Lý do Bắc Kinh lo lắng về đồng yên Nhật
Thông thường, khi Bắc Kinh chỉ trích Nhật Bản, những lời phàn nàn đều xoay quanh các chủ đề quen thuộc. Sự gần gũi của Tokyo với quân đội Hoa Kỳ và cách hành xử của Nhật Bản trong Đệ nhị Thế chiến là những điểm phàn nàn chính. Tuy nhiên, Bắc Kinh có lý do thực tế và trực tiếp hơn để lo lắng về những gì đang diễn ra ở Tokyo. Sự sụt giảm tỷ giá của đồng yên Nhật xuống khoảng 160 yên 1 USD đang gây bứt rứt nghiêm trọng ở Bắc Kinh.
Trong phần lớn thế kỷ này, Hoa Kỳ đã thực hiện các chính sách tiền tệ tương tự như những chính sách của các nền kinh tế lớn khác như châu Âu, Nhật Bản, và Trung Quốc. Các mức lãi suất nhìn chung tương tự nhau này phù hợp với các nguyên tắc căn bản của nền kinh tế, khiến tỷ giá hối đoái dao động trong phạm vi có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, đợt lạm phát hậu COVID-19 ở Hoa Kỳ về căn bản đã thay đổi động lực tiền tệ quốc tế này.
Các quốc gia thực hiện các chính sách tiền tệ giống nhau vì nhiều yếu tố kinh tế cho phép họ thực hiện các chính sách tiền tệ nhất quán trên diện rộng. Ví dụ, một quốc gia có mức tăng trưởng GDP thực là 5% và lạm phát là 2% trong lúc nước láng giềng có mức tăng trưởng GDP thực là 2% và lạm phát là 5%. Sử dụng thuật ngữ của các nhà kinh tế, việc giữ cho lãi suất ở mức trung hòa có thể giúp các quốc gia thực hiện chính sách tiền tệ tương tự và không gây gián đoạn trong dòng chảy tỷ giá hối đoái.
Chúng ta thấy những ví dụ về kịch bản rất đơn giản này trong cuộc sống thực. Khi Hoa Kỳ và Nhật Bản đều áp dụng lãi suất gần bằng 0, đồng USD và đồng yên Nhật dao động trong khoảng từ 100 đến 120 yên 1 USD trong hầu hết thế kỷ này. Tuy nhiên, động lực lạm phát mới ở Hoa Kỳ đã làm đảo lộn sự cân bằng mong manh đó.
Do thâm hụt kỷ lục của Hoa Kỳ, sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch và thị trường lao động thắt chặt, lạm phát vẫn ở mức cao ngay cả sau khi đã trải qua một đợt suy giảm. Điều này đã dẫn đến việc Hệ thống Dự trữ Liên bang tăng lãi suất và cam kết sẽ giữ lãi suất ở mức cao. Vấn đề đối với nhiều quốc gia như Nhật Bản và Trung Quốc là khi Hoa Kỳ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và hạ nhiệt nền kinh tế, thì Nhật Bản và Trung Quốc lại có nền kinh tế yếu kém đang chao đảo trước tình trạng giảm phát và rất cần lãi suất thấp hơn.
Hiện nay, vấn đề phân hóa tiền tệ đang thể hiện trong tỷ giá hối đoái.
Kể từ đầu năm 2021, đồng yên Nhật đã giảm từ 103 yên 1 USD xuống mức thấp gần đây là 160 yên 1 USD. Trong năm vừa qua, tỷ giá đã giảm từ mức 135 yên 1 USD. Đối với các nhà đầu tư thì sự lựa chọn là rất đơn giản: bỏ tiền vào trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ có lãi suất 5% hoặc trái phiếu chính phủ Nhật Bản có lãi suất gần như bằng 0.
