Đức: Lãnh đạo đảng AfD sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU nếu đắc cử
Khẳng định này trùng hợp với các cuộc biểu tình đang diễn ra ở một số thành phố chống lại cái mà các nhà phê bình gọi là chủ nghĩa ‘cực hữu’ của đất nước.
Đảng Giải pháp thay thế cho nước Đức (AfD) sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên Liên minh Âu Châu của Đức nếu đảng này lên nắm quyền, theo lãnh đạo đảng Alice Weidel.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 22/01 với tờ Financial Times, bà Weidel tán dương quyết định rời khỏi EU của Vương quốc Anh bốn năm trước, gọi đó là “hình mẫu cho nước Đức.” Trong một hành động thường được biết đến với tên gọi là “Brexit”, Vương quốc Anh đã chính thức rời EU vào năm 2020 dựa trên kết quả của cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.
Theo bà Weidel, một chính phủ do AfD lãnh đạo ở Đức trước tiên sẽ tìm cách “kiềm chế” quyền lực của Ủy ban Âu Châu có trụ sở tại Brussels, cơ quan mà bà mô tả là “cơ quan điều hành không do dân bầu.”
Bà Weidel, người đã lãnh đạo đảng từ năm 2022, cho biết trong cuộc phỏng vấn: “Nhưng nếu không thể cải tổ … thì chúng ta nên để người dân quyết định, như nước Anh đã làm.”
Bị các nhà phê bình gọi là “cực hữu,” AfD phản đối các chính sách ủng hộ người nhập cư và “thân thiện với khí hậu” của chính phủ thân EU đương nhiệm của Đức, do Thủ tướng Olaf Scholz đứng đầu. Đảng này cũng phản đối các biện pháp trừng phạt do phương Tây dẫn đầu đối với Nga và việc Đức tiếp tục ủng hộ nỗ lực chiến tranh của Ukraine.
Bà Weidel thừa nhận trong cuộc phỏng vấn rằng AfD có thể sẽ không lên nắm quyền “trước năm 2029.” Tuy nhiên, bà cho biết việc đảng này cuối cùng sẽ được giao cho vai trò quản lý đất nước là điều “không thể tránh khỏi.”
Nông dân biểu tình biểu tình ủng hộ AfD
Trong tháng này, nông dân Đức đã tổ chức một cuộc biểu tình trên toàn quốc để phản đối kế hoạch tăng thuế và loại bỏ dần trợ cấp nông nghiệp từ chính phủ liên minh cầm quyền của ông Scholz.
Theo chính phủ, các biện pháp này là cần thiết để bù đắp khoản thâm hụt 17 tỷ euro (khoảng 18.6 tỷ USD) trong ngân sách nhà nước vào năm 2024.
Tuy nhiên, nhiều nông dân trên cả nước nói rằng kế hoạch thắt lưng buộc bụng này sẽ đẩy họ đến bờ vực phá sản nếu được ban hành.
Cuộc đình công kéo dài một tuần kết thúc hôm 15/01, khi hàng ngàn nông dân — hầu hết lái máy kéo và xe tải — đã tập trung về Berlin để đưa ra yêu cầu của mình.
AfD kiên quyết phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng do chính phủ đề xướng và công khai ủng hộ cuộc biểu tình của nông dân. Ở Berlin và những nơi khác, những người biểu tình đã lái những chiếc xe được trang trí bằng các biểu ngữ AfD mang khẩu hiệu: “Nông dân của chúng ta là trên hết.”
Trước sự bất mãn ngày càng tăng của người dân đối với liên minh cầm quyền của ông Scholz, AfD hy vọng sẽ giành được những thắng lợi lớn trong các cuộc bầu cử khu vực dự kiến sẽ diễn ra vào năm nay.
Kể từ khi thành lập vào năm 2013, đảng này đã nhận được sự ủng hộ ngày càng tăng, đặc biệt là ở miền đông đất nước. Theo cuộc thăm dò gần đây, đảng này hiện đang dẫn đầu với cách biệt lớn so với cả ba đảng trong liên minh cầm quyền.
Bên cạnh Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả của ông Scholz, chính phủ liên minh còn gồm Đảng Dân chủ Tự do (FDP) cấp tiến và Đảng Xanh (Die Grünen) của Đức.
Cuộc thăm dò gần đây cho thấy thêm rằng một lượng lớn những người ủng hộ AfD sẽ ủng hộ việc Đức rời khỏi EU nếu vấn đề này được đưa ra bỏ phiếu trên toàn quốc.
Bị người biểu tình chỉ trích là ‘cực hữu’
Sau các cuộc đình công của nông dân được AfD hậu thuẫn là các cuộc biểu tình lớn trên khắp đất nước chống lại sự trỗi dậy của phe “cực hữu” ở Đức.
Các cuộc biểu tình đã nổ ra sau khi các hãng truyền thông đưa tin rằng một nhóm “cực đoan cánh hữu” — bao gồm cả các thành viên AfD — đã đề ra kế hoạch trục xuất tất cả những người nhập cư “không hòa nhập” khỏi đất nước. Theo các báo cáo, kế hoạch bí mật sẽ có hiệu lực sau khi AfD và các đồng minh “cực hữu” của đảng này lên nắm quyền ở Berlin.
AfD đã bác bỏ tuyên bố của giới truyền thông rằng họ có kế hoạch bí mật trục xuất tất cả cư dân “không hòa nhập” của Đức.
Bà Weidel cho biết những tuyên bố này nhằm mục đích làm mất uy tín của đảng của bà, vốn chỉ tìm cách “hồi hương” những người không có quyền hợp pháp để ở lại đất nước.
Bà nói với Financial Times: “AfD là đảng đại diện cho việc thực thi pháp luật của đất nước này.”
Một người biểu tình ở Frankfurt được Reuters trích dẫn cho biết các cuộc biểu tình chống lại chủ nghĩa “cực hữu” của người Đức là một “tín hiệu cho thế giới rằng chúng tôi sẽ không để điều này xảy ra mà không có bình luận nào.”
Tuần trước (15-21/01), đích thân ông Scholz đã tham dự một cuộc biểu tình chống cực hữu được tổ chức tại Berlin.
“Tôi rất biết ơn vì hàng chục ngàn người đã xuống đường trên khắp nước Đức … chống lại nạn phân biệt chủng tộc, ngôn từ kích động thù địch, và ủng hộ nền dân chủ tự do của chúng ta,” thủ tướng nói trong một bài đăng trên mạng xã hội.
Trong những tuần gần đây, một số nhà phê bình nổi tiếng đối với AfD đã công khai kêu gọi giải tán đảng này, viện dẫn Hiến Pháp Đức và luật “chống chủ nghĩa cực đoan.”