Luân hồi chuyển sinh: Ôn Thần gieo rắc dịch bệnh giết nhầm người, phải chuyển kiếp xuống trần gian để đền tội
Trong truyền thuyết Ôn Thần là sứ giả được Thần phái tới nhân gian để thực thi việc gieo rắc bệnh dịch. “Ôn Thần có mắt”, vì vậy đối tượng của dịch bệnh cũng phải chuẩn xác, không thể làm bừa. Con người hiện nay có thể hoài nghi rằng liệu Ôn Thần có thật sự tồn tại hay không? Ôn Thần cũng phải luân hồi chuyển kiếp sao?
Vào những năm 1920, gần đền Quý Tử thuộc thị trấn Thân Cảng, Đan Dương, tỉnh Giang Tô, đã ghi chép lại câu chuyện có thật về sự luân hồi chuyển kiếp của thần. Cái kết hấp dẫn và đủ để thay đổi suy nghĩ của con người về việc ứng phó với đại dịch.
Thị trấn Thân Cảng, Đan Dương (Giang Dương xưa ), thuộc tỉnh Giang Tô nổi tiếng với lăng mộ Diên Lăng Quý Tử và đền Quý Tử; những gian phòng trống của ngôi đền được sử dụng làm các phòng học cho trường tiểu học sơ cấp thứ hai trong thị trấn. Vào những năm đầu của Trung Hoa Dân Quốc, hiệu trưởng trường tiểu học này là ông Trương Cửu Cao, một nhà từ thiện trong làng. Vào đầu thời Trung Hoa Dân Quốc, trong “Luân hồi tập” do cư sĩ Vô Mẫu biên soạn, đã ghi lại một câu chuyện về sự chuyển sinh vào thời hiện đại của Ôn Thần, xảy ra ngay tại nhà của ông Trương.
Ông Trương Cửu Cao là một người quân tử đôn hậu khiêm cung, ngôn hành cẩn trọng. Ông có ba người con trai, con trai cả Trương Ứng Trâm có một con trai tên là Bảo Ngọc. Đầu năm 1920, cháu nội của ông, Bảo Ngọc đột ngột qua đời. Chỉ nửa năm sau, vào ngày 20 tháng 7, con trai cả Ứng Trâm (cha của Bảo Ngọc) bị lây bệnh dịch và qua đời khi còn rất trẻ.
Chỉ trong vòng nửa năm, con trai cả và cháu nội lần lượt qua đời, đã tạo nên sự đả kích rất lớn đối với ông Trương và ông hoàn toàn suy sụp. Ông nhớ lại bản thân chưa từng phạm phải tội lớn nào trong đời, tại sao những chuyện đau buồn cứ nối tiếp nhau mà đến. Sự ra đi của con trai và cháu nội đã khiến cho tín tâm kiên định vào chân lý thiện ác báo ứng cả đời của ông bị dao động. Nhưng những gì xảy ra vào ngày 22 tháng 7, cũng tức là ngày thứ ba sau cái chết của con trai ông, dường như đã mang đến một thông điệp mạnh mẽ: Mọi chuyện xảy ra trong đời người đều không phải là ngẫu nhiên, mà đều có mối quan hệ nhân duyên và được an bài hết sức chặt chẽ.
Vào sáng ngày 22 tháng 7, khi con trai thứ của ông Trương là Trương Ứng Giới ra phố mua thức ăn thì xảy ra một sự việc kỳ lạ. Khoảng chín giờ sáng, anh đột nhiên nhìn thấy người anh trai Ứng Trâm đã qua đời dẫn theo Bảo Ngọc đi về phía mình, anh chỉ kịp mở miệng gọi “đại ca” thì đột nhiên bất tỉnh. Người trên đường nhìn thấy anh ta đột nhiên ngất xỉu trên mặt đất thì đều đến đỡ anh ta dậy. Một lúc sau, mọi người thấy anh ta tỉnh dậy và lớn tiếng nói: “Tôi là Trương Ứng Trâm!” Giọng nói quả thật là của Trương Ứng Trâm chứ không phải của Trương Ứng Giới.
Anh ta nhờ người đem giấy bút đồng thời mời cha mẹ của mình đến. Có người chạy về báo tin cho cha mẹ anh ta, những người còn lại thì thấy anh ta vừa viết vừa nói: “Tôi vốn họ Lữ, là sứ thần dịch…”.
Vợ chồng ông Trương vừa đến nơi thì anh ta liền quỳ xuống hành lễ và động viên hai người, rằng sự chuyển sinh của anh trong kiếp này đều có mối quan hệ nhân duyên, nên hai người không nên quá đau lòng. Sau khi lễ bái cha mẹ xong, Trương Ứng Giới liền khôi phục trạng thái thanh tỉnh.
