Thiên mệnh và Quỷ Thần
Trong nền văn hóa truyền thống của cả Trung Quốc và phương Tây đều có đề cập đến Quỷ Thần. Người phương Tây có ngày lễ Giáng sinh, người Trung Quốc làm đại sự luôn chú trọng ngày Hoàng đạo. Ở phương Tây có ngày lễ Halloween, trong phong tục dân gian Trung Quốc thì có Tết Trung Nguyên, lễ Vu Lan và lễ Hàn Y. Tín ngưỡng đối với Quỷ Thần làm cho sinh mệnh con người trong vũ trụ được kéo dài hơn so với nơi nhân thế, trở thành cơ sở của thiện ác báo ứng, cũng là cơ sở của đạo đức truyền thống.
Nhưng điều thú vị chính là, đôi khi chúng ta nghe thấy có ý kiến cho rằng Khổng Tử không tin Quỷ Thần. Khổng Tử tin Thiên mệnh, ông nói: “Ngũ thập tri Thiên mệnh” (Năm mươi tuổi biết được mệnh Trời). Đã tin vào mệnh Trời, thì cũng không phải là người vô Thần. Thế nên, những người cho rằng Khổng Tử không tin sự tồn tại của Quỷ Thần, chính là không liễu giải được một số câu trong “Luận Ngữ” của ông. Trong “Luận Ngữ – Ung dã” có viết: “Phàn Trì vấn tri. Tử viết: Vụ dân chi nghĩa, kính Quỷ Thần nhi viễn chi, khả vị tri hĩ.” (Tạm dịch: Phàn Trì hỏi về trí. Khổng Tử nói: Phục vụ dân vì nghĩa, kính trọng Quỷ Thần mà đứng xa, như thế là trí vậy). Trong “Luận Ngữ – Thuật nhi” có nói: “Tử bất ngữ: Quái, lực, loạn, thần.” (Tạm dịch: Khổng Tử không nói những chuyện kỳ dị, bạo lực, cuồng loạn, Quỷ Thần). Có lẽ đây chính là nguồn gốc một số người đời sau cho rằng Khổng Tử không tin Quỷ Thần.
Khổng Tử đã tin vào Trời, vì sao phải nói lời như vậy? Những lời nói liên quan đến Quỷ Thần này của ông nên giải thích thế nào? Trước hết chúng ta hãy xem hai việc khác được ghi trong “Luận Ngữ” của Khổng Tử.
Đạo lý về Quỷ Thần của Khổng Tử
Trong “Luận Ngữ – Tử Hãn” viết rằng: Tử úy vu Khuông. Viết: “Văn Vương ký một, văn bất tại tư hồ? Thiên chi tương tang tư văn dã, hậu tử giả bất đắc dữ vu tư văn dã; thiên chi vị tang tư văn dã, khuông nhân kỳ như dư hà?” (Tạm dịch: Khổng Tử qua đất Khuông bị vây khốn. Khổng Tử nói: lúc Văn Vương đã mất, chẳng phải lễ nhạc, văn hóa đều còn ở nơi ta cả ư? Nếu Trời muốn hủy diệt nền văn hóa này, thì sao Văn Vương mất đi lại ủy thác cho ta nắm lấy làm chi? Còn nếu Trời không muốn mất nền văn hóa này thì người Khuông làm gì được ta).
