Quan võ Âm phủ chuyên quản việc tước đi tiền tài không nằm trong số mệnh
Thường có câu nói rằng: Ngựa không ăn lén ăn cỏ ban đêm thì không mập, người không có khoản thu nhập thêm thì không giàu. Thế nhưng khoản tiền thu nhập thêm này nếu không có trong mệnh số, hơn nữa phúc đức không đủ, thì chẳng qua cũng chỉ là tiền tài qua tay, cuối cùng vẫn là lấy giỏ trúc múc nước, công dã tràng mà thôi.
Vào Nguyên Hòa thứ 5 thời Hoàng đế Đường Hiến Tông, huyện úy Bùi Phác của huyện Tân Bình, Bân Châu vùng Đỗ Lăng, Tây An, chết trên đường đi nhận chức. Vào năm Trường Khánh thứ nhất thời Hoàng đế Đường Mục Tông, em họ ngoại của Bùi Phác là Vi Nguyên Phương, tham gia thi cử không đỗ, bèn muốn tạm ở lại Lũng Hữu. Khi ông đi xa khỏi An Viễn Môn khoảng mười mấy dặm thì dừng chân trước một quán trọ xa lạ, dự định nghỉ ngơi một chút.
Vừa đúng lúc này, Vi Nguyên Phương gặp được một vị quan võ cưỡi ngựa, phía sau có mười mấy người tùy tùng đi theo. Vị võ quan này có dáng dấp rất giống Bùi Phác, khi nhìn thấy Vi Nguyên Phương thì dường như có quen biết. Võ quan bèn vội vàng xuống ngựa né tránh rồi nhanh chóng ẩn vào một tiệm trà, sau đó lại đi vào trong một căn phòng nhỏ rồi buông màn cửa xuống. Những người tùy tùng xách ghế đến ngồi phân tán phía ngoài màn cửa.
Vi Nguyên Phương cảm thấy rất nghi hoặc, bèn âm thầm tiến vào căn phòng nhỏ kia, vén rèm lên vừa nhìn thì quả thực đúng là Bùi Phác. Vi Nguyên Phương rất kinh ngạc và vui mừng, tiến lên hành lễ rồi nói: “Biểu huynh rời nhân gian lại nhận được chức võ quan, có tùy tùng nhiều như vậy, thật là uy phong!” Bùi Phác đáp lễ: “Ta hiện giờ làm quan ở Âm phủ, cần phải mang theo binh lính, cho nên đệ thấy ta mặc trang phục của võ quan.”
Vi Nguyên Phương hỏi tiếp: “Huynh làm chức quan gì vậy?”
Bùi Phác nói: “Lược thặng sử ở vùng Tam Xuyên, Lũng Hữu.”
Vi Nguyên Phương không hiểu, lại hỏi: “Là quản lý chuyện gì?”
Bùi Phác giải thích: “Người nào ở thế gian có tài sản dư thừa, ta đây phụ trách đi lấy về, là quản lý việc này.”
Vi Nguyên Phương càng khó hiểu hơn, bèn hỏi: “Của cải dư thừa là gì?”
Bùi Phác nói: “Ở thế gian có người làm buôn bán, cũng có người làm ăn mày, có tới 360 nghề, trong vận mệnh đều đã an bài cho người đó là được hưởng bao nhiêu tài sản. Nhưng nếu một người bỗng nhiên gặp được vật trân quý hiếm có, hoặc là mưu tính lừa người mà có được tiền tài, những thứ này đều là của cải không có trong vận mệnh, chúng tôi gọi đó là của cải dư thừa, nên phải đi lấy chúng.”
Vi Nguyên Phương lại hỏi tiếp: “Vậy huynh làm thế nào để nhận định đó là của cải dư thừa?”
Bùi Phác nói: “Con người sinh sống, ăn một miếng cơm, uống một ngụm nước cũng đều đã được định trước dựa theo kiếp trước, chứ chưa nói đến tiền của. Những thứ này đều có đăng ký ở Âm Ti. Những tiền tài một đời người kiếm được đều có hạn, là căn cứ vào phúc đức của người đó mà an bài. Những thứ có được nằm ngoài phần đăng ký này, thì quan văn của Âm Ti sẽ đưa ra một tờ đơn cáo trạng, chúng tôi phải phụng mệnh đi lấy về.”
Trong lòng Vi Nguyên Phương đã có chút minh bạch, nhưng vẫn còn có chỗ khó hiểu, bèn hỏi thêm: “Đi lấy về như huynh nói, là lấy trực tiếp từ túi tiền của những người đó, hay là đi trộm túi tiền của họ?”
Bùi Phác nói: “Không phải như vậy. Nếu như tiền tài trong số mệnh nên có, thì sẽ từng bước để cho người đó có được. Nhưng nếu là tài vật nằm ngoài số mệnh, thì không nên có, bởi vậy phần tiền tài đó chúng tôi sẽ đến vận chuyển đi bằng cách: hoặc là làm cho người đó tiêu hao đi, hoặc để người đó gặp tai họa bất ngờ, hoặc khiến anh ta mua bán không được giá cả mong muốn… Những việc này đều nằm ngoài khả năng của người đó.”
