Moscow tiếp đón các chỉ huy quốc phòng khu vực trong dấu hiệu hàn gắn giữa Thổ Nhĩ Kỳ-Syria
Tuần này, các quan chức quốc phòng và tình báo hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp những người đồng cấp Syria tại Moscow trong các cuộc họp có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu.
Được tổ chức hôm 28/12, đây là cuộc gặp đầu tiên giữa các bộ trưởng quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria trong hơn một thập niên.
Cuộc họp này, đã không được thông báo trước, dự kiến sẽ mở đường cho một cuộc gặp gỡ sau cùng giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Syria, ông Bashar al-Assad.
Đây cũng là một dấu hiệu nữa cho thấy mối bang giao giữa hai nước đang ấm dần lên sau 10 năm thù địch, trong thời gian đó ông Erdogan đã công khai kêu gọi lật đổ ông Assad.
Nhưng sau nhiều tháng thúc giục của Nga, giờ đây, Ankara dường như đã sẵn sàng hàn gắn mối liên hệ với Damascus — và ngược lại.
Hôm 29/12, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói với các phóng viên rằng việc tiếp tục liên lạc với chính phủ ông Assad là rất quan trọng trong việc đạt được một “giải pháp chính trị và hòa bình lâu dài” ở Syria.
Theo ông Ferit Temur, một nhà phân tích chính trị Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời là chuyên gia về các vấn đề Nga và Á-Âu, hiện vẫn còn quá sớm để nói về một “trục” Thổ Nhĩ Kỳ-Nga-Syria mới nổi trong khu vực.
Tuy nhiên, cuộc gặp ở Moscow là một “bước quan trọng” hướng tới việc nối lại quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia đối địch lâu năm, ông Temur nói với The Epoch Times.
‘Cuộc đàm phán ba bên’
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar và người đồng cấp Syria, ông Ali Mahmoud Abbas, đã tham dự cuộc đàm phán ở Moscow.
Giám đốc tình báo Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cùng ông Shoigu và các quan chức Nga khác cũng đã tham dự các cuộc họp này.
Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Nga cho biết “các cuộc đàm phán ba bên” đã đề cập đến “các giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria, vấn đề người tị nạn, và các nỗ lực chung để chống lại các nhóm cực đoan trên lãnh thổ Syria.”
Theo ông Oytun Orhan, một chuyên gia của Levant tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông của Ankara, việc “bình thường hóa quan hệ” giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria “chủ yếu dựa trên các vấn đề an ninh.”
Biên giới dài 565 dặm (909 km) giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vẫn là một mối quan tâm của cả hai nước.
Kể từ giữa tháng Mười Một, Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng phi cơ và pháo binh để tấn công các vị trí ở miền bắc Syria có liên quan đến YPG, chi nhánh Syria của Đảng Công nhân người Kurd (PKK).
Cả Ankara, Hoa Thịnh Đốn, và Brussels đều coi PKK là một nhóm khủng bố.
Ban đầu các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ được thúc đẩy bởi một vụ đánh bom gây tử vong ở Istanbul hôm 13/11 mà Ankara đổ lỗi cho các thành viên YPG đến từ Syria. Hiện những cuộc tấn công này vẫn tiếp diễn.
Mặc dù có mối liên hệ chặt chẽ với PKK, nhưng YPG lại nhận được sự ủng hộ của Hoa Thịnh Đốn, nơi sử dụng lực lượng này như một bức tường thành chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria.
YPG cũng là thành phần chính của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), một liên minh gồm các nhóm bất đồng chính kiến ở Syria.
Kể từ khi được hợp nhất vào năm 2015, SDF – với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ – đã tạo ra một vùng đất ở phía đông bắc Syria mà Damascus có rất ít quyền kiểm soát.
Theo ông Temur, Hoa Thịnh Đốn đã tìm cách làm suy yếu chính quyền trung ương của Iraq và Syria bằng cách thay đổi nhân khẩu học ở các khu vực phía bắc của họ theo hướng “có lợi cho các nhóm người Kurd.”
Ông nói: “Chính sách đơn phương này của Mỹ đang đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của cả Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền Damascus.”
Ông Temur còn nói thêm, ưu tiên của Ankara “là ngăn chặn sự hình thành của một chính phủ tự trị vũ trang của người Kurd trên thực tế ở biên giới nước này.”
Thổ Nhĩ Kỳ cũng tiến hành các cuộc tấn công thường xuyên vào các vị trí ở vùng núi Qandil phía bắc Iraq, nơi PKK từ lâu đã sử dụng làm một đại bản doanh.
Trong một tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp ở Moscow, ông Akar, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, đã nhấn mạnh “sự tôn trọng của Ankara đối với sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của tất cả các nước láng giềng, đặc biệt là Syria và Iraq.”
“Mục tiêu duy nhất của chúng tôi [ở cả hai quốc gia này] là chống khủng bố,” ông nói thêm. “Chúng tôi không có mục đích nào khác.”
