Lợi ích sức khỏe tuyệt vời từ những cái ôm
Sự tiếp xúc trong xã hội không chỉ tạo ra những tình cảm ấm áp mà còn có thể giúp chúng ta khỏe mạnh
Đối với nhiều người, điều thiếu vắng nhất trong thời gian dài đại dịch là được ôm những người thân yêu. Thật vậy, chỉ đến khi không còn được ôm bạn bè và gia đình nữa, nhiều người mới nhận ra rằng việc tiếp xúc về mặt xúc giác này có tầm quan trọng như thế nào đối với khía cạnh sức khỏe – bao gồm cả sức khỏe tinh thần của chúng ta.
Lý do khiến những cái ôm mang lại cảm giác tốt như vậy liên quan đến xúc giác của chúng ta. Đây là một giác quan rất quan trọng, giúp chúng ta không chỉ là khám phá thế giới hữu hình xung quanh mà còn giao tiếp với những người khác bằng cách tạo dựng và duy trì các mối quan hệ xã hội.
Xúc giác bao gồm hai hệ thống riêng biệt. Đầu tiên là “cảm ứng nhanh”, là một hệ thống dây thần kinh cho phép chúng ta nhanh chóng phát hiện sự tiếp xúc – ví dụ: khi một con ruồi đậu vào mũi bạn hoặc bạn chạm vào vật gì đó nóng. Hệ thống thứ hai là “cảm ứng chậm”; đây là một nhóm các dây thần kinh được phát hiện gần đây, được gọi là c-xúc giác (c-tactile afferents) – tức là dây thần kinh cảm giác (cũng được gọi là dây hướng tâm); nó truyền ý nghĩa cảm xúc của những tiếp xúc qua xúc giác.
Những sợi thần kinh hướng tâm về căn bản là “dây thần kinh âu yếm” và thường được kích hoạt bởi một loại kích thích rất cụ thể: một cái chạm nhẹ nhàng, nhiệt độ bề mặt da, điển hình là một cái ôm hoặc vuốt ve. Những dây thần kinh cảm xúc c-xúc giác là tín hiệu đầu vào cho các dẫn truyền thần kinh trong việc phát ra những tín hiệu của các khía cạnh thoải mái và hài lòng với các tương tác xã hội như ôm và chạm.
Xúc giác là giác quan đầu tiên bắt đầu hoạt động từ khoảng tuần thứ 14 khi thai nhi còn nằm trong bụng mẹ. Khi được sinh ra, những âu yếm vỗ về nhẹ nhàng của người mẹ đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, chẳng hạn như làm chậm nhịp tim và thúc đẩy sự phát triển kết nối giữa các tế bào não.
Khi ai đó ôm chúng ta, sự kích thích của xúc giác C trên da của chúng ta sẽ gửi tín hiệu qua tủy sống truyền đến mạng lưới xử lý cảm xúc của não bộ. Điều này tạo ra một loạt các tín hiệu hóa thần kinh, đã được chứng minh là có lợi cho sức khỏe. Một số hóa chất thần kinh bao gồm oxytocin – là loại hormone đóng vai trò quan trọng trong liên kết xã hội, làm chậm nhịp tim, giảm mức độ căng thẳng và lo lắng. Sự tiết ra endorphin trong các con đường khen thưởng của não hỗ trợ cảm giác vui vẻ và hạnh phúc tức thời khi được ôm hoặc vuốt ve.

Những cái ôm có tác dụng xoa dịu và thư giãn đến mức nó cũng có lợi cho sức khỏe của chúng ta qua các cách khác nhau.
Giúp cải thiện giấc ngủ: Từ những lợi ích của việc ngủ chung cùng trẻ sơ sinh đến việc âu yếm bạn đời, những chăm sóc nhẹ nhàng giúp điều chỉnh giấc ngủ của chúng ta, vì nó làm giảm nồng độ của hormone cortisol. Cortisol chịu trách nhiệm chính trong việc điều chỉnh chu kỳ thức–ngủ, nhưng hormone này sẽ tăng cao khi chúng ta căng thẳng. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi mức độ căng thẳng cao có thể khiến bạn trằn trọc không ngủ và khiến bạn ngủ không ngon giấc hoặc mất ngủ.
