Tòa án Nhân quyền Âu Châu: Lệnh cấm của Nga đối với các tài liệu Pháp Luân Công là bất hợp pháp
Tòa án Nhân quyền Âu Châu (ECHR) đã ra phán quyết rằng lệnh cấm của Nga đối với các tài liệu liên quan đến môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công là bất hợp pháp.
ECHR tuyên bố trong phán quyết hôm 31/01 rằng lệnh cấm của Nga — được áp dụng đối với bốn tài liệu thông tin của Pháp Luân Công, bao gồm cuốn sách chính của môn tu luyện này là “Chuyển Pháp Luân” — đã vi phạm quyền tự do ngôn luận được bảo vệ trong Công ước Âu Châu về Nhân quyền, “được giải thích dựa trên” quyền tự do tôn giáo cũng có trong hiến chương này.
Lệnh cấm nói trên được ban hành hồi tháng 08/2008 vào thời điểm diễn ra Thế vận hội mùa hè Bắc Kinh. Một tòa án địa hạt ở Krasnodar phía tây nam nước Nga đã chỉ định một số tài liệu liên quan đến môn tu luyện này là — sách “Chuyển Pháp Luân”; hai cuốn sách nhỏ giới thiệu về môn tu luyện và quảng bá một cuộc biểu tình đốt đuốc Thế vận hội trên toàn thế giới nhằm nêu bật những vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh nhắm vào tín ngưỡng này; cũng như một báo cáo điều tra về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức do nhà nước lãnh đạo của chính quyền Trung Quốc gây ra — là “cực đoan.”
Thu hoạch nội tạng cưỡng bức nằm trong chiến dịch đàn áp quy mô lớn, do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiến hành từ năm 1999, nhằm mục đích xóa sổ Pháp Luân Công.
Môn tu luyện này gồm một tập hợp các bài giảng đạo đức được giải thích trong cuốn sách “Chuyển Pháp Luân”, với các nguyên tắc cốt lõi là chân, thiện, và nhẫn cũng như năm bài công pháp thiền định. Đến năm 1999, ước tính có khoảng 70 triệu đến 100 triệu người tu luyện Pháp Luân Công. Xem sự phổ biến của môn tu luyện này là mối đe dọa đối với quyền lực của Đảng, nhà lãnh đạo đương thời Giang Trạch Dân đã ra lệnh tiến hành một chiến dịch đàn áp tàn bạo trên toàn quốc kéo dài cho đến tận ngày nay.
Lệnh cấm của Nga đối với việc xuất bản và phổ biến các tài liệu Pháp Luân Công “tương đồng với ‘sự can thiệp của một cơ quan công quyền’ đối với quyền tự do ngôn luận của những người nộp đơn,” ECHR phán quyết, để trả lời đơn khiếu nại của hai công dân Nga, ông Mikhail Vladimirovich Sinitsyn và ông Sergey Nikolayevich Alekhin, cả hai đều là học viên Pháp Luân Công.
Trong phán quyết năm 2008 và các phiên điều trần sau đó của họ, Tòa án này phát hiện ra rằng các cơ quan pháp luật của Nga đã không tiến hành một cuộc phân tích pháp lý các văn bản của những ấn phẩm này và không chứng minh được tác hại của việc phổ biến những tài liệu này.
Phán quyết hôm 31/01 nêu rõ những tòa án Nga “đã không đánh giá được sự cần thiết của việc cấm những ấn phẩm liên quan đến bối cảnh những tài liệu này được xuất bản, bản chất và câu từ, cũng như tác hại có thể có của những tài liệu này.”
“Hơn nữa, những tòa án này thậm chí còn không đề cập, chứ đừng nói đến việc thảo luận thấu đáo, đến ảnh hưởng của lệnh cấm này đối với các quyền của người nộp đơn theo Điều 9 và Điều 10 của Công ước… do đó không đánh giá được quyền của họ với lợi ích công cộng,” phán quyết này nói thêm, viện dẫn các phần bảo vệ quyền tự do biểu đạt và ngôn luận (pdf).
ECHR đã ra lệnh cho các nhà chức trách Nga trả cho hai nguyên đơn nói trên 7,500 euro (7,984 USD) mỗi người như một khoản bồi thường và tổng cộng 3,096 euro (3,296 USD) cho mọi chi phí và phí tổn liên quan đến vụ kiện này, cùng với mọi khoản thuế liên quan.
