Nghiên cứu cho thấy vitamin B12 có thể giúp giảm viêm
Hàm lượng vitamin B12 tăng có liên quan đến hiện tượng giảm viêm, nhấn mạnh thêm vai trò thiết yếu của B12 trong việc chống lại các bệnh kinh niên.
Vitamin B12 không chỉ đơn giản là một chất dinh dưỡng mà còn là nhân tố quan trọng để duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần. Các nghiên cứu gần đây đã nhấn mạnh vai trò then chốt của B12 trong kiểm soát tình trạng viêm, vốn là nguyên nhân gốc rễ của nhiều bệnh kinh niên.
Những phát hiện gần đây được công bố trên Journal of the Science of Food and Agriculture (Tập san Khoa học Thực phẩm và Nông nghiệp), cho thấy mối tương quan đáng kể giữa tình trạng thiếu vitamin B12 và viêm kinh niên. Tình trạng viêm có thể mở đường cho bệnh tim, tiểu đường và thậm chí một số rối loạn của não.
Nghiên cứu sâu hơn: Thiếu B12 và tình trạng viêm
Trong khi các nghiên cứu trước đó nhấn mạnh vai trò của Vitamin B12 trong việc chống viêm, các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha giờ đây cung cấp những hiểu biết sâu hơn về vấn đề này. Họ tập trung vào cách vitamin B12 tương tác với chỉ số viêm, đặc biệt là interleukin-6 (IL-6) và protein phản ứng C (CRP), vốn tăng trong đáp ứng viêm.
Áp dụng dữ liệu từ thử nghiệm lâm sàng có tên là PREDIMED, các nhà nghiên cứu tập trung vào 136 người tham gia có nguy cơ tim mạch đáng kể. Nghiên cứu phát hiện một mô hình rõ ràng: khi nồng độ vitamin B12 tăng lên, các dấu ấn viêm như IL-6 và CRP sẽ giảm xuống.
Bà Marta Kovatcheva, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu y sinh ở Barcelona và là đồng tác giả đầu tiên của nghiên cứu cho biết: “Nói chung, mức B12 cao hơn tương quan với tình trạng viêm thấp hơn.”
Nghiên cứu song song trên chuột già cũng xác nhận kết quả tương tự. Tuy nhiên, không như con người, chuột không bị suy giảm B12 liên quan đến tuổi tác. Điều này gợi ý những lĩnh vực tiềm năng để nghiên cứu trong tương lai.
Hậu quả của thiếu vitamin B12
Vitamin B12, hay cobalamin, là một chất quan trọng trong quá trình hình thành tế bào hồng cầu vận chuyển oxy và dưỡng chất. Với nhu cầu khiêm tốn hàng ngày là 2.4 microgam, vẫn khá ít người bổ sung đầy đủ vitamin B12, đặc biệt khi cơ thể hấp thụ khoảng một nửa lượng B12 từ thực phẩm. Có tới 90% người ăn chay và thuần chay bị thiếu B12 do loại vitamin này chứa nhiều trong các sản phẩm từ động vật. Khoảng 20% người ăn thịt không bổ sung đủ B12.
Tiến sĩ J. David Spence, giáo sư danh dự tại Đại học Western, Ontario, nói với The Epoch Times: “Các bác sĩ thường bỏ qua tình trạng thiếu B12. Mặc dù xét nghiệm máu có thể cho kết quả ‘bình thường,’ điều này không phải lúc nào cũng phản ánh lượng B12 hoạt động và được dùng trong cơ thể. Sự sơ suất này dẫn đến việc nhiều người có thể bị thiếu B12 mà không hề biết.”
Hậu quả của thiếu B12 rất nghiêm trọng, từ thiếu máu đến các vấn đề về thần kinh. Nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa mức B12 thấp với chứng sa sút trí tuệ và trầm cảm. Các biến chứng khác bao gồm vô sinh, bệnh tim, ung thư dạ dày và tăng nguy cơ đột quỵ.
