Sau một thập niên thù địch, Ankara làm dịu lập trường đối với Damascus
ANKARA — Trong 10 năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vẫn là những đối thủ gay gắt, với việc Ankara ủng hộ các nhóm chống chính phủ ở Syria trong khi Syria coi các nhóm này là thành phần khủng bố. Nhưng trong những tuần gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra một số gợi ý rằng họ có thể sẵn sàng mở các cuộc đàm phán với Damascus.
Tuy nhiên, các nhà phân tích trong nước đang bày tỏ sự hoài nghi, cho rằng bản chất phức tạp của chiến trường Syria sẽ chống lại việc nối lại cuộc đối thoại — ít nhất là trong ngắn hạn.
Ông Ilhan Uzgel, một nhà bình luận chính trị Thổ Nhĩ Kỳ và là cựu giáo sư về quan hệ quốc tế, nói với The Epoch Times: “Thổ Nhĩ Kỳ đang duy trì sự hiện diện quân sự đáng kể ở Syria, và Hoa Kỳ, Nga, và Iran đều có mối thù hằn sâu sắc trong cuộc xung đột này.”
Ông nói thêm: “Trong bối cảnh này, mối bang giao hữu nghị với Syria sẽ rất khó đạt được.”
Trong khi trở về sau chuyến công du tới Ukraine hôm 19/08, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói với các phóng viên rằng cần phải “có biện pháp với Syria.”
Ông nói thêm một cách bí hiểm, “Ngoại giao giữa các quốc gia không bao giờ có thể bị cắt đứt hoàn toàn.”
Bốn ngày sau, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu thậm chí còn đi xa hơn, nói rằng sẽ không có “điều kiện tiên quyết nào” để mở đối thoại với Damascus.
Ankara đã cắt đứt bang giao với Damascus vào tháng 03/2012 khi cuộc xung đột ở Syria ngày càng trở nên kịch liệt. Kể từ đó, Thổ Nhĩ Kỳ — cùng với Ả Rập Xê Út, Qatar, và hầu hết các quốc gia phương Tây — đã kêu gọi lật đổ tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Tuy nhiên, ông Assad vẫn giữ được quyền lực, đa phần nhờ vào sự hỗ trợ không ngừng của Nga và nước láng giềng Iran.
Kể từ năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện ba cuộc tấn công quân sự vào miền bắc Syria, nơi mà nước này vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự với quy mô lớn.
Ankara nói rằng việc khai triển này là cần thiết để bảo vệ biên giới dài 560 dặm (901 km) với Syria khỏi các nhóm chiến binh người Kurd hoạt động trong khu vực.
Trong những tháng gần đây, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ liên tục tuyên bố rằng một cuộc tấn công thứ tư sắp xảy ra, bất chấp lời kêu gọi kiềm chế từ Hoa Kỳ, Nga, và Iran.
“Thổ Nhĩ Kỳ đang gợi ý mở các cuộc đàm phán với Damascus đồng thời đe dọa phát động một cuộc tấn công khác,” ông Uzgel nói. “Ông Erdogan dường như đang nói với các thành viên trong khu vực rằng ông ấy có thể theo đuổi một tiến trình ngoại giao nếu muốn — hoặc một đường lối quân sự.”
‘Những khác biệt không thể hòa giải’
Với quan điểm gay gắt lâu nay giữa Ankara và Damascus, sự thay đổi rõ ràng qua giọng điệu khiến nhiều nhà quan sát ngạc nhiên.
“Đó chắc chắn là điều bất ngờ,” ông Oytun Orhan, một chuyên gia Levant thuộc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông của Ankara, nói với The Epoch Times. “Hai nước này tiếp tục có những khác biệt dường như không thể hòa giải.”
Ông nói: “Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn được khai triển trên đất Syria, và hai bên tiếp tục xảy ra các cuộc đụng độ không thường xuyên.”
