5 bộ phim hay nhất về Cuộc Nội chiến Hoa Kỳ
Tôn vinh những người đã ngã xuống nhân kỷ niệm 160 năm Trận chiến Gettysburg
Trong danh sách có thể xem là cuối cùng của tôi về 5 bộ phim chiến tranh hay nhất, tôi đã nhận một nhiệm vụ khó khăn là cắt giảm hơn hai chục bộ phim điện ảnh thực sự xuất sắc xuống còn năm bộ. Nếu đây là 5 cuộc chiến cuối cùng hàng đầu của tôi, thì tôi rất vui và tự hào khi được tham chiến với thành tích lẫy lừng như vậy.
Kể từ khi đến thăm Chiến trường Gettysburg hồi còn là một cậu bé, tôi đã ghé thăm 16 chiến trường khác ở Maryland, Virginia, Carolinas, Tennessee, Georgia, và Florida hơn ba thập niên qua. Đó là điều mà người Mỹ nào cũng nên làm ít nhất một lần trong đời.
Ngược lại với những danh sách trước đó, tên các bộ phim trong bài viết này sẽ được trình bày theo thứ tự bảng chữ cái vì tôi tin rằng, mỗi bộ phim đều có thể được đặt ở vị trí đầu tiên, tùy thuộc hoàn toàn vào nội dung mà người xem muốn tìm kiếm là gì.
Bộ phim ‘Cold Mountain’ (Núi Lạnh) (2003)
Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên từng đạt giải thưởng của tác giả Charles Frazier, bộ phim sử thi nhưng gần gũi của nhà làm phim Anthony Mingella tập trung vào số phận của một người lính đơn độc thuộc Liên minh miền Nam (tài tử Jude Law trong vai W.P. Inman), và người phụ nữ (minh tinh Nicole Kidman trong vai Ada Monroe) son sắt chờ đợi anh trở về quê nhà ở North Carolina.
Cùng dàn diễn viên phụ trong mơ gồm: nữ diễn viên Kathy Baker, nam diễn viên Donald Sutherland, nam diễn viên Brendan Gleeson, nam diễn viên Jack White, nam diễn viên Ray Winstone, nữ diễn viên Natalie Portman, nam diễn viên Philip Seymour Hoffman, nữ diễn viên Jena Malone, và nữ diễn viên từng đạt giải Oscar Renee Zellweger, bộ phim “Núi Lạnh” mở đầu bằng [phân cảnh] tái hiện chi tiết và xung đột dữ dội của “Trận chiến Miệng Núi lửa” trong cuộc vây hãm thành phố Petersburg, một trong những sai lầm ngớ ngẩn vô tình dẫn đến thất bại lớn nhất trong lịch sử chiến tranh.
Bộ phim ‘Gettysburg’ (1993)
Với thời lượng 254 phút (4 tiếng 14 phút), bộ phim “Gettysburg” của nhà biên kịch kiêm đạo diễn Robert F. Maxwell (phỏng theo cuốn tiểu thuyết đạt giải Pulitzer của tác giả Michael Shaara, “The Killer Angels” (Những Thiên Thần Sát Thủ)) là một trong những bộ phim chiếu rạp dài nhất từng được phát hành trong lịch sử Hoa Kỳ. Thậm chí có đến hơn 30 vai diễn thuyết chính, nhưng công bằng mà nói, phần đáng chú ý nhất là ở cốt truyện phụ về nhân vật chính Đại tá Liên minh Joshua Lawrence Chamberlain do nam diễn viên Jeff Daniels thủ vai.
Tuy kế hoạch ban đầu “Gettysburg” sẽ là bộ phim truyền hình ngắn trên truyền hình cáp TNT, nhưng cuối cùng bộ phim này lại được phát hành dưới dạng phim truyện của hãng New Line Studios, một sự lựa chọn đầy tính may rủi mà nhà sản xuất Ted Turner, chủ sở hữu của cả hai công ty này vào thời điểm đó thực hiện.
