Tài xế xe tải biểu tình tại Berlin: ‘Chúng tôi đang đối mặt với các vấn đề sống còn’
Từ khắp nước Đức, các công ty vận tải và giao nhận hàng hóa đã đưa những chiếc xe tải của họ đến thủ đô Berlin để phản đối tăng phí cầu đường. Các nhà tổ chức cho biết, ‘Chúng tôi ước tính hiện có khoảng 1,000 đến 2,000 xe tải đã tham gia cuộc biểu tình ở thủ đô.’
BERLIN — Đậu nối đuôi nhau như một chuỗi ngọc trai, thi thoảng những chiếc xe tải mới bị một số chiếc máy kéo sắp thành hàng thẳng đến Cột Chiến Thắng (Siegessäule), nơi từ xa có thể thấy bức tượng “Nữ thần Chiến Thắng” lấp lánh ngự trị trên cao, làm gián đoạn.
Biển số của những chiếc xe tải hạng nặng này cho thấy họ đến thủ đô Berlin từ khắp mọi miền nước Đức.
Đây là đang nói về các công ty vận tải và giao nhận hàng hóa đã hành động theo lời kêu gọi của Hiệp hội Tiếp vận và Vận tải Liên bang (BLV-pro). Họ đến Berlin thông qua năm cuộc biểu tình trên khắp nước Đức để tham gia các hoạt động phản đối vào ngày 18 và 19/01.
Đối với họ, phí cầu đường tăng đồng nghĩa với việc mất đi thu nhập và phải chịu thêm chi phí bổ sung, bởi vì không phải ai cũng có khả năng chi trả cho một chuyến xe để giao thứ gì đó đến thủ đô.
‘Hãy tắt đèn giao thông!’
Bối cảnh: Chính phủ Đức đương nhiệm là liên minh giữa ba đảng — Đảng Dân Chủ Xã Hội (SPD, có logo màu đỏ), Đảng Xanh (Die Grünen, có logo màu xanh lá), và Đảng Dân Chủ Tự Do (FDP, có logo màu vàng). Ba màu này tương ứng với ba màu của đèn giao thông, nên người Đức thường hay gọi chính phủ của mình là đèn giao thông.
Các biểu ngữ phản đối hầu hết được treo ở mặt trước của bộ tản nhiệt xe, giống với biểu ngữ của những người nông dân đã biểu tình trong nhiều tuần qua: “Sự điên rồ đỏ-xanh-vàng này phải chấm dứt! Lùi lại đi! Các vị đang hủy hoại sinh kế!” Hoặc: “Hãy rút phích cắm đèn giao thông!” – “Đủ rồi! Hãy tắt đèn giao thông!”
Còn những người khác lại chọn dùng biểu ngữ để thể hiện sự chỉ trích của họ đối với chính phủ liên bang:
“Phí cầu đường tăng 85%, giá thực phẩm tăng 12%. Tiếp theo là gì nữa? Các vị đã hủy hoại nước Đức trong hai năm qua.”
‘Quý vị quan trọng hơn chính phủ liên bang này’
Điểm nổi bật của cuộc biểu tình hôm thứ Sáu (20/01) là cuộc mít-tinh tại Cổng thành Brandenburg với sự tham gia của các diễn giả từ các hiệp hội nông dân và các chính trị gia.
Phó Thủ hiến Bayern, Bộ trưởng Kinh tế Hubert Aiwanger thuộc Đảng Cử Tri Tự Do (Freie Wähler) đã không tiếc lời chỉ trích chính phủ liên bang trong bài diễn văn của ông tại đó:
“Các tài xế xe tải thân mến, cảm ơn quý vị vì đã đến để chiếc đèn giao thông này biết ai là người cầm lái!” Những người khác thì chỉ có cần gạt phanh trong tay. “Quý vị quan trọng hơn chính phủ liên bang này.”
