Sang trọng và mang phong vị Trung Hoa: Đồ gốm sứ của Vua Louis XVI trong Cung điện Versailles
Lần đầu tiên kể từ sau cuộc Cách Mạng Pháp, một nhóm những chiếc bình tinh xảo được tập họp lại cùng nhau trong một buổi triển lãm ở Trung tâm Getty tại thành phố Los Angeles, hơn 200 năm sau khi chúng bị phân tán khỏi Cung điện Hoàng gia Versailles. Những chiếc bình được chế tác theo kiểu cách xa hoa trong thời kỳ hỗn loạn này không chỉ là minh chứng cho nghệ thuật tinh mỹ của các nghệ nhân và lối sống xa xỉ của những nhà bảo trợ lừng lẫy, mà còn cho một tầm nhìn văn hóa xa xôi đã bén rễ trong một xã hội sẵn sàng cho những thay đổi trọng đại.
‘Những chiếc bình của các thời đại’
Năm 1778, Xưởng Gốm sứ Sèvres bắt đầu chế tác một bộ sưu tập bao gồm năm chiếc bình theo thiết kế có tên “Vases of the Ages” (Những chiếc bình của các thời đại). Những chiếc bình này được trang trí với tay cầm bằng đồng mạ vàng có hình chiếc đầu của người đàn ông có râu, các cô gái trẻ, và các bé trai. Bộ sưu tập này là một trong số các tác phẩm gốm Sèvres lớn nhất được “nạm” bằng những lá vàng có in dấu và những giọt men sứ nhỏ đầy màu sắc. Đây là kiểu trang trí cầu kỳ, tốn thời gian, và vô cùng dễ vỡ, chỉ được dùng trên các vật phẩm để trưng bày hơn là để sử dụng hằng ngày.
Năm 1781, vua Louis XVI (vị vua cuối cùng của nước Pháp sống trong Cung điện Versailles) đã mua một bộ bình cho thư viện tư nhân của mình. Bộ bình được vẽ theo nội dung của các chương trong cuốn “The Adventures of Telemachus” (Những Cuộc Phiêu Lưu của Dũng Sĩ Telemachus), một tiểu thuyết nổi tiếng được chuyển thể từ sử thi “Odyssey” của Homer. Tuy nhiên, ông chỉ có chưa đầy một thập niên để chiêm ngưỡng sự sang trọng của nó. Trong suốt Cách Mạng Pháp, những chiếc bình này bị quốc hữu hóa và rất có thể được bán đi thông qua các thương vụ mua bán tài sản hoàng gia được chính phủ bảo trợ.
Đối với nhiều người, sự sụp đổ của “Chế độ Cũ” (Ancien Régime) ở Pháp là một câu chuyện quen thuộc: Có nguồn gốc từ thời Trung Cổ, gia tộc quyền quý này vươn lên đến quyền lực tuyệt đối trong triều đại lâu dài và thịnh vượng của Vua Louis XIV, “Vua Mặt Trời.” Tuy nhiên vào thời điểm hậu duệ đời thứ 5 của ông lên ngôi, nền kinh tế của đất nước đang bị suy thoái nghiêm trọng, và sự bất bình của công chúng nhanh chóng nổi lên thành một làn sóng nhiệt thành cách mạng, dẫn đến một cuộc tấn công quy mô lớn vào cung điện hoàng gia vào năm 1789 và vụ hành hình đẫm máu Vua Louis XVI và Vương hậu Marie Antoinette diễn ra vài năm sau đó.
Năm 1928, hai chiếc bình nhỏ ở ngoài cùng được đưa vào bộ sưu tập của nhà sưu tập nghệ thuật Henry Walter ở Baltimore, Maryland, và vào năm 1984 ba chiếc bình ở giữa được Bảo Tàng Getty mua lại. Giờ đây trong triển lãm, công chúng có thể một lần nữa chiêm ngưỡng trọn bộ bình gốm trang trí này với vẻ lộng lẫy đầy vương giả của nó, gây ấn tượng với chúng ta như nó đã từng thu hút gu thẩm mỹ xa hoa của vị quân chủ có thời gian trị vì ngắn ngủi này.