Khổng Tử và các đệ tử của ông muốn đến Trần quốc, khi đi qua vùng đất Khuông này đã gặp phải phiền phức lớn: Khổng Tử có tướng mạo và khí phách xuất chúng, thân cao hơn 1.9m, dáng dấp có chút giống với Dương Hóa, mà người ở vùng này có thù oán với Dương Hóa, kết quả Khổng Tử và các đệ tử bị người trong vùng xem là kẻ thù, và bị bao vây trong năm ngày. Khi đó, các đệ tử của Khổng Tử đều rất lo lắng, chỉ có Khổng Tử vẫn vô cùng điềm tĩnh. Ông nói: “Sau khi Văn Vương mất, văn hóa trong thiên hạ đã bại hoại đến không còn hình dáng nữa, ông Trời là muốn cho ta đến kế tục và phát dương nền văn hóa ấy. Nếu như ý Trời muốn văn hóa Trung Hoa tiếp tục kéo dài, thì ta nhất định sẽ không gặp nguy hiểm, người đất Khuông sẽ không làm gì được chúng ta.” Sau đó, Khổng Tử và các đệ tử của ông quả nhiên bình yên vô sự thoát khỏi nguy hiểm và rời đi.
Từ câu chuyện Khổng Tử bị bao vây ở đất Khuông, có thể thấy được đức tin vào Trời kiên định và không lay chuyển của Khổng Tử. Như vậy có thể thấy rằng, ông rất tín Thần.
Sách “Luận ngữ – Thuật nhi” ghi chép một chuyện khác: “Tử tật bệnh, Tử Lộ thỉnh đảo. Tử viết: Hữu chư? Tử Lộ đối viết: Hữu chi. Lụy viết: Đảo nhĩ vu thượng hạ thần kỳ. Tử viết: Khâu chi đảo cửu hĩ.” Khổng Tử bị bệnh nặng, Tử Lộ khuyên thầy cầu nguyện Thiên Thượng. Khổng Tử hỏi Tử Lộ rằng: “Có ích sao?” Tử Lộ nói có ích. Khổng Tử thấy Tử Lộ không hiểu, đành phải an ủi ngược lại Tử Lộ rằng: “Ta đã sớm cầu nguyện rồi.”
Đoạn nói về Khổng Tử lâm bệnh này, thật ra là giải thích cụ thể đạo lý “kính trọng Quỷ Thần mà đứng xa” của Khổng Tử. Cái gọi là kính, chính là lòng tin. Không ai kính một điều gì đó mà bản thân không tin. Vậy như thế nào mới là “viễn chi” (đứng xa)? Cách làm của Khổng Tử khi bị bệnh chính là “đứng xa.” Đã có lòng tin vào Trời, như vậy thì hết thảy phát sinh trong cuộc đời đều là an bài của ông Trời. Một người tin vào Thần làm sao có thể sẽ cầu Thần để thay đổi an bài cho mình được? Kính Thần phải ở hành động, không phải ở lời ngoài miệng. Cho nên, “Khổng Tử không nói những chuyện: kỳ dị, bạo lực, cuồng loạn, Quỷ Thần,” mà là dùng tâm thái bằng lòng với số mệnh Trời an bài, để vượt qua khó khăn trắc trở của con đường tương lai, hoàn thành sứ mệnh mà Thần đã giao phó cho mình.
Câu “Ngũ thập tri Thiên mệnh” mà Khổng Tử giảng không phải là nói năm mươi tuổi mới biết được tiền tài, gia đình, sự nghiệp và vinh quang trong đời mình. Thiên mệnh ở đây là chỉ sứ mệnh mà ông Trời giao phó. Ý của Khổng Tử chính là: bản thân làm người cầu Đạo, trải qua tu luyện không ngừng, cuối cùng ở tuổi năm mươi mới hiểu rõ sứ mệnh mà ông Trời giao phó cho mình trong cuộc đời này.
Tất nhiên, với tư cách là một người gánh trên vai trọng trách kế thừa văn hóa, không những bản thân phải tin vào Trời, mà còn phải giáo hóa người dân “kính Quỷ Thần nhi viễn chi” (kính trọng Quỷ Thần mà đứng xa), không cần mỗi ngày thắp hương quỳ lạy, cầu Thần linh phù hộ thăng quan phát tài, trừ bệnh tiêu tai, nhiều con nhiều phúc…, mà cần dựa theo chỉ dẫn của Thần linh, cố gắng trở thành một người tốt hơn. Đây chính là đạo lý Quỷ Thần mà Khổng Tử muốn lưu lại cho hậu thế.
