Báo cáo: Hơn 3 triệu người Mỹ bị hội chứng mệt mỏi kinh niên
Ước tính mới nhất [về số người bị hội chứng mệt mỏi kinh niên] cao hơn từ 25% đến 75% so với ước tính cuối cùng từ năm 2015.
Một báo cáo mới từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết, hơn 3.3 triệu người Mỹ bị hội chứng mệt mỏi kinh niên (CFS). Ước tính mới nhất cao hơn từ 25% đến 75% so với ước tính trước đó vào năm 2015. Sau đó, người ta tin rằng có khoảng 836,000 đến 2.5 triệu người bị chứng rối loạn này.
Trong báo cáo mới, CDC đã xem xét kết quả của Trung tâm Khảo sát Thống kê Y tế Quốc gia (National Center for Health Statistics Survey) để xác định mức độ phổ biến của CFS. Cuộc khảo sát hỏi những người tham gia liệu họ đã từng được bác sĩ hoặc chuyên gia y tế nói rằng họ bị CFS chưa và chứng rối loạn này có còn hay không.
Hơn 57,000 người trưởng thành ở Hoa Kỳ đã được khảo sát và khoảng 1.3% trả lời có cho cả hai câu hỏi.
Báo cáo nhấn mạnh rằng CFS thường tăng theo độ tuổi và thường xảy ra ở phụ nữ và người da trắng, không phải gốc Tây Ban Nha. Hơn nữa, những người lớn sống dưới mức nghèo khổ và những người sống ở vùng nông thôn có nhiều khả năng bị CFS hơn,.
Phân tích số liệu thống kê
Trong khi 1.3% số người tham gia trả lời có cho cả hai câu hỏi thì con số này ở phụ nữ là 1.7%, cho thấy hội chứng mệt mỏi kinh niên (CFS) phổ biến hơn ở phụ nữ.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng những người cao niên ở độ tuổi từ 50 đến 69 có nhiều khả năng trả lời có cho cả hai câu hỏi hơn so với nhóm nghiên cứu chung. Tuy nhiên, khả năng đó giảm xuống khi người tham gia đã bước sang tuổi 70.
Tỷ lệ lưu hành hội chứng mệt mỏi kinh niên (CFS) cũng khác nhau giữa các chủng tộc. Người Mỹ gốc Á, không phải gốc Tây Ban Nha có khả năng bị bệnh này thấp nhất (0.7%), trong khi người Mỹ da trắng, không phải gốc Tây Ban Nha có nhiều khả năng trả lời có cho cả hai câu hỏi (1.5%). CFS phổ biến hơn ở người da đen, với 1.2% trả lời có cho cả hai câu hỏi. Chỉ có 0.8% người Mỹ gốc Tây Ban Nha trả lời có.
Đặc biệt lưu ý là 2% số người tham gia khảo sát có thu nhập dưới 100% chuẩn nghèo liên bang có hội chứng mệt mỏi kinh niên (CFS). Do đó, dữ liệu cho thấy thu nhập cao hơn có liên quan đến tỷ lệ hội chứng mệt mỏi kinh niên (CFS) thấp hơn.
Cuối cùng, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng những người sống ở các quận hoặc thị trấn nông thôn có dân số dưới 2,500 người có nguy cơ bị bệnh cao hơn.
Một rối loạn phức tạp
Báo cáo tháng 12 làm sáng tỏ một rối loạn phức tạp mà các bác sĩ hiện nay gặp nhiều hơn so với suy nghĩ trước đây.
Theo CDC, các nhà khoa học và chuyên gia y tế vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra hội chứng mệt mỏi kinh niên. Các chuyên gia nhận ra rằng COVID kéo dài đã làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn, có khả năng làm thay đổi [hoạt động của] hệ miễn dịch ở những người nhiễm bệnh. Các nguyên nhân tiềm ẩn khác bao gồm nhiễm trùng, căng thẳng ảnh hưởng đến các chất hóa học cơ thể, thay đổi trong hoạt động sản xuất năng lượng và di truyền.
Các triệu chứng của hội chứng mệt mỏi kinh niên (CFS) khác nhau và mức độ trầm trọng có thể thay đổi trong suốt tuần hoặc tháng. Ngoài cảm giác mệt mỏi, một người có thể gặp các triệu chứng sau:
- Kiệt sức cực độ sau khi tập thể dục hoặc tinh thần.
- Vấn đề về trí nhớ hoặc kỹ năng tư duy.
- Chóng mặt, đặc biệt là sau khi đứng lên từ tư thế ngồi hoặc nằm.
- Đau cơ hoặc khớp.
- Giấc ngủ không sảng khoái.
Một số bệnh nhân hội chứng mệt mỏi kinh niên (CFS) cũng có các triệu chứng giống cảm lạnh, bao gồm đau đầu, đau họng hoặc đau hạch. Những người khác lại vô cùng nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh, mùi hoặc thức ăn.
Bởi vì chưa rõ nguyên nhân gây hội chứng mệt mỏi kinh niên (CFS) nên việc chẩn đoán có thể mất thời gian. Tiêu chuẩn chẩn đoán bao gồm kiệt sức hoặc mệt mỏi trầm trọng đến mức khiến người bệnh không thể hoạt động [bình thường], không thuyên giảm khi nghỉ ngơi và trở nên trầm trọng hơn khi gắng sức về thể chất, tinh thần hoặc cảm xúc.
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times