Mối quan hệ nhân quả luân hồi giữa kiếp trước và kiếp này
Trong những bài văn Tứ tuyệt do Trương Ứng Trâm viết, anh đã thể hiện quan điểm của mình về thời gian và không gian khác đồng thời giải thích rõ ràng về mối quan hệ nhân quả luân hồi giữa kiếp trước và kiếp này của mình:
Tiền thân của tôi là sứ thần bệnh dịch, họ Lữ, con trai Bảo Ngọc trong kiếp này vốn là thị giả của tôi. Vào ngày 14 tháng 7 năm Quang Tự thứ hai mươi, trong lúc gieo rắc bệnh dịch ở Sơn Đông, tôi đã sơ suất phạm lỗi lớn làm chết nhầm hai người, kết quả tôi bị giáng chức và bị đày xuống trần gian. Thần thổ địa nơi ấy lúc bấy giờ chính là tiền thân của em trai Trương Ứng Giới của tôi trong kiếp này, và ông ấy cũng mới vừa trở thành thần thổ địa ở đó. Cả hai chúng tôi đều không hoàn thành tốt sứ mệnh, đồng thời bị kết tội và giáng xuống trần chịu phạt. Bảo Ngọc cũng theo tôi xuống trần gian, vốn để làm người đánh xe cho tôi chứ không phải làm con trai tôi .
Tại sao kiếp này lại sinh ra trong nhà của Trương Cửu Cao?
Trong bài văn tứ tuyệt mà anh để lại, có giải thích rõ:
Thần thổ địa và tôi cùng lúc bị giáng xuống trần gian chịu tội, sau khi đền tội xong chúng tôi có thể quay về phục hồi chức vị của mình. Nhưng e sợ rằng sau khi xuống trần sẽ mất hết ký ức về đời trước, có thể lưu lạc ở trần gian, vĩnh viễn không có ngày trở về, do vậy tôi nhất định phải lựa chọn một vị thiện sĩ tốt để làm cha mẹ mình. Sau nhiều năm tìm kiếm, cuối cùng đã được chuyển sinh trong gia đình của ông Trương Cửu Cao, một vị đại thiện nhân. Tôi tuy rằng đời này không có công lao gì, nhưng cũng không tạo ác, vì vậy cũng đã đến lúc quay trở về khôi phục chức vị cũ. Lúc này đây bị nhiễm bệnh vốn là đã được định sẵn từ trước thì làm sao có thể chữa khỏi? Thế gian này vốn chỉ là một quá trình luân hồi tuần hoàn mà thôi, dịch bệnh cũng là do nhân quả tạo thành, nhân quả phân minh, ai ai cũng ở trong đó, rõ ràng minh bạch.
Tại không gian khác anh đã nhìn thấu sự mê chướng trong tình cảm ở thế gian, vì vậy anh đã khuyên nhủ cha mẹ và nói cho người thân cũng như thế nhân về phương pháp duy trì sự bình an cho thế gian. Anh nói như vậy:
Xin cha mẹ đừng quá thương tâm! Con thật sự đến đây không phải để làm con của cha mẹ. Mọi việc trong gia đình còn có hai em trai, nếu con có thời gian sẽ âm thầm giúp đỡ. Vợ của con là Tào thị, thủ tiết đoan trang, quỷ thần bội phục, phúc phận một đời, sau này sẽ được người đời tôn thờ.
Hưởng phúc lộc trường thọ tại nhân gian, tuy rằng có vẻ như đó là vinh hoa phú quý, nhưng tôi có lời muốn nhắn nhủ mong các đệ hãy ghi nhớ: Hành thiện là hạnh phúc nhất! Nhưng điều thiện cũng có thật giả, cần nên phân biệt rõ: điều gì là chân thiện? Hiếu kính phụ mẫu, yêu thương mọi người. Người xung quanh bị nhiễm dịch bệnh là do ở tại không gian khác có một vị thần ôn dịch đang gieo rắc dịch bệnh. Xin hãy nói với họ rằng, nếu muốn bình an, thì trong tâm đừng mong cầu điều may mắn, tâm thiện thì mới giải quyết được vấn đề.
Trương Ứng Trâm đã thông qua việc mượn thể xác của em trai mình để giải nghi hoặc cho cha mẹ cũng như người trên thế gian: Nhắc nhở thế nhân về thiên lý thiện ác báo ứng, dù là thần cũng không tránh khỏi, tuyệt nhiên không có may mắn ngoại lệ. Đồng thời, qua những chuyện trong kiếp trước và kiếp này của mình, anh đã để lại lời nhắn nhủ cho con người thế gian: Thực tế, những người chết vì bệnh dịch đều là do nhân quả; Ôn Thần thực thi nhiệm vụ đều có đối tượng minh xác, không được phép nhầm lẫn dù là tính mạng của chỉ một hoặc hai người.
