Hai đời đầu thai làm súc sinh, thầm niệm kinh Phật lại được thân người
Trong sử sách có ghi lại không ít chuyện liên quan tới luân hồi giữa con người và động vật, khá nhiều là chuyện luân hồi giữa người và heo, trâu. Hiển nhiên, người đầu thai thành heo, trâu không tránh được vận mệnh bị giết thịt, đây đều là quả báo mà họ phải chịu. Khá nổi tiếng chính là chuyện đại tướng Bạch Khởi của nước Tần vào thời kỳ Chiến quốc đã chôn sống 40 vạn hàng binh của nước Triệu, sau đó nhiều lần đầu thai làm heo. Trong bài này kể về chuyện một vị quan viên thời cuối triều Thanh sau khi đầu thai làm heo lại được chuyển thế làm người.
Cuối triều Thanh có một vị quan viên khá nổi danh, tên là Thiệu Hưởng Dự, năm Quang Tự thứ 16 (1890) ông thi đậu Tiến sĩ vào triều làm quan, từng đảm nhiệm qua các chức vụ Thứ cát sĩ Hàn Lâm viện, phụ trách biên soạn, viết sách, thị giảng, về sau nhận chức Viên ngoại lang Binh Bộ Vũ Tuyển Ty, làm quan cấp Nhị phẩm, được ban thưởng cưỡi ngựa ở Tử Cấm Thành, còn nhận chức Quang Lộc đại phu (hàm chánh nhất phẩm, là bậc cao nhất trong các quan văn). Trong một lần tán gẫu, ông đem chuyện bản thân mình từng trải qua chuyển thế nói cho phụ tá của mình là Lý Kinh Xa, Lý Kinh Xa lại nói cho Từ Nguyên.
Từ Nguyên là quan viên cuối triều Thanh và đầu thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc. Ông đỗ Tiến sĩ khoa Kinh tế trong thời Quang tự. Năm 1911 ông đảm nhận chức Giám sát Hải quan Thiên Tân của triều Thanh, thời Dân Quốc ông tiếp tục giữ chức Giám sát Hải quan Thiên Tân kiêm Phát ngôn viên trực thuộc Bộ Ngoại Giao. Về sau Từ Nguyên kể lại chuyện của Thiệu Hưởng Dự cho Quách Tắc Vân, tác giả của cuốn “Động Linh tiểu chí”, vì vậy được ghi chép lại.
Theo Thiệu Hưởng Dự kể lại, hai đời trước ông là một thư sinh, chuyên viết đơn kiện, từng vì lợi ích mà vu hãm một tiết phụ (quả phụ giữ tiết hạnh), gây tội nghiệt nghiêm trọng. Trong năm ấy ông bị bạo bệnh mà qua đời. Sau khi chết nguyên thần được đưa tới Âm Tào Địa Phủ chịu xét xử. Quan Âm Phủ kiểm tra Sinh Tử Bộ (sổ ghi chép sống chết), bên trong có viết: Đáng lẽ đỗ đạt khoa cử làm quan đến Nhị phẩm, nhưng vì vu hãm tiết phụ, vận làm quan bị tước bỏ hết. Xem xong, sắc mặt vị quan Âm Phủ lập tức thay đổi, lớn giọng gọi viên lại Âm Phủ áp giải Thiệu Hưởng Dự đi, ném vào đạo súc sinh đầu thai.
Thiệu Hưởng Dự bị áp giải đến một nơi, có người muốn rót cho ông một chén canh. Ông âm thầm phỏng đoán đây có thể là thuốc mê, uống vào sẽ mất đi ký ức con người, bởi vậy thừa dịp viên lại Âm Phủ không chú ý, ông len lén đổ sạch đi.
Trong nháy mắt, ông biến thành một con heo con, nằm ở trong chuồng heo. Trong lòng ông oán hận, không ăn không uống mà chết. Sau khi chết nguyên thần lại đi đến Âm Tào Địa Phủ, quan Âm Phủ trách mắng ông mưu toan trốn tránh trừng phạt, phán ông đầu thai làm heo lần nữa. Lần này ông không dám trốn tránh, chỉ đành an phận làm một con heo.
Bởi vì đầu thai trong đạo súc sinh, nên ông không thể sám hối tội lỗi, thật bất đắc dĩ. Nhưng đột nhiên ông nhớ tới khi còn làm người, từng có lần cầu phúc cho mẫu thân bị bệnh đã niệm tụng qua “Kinh Kim Cương”, bèn thường xuyên niệm thầm kinh văn nhớ được.
Hai năm sau, vào một ngày, có bọn cướp muốn đến nhà của người chủ ăn cướp, con heo do Thiệu Hưởng Dự đầu thai nhìn thấy bọn cướp sắp vào tới nhà rồi, nó chạy nhảy lồng lên khắp trong chuồng, miệng kêu rống lên, đánh thức người ở của chủ nhà, bọn cướp hoảng sợ liền chạy mất. Chủ nhà cảm niệm nó có công bảo vệ nhà, nên không giết thịt nó, mà để cho nó chết già tự nhiên.
