Khi sống làm ăn mày, khi chết vì sao có thể thăng thiên?
Phật gia tin vào nhân quả báo ứng, người có đạo hiếu có thể được phúc báo thăng thiên. Thời triều Thanh có hai câu chuyện chính là ví dụ chứng minh.
Huyện lệnh làm Minh quan tiết lộ thiên cơ, người phụ nữ ăn mày chí hiếu được thăng thiên
Ái Tân Giác La – Miên Nghi, tự là Bội Khanh, là hậu duệ Hoàng thất triều Thanh. Ông đậu Tiến sĩ vào năm Hàm Phong. Năm Đồng Trị thứ 8 (1869) được điều nhiệm chức Binh Bộ Thị Lang ở Thịnh Kinh. Thịnh Kinh là thành phố Thẩm Dương ngày nay.
Khi ở Thịnh Kinh, Miên Nghi mời Văn Tuyết Môn làm thầy dạy cho các con của mình, khách và chủ sống chung với nhau thập phần hòa hợp. Lúc ấy có vị Huyện lệnh thường xuyên đến Thịnh Kinh làm việc, Miên Nghi kết giao thân thiết với ông ta, cũng rất coi trọng ông ta, bởi vậy mỗi lần ông ta đến đều muốn mời cơm.
Vị Huyện lệnh này còn kiêm nhiệm làm quan Âm Phủ, mỗi lần đến Âm Phủ làm việc, đều phải mặc y phục chỉnh tề, sau đó nằm lên giường, nhiều thì ba ngày đêm, ngắn thì cũng phải vài giờ mới trở về. Khi có người tò mò hỏi chuyện ở Âm Phủ, ông đều từ chối trả lời, chỉ nói “không thể tiết lộ”.
Một hôm, Huyện lệnh lại đến Thịnh Kinh, đang cùng mấy người Miên Nghi, Văn Tuyết Môn chuẩn bị dùng bữa trưa. Thế nhưng khi ông vừa mới giơ đũa, thì lập tức dừng lại, hơn nữa lập tức đứng dậy cáo từ, đồng thời lấy quan phục mặc vào đàng hoàng, sau đó tìm một gian phòng vào trong đó nằm xuống. Mọi người đều biết ông làm việc ở Âm Phủ, nên cũng không để ý lắm.
Qua hơn một giờ đồng hồ, Huyện lệnh từ trên giường ngồi dậy. Văn Tuyết Môn ngạc nhiên tốc độ làm việc lần này của ông ấy nhanh như vậy. Huyện lệnh nói: “Trước đây xử án, đều là việc bí mật không thể để dương gian biết được, nhưng lần này thì khác, là bởi vì có một vị nữ ăn mày cực kỳ hiếu thảo đã được thăng thiên, Âm Phủ rất tôn kính cô ấy, vì thế rất nhiều quan Âm Phủ đều đi đưa tiễn, tôi cũng ở trong số đó. Chuyện này rất có tác dụng giáo hóa và khuyến thiện đối với người đời, cho nên tôi mới nói cho các ông biết.”
Huyện lệnh nói cho mấy người Miên Nghi, Văn Tuyết Môn biết, người nữ ăn mày này lấy chồng năm 16 tuổi, nhưng chưa được một năm thì trượng phu qua đời, từ đó nàng thủ tiết phụng dưỡng mẹ chồng, rất là cung kính. Về sau trong nhà ngày càng nghèo túng, không thể không trở thành ăn mày, nhưng tấm lòng hiếu thảo của nàng không thay đổi, mấy chục năm cũng như một ngày hiếu kính mẹ chồng. Sau khi mẹ chồng qua đời, nàng nhờ vào khất thực để an táng mẹ chồng, ngày lễ ngày tết và ngày giỗ đều đến cúng mộ.
Văn Tuyết Môn liền hỏi: “Nàng ấy đã hiếu thuận như thế, vì sao thượng thiên không ban phúc cho nàng, mà mặc kệ để nàng nghèo khốn đến nông nổi trở thành ăn mày?” Huyện lệnh đáp rằng: “Nghèo khốn vốn là báo ứng của nàng ở kiếp này, nàng ấy nhất định phải trả, hiện giờ nhân quả xấu đã hoàn trả xong, thì thiện quả kết thành vậy, cho nên được thăng thiên. Nếu như mọi người không tin, có thể phái người đến dưới gốc liễu bên trong Nguyệt thành ở phía cửa nam, tìm thấy thi thể của nàng ấy.”
Huyện lệnh miêu tả kỹ càng y phục và vị trí của thi thể, Miên Nghi lập tức phái người đến cửa nam xem xét. Quả nhiên ở nơi đó tìm được một thi thể của một phụ nữ ăn mày, y phục, vị trí và những chuyện khi còn sống của người phụ nữ ăn mày này xác thực như lời của Huyện lệnh đã nói, càng thần kỳ hơn là thời điểm nàng qua đời vừa đúng vào lúc giữa trưa, cũng chính là thời điểm lúc Huyện lệnh ăn cơm trưa cáo từ rời bàn.
Chuyện này về sau Văn Tuyết Môn nói cho mọi người biết. Trong lịch sử Văn Tuyết Môn tuy không nổi tiếng, nhưng người em họ của ông là Văn Đình Thức về sau làm thầy dạy cho Trân phi của vua Quang Tự. Trong các bài thơ ca của Văn Đình Thức có một bài ghi là “Kinh sư ngộ Tuyết Môn đại huynh hòa tác”, “Tuyết Môn đại huynh” ở đây là chỉ Văn Tuyết Môn.
