Thủ túc tình thâm: Những câu chuyện cảm động về tình cảm anh em thân quyến
Nho gia cho rằng hiếu đễ là căn bản của nhân. Hiếu thuận phụ mẫu là hồi báo công ơn dưỡng dục của cha mẹ, “Đễ” là sự yêu thương giữa huynh đệ tỷ muội và bằng hữu ngang vai ngang vế. Hiểu hiếu đễ, con người mới có thể tề gia, mới có thể đặt định cơ sở lý tưởng cho “Trị quốc bình thiên hạ”.
“Đễ” nghĩa là gì? Nói một cách cụ thể, chữ “Đễ” (悌) này bên trái là bộ “Tâm” đứng (忄), bên phải là chữ “Đệ” (弟). Trong “Thuyết văn giải tự” có giải thích “Thiện huynh đệ dã”, nghĩa là huynh trưởng luôn phải quan tâm chăm sóc các em, các em cũng phải tôn kính nghe lời huynh trưởng. Giữa huynh đệ tỷ muội tương thân tương ái, chung sống hòa thuận. Trong thư tịch cổ ngoài việc ghi chép rất nhiều các câu chuyện hiếu tử hiếu nữ cảm động cả đất trời, còn có không ít câu chuyện về thủ túc tình thâm.
Quốc công Đường Anh đích thân nấu cháo cho chị
Khai quốc công thần triều Đường Lý Tích văn võ song toàn, công huân hiển hách, là một trong 24 công thần trong Lăng Yên các của triều Đường. Ông từng đảm nhận các chức như Binh bộ Thượng thư, Đồng Trung thư Môn hạ tam phẩm, Tư Không, Thái sư của Thái tử v.v, cũng được phong là Anh quốc công, thân phận cao quý.
Một hôm, chị gái của ông ngã bệnh, Lý Tích đích thân xuống bếp nhóm lửa nấu cháo cho chị. Trong lúc nấu cháo, ngọn lửa bén vào râu và tóc của ông. Chị gái của ông nói: “Người hầu nhiều như vậy, em sao lại tự mình chuốc lấy cực khổ?”. Lý Tích đáp: “Cũng không phải không có người làm, chỉ là nghĩ đến chị đã lớn tuổi rồi, em cũng già rồi, cho dù có muốn nấu cháo cho chị lâu dài, cũng không thể được phải không?”. Hiển nhiên, Lý Tích vô cùng trân quý tình cảm giữa hai chị em.
Cũng giống như vậy, quan hệ giữa Lý Tích và em trai Lý Bật cũng rất tốt. Lý Tích hiểu rõ tính nết của Lý Bật, và cũng tín nhiệm người em này.
Lý Bật lúc mới làm Thứ sử Tấn Châu là khi Lý Tích bị bệnh, Đường Cao Tông triệu Lý Bật làm Ti vệ thiếu khanh, để ông có thể gần gũi chăm sóc huynh trưởng. Một hôm, Lý Tích bỗng nhiên nói với Lý Bật: “Ta hôm nay cảm giác dễ chịu hơn một chút, có thể mở tiệc để cả gia tộc chúng ta cùng vui vẻ”. Lúc ấy Lý gia tất cả con cháu đều đến. Lúc tiệc rượu sắp tàn, ông nói với Lý Bật: “Ta tự biết mình sắp chết, nên muốn cùng đệ quyết biệt. Ta lo lắng đệ đau thương khóc lóc, đã lừa gạt đệ nói là khá hơn rồi, đệ tuyệt đối không được khóc, hãy nghe lời sắp xếp của ta”. Tiếp theo ông dặn dò Lý Bật, phải cẩn thận ngay từ đầu thì mới có thể giữ vững gia nghiệp, lại đem toàn bộ con cháu Lý gia giao phó cho Lý Bật. Lý Tích sau khi qua đời, Lý Bật mọi việc đều tuân theo di ngôn của anh trai.
Hai người em gái để tang anh ba năm báo ơn nuôi dưỡng
Tất Cấu (650-716) là người Yển Sư, Hà Nam. Ông thuở thiếu thời đã đậu tiến sĩ. Thời Đường Trung Tông đến thời Đường Huyền Tông, ông lần lượt làm qua các chức quan Trung thư xá nhân, Lại bộ Thượng thư, Đô đốc Quảng Châu, Thứ sử Thiểm Châu, Đại đô đốc phủ Trường sử kiêm Sung kiếm Nam đạo án sát sử Ích Châu, Ngự sử đại phu, Hộ bộ thượng thư, v.v. Ông có thành tích trác việt nên được cho là người đứng đầu chính sự những năm Cảnh Long và Khai Nguyên. Huyền Tông từng giáng ấn thư nói ông “Cô khiết độc hành, hữu cổ nhân chi phong”, “Chư sử chi trung, tại khanh vi tối” (Một thân trong sạch, có phong thái cổ nhân, trong các chư thần, khanh là giỏi nhất).
Tất Cấu là người con chí hiếu, khi mẹ kế của ông qua đời, để lại hai em gái hãy còn trong tuổi ẵm ngửa. Ông tự mình nuôi dưỡng đến lúc họ trưởng thành. Khi Tất Cấu qua đời, hai em gái của ông gào khóc không dứt, cảm niệm ơn dưỡng dục của huynh trưởng mà đã để tang ông ba năm. Thông thường, chỉ có cha mẹ mới để tang ba năm, nên trong triều và người dân trên dưới, ai cũng không cầm được nước mắt.