Giảm độ phản ứng với căng thẳng: Ngoài những cảm giác nhẹ nhàng và dễ chịu tức thời do một cái ôm đem lại, sự tiếp xúc xã hội còn có những lợi ích lâu dài đối với sức khỏe, khiến chúng ta ít phản ứng với căng thẳng và tăng khả năng phục hồi.
Nuôi dưỡng tương tác xúc giác trong thời kỳ phát triển ban đầu giúp mật độ của các cơ quan tiếp nhận oxytocin trở nên dày đặc hơn và mức độ cortisol thấp hơn trong các vùng não quan trọng trong việc điều chỉnh cảm xúc. Trẻ sơ sinh nhận được nhiều tiếp xúc dịu dàng khi lớn lên sẽ ít phản ứng hơn với các tác nhân gây căng thẳng và thể hiện mức độ lo lắng thấp hơn.
Gia tăng sức khỏe và niềm vui: Trong suốt cuộc đời của chúng ta những tương tác xúc giác trong xã hội là sự gắn kết và giúp duy trì các mối quan hệ. Sự tiếp xúc như vậy sẽ tiết ra endorphin, có tác dụng giảm đau, và khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu. Đây là một phần lý do tại sao chúng ta thấy những cái ôm và chạm vào nhau như là phần thưởng. Tương tác xúc giác cung cấp “chất keo” gắn kết chúng ta lại với nhau, khiến sức khỏe thể chất và tinh thần mạnh hơn.
Và khi những âu yếm được thỏa mãn thì cả hai người trong cuộc đều được thụ hưởng lợi ích. Trên thực tế, ngay cả việc vuốt ve thú cưng cũng có thể đem lại lợi ích về sức khỏe và tinh thần – với mức độ oxytocin tăng lên ở cả thú cưng và chủ.
Giúp chống lại nhiễm trùng: Thông qua việc điều chỉnh các hormone – bao gồm oxytocin và cortisol – việc ôm và động chạm ngoài da cũng có thể gây tác động đến phản ứng miễn dịch của cơ thể. Trong khi mức độ căng thẳng và lo lắng cao có thể vô hiệu hóa khả năng đề kháng chống lại nhiễm trùng, thì các mối quan hệ nâng đỡ và sự gần gũi lại có lợi cho sức khỏe và hạnh phúc.
Nghiên cứu thậm chí còn cho thấy rằng việc âu yếm trên giường có thể tác dụng đề kháng các bệnh cảm vặt. Bằng cách theo dõi tần suất ôm trong hơn 400 người trưởng thành sau đó có tiếp xúc với các loại virus cảm lạnh thông thường, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng những người “hay ôm” có nguy cơ ít bị cảm lạnh hơn. Và ngay cả khi bị cảm thì những người này cũng có các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn.
Hãy ôm khi bạn muốn
Mặc dù việc chúng ta phải tiếp tục giữ an toàn cho bản thân nhưng điều quan trọng không kém là chúng ta cũng không vĩnh viễn từ bỏ những cái ôm. Sự cô lập xã hội và sự cô đơn được cho là nguyên nhân làm tăng nguy cơ tử vong sớm – và có lẽ nghiên cứu trong tương lai nên xem xét liệu rằng việc thiếu những cái ôm hay sự tiếp xúc xã hội có thể dẫn đến việc tử vong khi còn trẻ hay không. Tiếp xúc xúc giác là một bản năng có lợi cho sức khỏe tinh thần và thể chất – vì vậy chúng ta nên ăn mừng sự trở lại của nó.
Tất nhiên, không phải ai cũng khao khát ôm. Vì vậy, đối với những người không thích ôm, không có lý do gì để lo lắng về việc bỏ lỡ lợi ích của những cái ôm – vì việc ôm chính mình cũng đã được chứng minh là có thể điều chỉnh các quá trình cảm xúc và làm giảm căng thẳng.
Ông Francis McGlone là giáo sư khoa học thần kinh ở Đại học Liverpool John Moores tại Vương quốc Anh, và bà Susannah Walker là giảng viên cấp cao về khoa học tự nhiên và tâm lý học tại Đại học Liverpool John Moores.