Dương Hiếu Tử ăn mày phụng dưỡng song thân được thăng thiên
Dương Hiếu Tử, là người thời triều Thanh quê ở thôn Vu Kiều, huyện Vũ Tiến, tỉnh Giang Tô, mọi người gọi là “Dương Hiếu Tử”, ngược lại ít người biết tên thực của ông. Nhà họ Dương rất nghèo túng, cha mẹ của ông quanh năm bị bệnh nằm trên giường, mỗi năm khám bệnh uống thuốc còn tốn không ít tiền. Bởi vì thực sự kiếm không ra tiền, Dương Hiếu Tử rơi vào đường cùng chỉ đành nhẫn nhịn khuất nhục, đi làm ăn mày.
Mỗi ngày, Dương Hiếu Tử đều đem đồ ăn xin được nhường cho cha mẹ ăn trước, chính mình lại ăn những gì cha mẹ ăn còn dư lại. Nếu như đồ ăn không đủ, thà rằng mình bị đói cũng để cha mẹ ăn no, hơn nữa mỗi lần dùng bữa, ông đều quỳ gối trước mặt cha mẹ, đem đồ ăn cung kính mà nâng đến trước mặt họ.
Vì để cha mẹ mắc bệnh lâu ngày nằm trên giường được vui vẻ về mặt tinh thần, Dương Hiếu Tử đã tự biên soạn rất nhiều bài hát dân gian, vừa hát vừa nhảy trước mặt cha mẹ, để cho cha mẹ vui vẻ cười to.
Như vậy qua hơn mười năm, người trong vùng đều bị hành vi hiếu thuận của Dương Hiếu Tử làm cho cảm động. Có một người phú hộ vì giúp đỡ ông, dự định muốn thuê ông làm người hầu ở trong nhà, nhưng Dương Hiếu Tử đã từ chối, ông nói: “Cha mẹ của tôi quanh năm bị bệnh, nằm triền miên trên giường, tôi mỗi ngày ngoài việc đi ăn xin, sẽ phải ở nhà để hầu hạ thuốc men, không thể rời xa một ngày. Tôi không có cách nào đến nhà ông để làm người ở được, chỉ có thể cảm tạ ý tốt của ông vậy.”
Sau lần đó ông vẫn giống như trước đây, ra ngoài ăn xin, có được chút tiền dư, thì mời thầy xem bệnh cho cha mẹ. Về sau cha mẹ của ông lần lượt qua đời, Dương Hiếu Tử đem số tiền ăn xin được đi mua hai bộ quan tài, lấy y phục của mình làm áo liệm, còn mình thà rằng ăn mặc đơn bạc, trong gió rét lạnh đến run lẩy bẩy, cũng không hề tiếc.
Sau khi chôn cất cha mẹ, ông ngủ lại bên cạnh mộ để giữ đạo hiếu, ngày đêm khóc thương. Không ngờ đến hơn một tháng sau, vì bi thương quá độ mà cuối cùng bị chết.
Sau khi Dương Hiếu Tử chết một ngày, trong thôn có một vị họ Từ tên là Đạo Chi, trong khi mắc bệnh bị sai dịch Âm phủ dẫn đến Âm Phủ. Ông nhìn thấy một vị quan Âm Phủ mặc áo bào tím hướng về Diêm Vương báo cáo rằng: “Dương Hiếu Tử đến rồi.” Diêm Vương lập tức đứng dậy nghênh đón. Từ Đạo Chi nhìn kỹ một chút, thì ra người mà Diêm Vương nghênh đón chính là Dương Hiếu Tử mới vừa qua đời.
Từ Đạo Chi nghe được Diêm Vương nói với Dương Hiếu Tử rằng: “Đã ngưỡng mộ hành vi hiếu thuận của ngươi từ lâu, người đại thiện giống ngươi như vậy, Địa Phủ chúng tôi không dám khinh thường. Hiện giờ Thiên Đế có truyền lệnh, triệu ngươi đi lên Thiên đường.” Vì dương thọ của Từ Đạo Chi chưa hết, nên nhanh chóng tỉnh lại. Sau khi Từ Đạo Chi tỉnh lại, mỗi lần gặp người khác, ông liền kể lại chuyện ở Âm Phủ tận mắt mình nhìn thấy Diêm Vương tuyên bố Dương Hiếu Tử được thăng thiên. Dưới sự truyền bá rộng khắp của ông, người trong vùng đều biết Dương Hiếu Tử sau khi chết đã được phúc báo thăng thiên.
Vậy có lẽ cũng là Trời cao mượn miệng của Từ Đạo Chi để nói cho thế nhân biết, làm việc hiếu đắc phúc báo. Cũng như nguyên do vị Huyện lệnh kiêm nhiệm làm quan Âm Phủ ở phần trên kia tiết lộ chân cơ, là vì “Chuyện này rất có tác dụng giáo hóa và khuyến thiện đối với người đời.” Đúng vậy, làm người không thể không hiếu thuận đối với cha mẹ, đối với các bậc trưởng bối!
Tư liệu tham khảo:
Lý Tịnh Thành biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