Tiếu đàm phong vân – Tập 23: Nhất thống thiên hạ (2)
Kinh Kha thích Tần
Trong Chiến Quốc Thất hùng thì nước Hàn là nhỏ yếu nhất, hơn nữa lại nằm sát nước Tần. trong thời gian hơn hai trăm năm thời Chiến Quốc, nước Hàn gần như chưa đánh thắng được trận nào, mỗi lần chiến tranh đều bại trận, quốc thổ càng ngày càng nhỏ. Đến khi Tần Vương muốn tiêu diệt nước Hàn, thì nước Hàn đã nhỏ tới mức không còn hình dáng, về cơ bản là không thể chống cự, đành phải đầu hàng.
Trước khi nước Hàn đầu hàng, còn có một sự việc. Đó là vào năm 238 TCN, Hàn Vương An lên kế vị, đây là vị quốc quân cuối cùng của nước Hàn. Hàn Vương An có một người anh em dòng dõi Tôn thất là Hàn Phi. Hàn Phi chính là nhân vật Hàn Phi Tử đại biểu cho Pháp Gia vô cùng nổi tiếng sau này.
Hàn Phi Tử có tật nói lắp, nói chuyện bị cà lăm. Theo ghi chép trong “Lão Tử Hàn Phi liệt truyện”: Bởi vì bị nói lắp, không thể thuyết giảng, mà giỏi về viết sách. Cho nên ông đã viết rất nhiều sách như “Thuyết nan”, “Cô phẫn”, “Ngũ độc”, v.v, viết được rất nhiều sách, và những sách này đều được lưu truyền đến nước Tần.
Sau khi Tần Vương thấy được những cuốn sách này thì rất muốn gặp mặt Hàn Phi Tử, hy vọng có thể kết giao bằng hữu với Hàn Phi Tử. Sau này khi Hàn Phi Tử được phái làm sứ thần đi sứ đến nước Tần, tiếp theo đó đã xảy ra rất nhiều chuyện, tuy nhiên trong “Sử ký” và “Tư trị thông giám” đều nói không rõ ràng. Hàn Phi đến nước Tần không lâu thì bị Tần Vương tống giam vào ngục. Vậy tại sao Hàn Phi lại bị giam vào ngục?
Có một giả thuyết là Lý Tư nói với Tần Vương rằng, Hàn Phi là con cháu vương thất nước Hàn, cho nên ông ta sẽ không thực sự lo nghĩ cho nước Tần. Tần Vương tin lời Lý Tư, liền tống Hàn Phi vào trong ngục. Lý Tư lại sai người đưa cho Hàn Phi thuốc độc, bởi vậy Hàn Phi Tử uống thuốc độc mà chết.
Hàn Phi và Lý Tư là đồng môn, thầy của họ là Tuân Tử. Khi hai người cùng học với nhau, Lý Tư cho rằng bản thân không bằng Hàn Phi Tử, sợ rằng Hàn Phi được Tần Vương sủng ái, sẽ phân chia quyền hành với ông ta, bởi vậy đã ra tay hạ độc Hàn Phi Tử.
Chúng ta có thể thấy rằng, những nhân vật đại biểu của Pháp gia đều không có kết cục tốt đẹp, ba nhân vật đại biểu nổi tiếng nhất của Pháp gia là Thương Ưởng, Lý Tư, Hàn Phi Tử. Thương Ưởng bị ngũ xe phanh thây, Lý Tư bị chém ngang lưng, Hàn Phi Tử bị ép phải uống thuốc độc. Trong Pháp gia, Thương Ưởng là người khởi xướng, Hàn Phi Tử là người tập hợp. Pháp gia chủ trương không cho người dân tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, và tự do hành động, gọi là “Thái thượng cấm kỳ tâm, kỳ thứ cấm kỳ ngôn, kỳ thứ cấm kỳ sự,” nghĩa là: “Bậc tối thượng cấm từ trong suy nghĩ, tiếp đó cấm phát ngôn, tiếp theo cấm hành động.” Hơn nữa Pháp Gia chủ trương chính sách ngu dân, Hàn Phi Tử nói, “Cố minh chủ chi quốc, vô thư giản chi văn, dĩ pháp vi giáo; vô tiên vương chi ngữ, dĩ lại vi sư” (tạm dịch: “Cho nên nước của bậc minh chủ, chẳng cần theo đạo nghĩa trong sách, lấy pháp để dạy; không cần theo lời dạy của các tiên vương, mà hãy lấy các quan lại làm thầy). Pháp gia miệt thị tất cả giá trị quan về văn hóa đạo đức được truyền thừa từ xưa đến nay, và Pháp gia là theo thuyết vô Thần.