Vào tháng 02/2020, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã tấn công vào tỉnh Idlib phía tây bắc của Syria, dẫn đến thương vong cho cả hai bên.
Về phần mình, các nhân vật chính trị Syria nói rằng bất kỳ cuộc đối thoại nào trong tương lai với Thổ Nhĩ Kỳ đều phải được tiến hành trước khi Thổ Nhĩ Kỳ rút quân hoàn toàn khỏi lãnh thổ Syria.
“Thổ Nhĩ Kỳ phải rút quân khỏi Syria. Một khi điều này xảy ra, thì cuộc đối thoại mới có thể bắt đầu,” ông Sharif al-Shahade, cựu nghị sĩ quốc hội Syria, nói với Mạng truyền thông Rudaw của người Kurd hôm 22/08.
Ông Al-Shahade, người được cho là thân cận với ông Assad, tiếp tục mô tả sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria là một “sự chiếm đóng” bất hợp pháp.
Các đồng minh khó chịu
Nhưng theo ông Uzgel, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ “vẫn chưa cho thấy một thiện chí để cân nhắc việc rút một số — nếu không phải là tất cả — quân đội của họ.”
Trong khi đó, giọng điệu mềm mỏng của Ankara đối với Damascus dường như đã khiến một số đồng minh của họ ở Syria khó chịu.
Hôm 11/08, ông Cavusoglu nói với các nhà ngoại giao ở Ankara rằng phe đối lập do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cuối cùng sẽ “đi đến thỏa thuận” với chính phủ của ông Assad.
“Nếu không,” ông ngoại trưởng nói, “sẽ không bao giờ có hòa bình lâu dài.”
Ông cũng cho biết thêm rằng Syria cần một “chính phủ mạnh mẽ” có khả năng chống lại các nỗ lực của ngoại quốc nhằm chia rẽ đất nước này — một tham chiếu đến các nhóm chiến binh người Kurd do Hoa Kỳ hậu thuẫn.
Bình luận của ông đã làm dấy lên các cuộc biểu tình phẫn nộ ở các khu vực của Syria do Thổ Nhĩ Kỳ chiếm giữ, nơi các nhóm đối lập do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cáo buộc Ankara bán đứng họ.
“Trong nhiều năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã vũ trang và hỗ trợ các nhóm này để chống lại chế độ của ông Assad,” ông Uzgel nói. “Vì vậy, họ cảm thấy bị phản bội bởi nhận xét của vị ngoại trưởng này và bày tỏ sự không hài lòng.”
Lời kêu gọi của Moscow
Đáng chú ý, dường như sự thay đổi quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Syria lần đầu tiên xuất hiện sau cuộc gặp gỡ quan trọng hồi đầu tháng giữa ông Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tại cuộc gặp được tổ chức tại thành phố Sochi của Nga hôm 05/08, hai nhà lãnh đạo này đã đồng ý đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại song phương và năng lượng.
Ông Putin cũng được cho là đã sử dụng cơ hội này để thúc giục ông Erdogan “hợp tác” với Damascus trong cuộc chiến chống lại “các nhóm khủng bố” hoạt động ở Syria.
Bất chấp việc Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ủng hộ các phe đối lập trong cuộc xung đột ở Syria, cuộc gặp ở Sochi đã khiến một số báo chí phương Tây gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc Ankara đang “làm sâu sắc thêm mối bang giao” với Moscow.
Nhưng ông Uzgel tin rằng quan điểm mềm mỏng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Syria — cho dù có được ông Putin thúc đẩy hay không — “cũng chỉ là một con bài thương lượng hơn là một sự thay đổi chính sách thực sự.”
Ông nói: “Ông Erdogan muốn cho phương Tây thấy rằng ông ấy có thể có mối bang giao tốt đẹp với Moscow, Tehran, và thậm chí với cả Damascus — một chế độ mà Hoa Kỳ không hề ưa thích.”