Vũng lầy Syria
Kể từ năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện ba cuộc tấn công lớn vào miền bắc Syria với mục đích đã nêu là bảo vệ biên giới của nước này khỏi các cuộc tấn công của YPG và PKK, những lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ đều xem như một.
Thổ Nhĩ Kỳ duy trì sự hiện diện đáng kể của quân đội ở miền bắc Syria và đã đe dọa tiến hành một cuộc tấn công thứ tư — một hành động bị Hoa Thịnh Đốn phản đối.
Đầu tháng này, ông Erdogan đã cảnh báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “tự giải quyết vấn đề” nếu Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp vũ khí và trang thiết bị cho YPG.
Văn phòng báo chí của Ngũ Giác Đài đã không phúc đáp yêu cầu bình luận của The Epoch Times về nhận xét của ông Erdogan.
Theo ông Orhan, YPG cũng đặt ra một mối đe dọa đối với Damascus, vốn “không muốn chứng kiến sự xuất hiện của một ‘khu vực tự trị’ [do YPG kiểm soát] dưới ảnh hưởng của Hoa Kỳ.”
Sau cuộc gặp mới đây ở Moscow, ông Orhan đã loại trừ một cuộc tấn công mới của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria — ít nhất là trong ngắn hạn.
“Điều đó vẫn có thể xảy ra,” ông nói với The Epoch Times. “Nhưng nếu điều đó xảy ra, rất có thể nó sẽ được thực hiện với sự phối hợp của Moscow và Damascus.”
“Về phần mình, ông Assad muốn được bảo đảm rằng các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rời khỏi lãnh thổ Syria sau khi YPG bị quét sạch khỏi khu vực này,” ông Orhan nói thêm.
Ông Temur đồng ý với phần lớn quan điểm này.
Ông nói: “Nếu các bên trong các cuộc đàm phán ngoại giao ở Moscow đạt được sự đồng thuận, thì Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, và Syria sẽ tiến hành một chiến dịch quân sự [ở miền bắc Syria].”
‘Thay đổi cuộc chơi’
Mặc dù là một thành viên NATO, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì mối quan hệ mật thiết với Nga. Hai nước này có quan hệ thương mại sâu rộng và chung một đường biên giới biển dài ở Hắc Hải.
Trước sự không hài lòng của nhiều đồng minh NATO, Ankara đã liên tục từ chối ủng hộ các biện pháp trừng phạt do phương Tây lãnh đạo đối với Moscow.
Được biết, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã ủng hộ các phe đối lập ở Syria, nơi Moscow — với sự giúp đỡ của Iran — đã giúp chính quyền ông Assad nắm giữ quyền lực.
Kể từ năm 2015, Nga đã duy trì quân đội ở Syria để hỗ trợ Damascus chống lại các nhóm phiến quân, một số nhóm này được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
“Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hợp tác chặt chẽ với Nga ở Syria,” ông Orhan nói, đồng thời lưu ý rằng cả hai nước đều là đối tác hàng đầu trong tiến trình hòa bình Astana đang diễn ra.
Nhiều chuyên gia tin rằng việc Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ YPG đã đẩy Ankara đi xa hơn vào quỹ đạo của Moscow.
Tại một cuộc họp được công bố rộng rãi hồi tháng Tám tại thành phố Sochi của Nga, ông Putin và ông Erdogan đã đồng ý tăng cường liên hệ tài chính, thương mại, và năng lượng giữa hai nước.
Kể từ đó, ông Putin đã kêu gọi người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ bình thường hóa mối quan hệ với ông Assad.
“Ông Putin muốn cả hai bên đi đến thỏa thuận,” ông Orhan nói. “Nga đang chịu áp lực ở Ukraine, vì vậy họ muốn củng cố vị thế của mình ở Syria và đạt được một giải pháp chính trị khả thi.”
Trong nhận xét hồi đầu tháng này, ông Erdogan dường như đã hoan nghênh ý tưởng hành động chung chống lại “các nhóm khủng bố” đang hoạt động ở Syria.
“Chúng tôi muốn bắt tay với Syria và Nga như một bộ ba,” ông Erdogan cho biết hôm 15/12.
Ông cũng kêu gọi triệu tập một “hội nghị thượng đỉnh ba bên” giữa ông, ông Putin, và ông Assad vào năm tới.
Ngày hôm sau, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov cho biết Moscow “hoan nghênh cơ hội giúp khôi phục quan hệ giữa các nước láng giềng có chủ quyền.”
Ông Orhan cho rằng sự thay đổi rõ rệt của Thổ Nhĩ Kỳ là do Thổ Nhĩ Kỳ không hài lòng với chính sách Syria của Hoa Thịnh Đốn.
Ông nói: “Thổ Nhĩ Kỳ đã hy vọng các đồng minh NATO của họ sẽ ngừng hỗ trợ cho YPG.”
“Khi điều này không xảy ra,” ông nói thêm, “Ankara đã quyết định phối hợp với Moscow và Damascus để giải quyết vấn đề này.”
Theo ông Orhan, sự tái tổ chức này có thể sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực ở Syria và làm suy yếu vị thế của Hoa Kỳ ở đó.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times