Bùi Phác nói tiếp: “Khi ta còn sống thường nghe người ta nói, vất vả chăm chỉ có thể kiếm được tiền tài, nông dân cần cù chịu khó có thể làm ra được lương thực, sĩ tử chăm học có thể đỗ đạt, chỉ là thở dài cho những người kia không chịu khó chịu khổ nên không đạt được thứ gì. Nhưng đây cũng chỉ là một phương diện. Lại nói những thương nhân bị chìm thuyền, nông dân gặp nạn hạn hán, những sĩ tử nhiều lần thi không đậu kia, chẳng lẽ họ không cần cù chịu khó hay sao?”
“Bây giờ ta đã biết rõ, cần cù chịu khó nhưng phải lấy đức hạnh làm căn bản, thiện lương là nguồn gốc của thành tựu học tập. Đức hạnh chính là thiện lương, là đạo lý tự mình hoàn thiện. Đức hạnh đủ rồi, mới có thể phát tài, làm quan. Hôm nay đệ gặp được ta, cũng là kiếp trước đã định, cho nên được hai cân bạc trắng. Ta sẽ đưa cho đệ, nếu cho đệ quá số bạc này thì ta lại phải đi lấy về.”
“Đệ lần này xuất hành, ở Kỳ (huyện Kỳ Sơn, Thiểm Tây) thu hoạch khá nhiều, mà ở Bân (huyện Bân Châu, Thiểm Tây) thu hoạch rất ít, ở Kính (thuộc tỉnh An Huy) sẽ không đạt được gì cả, ở các vùng khác cũng bình thường. Vận mệnh của một người đều là đã định sẵn, tĩnh lặng mà xem thế sự đổi dời, không nên gấp gáp đi tranh danh đoạt lợi khắp nơi. Nỗ lực đi làm cho tốt là được rồi. Ta bây giờ phải đi công chuyện rồi, cần đi vào trong thành. Pháp lệnh ở Âm Ti tuyệt đối không thể sai phạm!”
Nói xong, Bùi Phác đưa cho Vi Nguyên Phương hai cân bạc trắng, chắp tay thi lễ rồi lên ngựa. Vi Nguyên Phương quyến luyến khẩn cầu: “Huynh đệ chúng ta xa cách nhiều năm, chỉ vội vàng gặp mặt một lần, còn chưa nói được mấy câu thân tình lại phải âm dương cách trở vĩnh viễn. Tại sao không chờ thêm một lát nữa?”
Bùi Phác nói: “Quan thự Âm Ti của chúng ta đặt ở vùng Thiên Thủy Lũng Sơn, mà người Thổ Phiên đang muốn tiến đánh nơi này. Lo rằng bọn họ sẽ xâm phạm vùng này, cho nên ta cần phải cùng với Kinh Triệu doãn của Âm gian thảo luận liên kết đồng minh. Mặc dù không thể mưu tính sâu xa, nhưng cũng phải chuẩn bị để giải trừ thời điểm chiến tranh nguy cấp, gắng sức ổn định biên cương. Chiến mã của Thổ Phiên đã chuẩn bị sẵn sàng từ lâu, cách thời gian xâm lược nơi này không còn bao xa nữa, không sớm có kế hoạch thì sẽ không còn kịp. Cáo từ! Cáo từ!”
Bùi Phác vừa lên ngựa đi được vài dặm thì không còn nhìn thấy bóng hình đâu nữa. Vi Nguyên Phương quay đầu nhìn lại hai cân bạc trắng, đúng là thật. Trong lòng Vi Nguyên Phương buồn bã vô cớ, lên đường đi về phía tây, những sự việc sau đó ông trải qua đều không hề sai lệch so với lời Bùi Phác đã nói trước đó. Ông thầm nghĩ: Những người bằng lòng với số phận kia, có lẽ đã sớm hiểu rõ được đạo lý trong đó rồi.
Thời gian trôi qua không lâu, Thổ Dục Hồn cùng với Thổ Phiên bạo động, triều đình sau khi biết việc này thì lo lắng bọn họ sẽ khởi binh phản loạn, bèn lệnh cho Tể tướng Thôi Quần đi liên kết đồng minh. Thôi Tể tướng không muốn tự mình đi tới vùng biên cảnh, vì vậy đã ký kết hiệp ước cầu hòa. Mọi việc đều giống như những gì Bùi Phác đã từng nói.
Người xưa giảng: “Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo” (tạm dịch: Người quân tử coi trọng tiền tài, nhưng muốn lấy tiền tài cũng phải có đạo lý). Người hiện đại có thể thấy rằng lời này không xuôi tai, cũng không còn hợp thời nữa. Tuy nhiên, đạo lý mà người xưa giảng chính là đức hạnh và đạo nghĩa của con người; tiền tài bất nghĩa rất có thể là vật nằm ngoài đức hạnh, không có trong mệnh số, nhìn như là của chúng ta, nhưng kỳ thực lại không thuộc về chúng ta.
Tài liệu tham khảo: “Huyền quái lục – Quyển 3”