Trình bày trước đông đảo người dân đang tụ tập, Phó Thủ hiến tuyên bố:
“Nếu quý vị xuống đường cùng với nông dân, thợ thủ công, giai tầng trung lưu, người làm nghề tự do, nhân viên chăm sóc và người về hưu, thì đây là sự tự vệ chính trị — chống lại chính sách đang dồn đất nước này vào chân tường, dù là vì ngu ngốc hay là do cố ý.”
Sau đó, ông chất vấn, “Bộ trưởng Kinh tế Liên bang hiện đang ở đâu?” Và hướng về Thủ tướng Olaf Scholz (SPD), ông hỏi, “Olaf Scholz, ông đang ở đâu?”
Theo Bộ trưởng Kinh tế Bayern, những người đang thúc đẩy các chính sách của chính phủ đèn giao thông không muốn đạt được bước ngoặt trong giao thông, mà chỉ muốn kiếm tiền từ “những ý tưởng mộng mơ mang tính ý thức hệ.” Rõ ràng họ đang muốn phi công nghiệp hóa nước Đức bằng động cơ ý thức hệ.
‘Chúng tôi đang đấu tranh cho các yêu cầu của quý vị’
Trong khi ông Aiwanger được đám đông cổ vũ thì Tiến sĩ Christoph Ploß (CDU/CSU), thành viên Ủy ban Giao thông của Hạ viện, cảm thấy khó được lòng các tài xế xe tải.
“Chúng tôi đang tranh đấu cho những yêu cầu mà quý vị đã đề ra ở đây.” Nhóm nghị viên CDU/CSU sẽ không ủng hộ lệnh cấm động cơ đốt trong đối với ngành công nghiệp xe tải. Ông Ploß cho biết không nên thực hiện việc tăng phí; mức tăng áp dụng kể từ tháng 12/2023 đối với phí cầu đường phải được rút lại ngay lập tức.
Ông Stefan Gelbhaar, phát ngôn viên chính sách giao thông của nhóm nghị viên Đảng Xanh trong Nghị viện Đức, cũng gặp khó khăn tương tự khi cố gắng giành được sự tán đồng trong đám đông phản đối ra mặt tại sự kiện.
Ông đã bỏ phiếu tán thành cho việc tăng phí cầu đường trong Nghị viện và lý do của ông là cần thêm tiền để cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông. Điều này bao gồm cả việc mở rộng hệ thống trạm sạc điện cho xe tải trên các đoạn cao tốc. Ông thể hiện sự sẵn lòng hợp tác chặt chẽ hơn với Hiệp hội BLV và cải thiện điều kiện cạnh tranh cho các tài xế xe tải Đức.
‘Chúng tôi cần các doanh nghiệp vận tải như quý vị’
Trong phần trình bày của mình, ông Carsten Hochrein, phát ngôn viên của Hiệp hội Nông dân LSV đã nhấn mạnh về sự đoàn kết giữa nông dân và các doanh nghiệp vận tải và giao nhận hàng hóa trong cuộc biểu tình hiện tại.
“Chúng tôi cần các công ty vận tải, các công ty giao nhận hàng hóa, các tài xế như quý vị để có thể cung cấp phân bón, thuốc trừ sâu, hạt giống cho các trang trại và các sản phẩm của chúng tôi để cung cấp đủ lương thực cho người dân Đức và làm đầy các kệ hàng siêu thị!”
“Sự quan liêu hành chính cũng gây nề hà cho chúng tôi cũng như quý vị!”
Trên trang web của Hiệp hội Tiếp vận và Vận tải Liên bang (BLV-pro) có viết: “Tất cả chúng tôi đều cảm thấy đã chịu đựng đủ với chính sách không thực tế này: Nhiều người trong chúng tôi sẽ không vượt qua được trong những tháng tiếp theo.”