Pháp gia định nghĩa quan hệ vua tôi là quan hệ đối địch, cho nên trăm phương nghìn kế biến bách tính thành bần cùng, thành nhỏ yếu, thành ngu muội, thành gian xảo. Bởi vậy, việc Pháp gia thực thi chính sách ngu dân, tất cả cách làm kỳ thực rất giống với Đảng cộng sản sau này. Khi tác giả còn học lịch sử, đọc thấy các biện pháp này của Pháp gia, bao gồm cả những lý luận của họ, cảm thấy “chả trách Đảng cộng sản thích Pháp gia như thế,” bởi vì mạch suy nghĩ của họ sao mà giống nhau như vậy, chỉ có điều, Đảng cộng sản so với Pháp gia thì càng ác liệt và cực đoan hơn mà thôi.
Có thể sẽ có người nói rằng, Pháp gia nói về luật pháp không phải là rất tốt sao? Pháp luật mà Pháp gia nói đến không phải là pháp luật mang ý nghĩa như thời hiện đại của chúng ta, mà là ác pháp. Xã hội hiện đại chế định pháp luật có một nguyên tắc, nguyên tắc này đều được ghi vào trong hiến pháp của mỗi quốc gia, mà nguyên tắc chế định hiến pháp phải bắt nguồn từ hệ tư tưởng tín ngưỡng, hoặc có thể nói là một thể hệ đạo đức. Theo nghiên cứu của các nhà luật học phương Tây, luật pháp phương Tây giống như Mười điều răn mà Thượng Đế đã giảng cho Moses trên núi Sinai thời bấy giờ, Mười điều răn đó có quan hệ rất lớn.
Việc không thể giết người trong Mười điều răn, nảy sinh ra một bộ hệ thống hình pháp; từ không thể gian dâm, sinh xuất ra một bộ hệ thống về luật hôn nhân; không thể tham lam tài vật của người khác, sinh ra một bộ hệ thống luật pháp về tài sản. Toàn bộ hệ thống pháp luật của phương Tây, thật ra là đến từ trong Mười điều răn của Thượng Đế truyền cho Moses, đây là một quan điểm của các nhà luật học phương Tây.
Pháp luật của Trung Quốc, quá khứ gọi là làm “Xuân Thu quyết ngục,” chính là dựa vào kinh điển của Nho gia, dựa vào các tiêu chuẩn đạo đức do các vị Thánh nhân định ra thời “Xuân Thu” để thẩm tra và kết luận các vụ án. Mục đích cuối cùng của pháp luật là duy trì hoặc bảo vệ cho sự công bằng và chính nghĩa trong xã hội.
Pháp gia chế định pháp luật, mục đích của nó không phải vì công bằng cho xã hội, mà để chống đối công bằng và chính nghĩa, cho nên gọi là ác pháp. Theo luật học hiện hành, thì ác pháp không phải là Pháp; làm một công dân, làm một con người có lý tính có đạo đức, không những không có nghĩa vụ phải tuân theo những ác pháp đó, mà nên bãi bỏ những luật pháp này.
Ở Mỹ quốc, có một người tên là Martin Luther King, phong trào vận động dân quyền do ông lãnh đạo khi đó đã dẫn đến việc bãi bỏ “Đạo luật phân biệt chủng tộc” (đạo luật Apacthai). Phong trào vận động dân quyền khi đó là bởi vì “Đạo luật phân biệt chủng tộc” tuy là luật pháp, nhưng là ác pháp. Những người ủng hộ phong trào dân quyền này đã đem thân mình ra thử nghiệm, bởi vì bạn không thể bắt giam tất cả mọi người vào trong ngục, nếu như mọi người đều không tuân theo luật pháp này, thì luật này tự nhiên sẽ không tồn tại. Phong trào vận động dân quyền vào thời điểm đó là một phong trào bất bạo động, và bất hợp tác. Giống như các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đại lục hiện nay, sự phản kháng của họ đối với một số điều luật tà ác của Trung Cộng thực ra là rất giống nhau.
Luật pháp của thời Tiên Tần Chư Tử, tức là trước khi nhà Tần thống nhất thiên hạ, luật pháp do Thương Ưởng định ra là ác pháp điển hình. Ví dụ như luật pháp ông ta đặt ra để xử tội ngoại tình, luật về tội liên đới và luật khuyến khích giết người… đều thuộc về những ác pháp rất điển hình. Thương Ưởng ở bên sông Vị Thủy đích thân kiểm tra các tù nhân, chém giết để lập uy, giết hơn 700 người trong một ngày, nước sông Vị Thủy đỏ ngầu, tiếng khóc than khắp nơi.
