Thầy thuốc kể chuyện: Không dám quay đầu

Đối với hầu hết mọi người, trong cuộc đời có nhiều việc không dám quay đầu nhìn lại. Tại sao có người vừa quay đầu lại liền đau đớn đến mức không chịu nổi?

Một người phụ nữ 32 tuổi, có chồng làm nghề buôn bán. Cô được chồng hết mực yêu thương. Khi con cái của họ lên trung học, thì công việc nhà của cô cũng đã giảm bớt đi rất nhiều. Cô bắt đầu làm các vật phẩm thủ công mỹ nghệ để trợ giúp chi phí sinh hoạt gia đình.

Sau này, đời sống kinh tế trong nhà dần sung túc lên, người chồng nói cô không cần làm công việc cực nhọc như vậy nữa. Vì vậy, cả ngày cô chỉ ăn uống rồi vui chơi, hoàn toàn không cần làm việc nhà, thật sung sướng biết bao!

Có rất nhiều trò giải trí thú vị nhưng cô yêu thích nhất là chơi mạt chược. Bàn mạt chược giống như có nam châm, cô vừa ngồi vào liền không đứng dậy dứt ra được. Cô chơi say sưa không biết trời đất sớm tối, cô lại còn chơi rất giỏi. Cứ như vậy, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, cuộc sống hạnh phúc của cô khiến cho người khác phải hâm mộ.

Thấm thoát, năm tháng hạnh phúc ấy đã qua được 10 năm. Tay phải của cô bắt đầu có cảm giác tê rần, nhưng cô không để ý. Cô vẫn tiếp tục thoải mái thể hiện tài nghệ của mình trên bàn mạt chược. Cảm giác tê ở tay lan từ một vùng nhỏ ra thành vùng lớn hơn, từ mười đầu ngón tay đã lan ra đến toàn bộ cánh tay, đến cả vùng vai, cổ, lưng. Tay tê còn kèm theo cảm giác không có lực. Đôi lúc, khi cô làm động tác quay đầu, nếu không thuận thì sẽ cảm thấy như bị điện giật, rất đáng sợ! Cuối cùng, tình trạng diễn biến thành tay không còn linh hoạt, không thể cài được nút áo.

Trước đây, khi đi ngủ, cô chỉ cần vừa nằm xuống là có thể ngủ được ngay. Loại hạnh phúc đó, nay chợt bị phá tan tành. Bây giờ, cô chỉ có thể nằm ngửa được nửa tiếng. Nếu nằm hơn nửa tiếng thì đầu như bị sét đánh, đau nhức tưởng muốn nứt ra! Cô chỉ có thể nằm sấp ngủ, hoặc là ngồi ngủ.

Phần cổ giống như đang chịu cực hình, như bị xiềng xích cùm lại. Cô không dám quay đầu lại, chỉ cần vừa quay đầu, tư thế không đúng, đầu sẽ đau không chịu nổi, đau đến mức tưởng chừng như không còn muốn sống nữa! Quả thực, cô có cảm giác như không cần cái đầu này nữa, muốn tự tay bưng cái đầu cất đi.

Bây giờ thời gian đi gặp bác sĩ còn nhiều gấp đôi thời gian chơi mạt chược trước đó. Cô đến Tây y khám, kết quả là đốt sống cổ thứ tư, thứ năm, thứ sáu và thứ bảy đều bị gai xương. Chỉ số Cholesterol 320mg/dL, Triglycerid 286mg/dL, lượng đường trong máu là 11.2mmol/L. Thành quả của việc chơi mạt chược lại đáng sợ như vậy!

Bác sĩ cho biết, vấn đề gai xương quá nghiêm trọng, cần phải thực hiện phẫu thuật. Nhưng người chồng của cô kiên quyết phản đối. Ký ức về ca phẫu thuật cột sống thất bại của cô ca sĩ thần tượng mà anh yêu mến khi cô ấy 23 tuổi, khiến cô ca sĩ ấy bị liệt nửa người dưới từ đó, vẫn còn như mới đối với người chồng. Vì vậy người chồng không dám để cho vợ yêu của mình mạo hiểm phẫu thuật.