Tất Cấu đối với em trai Tất Hủ cũng luôn yêu mến có thừa. Khi Tất Hủ đảm nhiệm chức Thái phủ tự chủ bộ tại Đông đô Lạc Dương, nghe nói anh trai bị bệnh, lập tức suốt đêm hồi kinh, mấy tháng đều túc trực hầu hạ bên giường bệnh, phụng dưỡng thuốc thang. Khi Tất Cấu qua đời, ông vô cùng đau buồn, không nói cười suốt hơn một năm.
Tiết Vương hiếu đễ được Huyền Tông tán thưởng
Hoàng tử Lý Nghiệp (686-734), tên thật là Lý Long Nghiệp, là người con thứ năm của Đường Duệ Tông, cũng là em trai của Huyền Tông Lý Long Cơ, mẫu thân là Đức Phi. Năm 687, Đường Duệ Tông lên ngôi hoàng đế, Lý Nghiệp được phong làm Triệu Vương. Thời Võ Tắc Thiên, ông được phong làm Trung Sơn Quận Vương. Năm 710, Đường Duệ Tông được phục vị, ông lại được tiến phong làm Tiết Vương, gia phong đủ một ngàn hộ, được làm Mật thư giám, kiêm hữu vũ Lâm đại tướng quân, v.v. Năm đầu Khai Nguyên Đường Huyền Tông, ông được đảm nhận chức Thái tử Thiếu bảo, là Thứ sử các châu Kính Bân Vệ Quắc, sau chuyển làm Thái tử Thái Bảo.
Mẹ ông mất sớm, ông được Hiền Phi nuôi dưỡng trưởng thành. Sau khi Huyền Tông lên kế vị, ông đón Hiền Phi đến phủ, tự mình phụng dưỡng, rất hiếu thuận.
Không chỉ vậy, Lý Nghiệp còn đem hai người em gái cùng mẹ đã mất của mình là Hoài Dương công chúa và Lương Quốc công chúa, về phủ nuôi dưỡng, đối đãi như con ruột.
Huyền Tông cũng rất thân thiết với Lý Nghiệp. Một lần, Lý Nghiệp phát bệnh, Huyền Tông đích thân cầu nguyện cho ông. Chờ sau khi ông khỏi bệnh, còn giá lâm phủ của ông, bày rượu ăn mừng. Huyền Tông còn làm thơ ngay tại bữa tiệc:
“Tích kiến chương tân ngọa, Ngôn tương nhân sự vi. Kim phùng đản khánh nhật, Do vị học tiên quy. Đường lệ hoa trọng mãn, Linh nguyên điểu tái phi”.
Tạm dịch nghĩa: “Xưa gặp nằm ở bến Chương, Nói sẽ làm trái nhân sự. Nay mừng ngày khỏe lại, Còn nói học Thần tiên. Hoa đường lê nở đầy, Chim chìa vôi lại bay”. Dùng bài thơ này để biểu đạt nội tâm vui sướng.
Em trai nguyện chết thay huynh trưởng
Lục Nam Kim là người huyện Ngô tỉnh Tô Châu. Ông đọc nhiều kinh sử, ngôn hành cẩn trọng, từng nhận chức Thái thường phụng lễ lang. Năm đầu Khai Nguyên Đường Huyền Tông, ông về quê nhà thọ tang mẹ, không ngờ, trong nhà nghênh đón một vị khách không mời mà đến, đó là Quá thường thiếu khanh Lư Sùng Đạo. Lư Sùng Đạo vì có tội nên bị lưu đày tới Lĩnh Nam, sau trốn về, mượn cớ phúng viếng để đến nhà của cựu đồng liêu, Lục Nam Kim đã che giấu ông ta.
Không lâu sau, chuyện Lư Sùng Đạo ẩn nấp bị tố giác, Hoàng đế hạ chiếu lệnh cho Hầu Ngự sử Vương Húc truy bắt và thẩm vấn, Lục Nam Kim che giấu tội phạm cũng phải bị xử tử. Lúc đó, em trai Lục Nam Kim là Lục Triệu Bích đến chỗ Vương Húc tự thú, nói mình mới là người che giấu Lư Sùng Đạo, người đáng bị xử tử phải là mình. Lục Nam Kim thì khăng khăng nói em trai tự bịa chuyện không hợp với tình hình thực tế, tự mình nguyện ý nhận lấy cái chết.
Huynh đệ tranh chết, khiến Vương Húc cảm thấy kỳ lạ. Lục Triệu Bích bèn nói ra nguyên nhân: “Huynh trưởng có tài cán, vong mẫu chưa được an táng, tiểu muội còn chưa xuất giá, ta thuở nhỏ ngang bướng, sống cũng không có tác dụng gì, chi bằng chết đi”.
Vương Húc lập tức tâu việc này lên Huyền Tông, Huyền Tông cảm động vì tình cảm thân thiết của hai anh em, ban lệnh đặc xá cho cả hai người.
Tư liệu tham khảo:
Do Lưu Hiểu thực hiện
Lý Tính Thành biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