Điều duy nhất mà tôi kêu ca về bộ phim là nó thiếu cốt truyện về nhân vật Chamberlain. Đang là giáo sư tại Đại học Bowdoin trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, ông Chamberlain được cấp trên yêu cầu không xin làm tình nguyện viên, vì vậy ông đã xin một chuyến công tác nghiên cứu ở châu Âu trong hai năm và được chấp thuận. Thế nhưng, thay vì ra ngoại quốc, ông Chamberlain đã gia nhập Lục quân và nhiều người công nhận rằng, sự lãnh đạo của ông trong Trận Little Round Top là sự kiện duy nhất cuối cùng đã cứu được Liên minh.
Bộ phim ‘Glory’ (Vinh Quang) (1989)
Bộ phim “Glory” (Vinh Quang) do nhà biên kịch Kevin Jarre chắp bút và nhà làm phim Edward Zwick đạo diễn. “Glory” kể lại câu chuyện về Trung đoàn Massachusetts 54, một trong những trung đoàn bộ binh đầu tiên gồm toàn những người Mỹ gốc Phi Châu, dưới sự chỉ huy của Đại tá Robert Gould Shaw (do tài tử Matthew Broderick thủ vai), con trai của một quý tộc trí thức người da trắng ở vùng New England.
Tài tử Denzel Washington đã mang về cho mình giải Oscar đầu tiên với vai diễn Trip, một nô lệ trốn thoát phục vụ dưới trướng của Đại úy Shaw, và chính mối quan hệ thường gây tranh cãi của họ đã dẫn dắt câu chuyện. Cùng mang đến những màn trình diễn xuất sắc cho các vai phụ là nam diễn viên Morgan Freeman, nam diễn viên Andre Braugher, nam diễn viên Cary Elwes, và nam diễn viên Cliff DeYoung trong vai một sĩ quan Liên minh khó ưa đến từ Kansas.
Phân cảnh cuối cùng của bộ phim mô tả Trận chiến Thứ Hai ở Pháo đài Wagner, South Carolina, vào ngày 18/07/1863, là một trong những cảnh chiến tranh chi tiết, truyền cảm hứng, và đau lòng nhất từng được đưa lên màn ảnh.
Bộ phim ‘Gone With the Wind’ (Cuốn Theo Chiều Gió) (1939)
Nếu điều chỉnh theo lạm phát, thì “Gone with the Wind” (Cuốn Theo Chiều Gió) là bộ phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử. Với hơn 200 triệu vé được bán ra, bộ phim này có nhiều người xem ở rạp hơn bất kỳ bộ phim nào khác. Phỏng theo cuốn tiểu thuyết đạt giải Pulitzer năm 1937 của nữ tác giả Margaret Mitchell, “Cuốn Theo Chiều Gió” do ông Victor Fleming đạo diễn (thay cho đạo diễn George Cukor sau khi ông rời khỏi vị trí này), và được nhà biên kịch Sidney Howard chuyển thể lên màn ảnh.
Tài tử Clark Gable vào vai nhân vật Rhett Butler, một người đàn ông đến từ South Carolina hay hoài nghi và có phần tự chán ghét bản thân, trái ngược với nữ minh tinh Vivien Leigh trong vai nàng Scarlet O’Hara kiêu kỳ tự phụ ở miền Nam Atlanta. Cô yêu (mà thực ra là bị ám ảnh bởi) Ashley Wilkes (do tài tử Leslie Howard thủ vai), một người đàn ông nhã nhặn nhưng ủy mị về tư tưởng, tuy nhiên, Ashley Wilkes lại say đắm chị họ của cô là Melanie (do nữ minh tinh Olivia de Havilland thủ vai).
Không hẳn là một bộ phim chiến tranh mà là một bộ phim tình cảm vào thời đó, với cuộc chiến tranh tô điểm, “Cuốn Theo Chiều Gió” truyền tải chút gì đó cho mọi người và thành công một cách đáng ngưỡng mộ khi là bộ phim phản ánh chính xác lối tư duy của giới thượng lưu ở miền Nam Hoa Kỳ vào thời điểm dựng phim.
