Philadelphia: Cuộc mít tinh bên ngoài Hội nghị Ghép tạng Hoa Kỳ kêu gọi chấm dứt nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc
Những người tham gia yêu cầu có các chính sách quốc tế cứng rắn hơn, nhận thức rộng lớn hơn, và hành động được phối hợp để chấm dứt các cuộc áp bức nhân quyền này.
PHILADELPHIA—Hôm 02/06, một cuộc mít tinh đã được tổ chức bên ngoài Hội nghị Ghép tạng Hoa Kỳ (ATC) năm 2024 ở Philadelphia, kêu gọi chấm dứt nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Cuộc mít tinh có sự góp mặt của những đại diện từ tổ chức Các bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH), các quan chức dân cử, các học giả, và các học viên Pháp Luân Đại Pháp tại địa phương, đóng vai trò như một lời nhắc nhở mạnh mẽ về cuộc tranh đấu đang diễn ra chống lại nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc.
Những người tham gia yêu cầu có các chính sách quốc tế cứng rắn hơn, nhận thức rộng lớn hơn, và hành động được phối hợp để chấm dứt các cuộc áp bức nhân quyền này. Những diễn giả khác nhau tại cuộc tập hợp nhấn mạnh việc cần thiết phải tiếp tục vận động và giáo dục để bảo đảm những hành vi tàn bạo như vậy sẽ phải chấm dứt.
DAFOH đã đề nghị được tham gia ATC, nhưng bị từ chối. Theo Phó Giám đốc DAFOH Weldon Gilcrease, lời lẽ được đưa ra để từ chối là cuộc họp đó sẽ “đi theo một hướng khác.”
Các nhà lãnh đạo chính trị yêu cầu hành động
Dân biểu tiểu bang Deleware Mike Ramone, lãnh đạo khối thiểu số tại Hạ viện và là ứng cử viên tranh cử chức thống đốc, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho cuộc tập hợp này. “Điều cấp bách là chúng ta phải thu hút sự chú ý đến những hành động tàn ác này,” ông Ramone nói với The Epoch Times. “Chúng ta không thể làm ngơ trong khi những hành vi vi phạm nhân quyền trắng trợn như vậy vẫn tiếp diễn.”
Ông Ramone đã khởi xướng Nghị quyết HCR 112 tại Hạ viện Delaware, trong đó lên án hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc, nói rõ rằng: “Đây không phải là một chủ đề chính trị. Đây là chủ đề về sát nhân … Khi những điều khủng khiếp đang diễn ra trên thế giới của chúng ta, thì chúng ta phải sử dụng sức mạnh và nguồn lực mà chúng ta có để truyền đạt và hành động chống lại những hành động tàn bạo đó.”
Ông cũng bình luận về việc DAFOH không được tham gia ATC, nói rằng: “Tôi không hiểu đầy đủ về lý do tại sao họ lại bị loại như thể họ không có liên quan. [ATC] đang cố gắng bao biện. Chúng ta không đưa ra lời bao biện nào trên đất nước của chúng ta; mà chúng ta hành động.” Ông Ramone tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực lên Trung Quốc, đồng thời nói rõ: “Chúng ta cần phải ngăn chặn hành vi và hoạt động này ở đất nước họ. Chúng ta làm điều đó ở khắp mọi nơi. Chúng ta được xem là ngọn hải đăng của lòng nhân đạo; đây là cơ hội để chúng ta tỏa sáng.”
Ông Aaron Bashir, một ứng cử viên tranh cử vào Quốc hội Hoa Kỳ đại diện cho địa hạt số 2 của Pennsylvania, nhấn mạnh sự cần thiết phải có các dự luật lập pháp để chống lại nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Ông nói: “Chúng ta cần bảo đảm rằng luật pháp của chúng ta phản ánh các giá trị của chúng ta và rằng chúng ta có lập trường vững chắc chống lại những hành động tàn bạo như vậy.”