Chủ nghĩa duy vật ở phương Tây sau này cho rằng có thể nhận biết được đầy đủ về thế giới, đồng thời còn cho rằng vật chất có thể phân chia vô hạn. Nhưng hai khái niệm này mâu thuẫn với nhau. Nếu có thể phân chia vô hạn, thì vĩnh viễn không thể biết vật chất bản nguyên nhất là gì, cũng sẽ vĩnh viễn không thể biết vật chất nhỏ hơn mà gần với vật chất bản nguyên là đến từ đâu? Có phải do Thần tạo ra hay không? Cho nên, sự phê phán thuyết ‘bất khả tri’ của những người theo chủ nghĩa duy vật là không thể đứng vững cả về mặt khoa học hay mặt logic.
Einstein có một câu nói rất thú vị rằng: “Có một số người cho rằng tôn giáo không phù hợp với lý lẽ khoa học. Tôi là một người nghiên cứu khoa học, tôi biết rất rõ rằng, khoa học ngày nay chỉ có thể chứng minh sự tồn tại của một thứ gì đó, nhưng không thể chứng minh một thứ gì đó không tồn tại. Vì vậy, nếu chúng ta hiện tại vẫn không thể chứng minh sự tồn tại của một thứ gì đó, thì chúng ta không nên kết luận rằng nó không tồn tại… Khoa học ngày nay còn chưa chứng minh được sự tồn tại của Thần, là do khoa học chưa phát triển đến trình độ đó, chứ không phải là Thần không tồn tại.”
Tư tưởng Thiên mệnh của Khổng Tử
Quan điểm của Khổng Tử về nguồn gốc tri thức cũng phù hợp với tư tưởng của ông về Thiên mệnh. “Luận ngữ – Quý Thị” ghi: “Khổng Tử viết: Sinh nhi tri chi giả, thượng dã; học nhi tri chi giả, thứ dã; khốn nhi học chi, hựu kỳ thứ dã; khốn nhi bất học, dân tư vi hạ hĩ.” (Tạm dịch: Khổng Tử nói: Người sinh ra đã hiểu biết, là người bậc nhất; người học rồi mới hiểu biết, là bậc thứ nhì; người gặp khó khăn mới chịu học, là bậc thấp hơn; người gặp khó khăn mà không chịu học, người này kém nhất). Khổng Tử tin có người sinh ra đã hiểu biết, nói theo cách chúng ta hiện này chính là thiên tài, trời sinh không cần học cũng hiểu biết. Đương nhiên, bản thân Khổng Tử rất khiêm tốn, trong “Luận Ngữ – Thuật nhi” có ghi chép: “Tử viết: Ngã phi sinh nhi tri chi giả, hiếu cổ, mẫn dĩ cầu chi giả dã.” (Tạm dịch: Khổng Tử nói: Ta chẳng phải sinh ra đã biết tất cả, là do ưa thích đạo cổ xưa, cần mẫn học hỏi mà nên). Khổng Tử nhận định bản thân mình chỉ là cần mẫn chăm chỉ mà thôi, không phải thiên tài.
Thú vị thay, không ít các đại văn học gia của hậu thế cũng có quan điểm về thiên tài như vậy. Tô Đông Pha từng nói “Thư đáo thử sinh độc dĩ trì” (Đời này đọc sách đã quá muộn). Thi nhân Viên Mai triều Thanh thì dùng câu “Đời này đọc sách đã quá muộn” để kể câu chuyện về sự luân hồi chuyển thế của đại tài tử Hoàng Đình Kiên triều Tống.
