Các nhà lập pháp Utah giới thiệu dự luật chống nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ
Các phiên bản tương tự của dự luật đã được đưa ra tại các cơ quan lập pháp Texas và Arizona.
Ủy ban Thượng viện Utah vừa giới thiệu một dự luật nhằm chống lại một trong những tội ác khủng khiếp nhất của chính quyền Trung Quốc: nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
Hôm 21/02, Ủy ban Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Thượng viện Utah đã thông qua Tu chính án về Cấy ghép Nội tạng, SB 262, đưa dự luật này tiến một bước gần hơn để trở thành luật.
Đạo luật mới do Thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa của tiểu bang, ông Michael McKell, đưa ra sẽ cấm các công ty bảo hiểm chi trả cho việc cấy ghép nội tạng hoặc chăm sóc sau cấy ghép nếu ca phẫu thuật cấy ghép được thực hiện ở Trung Quốc. Đạo luật mới cũng sẽ ủy quyền cho Phó Giám đốc Sở Y tế và Dịch vụ Nhân sinh xác định các quốc gia bổ sung nếu chính phủ của họ được biết là có liên quan đến hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng này.
Dưới sự giám sát của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng quan trọng từ những người còn sống để kiếm lợi đã phát triển thành một ngành công nghiệp phát đạt. Nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng làm tăng thêm tình trạng đàn áp các nhóm yếu thế như những học viên luyện tập Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, một môn tu luyện tinh thần đã phải đối mặt với chiến dịch đàn áp không ngừng nghỉ của ĐCSTQ kể từ năm 1999.
“Dự luật này rất minh bạch. Dự luật đề cập đến nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng,” ông McKell nói với ủy ban. “Dự luật này đi thẳng vào nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng, được định nghĩa là việc lấy đi một hoặc nhiều bộ phận cơ thể khỏi một người còn sống, hoặc từ một người bị sát hại nhằm mục đích lấy đi một hoặc nhiều bộ phận cơ thể, bằng biện pháp cưỡng bức, bắt cóc, lừa dối, gian lận, lạm dụng quyền lực hoặc tình huống dễ bị tấn công.”
Ông McKell nói với ủy ban rằng các phiên bản tương tự của dự luật đã được đưa ra tại các cơ quan lập pháp Texas và Arizona . Texas trở thành tiểu bang đầu tiên đối phó một cách hợp pháp nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng do nhà nước hậu thuẫn sau khi Thống đốc Greg Abbott ký dự luật Thượng viện 1040 (SB 1040) thành luật vào ngày 18/06/2023. Hồi đầu tháng này, Ủy ban Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hạ viện Arizona đã thông qua Đạo luật của Arizona về Chấm dứt Thu hoạch Nội tạng.
Câu chuyện của một nhân chứng
Ở Trung Quốc, thời gian chờ đợi để được cấy ghép nội tạng quan trọng có thể chỉ mất vài tuần, một điều chưa từng có ở Hoa Kỳ hoặc bất kỳ quốc gia nào dựa vào hệ thống hiến tặng tự nguyện. Thời gian chờ ngắn như vậy đã thu hút người dân trên toàn thế giới tới Trung Quốc để thực hiện các ca phẫu thuật cứu mạng người.
Sau các cuộc điều tra kéo dài nhiều năm, vào năm 2019 một tòa án nhân dân độc lập ở London đã kết luận rằng chính quyền Trung Quốc đã và vẫn đang sát hại các tù nhân “trên quy mô đáng kể” để cung cấp cho thị trường cấy ghép nội tạng, bao gồm cả các tù nhân lương tâm bị giam giữ dưới hệ thống tư pháp bị quốc tế chỉ trích của ĐCSTQ. Tòa án này cho biết các nạn nhân chính là các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù.
Tại phiên điều trần của ủy ban hôm 21/02, bà Tôn Thường Trân (Sun Changzhen) ở tiểu bang Utah cho biết bà và các học viên Pháp Luân Công khác đã bị xét nghiệm máu khi họ bị giam ở Trung Quốc. Bà cho biết bà trở thành mục tiêu của chính quyền vào năm 1999 khi Đảng Cộng Sản cầm quyền phát động một chiến dịch trên toàn quốc nhằm xóa sổ Pháp Luân Công, do sự phổ biến của môn tập này — vào thời điểm đó có tới 100 triệu học viên ở Trung Quốc — bị ĐCSTQ coi là mối đe dọa đối với sự nắm giữ quyền lực của chính quyền.
Tháng 04/2001, bà Tôn bị chính quyền Trung Quốc bắt và giam giữ vì từ chối từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công, môn tu luyện bao gồm các bài tập thiền định và các bài giảng đạo đức tập trung vào các nguyên lý chân, thiện, nhẫn.
Bà Sun mô tả những hình thức ngược đãi mà bà phải chịu đựng trong một trại giam ở Trung Quốc, bao gồm sốc điện, bị cấm ngủ, và ngồi yên ở một tư thế trong thời gian dài.
“Những tổn hại về thân thể và tinh thần mà tôi phải gánh chịu trong thời gian bị giam giữ bất hợp pháp là không thể diễn tả bằng lời,” bà Sun nói trong bản tuyên bố mà con gái bà đọc tại phiên điều trần.
Bà Sun cho biết, vào tháng 07/2001, khi bị chuyển đến một nhà tù khác ở Bắc Kinh, bà và khoảng 20 nữ học viên Pháp Luân Công khác đã bị xét nghiệm máu và làm các xét nghiệm y tế khác. “Không ai trong số các phạm nhân thực hiện xét nghiệm này,” bà nói.
Cô Hàn Vũ (Han Yu), sống ở New York, nói với ủy ban rằng cô ủng hộ dự luật vì cô tin chắc rằng cha cô là nạn nhân của nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ.
Năm 2004, cha của cô Hàn qua đời tại một trại giam ở Trung Quốc, chỉ hai tháng sau khi ông bị bắt vì tập Pháp Luân Công. Cô nói với ủy ban rằng: “Trước khi bị bắt giữ, cha tôi rất khỏe mạnh.”
Cô Hàn và những người thân của cô đã nhìn thấy thi thể của cha cô, mà lúc đó đã trở nên “rất là gầy.”
“Nhưng điều khiến tôi sửng sốt nhất là những mũi khâu giả từ cổ họng cho đến bụng của cha. Chúng tôi có thể cảm nhận được những khối băng cứng bên dưới da ông ấy,” cô nói.
Công an cho biết vết mổ là do khám nghiệm tử thi nhưng cô Hàn cho biết gia đình cô chưa bao giờ cho phép khám nghiệm tử thi.
Khoảng ba năm sau, cô Hàn biết được rằng chính quyền Trung Quốc đã bí mật sát hại các tù nhân lương tâm trên quy mô lớn để cung cấp cho ngành cấy ghép nội tạng — một thực trạng vẫn tiếp tục không hề suy giảm cho đến ngày nay.