Ông Bashir kêu gọi sự ủng hộ của lưỡng đảng để thông qua các đạo luật ngăn chặn sự đồng lõa trong những hoạt động này và bảo vệ nhân quyền trên toàn cầu. Ông tuyên bố mạnh mẽ rằng: “Chúng ta phát ngán và mệt mỏi với nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức này; việc này phải được ngăn chặn.” Ông cũng kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ ngừng mọi nguồn tài trợ cho các tổ chức liên quan đến các hoạt động độc ác này.
Nhấn mạnh sự cần thiết phải có hành vi đạo đức trong cộng đồng y tế, ông Bashir cho rằng “cộng đồng y tế nên tẩy chay hoàn toàn tất cả những ai từ Trung Quốc đến và khi quay trở về thì bị chính quyền ép phải tham gia vào những hoạt động này.”
Ông lên án việc DAFOH bị loại khỏi hội nghị này, cho rằng hành động đó là “đáng hổ thẹn” và là một sự phủ nhận quyền tự do ngôn luận. Ông Bashir kêu gọi trách nhiệm giải trình trên toàn cầu, nói rằng: “Cộng đồng quốc tế phải buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc chịu trách nhiệm, bởi vì chế độ này đã sát hại nhiều người, đã bức hại nhiều người, và nhiều người hơn nữa cần phải lên tiếng về tình trạng này.”
Các quan điểm học thuật và y tế
Ông Mark Thomas, giáo sư và là trưởng khoa khoa học chính trị tại Đại học La Salle, đã ví nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức này với những tội ác trong lịch sử. “Tôi xem những gì chính quyền Trung Quốc đang làm với các tù nhân chính trị và Pháp Luân Công, những tín đồ Cơ Đốc Giáo, và người Duy Ngô Nhĩ cũng giống như những gì ông Josef Mengele đã làm với những người Do Thái trong cuộc diệt chủng Holocaust,” Tiến sĩ Thomas nhận xét.
Ông nhấn mạnh tính chất vô đạo đức của những hoạt động này, lưu ý rằng: “Loại hoạt động này làm xói mòn những nguyên tắc cơ bản của lời thề Hippocrates dành cho bác sĩ là không làm hại ai.” Tiến sĩ Thomas giải thích thêm về việc cần phải có các lệnh trừng phạt quốc tế, nói rằng, “Chúng ta cần phải yêu cầu mỗi từng quốc gia trừng phạt Trung Quốc vì một hành vi vi phạm nhân quyền cơ bản như thế này.”
Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của địa điểm mít tinh: “Chúng tôi đang đứng trước một hội nghị y tế. Hy vọng rằng chúng ta sẽ bắt gặp một vài bác sĩ, y tá, chuyên gia y tế, có thể là một số công ty làm việc với người Trung Quốc và nói, ‘Này, hãy nhìn lại thật kỹ những gì quý vị đang làm.’”
Bác sĩ Thomas kêu gọi cộng đồng y tế ngừng hợp tác với chính quyền Trung Quốc, nói rằng: “Chúng tôi thực sự cần phải yêu cầu chính phủ của chúng tôi ngay tại Hoa Kỳ này thông qua một số đạo luật … Chúng ta cần thực sự thúc giục các chuyên gia này sử dụng ảnh hưởng của họ với Quốc hội và Thượng viện để chấm dứt hoạt động này.”
Ông Dana Churchill, bác sĩ chuyên về liệu pháp tự nhiên (N.M.D.), một đại diện của DAFOH ở Bờ Tây Hoa Kỳ, đã trình bày một cách nồng nhiệt về trách nhiệm đạo đức của cộng đồng y tế. “Bác sĩ phải duy trì các tiêu chuẩn đạo đức cao nhất và lên tiếng chống lại những tội ác này.” Ông cũng nhấn mạnh những nỗ lực lập pháp gần đây, nói rằng: “Ngay lúc này, chúng ta có một nghị quyết tại Quốc hội. Tôi nghĩ rằng Chủ tịch Johnson đã nói ông ấy sẽ sớm đưa ra một cuộc bỏ phiếu, và đặc biệt đề cập đến Pháp Luân Công. Vì vậy, sợi dây thòng lọng quanh chính quyền Trung Quốc đang càng ngày càng siết chặt, siết chặt, siết chặt hơn. Và chúng ta sẽ có thể buộc họ sớm dừng lại và đưa họ ra trước công lý.”
