CDC cảnh báo về sự gia tăng các đợt bùng phát căn bệnh chết người do vi khuẩn có trong nước máy
Theo báo cáo mới từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, một loại vi khuẩn gây tử vong được tìm thấy trong hệ thống nước uống trên khắp đất nước đang là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng đáng báo động về số ca nhiễm bệnh và tử vong.
Legionella chịu trách nhiệm cho 98% số ca tử vong do nước uống
Theo CDC, Legionella hiện là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các đợt bùng phát, nhập viện và tử vong liên quan đến nguồn nước trên toàn quốc. Legionella, một loại vi khuẩn có thể hình thành màng sinh học nguy hiểm, là nguyên nhân gây bệnh Legionnaires, một dạng viêm phổi nặng, có thể dẫn đến tử vong.
Từ năm 2015- 2020, Legionella là loại vi khuẩn “liên quan nhiều nhất” đến các đợt bùng phát có nguồn gốc từ hệ thống nước công cộng, gây ra 92% số đợt, CDC ghi nhận trong báo cáo mới nhất Giám sát các đợt bùng phát dịch bệnh liên quan đến nguồn nước uống.
Số đợt bùng phát do Legionella ở Hoa Kỳ dao động hàng năm, với 14 đợt vào năm 2015, 31 vào năm 2016, 30 vào năm 2017, 34 vào năm 2018 và 33 vào năm 2019, trước khi giảm xuống còn 18 đợt vào năm 2020. Nói chung, theo báo cáo, các đợt bùng phát do Legionella chiếm 37% tổng số ca bệnh liên quan đến nguồn nước (876 ca), 97% số ca nhập viện (544 ca) và 98% số ca tử vong (86 ca) trong thời gian 5 năm.
Mỗi năm, các mầm bệnh lây truyền qua nguồn nước, bao gồm Legionella, làm hơn 7 triệu người Mỹ nhiễm bệnh, trong đó có 118,000 ca nhập viện và 6,630 ca tử vong. Gánh nặng bệnh tật gây ra là hơn 3 tỷ USD cho việc chăm sóc sức khỏe trực tiếp.
Cứ 10 người bị bệnh thì có 1 người tử vong do biến chứng. Điều đáng báo động là tỷ lệ tử vong tăng lên 1/4 ở những bệnh nhân lưu trú tại cơ sở chăm sóc sức khỏe.
Các triệu chứng của bệnh Legionnaires bao gồm ho, đau cơ, sốt, khó thở và đau đầu. Những người trên 50 tuổi, hút thuốc, bị bệnh phổi mạn tính, hệ miễn dịch suy yếu hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch thường dễ nhiễm bệnh hơn khi tiếp xúc với Legionella.
Điều gì dẫn đến sự tăng trưởng nhanh chóng của Legionella?
Mặc dù vi khuẩn Legionella hiện diện tự nhiên trong nguồn nước ngọt mà thường không gây bệnh, nhưng có thể nhân lên nhanh chóng và trở thành mối nguy hại cho sức khỏe khi hệ thống nước nhân tạo như hệ thống ống nước không được làm sạch và bảo trì thích hợp.
Legionella phát triển mạnh trong nước ấm và được bao bọc bởi màng sinh học—những chất nhầy, giống như keo có thể tích tụ trong đường ống.
Ví dụ, hệ thống nước công cộng có thể trở thành nguồn cho Legionella phát triển, tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe khi mọi người hít phải vi khuẩn tồn tại trong không khí xung quanh nguồn nước ô nhiễm. Các nguồn lây Legionella phổ biến khác bao gồm nước tắm, tháp giải nhiệt trong hệ thống điều hòa không khí, đài phun nước trang trí và bồn tắm nước nóng.
Bệnh Legionnaires không lây truyền từ người sang người; thay vào đó, mọi người bị bệnh do tiếp xúc với chính vi khuẩn Legionella.
Legionella được tìm thấy ở đâu?
Sự bùng phát Legionella không chỉ xảy ra ở nguồn cung cấp nước cho cộng đồng mà còn liên quan đến các cơ sở chăm sóc sức khỏe trên toàn quốc. Theo CDC, từ năm 2015-2020, căn bệnh này gây ra khoảng 2/3 số ca nhập viện và 3/4 số ca tử vong liên quan đến vi khuẩn.
Hơn nữa, Legionella được tìm thấy trong nguồn cung cấp nước tư nhân, chẳng hạn như khách sạn, nhà nghỉ, khu trọ hoặc ký túc xá, và đáng báo động hơn là tại nhà riêng, CDC lưu ý.
Nhà ở tạm thời đối mặt với 111 đợt bùng phát, dẫn đến 444 ca bệnh, 364 ca nhập viện và 73 ca tử vong do Legionella. Từ năm 2015-2019, 3 đợt bùng phát đã xảy ra tại khu dân cư tư nhân, khiến 7 người nhiễm bệnh và 4 người nhập viện.
Theo báo cáo hàng tuần về tỷ lệ mắc bệnh và tử vong của CDC: “Những phát hiện này nêu bật mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng Legionella trong môi trường chăm sóc sức khỏe.” Ngoài ra, cơ quan lưu ý rằng “các đợt bùng phát cho thấy tầm quan trọng của các quy định hiệu quả, chương trình quản lý nước và phòng ngừa sức khỏe cộng đồng bao gồm truyền thông nhằm giảm nguy cơ phát triển và lây lan mầm bệnh màng sinh học trong hệ thống nước uống công cộng, hệ thống nước xây dựng và nhà riêng.”
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times