Tổ chức nhân quyền: ĐCSTQ sử dụng ảnh hưởng tại Liên Hiệp Quốc để ngăn chặn hoạt động ủng hộ nhân quyền
‘Ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc cho thấy một mối nguy lớn đó là họ có thể sẽ tái cấu trúc tổ chức này để phù hợp với lợi ích của riêng mình.’
Một nhóm nhân quyền có trụ sở tại Paris đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong Liên Hiệp Quốc, nói rằng quốc gia này gây ra mối đe dọa cho các tổ chức phi chính phủ (NGOs) và những người bảo vệ nhân quyền muốn thúc đẩy quyền lợi của con người.
Bà Christine Mirre, giám đốc Tổ chức Tự do Lương tâm CAP (CAP Freedom of Conscience), mô tả ảnh hưởng của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc là “đáng lo ngại” và nói rằng cần phải đưa ra hành động để bảo vệ tổ chức này khỏi bị “Hán hóa.”
“Ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc cho thấy một mối nguy lớn đó là họ có thể sẽ tái cấu trúc tổ chức này để phù hợp với lợi ích của riêng mình, từ đó làm suy yếu các chức năng cốt lõi của Liên Hiệp Quốc,” bà Mirre cho biết trong một sự kiện tại Câu lạc bộ Báo chí Brussels hôm 29/02 do tổ chức Nhân Quyền Không Biên Giới có trụ sở tại Bỉ chủ trì.
Các tổ chức phi chính phủ được Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp Quốc (ECOSOC) công nhận có thể có được thẻ thông hành cho phép đại diện của họ đi vào các cơ sở của Liên Hiệp Quốc, cũng như tham gia các cuộc họp và tranh luận chính thức. Để được ECOSOC công nhận, trước tiên những tổ chức này phải nộp đơn xin sàng lọc. Cục Các vấn đề Kinh tế và Xã hội của Ban thư ký Liên Hiệp Quốc (DESA) và Ủy ban các Tổ chức phi chính phủ thuộc Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên Hiệp Quốc là hai cơ quan đảm trách việc xem xét đơn xin sàng lọc này.
Tổ chức Tự do Lương tâm CAP đã được ECOSOC công nhận vào năm 2016. Tuy nhiên, bà Mirre giải thích rằng việc có được quy chế ECOSOC là điều không hề dễ dàng, đồng thời lưu ý rằng nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc khác nhau đã giữ chức vụ phó tổng thư ký của ECOSOC kể từ năm 2007.
“Đơn xin cấp quy chế ECOSOC của chúng tôi đã bị Trung Quốc chặn hơn bốn năm nay, khiến chúng tôi bị đưa vào ‘danh sách đen’ các tổ chức phi chính phủ vì bản đệ trình mà chúng tôi đã ký về cuộc đàn áp Pháp Luân Công,” bà giải thích, đề cập đến một bản đệ trình bằng văn bản gửi lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) vào năm 2013.
“Nhờ có sự vắng mặt của đại diện Trung Quốc trong buổi đánh giá cuối cùng dành cho tổ chức phi chính phủ của chúng tôi mà chúng tôi mới được cấp quy chế này.”
Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc
Năm 2013, Trung Quốc đã trải qua một quy trình bình duyệt được gọi là cơ chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát mà tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đều phải thực hiện bốn đến năm năm một lần. Một số tổ chức phi chính phủ, bao gồm Tổ chức Tự do Lương tâm CAP và Hiệp hội Luật Nhân Quyền (HRLF), đã đồng ký tên vào bản đệ trình kêu gọi Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chấm dứt việc “bỏ tù, giam giữ, và kết án” các học viên Pháp Luân Công và “ngay lập tức chấm dứt chiến dịch theo đuổi việc xóa sổ” môn tu luyện này.
Bà Mirre nói thêm rằng tổ chức của bà hiện đang “chịu áp lực liên tục từ Trung Quốc” về việc thực hiện nghĩa vụ với tư cách là một tổ chức phi chính phủ được ECOSOC công nhận là phải nộp báo cáo cho Ủy ban các Tổ chức phi chính phủ bốn năm một lần để tường trình về các hoạt động của mình. Bà cho biết đã có sự chậm trễ trong việc xác thực các báo cáo của họ, đồng thời nói thêm rằng tổ chức của bà phải giải quyết “những vấn đề lố bịch và vô nghĩa,” chẳng hạn như tổ chức của bà đã đóng góp gì cho tự do tôn giáo tại Liên Hiệp Quốc.
Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc cũng “dẫn đến những hạn chế đối với sự tham gia của các tổ chức nhân quyền,” bà nói thêm, hồi tưởng trải nghiệm của mình khi bị đại diện của Trung Quốc “can thiệp thô bạo” khi bà đưa ra tuyên bố trực tiếp với UNHRC.