Diễn biến này có tác động lan tỏa tới Trung Quốc. Với dân số trong độ tuổi lao động trì trệ không tăng, nền kinh tế chậm lại và phụ thuộc đáng kể vào xuất cảng, giữa Trung Quốc và Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng. Tuy nhiên, họ khác nhau về chế độ tỷ giá hối đoái, với Trung Quốc thực hiện các biện pháp kiểm soát vốn và định giá nghiêm ngặt thông qua ngân hàng trung ương, trong khi tỷ giá hối đoái của Nhật Bản phần lớn là được thả tự do. Vài năm qua, trong lúc Nhật Bản cho phép đồng yên giảm giá khoảng 50% thì Trung Quốc chỉ để đồng nhân dân tệ giảm khoảng 10%. Sự chênh lệch quá lớn giữa mức giảm của đồng yên và đồng nhân dân tệ đã chỉ gây thêm áp lực cho Trung Quốc, bên cạnh sự chênh lệch về lãi suất giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Trong khi Nhật Bản chọn cách để đồng tiền của họ giảm giá, thì Bắc Kinh đã cố gắng duy trì đồng nhân dân tệ ở mức tỷ giá cao giả tạo. Mặc dù chúng ta không thể biết chắc chắn lý do cho con đường chính sách này, nhưng có những nguyên nhân tiềm năng có thể góp phần vào cách nghĩ của Bắc Kinh.
Đầu tiên, thông qua việc vận hành một hệ thống mà trên thực tế là một chế độ tỷ giá hối đoái cố định với các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ, bất kỳ sự sụt giảm đáng kể nào của đồng tiền đều có thể nhanh chóng trở thành một lời tiên tri tự ứng nghiệm (một vòng tròn luẩn quẩn nơi những kỳ vọng chưa hẳn là chính xác khiến mọi người hành xử theo cách biến kịch bản không mong muốn thành hiện thực) khi người dân cố gắng nắm giữ các loại tiền tệ mạnh. Đã có những dấu hiệu đáng kể cho thấy các công ty Trung Quốc đang cố gắng giữ lại nhiều loại tiền tệ mạnh hơn ở hải ngoại quốc thay vì chuyển lợi nhuận và USD của họ về nước.
Thứ hai, do căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Bắc Kinh có thể lo ngại về việc cho phép đồng nhân dân tệ giảm giá quá nhiều hoặc quá nhanh do thặng dư thương mại vốn đã lớn của Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc có thể đang muốn tăng cường xuất cảng, nhưng Bắc Kinh có thể lo ngại về việc đi quá xa.
Thứ ba, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tìm cách khẳng định họ là một nhà quản lý có năng lực, mang lại thịnh vượng kinh tế, do đó bất kỳ sự sụt giảm đáng kể nào của đồng nhân dân tệ sẽ là dấu hiệu cho thấy rõ ràng rằng họ đã không hoàn thành nhiệm vụ tự đặt ra. Người dân có xu hướng nhận ra khi đồng tiền của họ giảm giá 50%, và ở một quốc gia độc tài, thì phản ứng bất mãn kéo theo sau đó sẽ là một vấn đề.
Thứ tư, Bắc Kinh đang rất cần vốn. Phần lớn nền kinh tế đang đứng trước bờ vực phá sản và các ngân hàng đang thiếu vốn nghiêm trọng. Bất kỳ khoản tiền nào rời khỏi nền kinh tế Trung Quốc hoặc không chảy về Trung Quốc sẽ đều góp phần đẩy đồng nhân dân tệ xuống giá.
Với việc đồng nhân dân tệ chịu áp lực giảm giá đáng kể và Bắc Kinh tích cực cố gắng giữ cho đồng tiền này ở mức giá cao, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã làm rất ít để đề ra một lộ trình chính sách phía trước. Tuy nhiên, không còn nghi ngờ gì nữa, sự sụt giảm của đồng yên đang gây thêm áp lực lên đồng nhân dân tệ. Ngay cả khi đồng yên không phục hồi hoặc giảm giá mạnh, thì bất kỳ mức ổn định nào của đồng yên ở tỷ giá thấp trong thời gian dài sẽ gây áp lực rất lớn lên đồng nhân dân tệ, và đó là còn chưa tính đến chênh lệch lãi suất mà chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times