Pháp gia nói về ba phương diện: một được gọi là Pháp, một được gọi là Thuật và một được gọi là Thế. Pháp là ác pháp, Thuật của nó là gì? Thuật còn ác liệt hơn so với Pháp, thuật chính là âm mưu, học thuyết Pháp gia có thể nói là kiến thức liên quan đến âm mưu. Hàn Phi Tử đã viết rất nhiều, và rất nhiều sách trong đó có những âm mưu kỳ quái, nhiều người căn bản khó có thể tưởng tượng ra được. Trong “Sử ký” thỉnh thoảng có ghi chép lại những chuyện liên quan đến những âm mưu mà Hàn Phi Tử đã nói.
Việc này đối với Pháp và Thuật, Hàn Phi Tử giảng: Pháp, là biên soạn thành sách có điều khoản, thiết lập nó cho quan phủ và dùng nó cho bách tính; Thuật, là cất giấu ở trong lòng quân vương, thông qua nghiệm chứng rồi lấy nó để áp chế quần thần, cho nên nói Pháp là nên hiển lộ, mà Thuật thì không thể lộ ra.
Ý rằng pháp luật là phải công bố ra, để cho mọi người biết có những quy định một, hai, ba, bốn như vậy; còn Thuật là âm mưu, âm mưu chỉ có thể giấu kín trong lòng, cho nên Pháp sáng Thuật tối và Pháp lộ Thuật giấu. Những âm mưu mà Hàn Phi Tử nói cũng đã được lưu truyền theo một số điển tích được ghi chép ở Trung Quốc, nhưng loại âm mưu này ở Trung Quốc cổ đại, thì chỉ ở những người cá biệt và sử dụng trong phạm vi rất nhỏ, không giống như Trung Cộng tuyên truyền trên truyền hình ngày nay, như thể cổ nhân toàn là những nhà âm mưu ngày ngày chỉ nghĩ đến hại người.
Thế của Pháp gia là gì? Thế chính là địa vị tối cao của quân chủ. Quân chủ nhất định phải bảo đảm uy quyền của chính mình. Loại uy quyền này là do quyền lực mang đến, là một loại sức mạnh khiến người ta phải kính sợ, giống như hổ, chỉ cần có nanh vuốt. Tất cả mọi người đều sẽ sợ ông, ông có thể dựa vào lực uy hiếp như vậy để bảo vệ quyền lực của quân vương.
Lời bạch: Pháp gia nhấn mạnh ba phương diện, là Pháp, Thuật và Thế. Pháp của nó là ác Pháp, Thuật là âm mưu, và Thế là độc tài. Pháp gia muốn Quân Chủ lấy thủ đoạn tàn khốc và hung ác đối đãi với quần thần và bách tính, nó là học thuyết tương đối tà ác. Hàn Phi Tử là người tập hợp Pháp gia, bị Lý Tư là một nhân vật đại biểu khác của Pháp gia hãm hại, phải uống rượu độc mà chết. Ba năm sau, tức năm 230 TCN, nước Hàn diệt vong. Lại qua hai năm sau, nước Tần diệt nước Triệu, Triệu Vương Thiên bị bắt, công tử Triệu Gia chạy đến đất Đại lập quốc. Mà chính trong năm thứ hai khi Triệu Thiên bị bắt, đã xảy ra sự kiện nổi tiếng, Kinh Kha hành thích Tần Vương.
Câu chuyện Kinh Kha hành thích Tần Vương có lẽ là nhà nhà đều biết, người chủ mưu là Thái tử Cơ Đan của nước Yên, còn gọi là Thái tử Đan. Dựa theo ghi chép trong “Thích khách liệt truyện,” Thái tử Đan khi còn nhỏ cùng với Tần Vương làm con tin ở nước Triệu, hai người họ chơi với nhau rất thân thiết. Sau này khi Doanh Chính trở về nước Tần làm Tần Vương, Thái tử Đan lại đến nước Tần làm con tin. Ông ta cho rằng Tần Vương là bạn cũ thì sẽ đối xử khách khí với mình, không ngờ Tần Vương đối với ông ta hoàn toàn không khách khí. Thái tử Đan rất tức giận, ông ta lén lút trốn từ nước Tần về nước Yên, sau đó muốn tìm người đi thích sát Tần Vương.
Sau khi Thái Tử Đan về đến nước Yên, có một tướng quân của nước Tần là Phàn Ô Kỳ cũng chạy đến nước Yên. Phàn Ô Kỳ là người mà Tần Vương vô cùng thống hận, đã giết hết cả nhà ông ta, chính là diệt tộc. Phàn Ô Kỳ trốn đến nước Yên, Thái từ Đan đã chứa chấp ông ta.