“Cuốn Theo Chiều Gió” được đề cử 13 giải Oscar, thắng 8 giải (trong đó có giải Bộ phim màu đầu tiên đạt giải Phim hay nhất), và đáng chú ý là diễn xuất của nữ diễn viên Hattie McDaniel, bà đã trở thành người Mỹ gốc Phi Châu đầu tiên nhận giải Oscar (cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất).
Bộ phim ‘Lincoln’ (2012)
Tài tử Daniel Day-Lewis đã lập kỷ lục khi đạt giải Oscar Nam diễn viên Chính Xuất sắc nhất lần thứ ba [trong sự nghiệp] với vai diễn cùng tên bộ phim, một người đàn ông mà hầu hết mọi người vẫn xem là vị tổng thống vĩ đại nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Do ông Steven Spielberg làm đạo diễn và ông Tony Kushner biên kịch, bộ phim ‘Lincoln’ chuyển thể từ cuốn sách đạt giải Pulitzer năm 2005, “Team of Rivals” (Nhóm Đối Thủ) của sử gia Doris Kearns Goodwin.
Với những ai đang tìm kiếm một bộ phim tiểu sử về toàn bộ cuộc đời của cố Tổng thống Lincoln (như tiêu đề phần nào đã gợi ý), thì hẳn họ sẽ thấy thất vọng. [Bởi vì] bộ phim của đạo diễn Spielberg chỉ tập trung vào hai năm cuối đời của tổng thống Lincoln, khi ông phải đối diện với các vấn đề trong gia đình, xung đột với các thành viên nội các, và làm việc không mệt mỏi để chấm dứt chiến tranh.
Mặc dù nữ minh tinh Sally Field (trong vai Đệ nhất Phu nhân Mary Lincoln) và nam diễn viên Tommy Lee Jones (trong vai Nghị sĩ Thaddeus Stevens) đều nhận được các đề cử Oscar hoàn toàn xứng đáng cho vai diễn của họ, nhưng diễn xuất của tài tử Day-Lewis mới là điều quyết định sự thành công của cả bộ phim.
Trong vai diễn mà tài tử Liam Neeson từng được đề nghị đầu tiên nhưng sau đó từ chối, diễn viên Day-Lewis đã gói gọn trái tim và tâm hồn của ngài Lincoln, và vĩnh viễn xua tan quan niệm cho rằng ông là người nhân nhượng về mặt chính trị và thiếu quyết đoán. Ngài Lincoln xem việc phê chuẩn hay bác bỏ Tu chính án thứ 13 là thời điểm quyết định vị thế của ông trong lịch sử, và canh bạc này đã chứng tỏ sự thành công vượt mong đợi của ông hoặc của bất kỳ ai khác.
GIẢI THƯỞNG DANH DỰ:
Bộ phim tài liệu truyền hình ‘The Civil War’ (Cuộc Nội Chiến) (1990)
Chỉ đứng sau bộ phim “Baseball” (Bóng Chày) năm 1994 của mình, kiệt tác “Cuộc Nội Chiến” kéo dài hơn 11 giờ của đạo diễn Ken Burns là chương trình hay loạt phim được xem nhiều nhất trong lịch sử Mạng truyền thông công cộng PBS. Đan xen giữa các bức ảnh tĩnh và tranh vẽ về thời kỳ lịch sử đó là lời bình luận của những giọng nói nổi tiếng hàng đầu, với dàn diễn viên lồng tiếng toàn minh tinh, và chất giọng tường thuật thiên phú của tác giả từng đạt giải Pulitzer David McCullough, bộ phim “Cuộc Nội Chiến” vĩnh viễn đặt ra tiêu chuẩn cho mọi bộ phim tài liệu truyền hình phỏng theo bước chân của mình.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times