Bệnh dịch ở nhân gian là một loại cơ chế của thiện ác báo ứng, biểu hiện như là bệnh dịch theo mùa đang lây lan trên diện rộng. Cơ chế, nhân quả của thiện ác báo ứng là tuyệt đối chính xác, không thể làm bừa! Bình an không có yếu tố may mắn, hành thiện là hạnh phúc nhất, hiếu kính cha mẹ, yêu thương mọi người là căn bản của thiện, chỉ có chân thiện mới là chìa khóa mở cánh cửa bình an.
Phụ lục:
Nguyên văn bài thơ tứ tuyệt của Trương Ứng Trâm được ghi trong tập “Luân Hồi Ký” do những cư sĩ Vô Mẫu biên soạn:
Phiên âm:
Ngã nãi dịch sử, nguyên bổn tính Lữ
Quang Tự Niệm niên, thất nguyệt thập tứ, sơn đông hành dịch, nhị nhân ngộ tử.
Nhị đệ đương niên, phương vi thổ địa, nhị nhân hoạch tội, trích giáng trần thế.
Nhân khủng đọa lạc, tất phụ thiện sĩ, số tải tầm cầu, phương sinh vu thử.
Sinh tuy vô công, diệc vô ác sự, kim đương quy vị, hà năng y trị?
Dịch nhân dịch ngã, tuần hoàn nhi dĩ, nhân quả phân minh, lịch lịch khả ký.
Phụ hề mẫu hề, ngã phi chân tử, gia trung chư sự, tự hữu nhị đệ.
Thảng ngã hữu hạ, ám trợ vi lý. Ngã thê hề Tào, trinh tiết khả hỉ, thủ tiết tuy khổ, quỷ thần kính chỉ, phúc phụ nhất sinh, tiết phụ vạn tự.
Ngã nhi Bảo Ngọc, bổn ngô tả thị, thử lai tốc giá, phi lai vi tự.
Giới thọ xưng quang, gia đa ngh lễ. Đãn ngã hữu ngôn, lưỡng đệ cẩn ký, vi thiện tối lạc, chân giả biện tế, chân thiện hà tại? Nhập hiếu xuất đễ.
Lân nhân nhiễm dịch, nhân ngô đắc khởi, cáo thử chư nhân, kiểu hạnh chi chí, thiết vật tự căng, thiện tư khả hĩ.
Dịch nghĩa :
Tôi là sứ giả dịch bệnh, nguyên họ Lữ.
Năm Quang Tự thứ 20, ngày 14 tháng 7, trong lúc gieo rắc bệnh dịch ở Sơn Đông đã khiến hai người bị chết oan.
Nhị đệ năm đó, vốn là thổ địa, cả hai phạm tội, cùng bị giáng xuống trần.
Vì sợ lưu lạc ở trần thế, nên muốn tìm vị thiện nhân làm cha, qua nhiều năm tìm kiếm, cuối cùng chuyển sinh vào nhà này.
Sống tuy vô công nhưng cũng không làm ác, đã đến lúc quay trở về, thì bệnh làm sao khỏi?
Gieo bệnh cho người, giờ tôi nhiễm bệnh, chỉ là vòng tuần hoàn, nhân quả phân minh, hãy ghi nhớ rõ ràng.
Cha ơi mẹ ơi, con vốn không thật sự là con của cha mẹ, mọi sự trong nhà, đã có hai em trai, nếu có thời gian, con sẽ âm thầm giúp đỡ. Vợ là Tào thị, trinh tiết đoan trang, cực khổ thủ tiết, quỷ thần đều bội phục, phúc đức một đời, được người đời tôn thờ.
Con trai Bảo Ngọc, vốn là thị giả của tôi, đời này đến đây để làm người đánh xe cho tôi, chứ không phải đến để làm con trai tôi.
Tuy được hưởng phúc thọ ở đời, nhưng tôi vẫn có lời muốn nhắc nhở hai đệ, hành thiện là điều hạnh phúc nhất, phân biệt rõ thật giả, chân thiện ở đâu? Hiếu thuận sẽ được người đời kính ngưỡng.
Những người bị nhiễm dịch bệnh đều do thần làm, xin hãy nói với họ, đừng nên mong cầu vào sự may mắn, chỉ có hành thiện thì mới được an vui.
Do Hoài Nhẫn Nhẫn thực hiện
Oanh Lê biên dịch
Tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