Hoàng Đình Kiên, tự Sơn Cốc, là đại văn học gia thời Bắc Tống nổi danh cùng với Tô Đông Pha, về thơ, thư pháp, vẽ tranh ông đều xuất sắc. Năm 26 tuổi, ông từng trải qua một chuyện thần kỳ: Vào giờ Ngọ một ngày nọ ông nằm mộng, trong mộng nhìn thấy một bà cụ đứng trước bàn thờ cầu khấn, trên bàn thờ có đặt cúng một chén mì rau cần. Ở trong mộng, Hoàng Đình Kiên đã ăn hết chén mì kia. Sau khi tỉnh lại, trong miệng vẫn còn mùi vị của rau cần. Ngày kế tiếp, ông lại nằm mộng giống như vậy, sau khi tỉnh dậy ông cảm thấy thật kỳ lạ. Vì thế ông bèn đi ra ngoài, lần theo con đường trong mộng để tìm kiếm. Ông đi thẳng đến trước cổng ngôi nhà ở trong mộng kia, gõ cửa, người ra mở cổng chính là bà cụ ở trong mộng ấy. Ông hỏi bà cụ chuyện dâng cúng chén mì rau cần. Bà cụ nói con gái đã mất của mình lúc còn sống rất thích ăn mì rau cần, cho nên hàng năm đến ngày giỗ, bà đều nấu một chén mì rau cần để cúng tế con gái. Bà còn nói, con gái bà đã mất được 26 năm rồi. Hoàng Đình Kiên bỗng nhiên nhớ tới ngày hôm qua vừa khéo là ngày sinh nhật lần thứ 26 của mình. Vì thế, ông xin được đi xem qua khuê phòng của con gái bà cụ. Không ngờ, thấy rất nhiều bản thảo ghi chép ở trong khuê phòng này, ông cẩn thận đọc, phát hiện toàn bộ những bài văn mà bản thân ông viết trong nhiều lần dự thi đều được viết trong bản thảo! Hoàng Đình Kiên bỗng tỉnh ngộ, biết bà cụ chính là mẫu thân của mình ở kiếp trước. Ông quỳ xuống đất bái lạy bà cụ, nước mắt rưng rưng gọi một tiếng “mẹ.”
Trong “Luận Ngữ – Quý Thị”, Khổng Tử chép rằng: “Quân tử hữu tam úy: Úy thiên mệnh, úy đại nhân, úy Thánh nhân chi ngôn. Tiểu nhân bất tri thiên mệnh nhi bất úy dã, hiệp đại nhân, vũ Thánh nhân chi ngôn.” (Tạm dịch: Quân tử có ba điều sợ: Sợ mệnh Trời, sợ bậc đại nhân, sợ lời nói của Thánh nhân; Tiểu nhân không biết mệnh Trời nên không sợ, khinh nhờn đại nhân, khinh nhờn lời Thánh nhân). Xưa nay Nho sinh chân chính của Khổng Môn kính Trời tin Thần, chỉ có tiểu nhân mới ngông cuồng kiêu ngạo mà không biết mệnh Trời.
Nếu nói trong mệnh của Tô Đông Pha và Hoàng Đình Kiên được chú định sẵn là văn sĩ thiên tài, vậy thì tài năng văn chương và sự kiệt xuất của họ cũng chẳng qua là tuân theo số mệnh. Còn Khổng Tử, sau khi ôm chí hướng “triêu văn đạo, tịch tử khả hĩ”(sáng nghe Đạo, chiều chết cũng cam lòng), đã một lòng hướng Đạo, nỗ lực tu luyện và cuối cùng đạt đến cảnh giới hiểu được Thiên mệnh. Vận mệnh là bị động, nhưng Thiên mệnh là chủ động. Hoàn thành Thiên mệnh là một quá trình gánh vác trách nhiệm và thực hiện những cam kết tiên thiên.
Sống là nương nhờ, chết là trở về. Chỉ sau khi hiểu được nội hàm của Thiên mệnh, mới có thể lý giải được hàm nghĩa sâu sắc nhất đằng sau nhân sinh quan coi cái chết là trở về này.
Bài viết được đăng lại từ “Tân Kỷ Nguyên”
Liên Thư Hoa biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