Tổ chức nhân quyền ở Đức: Đại sứ quán ngoại quốc ở Trung Quốc nên đến thăm các tù nhân lương tâm
Tổ chức này yêu cầu UNHRC ‘công khai lên án’ cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công của Trung Quốc.
Một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Đức đang kêu gọi đại sứ quán của các nước thành viên Liên Hiệp Quốc tại Trung Quốc đến thăm các tù nhân lương tâm của chế độ cộng sản này, đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công.
Hiệp hội Các Dân tộc Bị đe dọa (STP) đã đệ trình một tuyên bố bằng văn bản lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) vào cuối tháng trước (02/2024), trước khi phiên họp thường kỳ lần thứ 55 của cơ quan Liên Hiệp Quốc này khai mạc, bắt đầu vào ngày 26/02 và dự kiến kết thúc vào ngày 05/04. Tuyên bố này tập trung vào cuộc đàn áp đang diễn ra của chính quyền Trung Quốc đối với Pháp Luân Công cũng như những lo ngại mà các chính phủ, trong đó có cả Nghị viện Âu Châu, đã bày tỏ về cuộc đàn áp này.
Tổ chức này yêu cầu UNHRC “công khai lên án” cuộc đàn áp của Trung Quốc đối với các học viên Pháp Luân Công. STP cũng khuyến nghị cơ quan Liên Hiệp Quốc “mạnh mẽ kêu gọi Trung Quốc chấm dứt ngay lập tức” cuộc đàn áp đối với mọi tù nhân lương tâm, bao gồm cả người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ, cũng như những người bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc.
Một lời đề nghị khác của STP cho biết: “Hãy kêu gọi các đại sứ quán của các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc tại Trung Quốc theo dõi quá trình tố tụng tại tòa đối với các học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, tín đồ Cơ Đốc Giáo, và các tù nhân lương tâm khác, cũng như đến thăm họ trong các trung tâm giam giữ hoặc nhà tù.”
STP cũng kêu gọi các đại sứ quán giúp điều tra thông lệ thu hoạch nội tạng cưỡng bức đối với các tù nhân lương tâm do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn.
Tổ chức này chỉ rõ rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), kể từ khi lên nắm quyền vào năm 1949, “đã tìm cách kiểm soát tư tưởng của người dân Trung Quốc, thực hiện hết chiến dịch này đến chiến dịch khác nhằm dập tắt sự đa dạng về hệ tư tưởng.”
STP viết, với mong muốn kiểm soát hệ tư tưởng, ĐCSTQ đã bắt đầu nhắm vào các học viên Pháp Luân Công trong một “cuộc đàn áp có hệ thống” nhằm xóa sổ môn tập này vào tháng 07/1999, mặc dù môn tập này có “bản chất tâm linh” tập trung vào việc “đề cao tâm tính mỗi người chứ không chủ trương thay đổi xã hội.”
STP đã giải thích tại sao UNHRC phải hành động, vì cho đến ngày nay, những hành động tàn bạo về nhân quyền mà các học viên Pháp Luân Công phải đối mặt “vẫn tiếp tục không suy giảm.”
“Vào năm 2023, số lượng học viên Pháp Luân Công tử vong do các nguồn tin Pháp Luân Công ghi lại đã vượt quá 5,000 người, tuy nhiên nhiều người tin rằng con số này chỉ là phần nổi của tảng băng trôi,” STP viết. “Một phản ứng phối hợp toàn cầu để đối phó với chiến dịch của Trung Quốc nhằm bức hại các học viên Pháp Luân Công đã quá lâu vẫn chưa được thực hiện.”
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần khuyến khích các học viên hành xử chiểu theo các nguyên lý chân, thiện, nhẫn. Theo ước tính chính thức, vào cuối những năm 1990, môn tu luyện này đã trở nên vô cùng phổ biến ở Trung Quốc, với 70 triệu đến 100 triệu học viên theo học môn này.
