Quan viên coi thường mạng dân, khó thoát khỏi kết cục bi thảm
Những sự việc này vốn chỉ là tranh chấp nhỏ, nhưng bởi vì quan viên coi thường mạng dân, cuối cùng ủ thành sai lầm lớn, đúc thành bi kịch…
Quan viên không làm tròn trách nhiệm gây ra thảm kịch, phải trả giá bằng đánh đổi mạng sống
Năm Quang Tự thứ nhất triều Thanh (năm 1875), bởi vì sông Lô Tăng đoạn Trực Đãi bị ứ tắc, Tổng đốc Lý Hồng Chương phái người tính toán các khoản chi phí nạo vét sông, tu sửa bờ đê. Thái Thú phủ Chính Định (Tri phủ) Lư Ưng Khải đảm nhiệm chức tổng xử lý, có mấy thuộc hạ của ông làm ủy viên, chia nhau phụ trách quản lý một số công việc trong cục. Sau khi đo đạc lòng sông và ruộng đất hai bên sông, họ bắt đầu chia đoạn lấy đất, xây dựng đê.
Một hôm, có bà lão chạy tới trong cục, tố cáo với quan viên: “Nhà tôi chỉ có mười mẫu ruộng, trong nhà chỉ có tôi, con dâu và cháu trai, ba người chúng tôi lấy đó làm nguồn sống”. Bây giờ mười mẫu ruộng bị lấy làm con đê, bà xin ủy viên xem xét giúp gia đình bà, giải quyết cuộc sống khó khăn của họ.
Nghe vậy, một vị ủy viên bèn lừa gạt bà lão, nói bừa rằng quan phủ sẽ trả tiền đất. Bà lão nói rằng dù có trả tiền đi chăng nữa thì cũng không phải là giải pháp lâu dài nếu đất không còn, cho nên xin ủy viên cấp lại cho nhà họ mười mẫu ruộng tốt khác, thay vì trả tiền đất. Một vị ủy viên giả vờ đồng ý nói: “Được, được, được!” Nói xong rồi đuổi bà lão ra ngoài.
Sau khi bà lão về nhà, khổ tâm chờ đợi, nhưng chờ mãi cũng không thấy người của quan phủ đến. Thế là bà lại đi đến trong cục khiếu nại, ủy viên vẫn giở giọng trịch thượng, nói một hồi toàn lời nói suông, lại đuổi bà lão về.
Những ủy viên này trong cục không nghiêm túc sắp xếp việc bồi thường, bà lão đã mất đi ruộng đất, lại không nhận được tiền bồi thường, đành phải tiếp tục đi tới cục quản lý. Các ủy viên cảm thấy khó chịu, lớn tiếng quát mắng bà lão, còn kêu sai lại nha dịch đến uy hiếp buộc bà phải nhanh chóng rời đi, nếu không sẽ bắt giữ bỏ tù.
Bà lão mất đi ruộng đất, cả nhà không còn đường sống. Trong lúc nhất thời đau buồn căm giận, bà nhảy xuống sông tự vẫn. Con dâu thấy mẹ chồng nhảy xuống sông chết, cũng ôm con nhỏ nhảy theo tự vẫn. Chuyện này chỉ có ủy viên và những người bên dưới biết, còn người giám sát và tổng quản lý là Thái thú Lư Ưng Khải ở bên trên đều không hay biết gì.
Đến năm sau, khi Lư Ưng Khải nhận chức ở Chính Định, đột nhiên bị một trận ốm nặng, tình hình gần như nguy kịch. Trong lúc mơ màng nằm thiếp đi, ông mơ thấy có người đến mời ông đi theo. Lư Ung Khải đồng ý, theo người đó đi tới một nơi, đến nơi thì phát hiện đó chính là miếu Thành Hoàng. Thần Thành Hoàng đi ra nghênh tiếp ông, đồng thời hỏi ông có biết năm ngoái xảy ra chuyện tổ tôn ba đời tự vẫn hay không.
Lúc này, Lư Ưng Khải nhìn thấy một bà lão, một thiếu phụ, một đứa bé quỳ gối dưới thềm, đang kể oan tố khổ. Lư Ưng Khải nói, ông chưa từng gặp họ, cũng thực sự không biết chuyện đó.
Thần Thành Hoàng nói: “Ta cũng biết là ngài không hay biết sự tình. Chuyện này ở dương gian chẳng qua là việc sơ xuất trong giám sát xử lý, là sai lầm nhỏ, cho nên cũng không bị trừng phạt nặng nề. Chỉ là những ủy viên kia, đã được bà lão nhiều lần khiếu nại, nhưng bỏ mặc không quan tâm, còn không báo lên cho ngài. Vốn là, dân nghèo dựa vào đất đai để sinh sống, ruộng đồng có thể cung cấp cơm áo gạo tiền cho họ. Nếu như chỉ biết ngồi nhìn cơm áo của họ đến đường cùng, lại không chút động lòng, thờ ơ vô cảm, họ sao lại không chết được? Những ủy viên kia bất quá lười biếng nhất thời, nhưng lại đẩy ba mạng người vào chỗ chết, chặt đứt đường con cháu nhà người ta. Mặc dù không có tâm giết người, nhưng không thể không lấy mạng ra đền tội”.
