Câu chuyện trí tuệ xưa: Sức mạnh của lòng nhân ái
Phẩm chất tốt đẹp là bản tính lương tri mà Thượng thiên ban tặng cho loài người, là nguyên tố tốt đẹp nhất trong sinh mệnh. Vì vậy, đối với một người mà nói, điều quan trọng nhất chính là giữ gìn sự thiện lương, không ngừng đề cao chuẩn mực đạo đức của bản thân.
Một người quân tử chân chính sẽ đọc những quyển sách tốt và làm những việc thiện lành. Không những vậy, anh ta còn sẽ khuyến khích và mở rộng việc hành thiện trong xã hội, đồng thời còn chỉ dẫn người khác cùng làm. Con người nhờ vậy mà sẽ tích cực hướng thượng, tuân thủ thiên lí chính đạo, sống trong hòa bình và phồn vinh.
Do đó, cổ nhân đã nói rằng: “Người quân tử chân chính sẽ lấy thiện đãi người”, các câu chuyện về việc cổ nhân khuyến thiện có nhiều vô số, dưới đây chỉ là một vài ví dụ.
Thời Xuân Thu (TCN 770-476), Tử Lộ người nước Lỗ lần đầu tiên đến gặp Khổng Tử đã cắm một sợi lông vũ trên đầu mình, thể hiện cá tính ngạo mạn và háo thắng của anh ta. Nhưng sau khi Khổng Tử nói với anh ta về đức tính khiêm tốn thì anh ta đã bị làm cho cảm động, cam tâm tình nguyện thay y phục học trò, hành lễ theo học Khổng Tử.
Khổng Tử dạy anh cách làm quan và làm một người quân tử, Khổng Tử nói: “Điều quan trọng nhất của một người quân tử là lòng trung thành. Quân tử có dũng mà không có trung thì ắt loạn; đối với tiểu nhân mà nói, có dũng cảm mà không có lòng trung thành thì là phường trộm cắp. Quân tử mưu đạo bất mưu thực, ưu đạo bất ưu bần. Làm quan phải lấy mình làm gương, cần chính yêu dân, không được buông thả”.
Tử Lộ theo Khổng Tử chu du liệt quốc, hoằng dương đạo đức, tâm tính cũng không ngừng đề cao. Anh kiên định tín tâm vào thầy, trung thành với Quốc gia.
Khổng Tử khen ngợi Tử Lộ rằng: “Tử Lộ luôn vui vẻ nhận ra sai lầm của mình, hơn nữa không do dự mà sửa đổi, đây gọi là ‘tiến bộ.’”
Về sau, Tử Lộ trở thành một vị quan viên quan trọng của huyện Bồ Ấp. Ba năm sau, Tử Lộ dùng tư tưởng lễ nhạc để cai quản quận, bách tính muôn dân tôn trọng lẫn nhau, Bồ Ấp trở thành một vùng giàu có tường hòa. Khổng Tử nói rằng tất cả điều này đều bắt nguồn từ lòng nhân ái của Tử Lộ.
Vào thời nhà Minh (1368-1644) có một người tên gọi là Ngô Thiên Tiến thường dạo chơi sơn cảnh, anh là một người có thể phách khỏe mạnh, thích tranh đấu. Là một cao thủ võ thuật, anh thích dùng khoái quyền để đối phó với bất kỳ ai mà anh ta gặp.
Anh ta mặc sức cướp tài vật của người khác, ai nấy đều sợ anh ta.
Vào một hôm thời tiết nóng nực, anh ta đi lên lộ đài để hóng mát. Mọi người trông thấy anh ta thì đều sợ hãi lần lượt bỏ đi mất. Nhưng có một ông lão vẫn ở lại, không một chút sợ hãi.
Ngô Thiên Tiến ngang ngược nói: “Trừ ông ra, những người khác đều đi cả rồi, phải chăng ông cảm thấy võ công của tôi chưa đủ tốt?”
“Ngươi hoàn toàn sai rồi”, ông lão đáp, “Phụ mẫu nuôi dưỡng ngươi thành người, hy vọng ngươi cống hiến cho Quốc gia. Ngươi là một cao thủ võ thuật, nhưng trước nay chưa từng nghĩ đến việc làm thế nào để làm lợi cho Quốc gia; ngược lại, ngươi hài lòng với việc làm một kẻ xấu xa cặn bã. Thật đáng tiếc lắm thay! Đáng tiếc lắm thay!”
Sau khi nghe những lời của ông lão, Ngô Thiên Tiến hối hận nước mắt giàn giụa, “Những người bên cạnh tôi đều nói tôi là kẻ xấu, vì vậy tôi liền biến bản thân thành kẻ xấu. Những lời hôm nay của ngài giống như tiếng chuông buổi sớm, gọi tôi tỉnh dậy từ trong mộng. Nhưng tôi làm người xấu lâu như vậy rồi, không biết bản thân liệu còn có thể trở thành một người quân tử chân chính hay không. Như trăng khuyết thật khó mà tròn”.
Ông lão nói: “Nếu ngươi nghiêm túc sửa đổi bản thân, trở thành một con người mới, tu thân dưỡng tính, làm một người tốt, có gì là không thể chứ?”
Từ đó về sau, Ngô Thiên Tiến thay đổi, bắt đầu dốc hết sức lực phục vụ Quốc gia. Về sau, anh ta trở thành Phó thống soái trong quân đội thời đó. Vì anh ta chỉ huy quân đội có phương pháp, lại yêu thương bách tính, nên được mọi người tôn trọng và tán dương.
Có câu cổ ngữ rằng: “Phạm sai lầm là chuyện thường tình của con người, nhưng sửa chữa sai lầm chính là việc làm đại thiện”.
Dùng đức để giáo dục, dùng thiện để sửa sai, có thể dẫn dắt con người nghĩ lại về ý nghĩa chân chính của nhân sinh và những vấn đề đạo đức khác. Chẳng hạn như làm thế nào để biểu đạt tình yêu thương đối với người khác, tránh mê lầm trong lợi ích của tự thân và truy cầu hưởng lạc.
Sức mạnh của thiện lương là cực kỳ to lớn, đâu đâu cũng có, có thể thay đổi nhân tâm từ bản chất. Nó dẫn dắt con người truy cầu, thực hành chân lí, trở về với lương tri: khuyến khích con người đưa ra lựa chọn chính xác, hóa giải hết thảy các việc bất nghĩa.
Xem thêm:
Han Yu biên tập
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times Hoa ngữ