Vì vậy, người chồng đưa vợ đi khắp nơi tìm thầy chữa bệnh. Chỉ cần có người giới thiệu bác sĩ, thì anh nhất định không ngại gian nan cực khổ tìm đến. Dù gặp được bác sĩ hay không, anh vẫn tiếp tục tìm kiếm hy vọng chữa trị cho vợ mình. Một đường tìm cầu trị bệnh, từ một cô vợ trẻ trở thành người vợ tuổi trung niên, bước qua thời kỳ mãn kinh. Trải qua 15 năm ấy, gai xương vẫn tồn tại y như cũ, đau đớn chưa từng giảm, hai vợ chồng cũng đã đi khắp nơi cầu Thần bái Phật.

Bệnh gai xương đốt sống cổ

Xương đốt sống cổ giống như cây tre, từng đốt từng đốt nối liền nhau, có tổng cộng bảy đốt. Chuyển động của cổ diễn ra thường xuyên nhất ở đốt sống cổ thứ năm, thứ sáu, tiếp đó là đốt sống cổ thứ sáu, thứ bảy. Gai xương phát triển do sụn đệm cột sống thoát vị gây ra.

  • Gai sụn: Do dùng sức không phù hợp, dẫn đến bị ngoại thương, khiến sụn đệm cột sống bị thoát vị, thường gặp nhiều ở những người trẻ tuổi.
  • Gai cứng: Do đốt xương cổ bị thoái hóa, hoặc sử dụng xương cổ trường kỳ, hoặc thường xuyên dùng cổ gánh vác vật nặng.

Sau khi cơ thể trưởng thành ngừng phát triển, đốt sống cổ bắt đầu thoái hóa. Người trên 50 tuổi, khoảng 75% bị thoái hóa đốt sống cổ. Người già trên 70 tuổi, gần như 100% bị thoái hóa cột sống cổ hoặc nhiều hoặc ít.

Triệu chứng bệnh gai xương đốt sống cổ

Tại đốt sống cổ: cổ cử động không đều, thường bị kéo căng, ảnh hưởng đến phía sau đầu, xương bả vai, cánh tay, các gân và cơ phần ngực.

Biến chứng bệnh thần kinh cổ: Khi gốc thần kinh cổ bị gai xương chèn ép, phần sau gáy bị tê nhói, chạy dọc theo vùng sau đầu, gáy, lưng, xương bả vai, vai, cánh tay cho đến ngón tay. Nếu khi cổ chuyển động quay đầu về hướng nào đó thì đau nhức càng trở nên nghiêm trọng.

Suy yếu phản xạ thần kinh cánh tay: Suy yếu phản xạ thần kinh ở cơ bắp tay như cơ hai đầu, cơ ba đầu, gân bắp thịt và khớp cổ tay.

Giảm lực cơ bắp: Khó dùng lực ở các cơ, hoặc là khi dùng lực thì không thuận, khó nâng các vật nặng, nắm tay không có sức. Lâu ngày cơ bắp teo rút, vận động trở nên kém.

Dị cảm: Khi cào nhẹ vào tay sẽ có cảm giác tê. Phản ứng và vận dụng các đầu ngón tay trở nên chậm. Khó thực hiện các động tác nhỏ, như khó cài khuy áo, cầm đũa không vững, tay chân không có lực.

Biến chứng bệnh tủy sống cổ: Khi xoay cổ, tay sẽ bị tê, có cảm giác bất thường đột ngột hoặc giống như có dòng điện chạy qua, hoặc cảm giác như bị điện giật.

Nếu gai xương chèn ép lên động mạch ở xương sống, có thể gây ra cơn choáng váng đột phát.

Bước đi cứng nhắc, chân bị liệt nhẹ, đi lại không vững, đi khập khiễng.

Phản xạ dây thần kinh đầu gối và gót chân được tăng cường, khi dùng lực uốn cong lòng bàn chân thì đầu gối và gót chân sẽ run rẩy.

Biến chứng lâu dài, có thể dẫn đến cơ bắp bị teo rút, mất chức năng cảm giác. Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể gây khó đi tiểu, và đại tiểu tiện mất kiểm soát, bại liệt.

