các khu vực,” bên ngân hàng cho biết trong một bản tóm tắt.
Tòa Phúc thẩm Khu vực 9 “áp dụng cùng một quy tắc như các khu vực khác mà Facebook trích dẫn: một tuyên bố là lừa dối nếu tuyên bố đó coi một rủi ro nghiêm trọng chỉ là giả thuyết khi rủi ro đó đã trở thành hiện thực.”
Tối cao Pháp viện dự kiến sẽ xét xử vụ Facebook Inc. kiện Ngân hàng Amalgamated trong nhiệm kỳ mới bắt đầu vào tháng Mười.
Trong khi đó, các thẩm phán Tối cao Pháp viện hiện đang tiến hành nghị án trong hai vụ án liên quan đến nền tảng truyền thông xã hội này.
Các thẩm phán Tối cao Pháp viện dường như đã thể hiện sự hoài nghi đối với các lập luận của tiểu bang vào ngày 18/03 rằng chính phủ liên bang đã sai khi liên lạc với các nền tảng truyền thông xã hội về các vấn đề sức khỏe cộng đồng trong đại dịch vừa qua.
Đồng thời, trong cuộc tranh luận trực tiếp trong vụ Murthy kiện Missouri, các tiểu bang đã lập luận rằng chính phủ liên bang đã thúc ép mạnh mẽ các công ty truyền thông xã hội kiểm duyệt những quan điểm không thiện cảm về các vấn đề quan trọng của công chúng như tác dụng phụ liên quan đến vaccine ngừa COVID-19 và các biện pháp phong tỏa được chính phủ áp đặt. Các tiểu bang lập luận rằng việc áp dụng loại áp lực này vi phạm Tu chính án thứ Nhất.
Tiến sĩ Vivek Murthy là Tổng Y sỹ Hoa Kỳ. Tiểu bang Missouri và các bên khác đã kiện chính phủ liên bang vì bị cáo buộc là đã kiểm duyệt bằng cách gây áp lực buộc các công ty truyền thông xã hội phải ngăn chặn một số nội dung nhất định.
Hôm 26/02, Florida và Texas nói với Tối cao Pháp viện rằng họ nên được phép quy định cách mà các nền tảng truyền thông xã hội kiểm duyệt nội dung. Trong các cuộc tranh luận trực tiếp, các thẩm phán dường như đang cố gắng tìm ra một quy tắc mới để áp dụng các nguyên tắc tự do ngôn luận vào các cuộc trò chuyện trên mạng.
Trong vấn đề này là quyền của cá nhân người Mỹ được tự do diễn đạt ý kiến trên mạng cũng như quyền của các nền tảng truyền thông xã hội để đưa ra quyết định biên tập về nội dung mà họ đăng tải. Cả hai quyền này đều được Hiến Pháp Hoa Kỳ bảo vệ.
Thách thức phản đối đạo luật của Florida quy định về truyền thông xã hội là vụ Moody kiện NetChoice LLC; thách thức phản đối luật của Texas là vụ NetChoice LLC kiện Paxton.
Cả hai luật của các tiểu bang này đều áp đặt các hạn chế về việc loại bỏ người dùng khỏi các nền tảng và buộc các nền tảng phải giải thích các quyết định về kiểm duyệt nội dung của họ, một quy định mà các nền tảng coi là quá nặng nề.
Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 11 đã hủy bỏ một phần của đạo luật Florida, kết luận rằng “với những ngoại lệ nhỏ, chính phủ không thể nói cho một cá nhân hay tổ chức tư nhân nào phải nói gì hoặc phải nói như thế nào.”
Ngay cả những nền tảng “lớn nhất” cũng là “các chủ thể tư nhân có các quyền được Tu chính án thứ Nhất bảo vệ… [và] cái gọi là các quyết định kiểm duyệt nội dung của họ tạo thành các hoạt động phát xét biên tập được bảo vệ.”
Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực thứ 5 đã thực hiện một hướng trái ngược, cho rằng Hiến Pháp của Texas và bác bỏ “ý tưởng rằng các công ty có quyền tự do theo Tu chính án thứ Nhất để kiểm duyệt những gì mọi người nói.”