Bà Mirre cũng nhớ lại việc tận mắt chứng kiến cách một đại diện Trung Quốc cố gắng ngăn cản phần trình bày của ông Dolkum Isa, chủ tịch của tổ chức nhân quyền Đại hội người Duy Ngô Nhĩ Thế giới (World Uyghur Congress) có trụ sở tại Munich, tại UNHRC vào ngày 23/03/2023.
Bà Mirre nói thêm, “Trong những năm gần đây, chúng tôi cũng quan sát thấy rằng Trung Quốc sử dụng một thủ đoạn không công bằng để tận dụng tối đa thời gian phát biểu dành cho các tổ chức phi chính phủ trong [các phiên họp] của Hội đồng Nhân quyền. Các tổ chức phi chính phủ ủng hộ Trung Quốc ghi danh với số lượng lớn để tôn vinh mô hình của Trung Quốc, từ đó ngăn chặn bất kỳ tuyên bố chỉ trích nào của những người bảo vệ nhân quyền.” .
Bất chấp ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, bà Mirre lập luận rằng cơ quan Liên Hiệp Quốc này vẫn là một nơi quan trọng để vận động nhân quyền do có cơ chế báo cáo đặc biệt.
Bà cho hay, “Tôi nghĩ điều quan trọng là phải làm bất cứ điều gì có thể để bảo vệ tổ chức đó khỏi bị ‘Hán hóa’ và tiếp tục vạch trần tội ác của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc bất chấp áp lực chính trị từ phía Bắc Kinh.”
“Trách nhiệm của tất cả những người bảo vệ nhân quyền, xã hội dân sự, và các quốc gia thành viên [Liên Hiệp Quốc] là bảo vệ các giá trị của Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền và giữ cho không gian biểu đạt mà Liên Hiệp Quốc cung cấp luôn mở rộng cho tất cả các nạn nhân bị tước đoạt quyền lợi của họ.”
Pháp Luân Công
Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền, một tài liệu được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào ngày 10/12/1948, tuyên bố rằng nhân quyền là một giá trị phổ quát. Những quyền này bao gồm quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tín ngưỡng, và quyền tự do hội họp ôn hòa.
Hồi năm 2023, để kỷ niệm 75 năm ban hành văn kiện này, tổ chức Tự do Lương tâm CAP đã gửi một tuyên bố bằng văn bản tới Liên Hiệp Quốc, kêu gọi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres khởi động một “phái đoàn tìm hiểu sự thật về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc thông qua các cuộc thanh tra độc lập, không báo trước và trên quy mô quốc tế.”
Tuyên bố bằng văn bản đề cập đến Tòa án [Luận tội] Trung Quốc, một tòa án nhân dân độc lập có trụ sở tại London, kết luận vào năm 2019 rằng nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức đã diễn ra ở Trung Quốc trong nhiều năm “trên một quy mô đáng kể,” trong đó các học viên Pháp Luân Công là “nguồn cung cấp chính” nội tạng người.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần khuyến khích các học viên hành xử chiểu theo các nguyên lý là chân, thiện, và nhẫn. Theo ước tính chính thức, tính đến năm 1999, có khoảng 70 triệu đến 100 triệu người ở Trung Quốc đã thực hành môn tập này.
Nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc xem sự phổ biến của môn tu luyện này là mối đe dọa đối với quyền cai trị của họ và đã phát động một chiến dịch tàn bạo nhắm vào môn tu luyện này vào tháng 07/1999. Kể từ đó, ĐCSTQ đã cưỡng bức đưa hàng trăm nghìn học viên Pháp Luân Công đến các trung tâm giam giữ, nhà tù, khu điều trị tâm thần, và các cơ sở khác, biến họ thành nạn nhân của lao động cưỡng bức, tra tấn, tẩy não, và các hình thức đối xử vô nhân đạo khác.
Theo tài liệu của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, có hơn 5,000 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến tử vong. Tuy nhiên, theo trung tâm, số người thiệt mạng thực tế được cho là cao hơn rất nhiều lần.
Vào tháng 12/2023, Tự Do Lương Tâm CAP và một số tổ chức phi chính phủ khác đã gửi thư cho thành viên hàng đầu của Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa thuộc Ủy ban Ngoại giao Thượng viện — Thượng nghị sĩ Ben Cardin (Dân Chủ-Maryland) và Thượng nghị sĩ James Risch (Cộng Hòa-Idaho) — yêu cầu họ trình Đạo luật Chấm dứt Thu Hoạch Nội Tạng Cưỡng Bức (S.761) lên để ủy ban xem xét càng sớm càng tốt.
Hân Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times