Thần Thành Hoàng còn chưa nói xong, Lư Ưng Khải chợt nghe thấy tiếng la hét thảm thiết. Ông nhìn thấy hai ủy viên bị trói, quỳ ở dưới thềm, quỷ tốt lấy than đỏ đốt khắp thân thể họ, đến nỗi thương tích đầy mình, thở thoi thóp.
Nhìn thấy cảnh tượng thê thảm này, trong lòng Lư Ưng Khải cảm thấy rất kinh hãi, lập tức tỉnh lại từ trong mộng. Trải qua chuyện này, Lư Ưng Khải cáo bệnh từ quan. Về sau, ông nghe nói một ủy viên trong đó bị lở loét toàn thân, thối rữa mà chết, một ủy viên khác thì mọc nhọt độc, miệng vết thương sâu xuyên tới ngực bụng, nội tạng chảy ra ngoài, không bao lâu cũng đã chết.
Thân làm quan viên, vốn cần có cái tâm yêu dân như con, vậy mà hai người ủy viên kia tuy không cố ý giết người, nhưng vì chây lười không làm tròn trách nhiệm, dẫn tới kết cục thê thảm phải lấy mạng đền mạng.
Bảo thủ cứng nhắc gây nên án oan, cuối cùng tuyệt hậu
Vào thời nhà Thanh, có một vị tên là Trương Liêm Phóng giữ chức Nghiệt Đài (chức quan Án Sát Sử, chuyên quản lý tư pháp và hình sự), tính tình vô cùng bảo thủ cứng nhắc. Phàm là vụ án rơi vào tay ông ta, thì ông ta không phân biệt trắng đen tốt xấu gì, một mực xử nghiêm khắc, còn những vụ án liên quan đến quan lại hay con em nhà giàu, lại càng khắc nghiệt, không chút khoan hồng.
Lúc ấy, triều đình nghiêm cấm trong dân gian tự tiện dạy và học võ công. Có một người giàu có nọ đột nhiên bị hàng xóm vu khống, nói ông huấn luyện võ công, mưu đồ làm loạn. Trương Liêm Phóng nghe nói bị cáo rất giàu có, vì vậy còn chưa thẩm điều tra đối chiếu tình tiết vụ án, bèn bắt giữ người nhà giàu kia lại, đồng thời nghiêm hình bức cung.
Thái thú (tri phủ) và Quan Sát Sử (Đạo viên) biết người nhà giàu kia bị hàng xóm vu cáo hãm hại, vì vậy tận lực làm sáng tỏ sự thật với Trương Liêm Phóng. Không ngờ sau khi Trương Liêm Phóng nghe xong, cười nhạt nói: “Thật là như vậy sao? Một người dân thường không công danh mà cũng có thể khiến cho quan Sát Sử, Thái Thú đích thân đứng ra biện hộ cho ông ta như vậy sao!”
Sau đó Trương Liêm Phóng đã cố ý gán tội danh và xử tử người nhà giàu kia, đồng thời người nhà của ông ấy cũng bị lưu đày tới biên ải. Khi đó, vụ án này đã trở thành một vụ án oan.
Về sau, cháu trai của Trương Liêm Phóng nhậm chức Chủ bộ tại Chiết Giang, nhưng việc thăng chức tiến quan không thành, sau khi chết để lại ba người con trai. Người con trai út thông gian với thị tỳ, sợ hai anh trách mắng, bèn dùng rượu độc hại chết hai người anh. Sau khi chuyện bị bại lộ, anh ta bị chém đầu thị chúng, nhà của Trương Liêm Phóng từ đây cũng tuyệt hậu.
Khi đó, những người biết việc làm của Trương Liêm Phóng đều nói rằng: Ông ta tự cho là thanh liêm công chính, làm việc theo pháp luật, nhưng cũng chỉ là tàn bạo võ đoán, thường lạm dụng hình phạt phán sai, dẫn đến oan khuất, cuối cùng đưa tới bi kịch cả nhà tuyệt hậu.
Quan viên nắm giữ công quyền, nếu có thể cẩn thận chấp hành theo pháp luật, vì bách tính mà bảo vệ công bằng chính nghĩa, vừa không phụ chức vụ của mình, cũng không đánh mất lương tâm, còn có thể tạo phúc cho con cháu. Ngược lại, nếu tạo thành oan khuất cho bách tính, thậm chí khiến dân lành chết oan, thì cuối cùng khó thoát khỏi lưới Trời lồng lộng.
Tác giả: Đỗ Nhược
Vương Du Duyệt biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Time Hoa ngữ