Hầu hết mọi người không biết rằng bản thân đang thiếu vitamin B12, một tình trạng có thể phát triển từ từ hoặc đột ngột. Thiếu B12 biểu hiện các triệu chứng như tê hoặc ngứa ran ở tứ chi, gặp vấn đề về thăng bằng, thiếu máu, vấn đề về nhận thức như sa sút trí tuệ, đau đầu, tim đập nhanh và cảm giác suy nhược hoặc mệt mỏi nói chung. Do triệu chứng đa dạng nên bệnh dễ bị nhầm với các vấn đề sức khỏe khác.
Tác dụng của vitamin B12 trong viêm
Các tác giả đã tìm thấy một số nguyên do tiềm ẩn cho mối liên quan được quan sát thấy giữa tình trạng viêm và thiếu B12.
Sự thiếu hụt B12 dẫn đến nồng độ homocysteine tăng cao. Nếu không đủ B12, cơ thể thường gặp khó khăn trong việc chuyển đổi homocysteine thành phân tử methionine hữu ích. Homocysteine dư thừa gây ra viêm, làm tổn thương mạch máu và góp phần dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe.
Tiến sĩ Spence đồng tình rằng có mối liên quan giữa tình trạng viêm và homocysteine. Nghiên cứu mở rộng của ông nhấn mạnh việc thiếu B12 làm tăng homocysteine, từ đó tăng nguy cơ đột quỵ. Vitamin B rất cần thiết trong việc giảm thiểu homocysteine và các mối đe dọa liên quan đến chất này.
Tế bào khi thiếu B12 sẽ tăng sản xuất phân tử gây viêm như IL-6. Các nghiên cứu cho thấy khi người cao niên bổ sung B12 và folate, các dấu ấn viêm sẽ giảm, từ đó nhấn mạnh vai trò bảo vệ của B12.
Các nhà nghiên cứu cũng tin rằng B12 có thể kiểm soát tình trạng viêm bằng cách giảm sản xuất cytokine, loại protein nhỏ đẩy mạnh quá trình viêm. Những protein này thường được sản xuất bởi tế bào bạch cầu gọi là lympho T, hay tế bào T, có vai trò trong miễn dịch.
Tình trạng viêm hoạt động như một hệ thống báo động, báo hiệu rằng có điều gì đó không ổn đang diễn ra. Trong khi tình trạng viêm ngắn hạn mang lại lợi ích cho cơ thể, tình trạng viêm kéo dài lại dẫn đến nhiều vấn đề. Nghiên cứu lưu ý rằng nồng độ B12 tăng tương ứng với mức CRP giảm, nhấn mạnh vai trò phòng ngừa của loại vitamin này.
Các tác giả thừa nhận rằng nghiên cứu có những hạn chế nhất định, đặc biệt là cỡ mẫu nhỏ và phép đo B12 và các dấu ấn viêm chỉ được thực hiện một lần, có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả.
Cách bổ sung vitamin B12
Thiếu B12 thường là tình trạng thầm lặng và ngày càng phổ biến theo tuổi tác. Với những ai dự định bổ sung B12, việc thảo luận với chuyên gia chăm sóc sức khỏe là điều cần thiết. Xét nghiệm máu kiểm tra vitamin B12 và chất tương ứng, homocysteine toàn phần trong huyết tương, có thể giúp xác định tình trạng thừa thiếu B12 của một người.
Cơ thể chúng ta không tự sản xuất B12 mà cần bổ sung từ thực phẩm. Thực phẩm vẫn là nguồn chính, trong đó nội tạng, thịt gia cầm và hải sản là những loại chứa nhiều B12. Ngoài ra, rong biển cũng chứa một lượng B12 đáng kể.
Nếu bạn muốn dùng chất bổ sung, cyanocobalamin hiện đang nổi lên như một lựa chọn phù hợp do giá cả phải chăng. Tuy nhiên, biến thể tổng hợp này có một nhược điểm: thải ra các dấu vết xyanua nhỏ khi được chuyển hóa và có thể gây rủi ro cho người có vấn đề cụ thể về sức khỏe.
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times