Vào tháng 07/1999, lãnh đạo ĐCSTQ khi đó là Giang Trạch Dân đã phát động cuộc đàn áp, và ngay từ đầu, ông Giang đã đưa ra một mệnh lệnh mà kể từ đó các quan chức của ĐCSTQ đã tuân theo: “Bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, và hủy hoại thân thể của các học viên.”
Cuộc bức hại
Kể từ đó, ĐCSTQ đã cưỡng bức đưa hàng trăm ngàn học viên Pháp Luân Công đến các trung tâm giam giữ, nhà tù, khu tâm thần, và các cơ sở khác, biến họ thành nạn nhân của lao động cưỡng bức, tra tấn, tẩy não, và các hình thức đối xử vô nhân đạo khác. Nhiều học viên đã trở thành nạn nhân của nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức, khi mà nội tạng của họ trở thành một phần trong “ngân hàng nội tạng,” mà nhờ đó các bệnh viện Trung Quốc có thể dễ dàng tìm được nguồn nội tạng tương thích với bệnh nhân với thời gian chờ đợi ngắn.
STP đã nêu tên một học viên Pháp Luân Công — ông Đinh Nguyên Đức (Ding Yuande) — hiện vẫn đang bị giam giữ ở Trung Quốc và cho biết UNHRC nên kêu gọi “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện” cho ông.
Hồi tháng 05/2023, ông Đinh, một nông dân trồng chè, đã bị bắt cùng vợ và ít nhất 70 học viên Pháp Luân Công khác ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc. Vào tháng 12/2023, ông bị kết án ba năm tù giam vì đức tin của mình.
Đến tháng Một, Nghị viện Âu Châu đã thông qua một nghị quyết kêu gọi “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện” cho ông Đinh và toàn bộ học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Nghị quyết cũng kêu gọi Liên minh Âu Châu và các quốc gia thành viên áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những thủ phạm liên quan đến hành vi lạm dụng cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc.
Phát ngôn viên Trương Nhi Bình (Zhang Erping) của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp cho biết hôm 19/01: “Nghị quyết này vô cùng quan trọng vì nghị quyết không chỉ nêu rõ sự khủng khiếp của chiến dịch tàn bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chống lại Pháp Luân Công, mà còn kêu gọi các biện pháp kiên quyết để điều tra những hành vi tàn bạo này và trừng phạt những kẻ phạm tội.”
“Và nghị quyết thực hiện tất cả những điều này bất chấp sự cưỡng ép chính trị cũng như những nỗ lực truyền bá thông tin sai lệch của ĐCSTQ về Pháp Luân Công.”
Ông Đinh Nhạc Bân (Ding Lebin), con trai của ông Đinh Nguyên Đức, hiện đang sống ở Berlin, nói với The Epoch Times hôm 01/03 rằng ông hy vọng Ủy viên Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Turk và UNHRC sẽ lên tiếng phản đối tội ác của ĐCSTQ, tiếp nối hành động tiên phong này của Nghị viện Âu Châu.
Ông Đinh Nhạc Bân nói: “ĐCSTQ đã cố gắng che đậy và tẩy trắng tội ác phản nhân loại của mình — thu hoạch nội tạng cưỡng bức trên quy mô lớn đối với các học viên Pháp Luân Công — thông qua Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.”
“Các nước dân chủ phương Tây hiện thấy rõ rằng chính sự tồn tại của ĐCSTQ là mối đe dọa lớn đối với nhân loại, tự do, và pháp quyền.”
Trước đó trong năm nay, một số thành viên UNHRC, bao gồm cả Trung Quốc, đã trải qua một quá trình bình duyệt được gọi là “Đánh giá Định kỳ Toàn cầu.” Theo STP, Trung Quốc “không đề cập đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công của họ và tiếp tục biện hộ rằng hành vi ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng là những biện pháp hợp pháp để chống khủng bố hoặc duy trì ổn định chính trị” trong báo cáo quốc gia được nộp lên để bình duyệt.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times