Phim ‘After Death’: Có điều gì ở thế giới bên kia?
Bộ phim sống động này đưa ra góc nhìn khoa học về những gì xảy ra khi con người rời khỏi cõi tạm.
Xếp hạng PG-13 | Thời lượng 1 tiếng 43 phút | Phim tài liệu, Phim tài liệu dựa trên sự kiện có thật, Khoa học, Tâm linh | 2023
Nắm bắt thời điểm tiếng vang của bộ phim mùa hè thành công ngoài mong đợi “Sound of Freedom” (Âm thanh của tự do) vẫn còn đọng lại, Hãng phim Angel Studios đã tiếp tục ra mắt bộ phim “After Death” (Sau cửa tử), một bộ phim tài liệu đồ sộ và hấp dẫn tập trung vào hiện tượng trải nghiệm cận tử (NDE).
Có một thời gian, những người tuyên bố từng trải qua trải nghiệm cận tử bị cộng đồng khoa học cho là mất cân bằng về tinh thần hoặc cuồng tín, nhưng [lối nghĩ này] đã thay đổi rõ rệt theo thời gian. Được bốn nhà nghiên cứu độc lập thành lập vào năm 1978, Hiệp hội Nghiên cứu Cận tử Quốc tế (IANDS) bắt đầu tiếp cận khái niệm NDE từ góc độ khoa học và y tế.
https://youtu.be/HOSmGMHs7ps
Đây là lần đầu tiên Stephen Grey và Chris Radtke đạo diễn một bộ phim. Họ đã nối gót bộ phim “Sound of Freedom” bằng cách đi ngược lại xu hướng của những bộ phim truyền thống về đề tài đức tin. Thay vì nhấn mạnh vào Cơ Đốc Giáo, nhà làm phim đã sử dụng nó như một sợi dây liên kết [các nhân vật và sự kiện] lại với nhau.
Kinh Thánh
Điều này không có nghĩa là [chủ đề] tín ngưỡng bị gạt sang một bên. Các nhà làm phim giới thiệu những đoạn Kinh Thánh cho thấy trải nghiệm cận tử có lịch sử lâu đời từ xa xưa. Các đoạn trích của Thánh Paul trong Công Vụ Các Sứ Đồ 14:19-20 và Cô-rinh-tô 12:2-4 đưa ra ví dụ về những người đã qua đời từ lâu và sống lại vì những lý do không giải thích được. Quyển 10, Đoạn 614 trong cuốn “Cộng Hòa” (Republic) của Triết gia Plato cũng được trích dẫn với những tuyên bố tương tự.
Nhằm đạt được nghệ thuật kể chuyện “chân thực và toàn diện,” các nhà làm phim đã đưa vào những cảnh phim đầy tăm tối, điều mà một số người có thể cảm thấy là một bước đi mạo hiểm. Theo dữ liệu được trình bày, trong số những người đã trải qua hiện tượng NDE, có tới 23% mô tả mình đã “đến thăm Địa ngục.”
Trong một số cảnh tái hiện đầy kịch tính được xây dựng và thực hiện khéo léo (nhưng vẫn chừng mực) dựa trên lời kể của những người tham gia, những trải nghiệm này kinh hoàng đến mức khó mà tưởng tượng nổi.
Mặt khác, một số ít người được phỏng vấn mô tả trải nghiệm của họ là siêu việt và kiền tịnh. Tất cả họ đều tuyên bố đã nhìn thấy thân xác mất đi sự sống của mình từ trên cao trước khi bay lên bầu trời, và nhìn xuống những cảnh quan lộng lẫy và hùng tráng như ở thiên đường, trong khi hoàn toàn vượt thoát khỏi sợ hãi, nghi ngờ, đau đớn, hay lo âu.
Bạn phải quay lại
Tất cả họ đều được bảo rằng thời gian của họ trên trái đất chưa hết và họ sẽ phải quay trở lại. Cuộc hành trình của nạn nhân tai nạn xe hơi Don Piper vui vẻ và thức tỉnh đến mức ông đã thể hiện rõ các cung bậc phẫn uất, bởi vì ông đã được chỉ đường đến Miền Đất Hứa nhưng rồi lại phải trở về cuộc sống nơi trần thế.
Trong ví dụ đáng chú ý và khó bỏ qua nhất, bệnh nhân phẫu thuật não Pam Reynolds (thông qua video lưu trữ) mô tả việc cô nhìn thi hài của mình trên bàn mổ trong khi vẫn nhận ra tiếng nhạc đang phát trong phòng phẫu thuật và thấy các dụng cụ y tế chuyên dùng được nhân viên đang có mặt ở đó sử dụng.
Trước cuộc phẫu thuật, cô Reynolds (hiện đã qua đời) đã được gây mê và hạ nhiệt độ cơ thể xuống 50 độ F để tránh bị sốc trong quá trình phẫu thuật. Cô không thể nào nhớ lại bất kỳ chi tiết gì về ca phẫu thuật, vì lúc đó cô đã chết lâm sàng.
Từ góc độ kỹ thuật, bộ phim “After Death” đặc biệt ấn tượng. Những màn tái hiện đầy kịch tính, thường là “gót chân Achilles” trong bất kỳ bộ phim tài liệu nào, được kiểm soát khéo léo và khá thuyết phục. Đối với tôi, điều này một phần là do thay thế các đoạn đối thoại bằng lời dẫn chuyện và giữ chúng ở mức tối thiểu.
Những diễn giải trực quan về “thế giới bên kia” vô cùng sửng sốt. Thường gợi nhớ đến cảnh cuối cùng trong phim “2001: A Space Odyssey” (2001: Chuyến du hành không gian) của đạo diễn Stanley Kubrick, (hầu hết) những hình ảnh CGI này hoàn toàn khớp với những mô tả huyền ảo và phù du về sự sống ở thế giới bên kia của những người đã từng trải nghiệm. Dễ hiểu tại sao không ai trong số họ muốn quay trở về.
Khoa học thừa nhận
Xuất hiện nổi bật trong phim “After Death,” bác sĩ tim mạch Michael Sabom toát ra phong thái hoài nghi tích cực. Với giọng điệu thực tế và hoàn toàn không giả dối, vòng vo, hay cường điệu, Tiến sĩ Sabom ví quan điểm của ông về những sự kiện xảy ra ở thế giới bên kia giống như quan điểm của một vị công tố viên.
Chuyên môn của một nhà khoa học và một bác sĩ đã mách bảo ông rằng việc cố gắng chứng minh điều không thể chứng minh là trái với mọi hiểu biết của ông. Tuy vậy, sau hàng thập niên tiếp xúc với hàng chục trường hợp không liên quan đến nhau nhưng có quá nhiều chi tiết trùng khớp, ông đã thay đổi quan điểm. Ở phần sau của phim, Tiến sĩ Sabom đưa ra phân tích sắc sảo về khác biệt giữa từ “bằng chứng không thể chối cãi” (proof) và “bằng chứng có thể bị bác bỏ hoặc giải thích theo nhiều cách khác nhau” (evidence), và cách mà bằng chứng loại sau áp dụng cho niềm tin vào hiện tượng NDE.
Cùng chia sẻ quan điểm với Tiến sĩ Sabom là các học giả đáng kính, Tiến sĩ Raymond Moody và Tiến sĩ Jeffrey Long, cả hai đều tỏ ra thận trọng với những khía cạnh phi khoa học, đa phần không thể chứng minh được của các hiện tượng cận tử. Ở một mức độ nhất định, tất cả họ bắt đầu tìm hiểu những khía cạnh phi logic của sự sống ở thế giới bên kia nhưng đều không thể làm được.
Họ từng là những người không có đức tin (nhưng nay đã thay đổi); họ là những nhà khoa học giải quyết vấn đề theo lối nghĩ trắng đen rạch ròi. Đối với họ và những người khác, việc thừa nhận và cuối cùng là tán thành khả năng có sự sống sau cái chết là bằng chứng mạnh mẽ để bất kỳ ai, hết thảy những người không tin vào việc này, phải xem xét lại quan điểm trước đây (vốn dĩ đã không chắc chắn) của họ.
Phim “After Death” đã khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 27/10/2023.
‘After Death’
Phim tài liệu
Đạo diễn: Stephen Gray, Chris Radtke
Thời lượng: 1 giờ 43 phút
Xếp hạng của MPAA: PG13
Ngày phát hành: 27/10/2023
Xếp hạng: 4/5
Lê Đào biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times