Bác sĩ Churchill nhấn mạnh sự cần thiết phải có nhận thức và hành động trực tiếp, nói rằng: “Chúng ta muốn cung cấp thông tin cho những bác sĩ phẫu thuật kia ở nơi đó vốn không thực sự biết chuyện gì đang xảy ra.” Ông cũng đề cập đến tầm quan trọng của hợp tác quốc tế, đề xướng rằng, “Các giải pháp, các tuyên bố, và những dự luật ngăn chặn công dân đến Trung Quốc để nhận nội tạng là những bước cần thiết.”
Ông còn chỉ trích thêm việc hội nghị này từ chối đơn tham gia của họ, trong đó tuyên bố rằng “hiện tại họ đang cố gắng đi theo một hướng khác.” Bác sĩ Churchill nghi ngờ nguyên nhân thực sự có thể là lời đe dọa tẩy chay từ chính quyền Trung Quốc. “Tôi biết nhiều công ty Trung Quốc ở đó với số lượng gian hàng của họ … Đó thường là những gì họ làm, họ đe dọa, họ đe dọa mọi người,” ông nói.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục cộng đồng y tế, “Chúng tôi có một cuốn sách nhỏ dài 68 trang trình bày chi tiết từ khi bắt đầu nạn thu hoạch nội tạng vào năm 2001 cho đến nay, và ngày hôm nay chúng tôi đã phát ra rất nhiều cuốn sách nhỏ đó.”
Các nhà hoạt động và nhà tổ chức lên tiếng
Ông Alejandro Centurion, bác sĩ y khoa, Phó Giám đốc Y tế tại DAFOH, đã đưa ra kiến giải về vai trò của cộng đồng y tế trong việc giải quyết vấn đề này. Bác sĩ Centurion cho biết: “Chúng tôi có nhiệm vụ phải bảo đảm rằng việc hành nghề y tế phải tuân thủ các chuẩn mực đạo đức và không góp phần vi phạm nhân quyền.”
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của đạo đức y khoa, nêu rõ: “Các bác sĩ trên khắp thế giới phải hiệp lực để duy trì các tiêu chuẩn đạo đức và từ chối tham gia vào các hoạt động vi phạm nhân quyền.” Ông cũng kêu gọi cộng đồng y tế từ chối hợp tác với các hoạt động vô đạo đức, nói rằng: “Điều cần thiết là chúng ta không nhắm mắt làm ngơ trước những hành động tàn bạo này và chúng ta buộc những người phụ trách phải chịu trách nhiệm.”
Bác sĩ Centurion nhấn mạnh tính cấp bách của việc giải quyết vấn đề thu hoạch nội tạng cưỡng bức và kêu gọi hợp tác quốc tế để chấm dứt những hành vi này. “Tội ác thu hoạch nội tạng cưỡng bức đã và đang diễn ra ở Trung Quốc trong hơn 20 năm qua. Và thật vô lương tâm khi cộng đồng thế giới, cộng đồng y tế, không làm đủ để chấm dứt những tội ác này,” ông nói.
“Bằng chứng là không thể phủ nhận những gì đang xảy ra ở Trung Quốc và bằng chứng rằng những tội ác này vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay. Hồi năm 2015, hoạt động này đã không dừng lại, như chính quyền Trung Quốc muốn thế giới tin là thế. Điều này hoàn toàn không đúng,” Bác sĩ Centurion nói thêm.
Ông Alex Luchansky, người tổ chức cuộc mít tinh và là một đại diện của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp vùng Greater Philadelphia, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc vận động cấp cơ sở. Ông Luchansky lưu ý rằng, “Các hành động ở địa phương và trên toàn cầu đều rất quan trọng trong cuộc chiến chống lại nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức.” Ông giải thích tầm quan trọng mang tính cá nhân của vấn đề này, nói rằng: “Tôi là cháu trai của một người sống sót sau thảm họa Holocaust … nếu không nâng cao nhận thức thì chúng ta không thể ngăn chặn những tội ác phản nhân loại này.”