Xu hướng phong vị Trung Hoa
Một bộ bình sứ khác có số phận may mắn hơn khi giữ được sự nguyên vẹn trong bộ sưu tập Cung điện Versailles. Khi trở thành nữ hoàng vào năm 1774, Vương hậu Marie Antoinette bắt đầu cho trang trí lại những căn phòng của mình và mua ba chiếc bình hình quả trứng để đặt trong phòng khách. Chúng được làm từ sứ cứng và có khung bằng đồng mạ vàng, được chế tác một cách tinh tế bằng khuôn đúc tinh xảo.
Những họa tiết được vẽ trên bề mặt sứ trắng của những chiếc bình này vô cùng đặc biệt. Huyền ảo, khác thường, và xa lạ, các nhóm hình ảnh trang trí này dựa theo một bộ ảnh in được cho là minh họa “các nhân vật Trung Hoa,” do họa sĩ thuộc trường phái Rococo François Boucher (1703–1770) thiết kế. Mặc dù họa sĩ này chưa bao giờ đặt chân đến Trung Quốc, nhưng trí tưởng tượng đầy cảm hứng của ông về vùng đất xa xôi ấy đại diện cho sự hiếu kỳ rộng khắp thời bấy giờ của người Âu Châu đối với với mọi điều thuộc về Trung Hoa như: các khu vườn, tủ kệ, đồ trang trí, và trong đó có cả đồ sứ cứng (đồ sứ phương Đông), một loại vật liệu có độ sáng bóng vô cùng cao, nổi tiếng là khó bắt chước.
Thời kỳ nghệ thuật Rococo được biết đến với sự sa sút về phong cách, và việc vẽ những họa tiết lãng mạn và kỳ lạ là một trò đùa sáng tạo đối với thẩm mỹ Đông phương. Trên một tấm thảm dệt dành cho triều đình nước Pháp vào đầu thế kỷ 18, một vị hoàng đế nhà Thanh được miêu tả là ra khơi từ một bến cảng xa hoa và gần như là thoát tục. Các họa tiết dệt kiểu Trung Hoa như chim hạc, rùa, đồ gốm, và các ngôi chùa hòa vào nhau trong một phong cách trang trí kiểu Roman kỳ dị được gọi là “grotesque” (các họa tiết trang trí kết hợp giữa động vật, con người, và các loài hoa cỏ) và một kiến trúc trang trí gợi nhớ đến phong cách Gothic của Venice.
Cơn sốt “phong vị Trung Hoa” lan truyền nhanh chóng cùng với những biến động thời cuộc to lớn ở Pháp, nơi mà việc giao thương với Vương Triều Đại Thanh Trung Hoa ngày càng phát triển và các báo cáo truyền giáo thường xuyên về con người và văn hóa nơi đây đã khơi dậy niềm hứng thú của toàn xã hội đến vùng đất Viễn Đông này. Đối với Vương Hậu Marie Antoinette, những món đồ gốm sứ của bà — được trang trí các họa tiết hình ảnh thời thượng — lẽ ra sẽ giúp tổ chức một cuộc triển lãm lớn về phong cách quốc tế và sang trọng nhất của bà trong một không gian dành cho các buổi tiếp kiến riêng tư.
Bị phân tán khắp nơi, rồi được tìm thấy, và được tập họp lại cùng nhau, những chiếc bình tinh mỹ này đại diện cho cảnh giới cao nhất của các loại hình nghệ thuật trang trí Pháp cũng như là thị hiếu hoa mỹ nhất của vương tộc Bourbon. Trải qua sự thăng trầm của vận mệnh, những chiếc bình này vẫn tồn tại để gây ấn tượng và chiêu đãi những vị khán giả mới thời nay tại Trung tâm Getty, đồng thời truyền tải đến chúng ta toàn bộ dòng lịch sử phức tạp mà chúng đã trải qua.
Buổi triển lãm “Porcelain From Versailles: Vases for a King & Queen” (Đồ gốm sứ từ Cung điện Versailles: Những chiếc bình dành cho Vua & Nữ hoàng) tại Trung tâm Getty ở thành phố Los Angeles kéo dài cho đến ngày 03/03/2024. Để tìm hiểu thêm thông tin, mời quý vị hãy truy cập vào trang Getty.edu
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times