Điều trị bằng châm cứu

Điều trị gai xương, dùng kim châm da đầu để châm, châm ở khoảng 2/5 vùng cảm giác, chếch về bên phía không đau, tức là ở đoạn khoảng 1/2 giữa huyệt Bách hội và huyệt Huyền ly. Châm từ trên hướng xuống dưới, xuyên đến huyệt Huyền ly, kết hợp với phía trên huyệt Hoàn cốt của bên bị bệnh. Châm xong, yêu cầu người bệnh nhún nhún vai. Ở huyệt Hậu đỉnh châm hai kim theo hàng; châm hai kim theo hàng Giáp Tích ở huyệt Thiên trụ. Đồng thời châm thẳng trực tiếp vào ngoài đốt sống cổ thứ tư, thứ năm, thứ sáu và thứ bảy.

Cảm giác đau đớn do gai xương đốt sống cổ gây ra có phạm vi ảnh hưởng vượt ra ngoài phạm vi giải phẫu học. Bệnh này gây cảm giác tê đau ở vai, cánh tay và bàn tay, làm yếu cơ bắp, toàn bộ cánh tay không linh động, vận động không phối hợp nhịp nhàng được. Phải chăng kinh mạch, gân, cơ, mô đều đồng thời bị ảnh hưởng?

Tê tay, châm ở huyệt Đại chùy. Châm các huyệt Phong trì, Khúc trì, Tam dương lạc xuyên hướng huyệt Ngoại quan, Hợp cốc. Hoặc châm huyệt Thượng bát tà (huyệt Bát quan), yêu cầu người bệnh nắm nhẹ tay, từ phía trên lưng bàn tay, bắt đầu thực hiện châm từ khe giữa ngón tay thứ nhất đến ngón thứ năm, châm từ ở phần giữa xương và cơ xuyên hướng phía sau màng ngón tay, ở vị trí giữa da đỏ và da trắng, châm lần lượt từng khe ngón tay.

Gai xương sụn đĩa đệm của đốt sống cổ thứ năm và thứ sáu khiến cảm giác đau đớn lan đến phần giữa cổ, truyền đến sau đầu, gây ra đau đầu nghiêm trọng ở phần sau đầu. Vì vậy, châm huyệt Tiền đỉnh, châm về hướng huyệt Bách hội, Phong trì, Thiên trụ, Thái xung. Ở chỗ đau, châm mạnh kích thích vào huyệt Đại chùy.

Trị chân tê nhức, châm các huyệt Thận du, Ủy trung, Dương lăng tuyền, Thái xung. Eo lưng đau nhức, châm huyệt Ủy trung. Thận chủ cốt, cần bổ thận, châm huyệt Thận du. Đối với các vấn đề về cơ bắp, để tăng cường sức lực cho cơ bắp, châm các huyệt Tam âm giao và Ủy trung. Để tăng cường lực của gân, châm huyệt Dương lăng tuyền.

Đồng thời, để điều trị Cholesterol, Triglyceride, lưu thông máu, tiêu ứ, trừ thấp, châm các huyệt Huyết hải, Tam âm giao, Âm lăng tuyền. Điều dưỡng bệnh tiểu đường, châm các huyệt Hợp cốc, Tam âm giao, Khúc trì, Công tôn, Âm lăng tuyền, Túc tam lý. Thỉnh thoảng chóng mặt nghiêm trọng, châm các huyệt Bách hội, Phong trì, Suất cốc, Ấn đường. Tùy theo triệu chứng bệnh mà tăng hay giảm các huyệt vị, luân phiên châm các huyệt. Thực hiện châm cứu không định kỳ.

Những điều cần chú ý

Không nên ăn các loại thức ăn lạnh, thức uống ướp lạnh. Buổi sáng và buổi tối không nên ăn trái cây.

Chú ý giữ ấm phần cổ gáy, không nên mặc các loại áo hở vai, hở ngực.

Không nên nâng vật nặng, đầu và vai không khiêng vác các vật nặng.

Không nên cong phần gáy quá nhiều hoặc quá lâu.