Sau khi đời này kết thúc, nguyên thần Thiệu Hưởng Dự lại đi đến Địa Phủ, quan Âm Phủ thấy trên đỉnh đầu ông có một vòng kim quang, biết đây là biểu hiện Thiệu Hưởng Dự thành kính thầm niệm kinh Phật, liền báo lên cấp trên. Cuối cùng phán quyết là: được đầu thai làm người, đồng thời hoàn trả quan lộc của kiếp trước, được chuyển sinh vào nhà họ Thiệu.
Trước khi đầu thai, vì ông đã từng chuyển sinh qua đạo súc sinh, cho nên viên lại Âm Phủ phải lột đi da heo của ông mới có thể đổi thành da người. Trong lúc lột da heo, Thiệu Hưởng Dự chịu đau đớn thấu tim gan, đang khi lột đến cánh tay, do đau đớn không chịu được, ông đã giãy giụa tránh ra, cho nên trên cánh tay của ông vẫn có một phần da không bị lột sạch, trên đó vẫn còn lại lông heo. Thiệu Hưởng Dự còn vén tay áo lên để lộ ra cánh tay cho Lý Kinh Xa xem, quả nhiên, có một vùng da nhỏ mọc lên một nhúm lông, giống như lông heo. Lý Kinh Xa kinh ngạc cảm thán không thôi.
Toàn tâm toàn ý hướng về Phật, được thoát bể khổ, con người sao có thể không tin rằng Thần Phật có tồn tại đây?
Quan Tổng đốc của triều Thanh bị ám sát đầu thai làm heo
Có một chuyện khác ở thời Dân Quốc được văn nhân Uông Trọng Hổ ghi chép lại rằng, năm Mậu Dần niên hiệu Quang Tự, ở trấn Song Phượng, châu Thái Thương, tỉnh Giang Tô, có một nhà đồ tể mổ heo, thấy trên bụng heo có mấy chữ “Mã Tân Di”. Mã Tân Di là quan viên cuối thời nhà Thanh, từng đảm nhiệm các chức tri huyện Kiến Bình và tri huyện Hợp Phì tỉnh An Huy, Án Sát Sử An Huy, Bố Chính Sử An Huy, Tuần phủ Chiết Giang, Tổng đốc Lưỡng Giang kiêm Thông thương đại thần. Ngày 26 tháng 7 năm Đồng Trị thứ 9 (năm 1870), khi Mã Tân Di quay về nha môn thì bị thích khách là Trương Vấn Tường ám sát, qua hôm sau thì qua đời, hưởng thọ 49 tuổi. Sự kiện “Vụ án hành thích họ Mã” này chính là một trong tứ đại kỳ án thời cuối triều Thanh. Có lẽ nội tình đằng sau vụ ám sát ít có người biết được.
Báo ứng xác đáng
Trong “Dụ thế minh ngôn” của Phùng Mộng Long thời Minh kể rằng, có một vị tú tài tên là Hồ Mẫu Địch, bởi vì tỏ ý bất bình với việc Tần Cối hại chết Nhạc Phi mà phẫn nộ mắng Thiên đạo vô tồn (không có đạo Trời). Một lần nằm mộng người này được đưa tới Địa Phủ, Diêm Vương nói cho người này biết rằng: “Thiên đạo báo ứng, có thể là khi còn sống, có thể sau khi chết; hoặc lấy phúc mà thay họa, hoặc lấy họa mà thay cho phúc. Cần phải xem xét cả Âm Phủ và Dương gian, xưa và nay, thì mới biết có xác đáng hay không.” Chỉ căn cứ ngay sau đó để đánh giá Thiên đạo, là thể hiện người không lượng sức mình.
Sau đó, Hồ Mẫu Địch được cho phép du lịch ở Địa Ngục và Thiên Giới. Ở trong Địa Ngục, Hồ Mẫu Địch chứng kiến những kẻ ác của các triều đại tàn hại trung lương như phu thê Tần Cối, phu tử Thái Kinh, Giả Tự Đạo đang chịu cực hình sét đánh, gió thổi, bị nấu sôi. Quan coi ngục nói cho Hồ Mẫu Địch biết, những người này sau ba năm chịu hình phạt ở Địa Ngục, còn phải đầu thai làm các loại trâu, dê, chó, heo, để con người giết mổ, lột da ăn thịt. Cứ như thế tuần hoàn lặp đi lặp lại đã hơn năm mươi lần rồi. Trừ khi Thiên Địa lặp lại thời kỳ Hỗn Độn, hình phạt của bọn họ mới có thể được giải trừ, có thể thấy được tội nghiệt của họ cực lớn. Ngoài ra, ông còn nhìn thấy được các quan tướng Lương Ký, Đổng Trác, Lư Khởi (Lư Kỷ), Lý Lâm Phủ của các triều đại cũng đang chịu hình phạt, bởi vì bọn họ âm hiểm xảo trá, lừa trên khinh vua, mọt nước hại dân. Bọn họ sau ba năm chịu hình phạt, cũng phải biến thành súc vật.
Có thể thấy được, hậu quả của người làm điều ác không chỉ là chịu trừng phạt ở Địa Ngục, mà còn phải trong đời đời kiếp kiếp đầu thai chịu tra tấn. Vì thế, các chuyện xưa nói tích đức hành thiện, thiện ác hữu báo là không thể không tin!
Tài liệu tham khảo:
- “Động Linh tiểu chí”
- “Dụ thế minh ngôn”
Lý Tinh Thành biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: