Sức mạnh của thiên nhiên có thể thay đổi những cảm xúc tiêu cực ở trẻ
Lời của biên tập viên: Khi trẻ em vì lý do nào đó mà cáu kỉnh hoặc thậm chí nổi cơn thịnh nộ, cha mẹ không thể để bị ảnh hưởng. Lúc này, bạn có thể cho trẻ nhìn ngắm hoàng hôn hoặc thiên nhiên xung quanh, bồi dưỡng cho trẻ lòng tôn kính đối với thiên nhiên.
Là một phóng viên khoa học chuyên nghiệp và một người mới làm mẹ, cô Michaeleen Doucleff đã mang theo cô con gái 3 tuổi của mình đến Nam Mỹ, Phi Châu và Alaska, v.v. để quan sát cách quản giáo của cư dân địa phương, đồng thời thử nghiệm trực tiếp những phương pháp nuôi dạy con trẻ. Cô phát hiện ra rằng những cộng đồng cổ xưa từ khắp nơi trên thế giới có thể dễ dàng dạy con trẻ tự lập, có trí tuệ cảm xúc cao và tự giác giúp đỡ mọi người. Bài viết này sẽ chia sẻ một phần hành trình giáo dục của cô dành cho con gái.
* * * * * *
Vào một buổi chiều tối, khi Elizabeth, Rosy và tôi đang đi bộ về nhà Maria, tôi bất giác nhìn thấy bầu trời phía trên chúng tôi thật lộng lẫy: Mặt trời xuống thấp trên vịnh, để lại những đám mây lấp lánh ánh hồng tím.
Chúng tôi đã di chuyển cả ngày, Rosy đã mệt và trông có vẻ cáu kỉnh, con bé ngồi ngay trên đường và bắt đầu hờn dỗi lẩm bẩm. Tôi phớt lờ điều đó, vì vậy cô bé bắt đầu khóc và la hét. Elizabeth đi đến bên cạnh cô bé, nói to với ngữ khí hào hứng rằng: “Xem cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp kìa, cháu có thấy màu hồng không? Và cả màu tím nữa?”
Rosy ngập ngừng nhìn Elizabeth, cô bé cau mày, nhưng không cưỡng lại được giọng nói ngọt ngào của Elizabeth, và cũng không cưỡng lại được vẻ đẹp của ánh hoàng hôn. Rosy quay lại nhìn bầu trời. Toàn bộ biểu cảm của cô bé đã thay đổi, ánh mắt trở nên nhu hòa, tiếng khóc cũng ngừng đột ngột, sau đó cô bé đứng dậy và tiếp tục bước đi.
Tôi chợt nhớ lại, điều Elizabeth vừa làm chính là điều mà tôi đã thấy nhiều bà mẹ Inuit khác từng làm ở Kugaaruk, Canada. Họ thực hiện một hành động tâm lý rất tinh tế đối với trẻ em từ 1-16 tuổi: Đó là dạy trẻ thay thế sự tức giận bằng sự kính sợ.
Khoảng một năm trước, trong chuyến đi của chúng tôi về phía Bắc, tôi đã kể lại một câu chuyện cho đài NPR về cách người lớn khống chế cơn giận của họ như thế nào. Trong cuộc phỏng vấn, nhà tâm lý học Lisa Feldman Barrett đã đưa ra một trong những lời khuyên hay nhất mà tôi từng nghe, đó là, “Chà, bạn có thể cố gắng bồi dưỡng lòng tôn kính.”
Bồi dưỡng điều gì?
“Lòng tôn kính.”
“Lần tới khi bạn đang đi dạo bên ngoài, hãy dành thời gian để tìm một khe nứt có cỏ mọc um tùm trên vỉa hè, và cố gắng khiến con bạn cảm thấy kinh ngạc trước sức mạnh của thiên nhiên”, cô Lisa giải thích. “Hãy không ngừng bồi dưỡng cảm giác đó, rèn luyện để bản thân cảm thấy ngạc nhiên khi nhìn thấy một con bướm, hoặc khi tìm thấy một bông hoa đặc biệt đáng yêu, và cả khi nhìn lên những đám mây trên bầu trời.”
Cô ấy đã chia sẻ cách bản thân sử dụng kỹ năng này trong cuộc sống hàng ngày. “Ví dụ, khi tôi đang trò chuyện video với ai đó ở Trung Quốc, nếu tín hiệu Internet không tốt, tôi rất dễ cảm thấy bực mình, nhưng tôi cũng có thể cảm thấy thán phục trước việc một người đã vượt qua nửa vòng trái đất, để tôi nhìn thấy khuôn mặt và nghe thấy giọng nói của họ. Ngay cả khi quá trình này không hoàn hảo, tôi vẫn cảm ơn sự thuận lợi này.”
Trong mắt Lisa, cảm xúc có chút giống như cơ bắp, chúng sẽ thoái hóa nếu như bạn không sử dụng, và sẽ trở nên mạnh mẽ hơn khi được luyện tập thường xuyên. Do đó, bạn càng cảm thấy tôn kính, càng có nhiều hoạt động thần kinh trong não, thì bạn càng dễ dàng có được cảm xúc này trong tương lai. Khi bạn bắt đầu cảm thấy một loại cảm xúc vô ích, chẳng hạn như tức giận, bạn sẽ dễ dàng chuyển cảm xúc tiêu cực đó thành tích cực, chẳng hạn như khi cảm thấy cáu kỉnh, có thể thông qua sự ngưỡng mộ đối với thiên nhiên mà chuyển nó thành lòng biết ơn.
Đó chính xác là những gì mà Elizabeth áp dụng cho Rosy dưới ánh hoàng hôn màu tím. Tôi cũng đã thấy mẹ của Sally là Maria và cháu bé Caleb của cô ấy “diễn tập” nhiều lần. Khi chúng tôi sống trong ngôi nhà của họ, mỗi khi Caleb khóc hoặc càu nhàu, Maria sẽ đưa cậu bé đến bên cửa sổ, để cậu bé ngắm nhìn bờ vịnh xinh đẹp, như một cách để nhắc nhở đứa trẻ về những điều tốt đẹp và vĩ đại trong cuộc sống, từ đó mà cảm thấy tôn kính và biết ơn. Cách làm này luôn khiến cậu bé bình tĩnh lại, lần nào cũng như vậy.
“Về mặt trừu tượng, điều này nghe có vẻ rất mơ hồ, nhưng tôi đảm bảo, nếu bạn luyện tập cảm xúc thể hiện sự tôn kính đối với thiên nhiên, việc rèn luyện này về cơ bản sẽ giúp tái tạo lại não bộ của bạn, như thế bạn sẽ dễ dàng thể hiện cảm xúc đó hơn trong tương lai”, cô Lisa cho biết.
Kiểu rèn luyện này đặc biệt quan trọng đối với trẻ em, vì bộ não của trẻ sở hữu sự dẻo dai. Cô Lisa nói: “Não bộ của trẻ em luôn sẵn sàng tiếp thu chỉ lệnh từ thế giới bên ngoài.”
Vì vậy, bồi dưỡng một tấm lòng tôn kính không chỉ giúp ngăn chặn cơn nóng nảy hiện tại, mà còn làm giảm khả năng nó phát sinh trong tương lai.
Tăng Trân biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