Nga đã rút khỏi Hội đồng Âu Châu – cơ quan giám sát nhân quyền hàng đầu của lục địa này, bao gồm ECHR – vào giữa tháng Ba năm ngoái (2022) trong bối cảnh chiến tranh Ukraine và đã từ chối tuân thủ bất kỳ phán quyết nào của tòa án nhân quyền Âu Châu đưa ra sau đó. Hồi tháng 09/2022, nước này chính thức không còn là một phần của Công ước Châu Âu về Nhân quyền.
Tuy nhiên, Ủy ban các Bộ trưởng của Hội đồng Âu Châu tuyên bố rằng họ sẽ xem xét tất cả các đơn đệ trình trước khi Nga chính thức rút khỏi cơ quan nhân quyền và giám sát việc thực hiện các quyết định của cơ quan này. Khiếu nại về vấn đề này đã được đệ trình hồi năm 2012, trước khi Nga rời đi.
Ông Levi Browde, giám đốc điều hành của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, đã hoan nghênh quyết định của tòa án Âu Châu, đồng thời cho biết thêm ông hy vọng điều đó sẽ “nhắc nhở chính quyền Nga rằng việc hợp tác với ĐCSTQ sẽ không bao giờ mang lại kết quả tốt.”
Ông nói với The Epoch Times, “Tuy nhiên, chúng tôi nhìn nhận Moscow không phải là ĐCSTQ và vẫn nghĩ rằng chính quyền Nga có thể đi đúng hướng và không làm theo mệnh lệnh của ĐCSTQ trong việc đàn áp tự do tôn giáo.”
Ông David Matas, một luật sư nhân quyền người Canada và là đồng tác giả của báo cáo từng bị tòa án Nga cấm, cho biết phán quyết này phản ánh mô hình quản trị của Nga và Trung Quốc, những nơi mà các công dân chỉ được hưởng quyền tự do ngôn luận trên danh nghĩa.
Vào thời điểm tòa án Nga đưa ra phán quyết đầu tiên cách đây 15 năm, ông Matas đã tự hỏi tại sao chính quyền Nga lại “tham gia vào một trò hề như vậy”, vì lời buộc tội đó “cho đến nay vẫn hoàn toàn sai lầm.”
“Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã,” ông nói với The Epoch Times trong một thư điện tử. “Điều mà chính phủ Nga phải cung cấp cho chính phủ Trung Quốc là sự ngăn chặn ở Nga đối với các báo cáo về vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Trung Quốc,” đặc biệt là “báo cáo về vụ sát hại hàng loạt các học viên Pháp Luân Công để lấy nội tạng của họ.”
Tuy rằng ông nghi ngờ Nga sẽ tuân theo phán quyết này, nhưng ông Matas đã mô tả phán quyết của tòa án Âu Châu là “một tiếng nói lý trí trước sự điên rồ của các chính phủ Nga và Trung Quốc.”
Ông nói, “Người ta chỉ có thể hy vọng rằng tiếng nói này sẽ được truyền đi xa.”
Môi trường hạn chế ở Nga là một điều khiến Hoa Kỳ lo ngại. Hồi tháng 07/2021, sau khi một tòa án ở Nga giữ nguyên một lệnh cấm đối với các học viên Pháp Luân Công ở khu vực Khakassia, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố bày tỏ các mối lo ngại sâu sắc về hành động đàn áp này.
“Chính quyền Nga sách nhiễu, phạt tiền, và bỏ tù các học viên Pháp Luân Công vì những hành động đơn giản như thiền định và sở hữu các văn bản tài liệu về tâm linh,” phát ngôn viên của bộ này, ông Ned Price, cho biết. “Chúng tôi kêu gọi chính phủ Nga chấm dứt hành vi sử dụng sai sự định danh ‘cực đoan’ như một cách để hạn chế nhân quyền và các quyền tự do căn bản.
“Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Nga tôn trọng quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng của tất cả mọi người, bao gồm các học viên Pháp Luân Công và các thành viên của các nhóm thiểu số tôn giáo khác ở Nga chỉ đơn giản là đang tìm cách thực hành tín ngưỡng của họ một cách ôn hòa.”
Ở Nga, các học viên Pháp Luân Công vẫn phải tiếp tục đối mặt với áp lực vì thực hành theo đức tin của họ.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times