California: Nhân dịp 64 năm cuộc nổi dậy Tây Tạng, hàng trăm người tập hợp phản đối sự đàn áp của ĐCSTQ
Hôm 10/03, hàng trăm người Tây Tạng và những người ủng hộ họ đã tổ chức một cuộc tập hợp trước Tòa thị chính San Francisco để kỷ niệm 64 năm cuộc nổi dậy của người dân Tây Tạng năm 1959.
Những người biểu tình cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã sử dụng chính sách zero COVID của mình như một cái cớ để tiếp tục bức hại người dân Tây Tạng.
Ông Tenzin Rangdol, cựu chủ tịch Hiệp hội Tây Tạng ở miền Bắc California, nói với The Epoch Times, “Dưới sự cai trị chuyên chế của ĐCSTQ, người dân Tây Tạng đã phải chịu đựng quá nhiều đau khổ. Người dân trong thế giới tự do, đặc biệt là người Mỹ, nên đứng lên chống lại những bất công đang xảy ra trên khắp thế giới. Làm như vậy không phải vì tương lai của người Tây Tạng hay người Duy Ngô Nhĩ, mà là vì tương lai của tất cả các dân tộc trên toàn thế giới.”
Ông Lobsang Chodon từ Hội Thanh niên Tây Tạng khu vực San Francisco nói với The Epoch Times: “Chúng tôi nhớ đến những người anh chị em đau khổ của chúng tôi; chúng tôi nhớ đến những người dân Tây Tạng vẫn đang đau khổ dưới sự cai trị của ĐCSTQ. Vì chúng tôi đang sống trong một quốc gia tự do, nên chúng tôi có quyền tập hợp và phản đối; chúng tôi có quyền diễn hành và lên tiếng. Chúng tôi có thể nói bất cứ điều gì chúng tôi muốn nói. Vì vậy, chúng tôi phải lên tiếng mạnh mẽ cho những anh chị em không thể lên tiếng. Chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng, cho đến khi Tây Tạng được tự do, cho đến khi chúng tôi có thể trở về quê hương của mình.”
Cuộc nổi dậy của người dân Tây Tạng đã diễn ra vào tháng 03/1959. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được mời tham dự một buổi biểu diễn sân khấu tại trụ sở của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) của ĐCSTQ gần Lhasa, theo hồi ký của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Một ngày trước buổi biểu diễn này, các sĩ quan PLA đã yêu cầu các vệ sĩ của Đức Đạt Lai Lạt Ma không được tháp tùng nhà lãnh đạo Tây Tạng này đến buổi biểu diễn đó và cũng không được nói với bất kỳ ai rằng ông sẽ rời Cung điện Potala.
Các vệ sĩ ấy đã trở nên nghi ngờ và công khai thông tin này. Ngày hôm sau, hôm 10/03, ước tính có khoảng 300,000 người Tây Tạng đã bao vây cung điện này trong một nỗ lực bảo vệ Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thoát được khỏi sự kiềm chế của ĐCSTQ và sống lưu vong.
Kể từ đó, ngày 10/03 được kỷ niệm là Ngày Khởi nghĩa Quốc gia Tây Tạng.
Các tổ chức Hồng Kông và các nhóm khác cũng tham dự cuộc tập hợp này.
Ông Tony Tang, một tín đồ Cơ Đốc đến từ Trung Quốc, nói với The Epoch Times, “Chúng ta nên lên tiếng cho những người không thể. Chúng ta nên bảo vệ cho những người không thể tự bảo vệ mình. Rất nhiều người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ bị đưa vào các trại lao động; họ không thể lên tiếng. Nếu chúng ta không lên tiếng cho họ, thì một khi chúng ta bị tước đoạt tự do, ai sẽ lên tiếng cho chúng ta đây?”
Cơ Đốc Giáo và các tôn giáo khác, kể cả Hồi Giáo, cũng đã bị ĐCSTQ đàn áp. Năm 2019, ĐCSTQ đã chính thức quyết định viết lại các phiên bản Kinh Thánh và Kinh Koran của riêng mình trong một nỗ lực “phản ánh các giá trị xã hội chủ nghĩa.”
Tại cuộc tập hợp này, có các buổi biểu diễn thể hiện sự đàn áp của ĐCSTQ đối với người dân Tây Tạng trong đại dịch, cũng như các bài hát và bài thánh ca.
Bản tin có sự đóng góp của Xue Mingzhu và Lear Zhou
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times