Ông Luchansky kêu gọi cộng đồng quốc tế học hỏi từ các quốc gia như Israel và Đài Loan, những nước đã cấm du lịch cấy ghép nội tạng, và thực hiện các biện pháp tương tự trên toàn cầu.
Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc mít tinh trong việc giáo dục các chuyên gia y tế, nói rằng: “Chúng tôi muốn cho mọi người biết vì một khi họ biết, trái tim họ sẽ mách bảo họ phải làm gì.” Ông Luchansky cổ vũ các bác sĩ Trung Quốc ghi nhớ bổn phận đạo đức của họ, kêu gọi họ “không tham gia hay giúp đỡ, không tuân lệnh chế độ này.” Ông kêu gọi hợp tác quốc tế lớn hơn, nói rõ rằng: “Cộng đồng quốc tế cần hiệp lực, chia sẻ những dữ kiện và bằng chứng quan trọng, đồng thời tách rời khỏi chính quyền diệt chủng này.”
Nhận thức và tác động của công chúng
Ông Larry Daigle, một tài xế xe tải gắn biển quảng cáo di động đến từ York, Pennsylvania, là một trong những người qua đường nhận thấy cuộc mít tinh mở rộng tầm mắt của ông. “Tôi đang nhận được rất nhiều thông tin mà tôi chưa từng biết là có tồn tại,” ông Daigle nói. “Tôi được cung cấp thông tin để đọc lúc rảnh rỗi, và tôi thực sự đang mong muốn tìm hiểu thêm về những gì đang diễn ra trên thế giới.”
Ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc giáo dục rộng rãi, nói rằng: “Kiểu chương trình thế này cần được tiếp cận với tất cả mọi người, không chỉ ở đây. Nó cần phải để những thế hệ trẻ hơn học hỏi. Chúng ta không thể giấu điều này vì đây là hiện thực thế giới.”
Ông Daigle vô cùng xúc động trước những thông tin được trình bày, ông nói: “Con người không nên bị sử dụng vào mục đích mà họ đang bị sử dụng [để cấy ghép nội tạng] … Chúng ta cần hòa bình, nhưng chúng ta phải bắt đầu từ đâu đó.”
Ông đánh giá cao tầm quan trọng của cuộc mít tinh này, nói rằng: “Trên thang điểm từ một đến mười, tôi sẽ cho điểm mười. Càng có nhiều kiến thức và càng có nhiều bác sĩ thế này có thể cung cấp thông tin cho mọi người, thì mọi người sẽ càng nhận được lợi ích.”
Bác sĩ Centurion cũng nhận xét về hiệu quả của cuộc mít tính trong việc nâng cao nhận thức. Ông lưu ý rằng nhiều bác sĩ, trong đó có một số người đến từ Trung Quốc, đã ghé qua để hỏi thông tin, đồng thời nhấn mạnh rằng nhiều chuyên gia y tế đã không hề biết về tội ác thu hoạch nội tạng cưỡng bức này. “Đó là một trong những lý do khiến chúng tôi rất lo ngại,” ông cho biết, đồng thời giải thích rằng việc các bác sĩ thiếu hiểu biết là điều đáng báo động.
Ông chia sẻ về trường hợp một bác sĩ Trung Quốc không chỉ lấy thông tin mà còn ký đơn thỉnh nguyện, một hành động có thể khiến tính mạng của ông gặp nguy hiểm nếu bị chính quyền Trung Quốc phát hiện. Bác sĩ Centurion cảm thấy tự hào về lòng dũng cảm của vị bác sĩ này và tin rằng những hành động như vậy có thể giúp lan truyền nhận thức ở Trung Quốc. Ông khuyến khích mọi người nâng cao nhận thức bằng cách nói chuyện với đồng nghiệp, bằng hữu, gia đình, và các quan chức chính phủ để giúp phơi bày và chống lại tội ác này.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times