Vì vậy, các yêu cầu được đưa ra là:
- Hủy bỏ việc tăng phí cầu đường và định lại giá CO₂
- Yêu cầu dầu diesel cho doanh nghiệp
- Tài trợ cho đường bộ chứ không phải là đường sắt
- Vệ sinh và cơ sở hạ tầng dành cho tài xế lái xe chuyên nghiệp
- Giám sát chặt chẽ vận tải hàng hóa nội địa
- Cạnh tranh công bằng ở Đức và Liên minh Âu Châu
- Công bố dữ liệu phí cầu đường để kiểm tra
- Không quy định gia hạn thời hạn thanh toán tối đa 14 ngày
‘Chúng tôi đang đối mặt với các vấn đề sống còn’
Ông Thomas Hansche, phó chủ tịch Hiệp hội Tiếp vận và Vận tải Liên bang, cho rằng có một “sự hưởng ứng tuyệt vời” đối với các cuộc biểu tình, cả về sự tham gia của các tài xế vào các cuộc biểu tình lẫn sự ủng hộ của người dân đối với các cuộc biểu tình.
“Chúng tôi ước tính hiện có khoảng 1,000 đến 2,000 xe tải đã tham gia cuộc biểu tình ở thủ đô.” Hiện tại, họ đang cử đại diện thảo luận với các chính trị gia.
Điểm chỉ trích chính ở đây là việc gia tăng chi phí đối với các doanh nghiệp vận tải và giao nhận hàng hóa Đức cũng như sự cạnh tranh không công bằng từ phía các liên minh xe tải Đông Âu. “Họ có thể cung cấp các mức giá hoàn toàn khác và làm cuộc sống của chúng tôi ở đây trở nên khó khăn.” Giống như cách những nông dân không còn cảm thấy có sự cạnh tranh công bằng nữa, các công ty và tài xế trong ngành vận tải giao nhận đang đối mặt với các vấn đề sống còn, theo ông Hansche.
Yêu cầu công bố dữ liệu phí cầu đường
Nhưng từ năm 2020, yêu cầu cốt lõi của hiệp hội là việc công bố dữ liệu phí cầu đường. “Làm vậy để chúng ta có thể xác định được ai thực sự đang hoạt động theo cơ chế thị trường ở Đức và ai có thể đang tiến hành cạnh tranh không lành mạnh.”
Dựa trên dữ liệu phí cầu đường, chúng ta sẽ biết rõ ai vi phạm, ông Hansche chắc chắn về điều này. “Chúng ta chỉ cần có ý định sử dụng dữ liệu đó.” Theo ông, vấn đề này không thể được giải quyết thông qua kiểm tra thủ công trên đường phố.
Ông tính toán rằng, trên toàn quốc có khoảng một triệu lô hàng mỗi ngày. Hơn 50% trong số đó thuộc sở hữu của các công ty ngoại quốc trên thị trường Đức.
“Nếu 200 quan chức của Văn phòng Liên bang về Tiếp vận và Di chuyển (BALM), trước đây gọi là Văn phòng Vận tải Hàng hóa Liên bang (BAG), muốn kiểm tra các lô hàng này bằng tay, thì họ có thể thực hiện có lẽ là 8,000, hay cùng lắm là 10,000 cuộc kiểm tra mỗi tháng.” Làm như thế là quá ít, và hoàn toàn chẳng có tác dụng gì. Ông Hansche nói, “Một hành vi vi phạm vận tải hàng hóa không thể bị lọt vào diện nghi ngờ lâu dài vì đôi khi nó thậm chí còn không thể bị phát hiện.”
Ông e rằng, vì các nhà vận chuyển và các đại gia lớn trong ngành này được hưởng lợi từ việc đó, nên tình hình này sẽ không thay đổi.
‘Chúng tôi là những người lo nghĩ cho quốc gia này’
Cô Katrin Oschman, 37 tuổi, đã có bài nói chuyện được hoan nghênh tại cuộc biểu tình. Cô đã làm tài xế xe tải được 9 năm. Cô phàn nàn rằng các tài xế không nhận được sự trân trọng mà họ xứng đáng được nhận.
“Chúng tôi không mong đợi nhận được những tràng pháo tay, chỉ cần được quan tâm thêm một chút và thấu hiểu hơn một chút thôi.”
Mọi người, đặc biệt là các chính trị gia, vẫn chưa hiểu được tầm quan trọng của các tài xế và nhân viên giao nhận đối với nước Đức. “Chúng tôi là những người lo nghĩ cho quốc gia này, nhưng nhiều người đã quên mất điều đó.”
“Chắc là chúng tôi sẽ cần những chiếc xe tải bằng kính, để mọi người có thể nhìn thấy những gì chúng tôi chở ở phía sau, sữa chua hay đôi giày mà họ thích đều ở đó.”
Đối với các công ty vận tải, mức phí cầu đường tăng 84% như hiện nay là không thể tin được. “Ví dụ, nếu giá thực phẩm tăng thêm 84%, thì người dân sẽ nổi dậy.”
Tuy nhiên, do việc thu phí không ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều người nên họ không mấy quan tâm. Cô Oschmann nói: “Nhưng cuối cùng rồi mọi người đều sẽ nhận thấy khi giá cả tăng cao.”
Những người giao hàng nhìn nhận đó là ‘nô lệ thời hiện đại’
Tài xế xe tải Andreas Klemme phàn nàn về đạo đức thanh toán của các công ty lớn. “Quý vị phải hy sinh quá nhiều thời gian và nếu ông chủ của tôi không kiếm được tiền, thì tôi cũng chẳng nhận được lương.”
Luật mới đang yêu cầu thiết lập các điều khoản thanh toán ngắn hạn hơn. “Quý vị không thể đến tiệm bánh và nói: ‘Bạn ơi, tôi sẽ trả tiền bánh cho bạn sau bốn tuần nữa.’”
Anh trai của ông, ông Knut Klemme 51 tuổi, là một đối tác trong công ty vận chuyển, nói rằng có một hình thức “nô lệ thời hiện đại” trên những con đường ở châu Âu, vì các quốc gia láng giềng châu Âu, đặc biệt là những quốc gia ở Đông Âu, thường để tài xế của họ lái xe ở châu Âu một thời gian, có khi là nhiều tháng, và những tài xế đó sẽ “chắc chắn” làm việc với đồng lương thấp hơn.
Ông giải thích thêm: “Luật pháp hoàn toàn không cho phép làm như vậy, nhưng điều này được chấp nhận vì nó làm cho chi phí vận chuyển rẻ hơn đối với ngành công nghiệp Đức.”
Theo nghị định vận tải đường bộ của Đức, người điều hành vận tải đường bộ không có trụ sở chính cũng như chi nhánh ở Đức có thể, sau khi vận chuyển xuyên biên giới đến Đức, thực hiện tối đa ba chuyến vận tải đường bộ với cùng một phương tiện tại Cộng hòa Liên bang Đức sau khi dỡ hàng một phần hoặc toàn bộ lần đầu tiên.
Tuy nhiên, lần dỡ hàng cuối cùng trước khi rời khỏi Đức phải diễn ra trong vòng bảy ngày kể từ lần dỡ hàng một phần hoặc toàn bộ đầu tiên. Theo ông Klemme, điều này đang không được tuân thủ.
‘Không thể chuyển gánh nặng tăng chi phí lên khách hàng’
Ông Klemme tiếp tục: “Chúng tôi sẽ phải trả lương cao hơn, và nếu không tăng lương, thì chúng tôi sẽ không thể tìm được tài xế nữa.”
“Vì vậy, chúng tôi sẽ phải tăng giá để có thể trả mức lương xứng đáng cho tài xế, nhưng khi đó giá của chúng tôi sẽ càng kém cạnh tranh hơn. Chúng tôi không thể chuyển gánh nặng của sự tăng chi phí đó lên khách hàng của mình.”
Theo ông, hiện nay tài xế Ba Lan không còn là vấn đề nữa vì mức lương của họ đã tăng lên. Giờ thì các công ty vận tải đang sử dụng tài xế người Ukraine, Georgia, hoặc Philippines.