Thầy của Thái tử Đan là Cúc Vũ vốn rất phản đối cách làm của Thái tử Đan, ông nói việc này sẽ làm cho mối oán hận của nước Tần đối với nước Yên càng thêm sâu: “Nước Yên đã rất nguy hiểm rồi, bây giờ ngươi đem Phàn Ô Kỳ, người mà Tần Vương căm hận, lưu lại nước Yên, cũng giống như để miếng thịt trên con đường mà con hổ tất phải đi qua vậy, sẽ đem đến mối nguy lớn cho nước Yên. Bây giờ nước Yên nên làm hai việc: việc đầu tiên là đưa Phàn Ô Kỳ đến Hung Nô tị nạn, như vậy sẽ không còn nguy hiểm đối với nước Yên; việc thứ hai là yêu cầu Thái tử Đan thành lập lại liên minh hợp tung, liên hệ với nước Tề, nước Sở và Tam Tấn để chống lại nước Tần.”
Thái tử Đan đáp: “Thầy ơi, cách thầy đưa ra, thời gian để thực hiện rất lâu dài, cũng không biết có kết quả gì, con quả thực đợi không được; hơn nữa Phàn tướng quân khốn cùng đến đầu hàng, con cũng không nỡ đẩy ông ta ra khỏi cửa.”
Cúc Vũ thấy không thể khuyên can được Thái tử Đan, bèn tiến cử cho Thái tử Đan một người gọi là Điền Quang. Khi Thái tử Đan cho mời Điền Quang tới, Điền Quang đã rất già rồi. Trong “Sử ký” miêu tả dáng đi của Điền Quang thường dùng hai chữ là “lũ hành,” chính là bị còng lưng.
Sau khi Thái tử Đan mời được Điền Quang vào cung điện, liền bàn bạc với Điền Quang chuyện đi thích sát Tần Vương. Điền Quang thưa, “Thiên lý mã khi còn sung sức, một ngày có thể chạy một ngàn dặm đường, nhưng đợi đến khi nó già yếu rồi, thì con ngựa bình thường cũng chạy nhanh hơn nó. Khi ngài nghe danh tiếng của tôi, những chuyện đó đều là tôi làm khi còn trẻ, bây giờ tôi đã già rồi, không làm nổi những chuyện như vậy nữa rồi.”
Ông ta nói, “Tôi muốn xem xem bên cạnh Thái tử có dũng sĩ nào có thể làm thích khách hay không.” Thái tử Đan liền đem ba dũng sĩ thân cận mà mình trọng dụng nhất: một người gọi là Hạ Phù, một người gọi là Tống Ý, một người là Tần Vũ Dương, đều cho gọi đến để Điền Quang xem xét. Sau khi Điền Quang nhìn qua, nói rằng ba người này đều không được, Hạ Phù là một người huyết dũng, giận dữ thì mặt đỏ, con người này vừa tức giận thì mặt đã đỏ rồi; Tống Ý là một người mạch dũng, giận thì mặt xanh, ông ta vừa tức lên thì mặt liền xanh; Tần Vũ Dương là người cốt dũng, giận thì mặt trắng, vừa tức lên thì mặt liền trắng bạch ra.
Điền Quang nói, “Tôi biết một người tên là Kinh Kha, con người này là thần dũng. Khi ông ta tức giận, ngài sẽ không thể nhìn thấy trên mặt ông ta có bất kỳ thay đổi nào, con người này mới có thể làm thích khách.”
Thái tử Đan hỏi Điền Quang, “Ông có thể giới thiệu Kinh Kha cho ta không?” Điền Quang trả lời “Được.” Điền Quang từ giã Thái tử Đan rồi lên xe, trước khi lên xe, Thái tử Đan nói với Điền Quang, “Chuyện ta nói với ông là chuyện quốc gia đại sự, tuyệt không thể tùy tiện nói với người khác.” Điền Quang đồng ý.
Điền Quang cho mời Kinh Kha đến chỗ ở của mình, đem câu chuyện nói lại với Kinh Kha, rồi hỏi Kinh Kha có thể đi gặp Thái tử một lát hay không. Kinh Kha liền đồng ý.
Trước lúc Kinh Kha lên đường, Điền Quang nói với Kinh Kha: “Trước khi tôi nói chuyện này với ông, Thái tử Đan đã từng nói với tôi rằng, đây là chuyện quốc gia đại sự, không thể tùy tiện nói với người khác. Một lão đầu tử như tôi, còn bị người khác hoài nghi sợ không thể giữ bí mật, quả là một sự sỉ nhục.” Thế là Điền Quang tự sát trước mặt Kinh Kha.
(Còn tiếp)
Bi Hui biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