Tránh các vận động xoay chuyển cổ quá mức. Không thực hiện các động tác xoay cổ vòng tròn.

Gối nằm phải kê được cả phần gáy, và ít nhất phải có độ cao ngang tai.

Không được nghiêng đầu kẹp điện thoại để nói chuyện. Khi đi ngủ không nên để điện thoại bên cạnh gối đầu.

Không được cúi đầu làm việc lâu.

Vị trí phần gáy không được vượt quá bờ vai, nên hơi hướng về sau một chút.

Sau khi tắm xong, dùng khăn nóng (3 phút) và khăn lạnh (1 phút) luân phiên đắp lên cổ.

Vào ngày châm cứu hôm đó, ít nhất người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn một chút. Mặc dù ngày kế tiếp, tình trạng của cô ấy vẫn như cũ, nhưng dường như cô đã nhìn thấy được hy vọng. Vốn dĩ, tốt nhất là mỗi tuần nên châm cứu một lần, nhưng vì cô sống ở miền Nam, công việc của chồng cô khá bận rộn, hơn nữa cô đã chịu đau đớn suốt 15 năm, giống như không ôm quá nhiều hy vọng, nên mỗi khi chồng cô rảnh rỗi thì mới đưa cô đến châm cứu. Có khi ba, bốn tháng cũng không thấy cô đến.

Sau hơn ba năm châm cứu, cuối cùng thời gian cô nằm ngửa cũng đã tăng lên nhiều hơn. Đôi tay của cô rốt cuộc cũng có cảm giác như là một bộ phận trên cơ thể của chính mình. Đầu cô đã không còn đau đến mức muốn nổ tung nữa, mắt cũng không còn đau nhói nữa. Nếu lúc cô quá bận rộn hoặc quá mệt mỏi, chứng chóng mặt sẽ phát ra nghiêm trọng, cần phải có người dìu đỡ.

Tiếp tục châm cứu thêm nửa năm nữa, cô đã thực sự có thể nằm ngửa để ngủ được. Lúc này, cô mới cảm nhận được một giấc ngủ ngon tới sáng, thật hạnh phúc! Thỉnh thoảng tay cô vẫn còn hơi tê, và khi quá mệt hoặc bị cảm thì đầu vẫn sẽ đau. Lượng đường trong máu còn 9.2mmol/L. Thời gian dài không đến châm cứu, bệnh cũ sẽ tái phát.

Quả thực là con đường điều trị dài đằng đẵng với biết bao khổ cực. Cô vui mừng nói, hết thảy khổ cực đều đáng giá, rốt cuộc đã có thể tạm biệt những ngày tháng không dám quay đầu!

(Bài viết được trích từ cuốn “Cửu cửu quy chân – Thượng thiện nhược thủy,” Nhà xuất bản Bác Đại cung cấp).

Trang bìa cuốn ‘Cửu cửu quy chân’. (Ảnh: Nhà xuất bản Bác Đại cung cấp)
Trang bìa cuốn ‘Cửu cửu quy chân’. (Ảnh: Nhà xuất bản Bác Đại cung cấp)

Lam Yên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Ôn Tần Dung
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Bác sĩ Trung y Ôn Tần Dung hiện là Giám đốc Phòng khám Trung y Minh Huệ ở thành phố Đài Trung, Đài Loan. Bà đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong tiếp xúc và điều trị bằng Trung y, đã thực hiện trên 3 triệu mũi kim châm cứu. Bà lĩnh hội sâu sắc sự huyền diệu vô cùng của Trung y. Bà đã tập hợp những kinh nghiệm quý báu từ việc hành nghề y trong nhiều thập niên của mình để viết thành sách. Sau khi được ấn hành, các tác phẩm này rất được đón nhận. Trong đó, bà phân tích từ nông cạn đến thâm sâu bệnh lý, hướng điều trị. Đồng thời bà rất chú trọng và quan tâm đến trạng thái tâm lý, cảm xúc của bệnh nhân, cố gắng giải khai những khúc mắc tâm lý của họ, vì bà quan niệm rằng “Vạn bệnh do tâm sinh.” Bà cũng là một trong những tác giả chuyên trang Trung y trên ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn