Cuộc sống cần lắm những sự sẻ chia!
Tôi chỉ là đang làm những việc mà bản thân tôi nghĩ rằng nên làm, có thể làm, mặc dù khả năng có hạn, giúp đỡ không nhiều. Nhưng có thể giúp một người thì giúp một người, có thể an ủi một người thì an ủi một người, làm hết sức mình mà thôi.
Một vị tu sĩ Phật giáo từng nói rằng: Khi nhìn Metaverse (thế giới ảo), hãy nghĩ đến một câu trong Kinh Kim Cương: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” (Phàm cái gì có hình tướng đều là hư ảo). Sao biết được thế giới mà ta đang ở không phải là thế giới ảo? Ta rốt cuộc là Avatar (hóa thân) của ai?
Tôi cho rằng: Khi một người vô cùng đói khát, anh ta không cần quan tâm cái gì là ảo, cái gì là thực, mà chỉ biết la to lên rằng “Tôi muốn uống nước, tôi muốn ăn cơm!”
Cho nên, cuộc sống thực chính là: bản thân ăn no, giúp đỡ người nghèo khổ và người cần giúp. Có như vậy, cả thân thể và linh hồn của bản thân mình mới được cứu rỗi.
Từ khi có nhân loại cho đến nay, chúng ta thường có thể thấy được các giải thích của rất nhiều danh nhân, học giả, tôn giáo về ý nghĩa của cuộc sống, mỗi người đều có logic và triết lý riêng.
Nhìn chung, những người có trí tuệ này đều thuộc về tầng lớp trung và thượng lưu trong xã hội, cũng không có bao nhiêu áp lực về phương diện đời sống kinh tế. Vậy nên, họ có thể để cho tư tưởng của mình tùy ý rong ruổi ở các lĩnh vực triết lý, khoa học, tôn giáo, chính trị, mà không hề có chướng ngại nào, bởi vì họ không cần phải sầu lo hôm nay có gì để ăn hay không.
Nhưng đối với những con người nghèo khổ, thực tế là tàn khốc không cách nào thoát ra được, “Hôm nay có gì để ăn không” là khốn cảnh bi thương mà vô số người trong tầng lớp dưới đáy xã hội phải đối mặt mỗi ngày.
Người lớn còn có thể chịu đựng được khi không có gì để ăn, nhưng khi nhìn những đứa trẻ đang khóc kêu to rằng “Mẹ ơi, con đói lắm, đói lắm”, cái cảm giác đau đớn như đâm vào tim gan ấy thực sự không biết làm sao để vơi đi!
Triết học gia người Đức Friedrich Nietzsche nói: “Người nghèo khổ không có quyền bi quan!”
Tôi muốn hỏi ngài Nietzsche rằng: “Ông có nhìn thấy những đứa trẻ, phụ nữ, người già, những người nghèo khổ bụng đói cồn cào kia không?” Tất nhiên là chưa từng nhìn thấy, bởi vì toàn bộ tâm tư và tinh thần của ông lúc đó chỉ quan tâm tới giáo hội mục nát, đang bận phê phán Chúa, cho nên càng không nói tới việc quan tâm giúp đỡ những người nghèo khổ.
Những người có trí tuệ mà không có lòng yêu thương, không thể nào lĩnh hội được cuộc sống thực tế chân thực, bởi vì họ chỉ nhìn thấy được tính thiện – ác của con người, nhưng không nhìn thấy được nỗi đau khổ của bần cùng.
Trong Thánh Kinh Cựu Ước của Cơ Đốc giáo có ghi lại rất nhiều phép lạ, nhưng thật sự làm cho tôi xúc động cũng không phải là phép lạ, mà chính là “Đức Chúa Trời định vị mình làm người chăm sóc cho người yếu thế”.
Trong Exodus 22: 22-25 của Kinh Cựu Ước viết: “Các ngươi chớ ức hiếp một người góa bụa hay là một kẻ mồ côi nào. Nếu ức hiếp họ, và họ kêu van ta, chắc ta sẽ nghe tiếng kêu của họ; cơn nóng giận ta phừng lên, sẽ lấy gươm giết các ngươi, thì vợ các ngươi sẽ trở nên góa bụa, và con các ngươi sẽ mồ côi. Trong dân ta có kẻ nghèo nàn ở cùng ngươi, nếu ngươi cho người mượn tiền, chớ xử với họ như người cho vay, và cũng chẳng nên bắt họ chịu lời.”
Châm Ngôn 19:17 – Cựu Ước: “Ai thương xót kẻ nghèo, tức cho Ðức Giê-hô-va vay mượn; Ngài sẽ báo lại việc ơn lành ấy cho người.”
Tôi cho rằng điều này còn vĩ đại hơn cả phép lạ, nó làm cho tôi hiểu rõ được thì ra con người cũng có thể cho Đấng Sáng Tạo vạn vật vay mượn.
Để chăm sóc những người nghèo khổ, Chúa có thể khiến cho chính mình không còn ngự ở trên cao, để chăm sóc những người nghèo khổ, Chúa thậm chí có thể biến mình thành người vay mượn, cũng chính là “Chúa mắc nợ”.
Tôi thường cố gắng để cho mình trở thành chủ nợ của Chúa (có thể các tín đồ Cơ Đốc giáo sẽ mắng tôi không tôn kính Chúa).
Tôi cũng không giàu có, nhưng tôi thường cho những người vô gia cư dựng bảng xin giúp đỡ ở bên đường một ít tiền, mua một cái bánh hotdog và nước uống cho người sống lang thang ngồi trước trạm xăng. Làm như vậy đã khiến tôi càng biết khiêm tốn, tích phúc, càng có thể lĩnh hội được cuộc sống thực tế như thế nào, hiểu được làm người như thế nào, đối nhân xử thế ra sao, nhờ đó mà tâm tình ngày càng thêm thanh thản tự tại.
Tôi chỉ là đang làm những việc mà bản thân tôi nghĩ rằng nên làm, có thể làm, mặc dù khả năng có hạn, giúp đỡ không nhiều. Nhưng có thể giúp một người thì giúp một người, có thể an ủi một người thì an ủi một người, làm hết sức mình mà thôi.
Trên thực tế, có rất nhiều người sẵn lòng đưa tay ra giúp đỡ những người khác giống như tôi. Đến bây giờ tôi vẫn còn biết ơn nhiều người xa lạ mà tôi không hề quen biết.
Đó là một cụ ông cao gầy đã giúp tôi nạp điện cho bình điện ở trạm đỗ xe gia đình Home Depot trong một ngày hè nóng nực; người thanh niên ven đường đẩy xe giúp tôi trong ngày đông giá rét; một sinh viên xa lạ giúp tôi khỏi cảnh lúng túng khi không mang thẻ mượn sách ở Thư viện của Trường đại học tiểu bang Georgia (Georgia State University); còn có ba vị cảnh sát đã không viết phiếu phạt mà chỉ phát giấy nhắc nhở cho tôi (có lẽ trong mắt họ thì tôi giống như người nước ngoài cần giúp đỡ). Trong số họ, người da vàng, da trắng, da đen đều có cả. Đã mấy chục năm qua rồi, tôi không còn nhớ rõ gương mặt của họ, nhưng những ân tình đó thì đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên.
Cao Đạt Hoành thực hiện
Lam Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