Thủ tướng Nhật Bản đẩy mạnh hoạt động ngoại giao nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc
Trước chuyến thăm châu Âu của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã đến thăm Paris vào ngày 02/05, sau đó tới Brazil và Paraguay. Ông Kishida cam kết duy trì trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên pháp quyền. Các chuyên gia tin rằng mục tiêu ngoại giao của Nhật Bản là liên kết với các đồng minh và đối tác nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.
Ông Kishida nói với các phóng viên ở Tokyo trước khi khởi hành, “Tôi muốn nhấn mạnh rằng Nhật Bản sẽ đóng vai trò đi đầu trong việc tạo ra và củng cố một trật tự kinh tế quốc tế tự do, công bằng, và dựa trên luật lệ.”
Chống lại ảnh hưởng của ĐCSTQ
Tại Paris, ông Kishida và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đồng ý bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán về một hiệp ước an ninh mới nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của hai nước trước hoạt động gây hấn quân sự của Trung Quốc ở các vùng biển gần đó.
Hôm 03/05, ông Kishida đã đến thăm Paraguay và hội đàm với Tổng thống Santiago Peña. Để ứng phó với mối đe dọa quân sự từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Eo biển Đài Loan, hai nhà lãnh đạo đã đạt được sự đồng thuận. Họ phản đối bất kỳ bên nào đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực.
Paraguay là quốc gia duy nhất ở Nam Mỹ có quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Trước ảnh hưởng ngày càng tăng của ĐCSTQ, chuyến thăm Paraguay của Thủ tướng Nhật Bản sau sáu năm được xem là một hành động chung sức đồng lòng để đương đầu với ĐCSTQ.
Trong một cuộc họp báo chung, ông Kishida nói rằng Paraguay cùng chia sẻ các giá trị tự do, dân chủ, và pháp quyền như Nhật Bản, đồng thời là một đối tác khu vực đáng tin cậy và quan trọng, mục tiêu là để củng cố quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Ông Peña bày tỏ hy vọng hợp tác sâu rộng hơn nữa với Nhật Bản và duy trì mối quan hệ ngoại giao lâu dài với Đài Loan.
Ông Akio Yaita, một ký giả Nhật Bản và giám đốc chi nhánh Đài Bắc của tờ báo Nhật Bản Sankei Shimbun, nói với The Epoch Times rằng ông tin chuyến thăm của ông Kishida tới Paraguay, quốc gia duy nhất ở Nam Mỹ có quan hệ ngoại giao với Đài Loan, thể hiện một sự ủng hộ tinh tế dành cho Đài Loan. Ông nói thêm rằng Nhật Bản đang tăng cường sức ảnh hưởng của mình trên chính trường quốc tế khi ông Kishida tìm cách kiềm chế ảnh hưởng của ĐCSTQ ở Nam Mỹ.
Về mục tiêu của ông Kishida tại Pháp, ông Yaita nhận xét: “Nhật Bản kiên quyết ủng hộ Pháp chống lại với Trung Quốc và đối phó với những thách thức như Nga, [và Nhật Bản] đang khuyến khích Pháp có lập trường cứng rắn [chống lại Trung Quốc].”
Chính sách Mỹ Latinh của Nhật Bản
Chiều 03/05, ông Kishida đã tới thăm Brazil và hội đàm với Tổng thống Lula da Silva. Ông Lula bày tỏ mong muốn củng cố quan hệ song phương với Nhật Bản. Ông Kishida cho biết sẽ tăng cường quan hệ với Brazil, nước chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay, để đưa mối bang giao Nhật Bản-Brazil lên mức cao hơn và cùng thúc đẩy sự thành công của Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rio de Janeiro.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý về tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác với tư cách là Đối tác Chiến lược và Đối tác Toàn cầu nhằm duy trì và củng cố trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên pháp quyền, cũng như bảo đảm một thế giới nơi phẩm giá con người được tôn trọng.
Ngày hôm sau, ông Kishida đã có bài diễn văn tại Đại học São Paulo ở Brazil. Bài nói chuyện này có tựa đề “Hành trình mở đường cho ‘Tôn trọng Nhân phẩm’ với Châu Mỹ Latinh và vùng Caribe.” Bài nói chuyện này đánh dấu bài diễn văn chính sách đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản về Mỹ Latinh sau một thập niên.
Ông nói trong bài diễn văn của mình, “Trật tự quốc tế đang đối mặt với những thách thức mới, tự do và dân chủ mà chúng ta ủng hộ đang bị đe dọa trên toàn thế giới.” Ông Kishida cam kết trao đổi quan điểm và gắn kết với châu Mỹ Latinh trên chặng đường mới phía trước.
Ông Yaita tin rằng chuyến thăm Brazil của ông Kishida là nhằm mục đích làm chậm bước tiến của Trung Quốc. Trong thời kỳ cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Nhật Bản tham gia “ngoại giao toàn cầu,” tập trung chủ yếu vào Đông Bắc Á và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Giờ đây, Nhật Bản dường như đang thực sự mở rộng ra toàn cầu.
Chỉ trích ngầm Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc
Trong bài diễn văn tại Đại học São Paulo ở Brazil, Thủ tướng Nhật Bản đã ngầm chỉ trích Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của ĐCSTQ là một cái bẫy nợ, đồng thời đề nghị rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục cung cấp cơ sở hạ tầng chất lượng cao và thúc đẩy hợp tác kinh tế bền vững trong khu vực.
Ông Yaita tin rằng viện trợ ngoại quốc của Nhật Bản luôn hữu ích cho nước tiếp nhận, trong khi BRI của Trung Quốc chỉ tập trung vào việc chiếm hữu tài nguyên. Ông cho rằng Nhật Bản đang đưa ra một giải pháp khác cho thế giới.
Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), một nhà bất đồng chính kiến người Hoa và là phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Sydney ở Úc, cũng nhận xét rằng Nhật Bản đã công bố một kế hoạch thay thế nhằm bù đắp vào chỗ thiếu hụt của Trung Quốc, tạo ra một liên minh trong thế giới tự do.
Tính đến năm 2023, 21 quốc gia ở Mỹ Latinh đã tham gia BRI của Trung Quốc, cho phép ĐCSTQ mở rộng ảnh hưởng. Tuy nhiên, Brazil vẫn chưa tham gia, và đồng minh của Đài Loan là Paraguay cũng không tham gia.
Ông Phùng so sánh BRI của ông Tập với chính sách trước đây của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông là giúp “châu Á, châu Phi, và châu Mỹ Latinh đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc,” truyền bá hệ tư tưởng cộng sản ra trên toàn thế giới.
“Trước đây, ông Mao Trạch Đông đã kiểm soát các nước thuộc thế giới thứ ba,” ông nói. “Những quốc gia mà ĐCSTQ cố gắng gây ảnh hưởng [trong quá khứ] đều có nền kinh tế chậm phát triển, chính trị bất ổn, và đôi khi là chế độ độc tài. Vì vậy, Hoa Kỳ và Nhật Bản chưa đầu tư nhiều vào những nơi đó, điều này đã tạo cơ hội cho ĐCSTQ. Giờ đây, Nhật Bản đang trỗi dậy và trở thành một tấm gương.”