Cuộc mít-tinh phản đối thu hoạch nội tạng được tổ chức trước chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường
Luật sư nhân quyền quốc tế David Matas sẽ nêu bật hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức tàn bạo của chính quyền Trung Quốc.
Ông David Matas, một luật sư nhân quyền quốc tế, sẽ trình bày trên bãi cỏ của Tòa nhà Nghị viện ở Canberra vào tuần tới, nhằm kêu gọi chính phủ Úc tiếp tục phơi bày hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Vào ngày 04/06 tới, nhân dịp tưởng niệm vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn, những người tham dự mít-tinh sẽ kêu gọi các nghị viên Úc công khai yêu cầu chấm dứt cuộc đàn áp kéo dài 25 năm đối với nhóm đức tin Pháp Luân Công (hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp).
Những người tham dự cũng sẽ kêu gọi trả tự do cho tất cả thân nhân của các cư dân Úc bị chế độ ĐCSTQ tàn bạo này giam giữ.
Cuộc mít-tinh này sẽ diễn ra hai tuần trước chuyến thăm Úc của Thủ tướng ĐCSTQ Lý Cường. Ông Lý Cường dự kiến sẽ tổ chức các cuộc đàm phán chính trị và kinh doanh tại Sydney, Canberra, và Perth.
Úc cam kết bảo vệ nhân quyền và là một trong những quốc gia đầu tiên ký Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền năm 1948. Úc cũng có mặt trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Thế nhưng, ông Matas, người làm việc trên khắp thế giới nhằm nâng cao nhận thức về hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc, nói rằng các luật chỉ mang tính chất “làm cảnh” là không đủ để ngăn chặn ĐCSTQ sát hại các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác để lấy nội tạng.
Luật sư gốc Canada này đã xuất bản một số báo cáo về hoạt động có hệ thống này kể từ năm 2006 với cố nghị viên Canada David Kilgour (pdf).
Trong báo cáo mới nhất năm 2016, hai ông đã kết luận rằng ĐCSTQ đang thực hiện tới 100,000 ca cấy ghép mỗi năm, trái ngược với con số 10,000 chính thức của ĐCSTQ.
Ông John Deller, một ủy viên của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Úc, cho rằng Úc nên đưa thêm hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức vào đợt xem xét hiện nay về Đạo luật Nô lệ Hiện đại.
“Hầu hết mọi người nghĩ rằng thu hoạch nội tạng là nói đến việc ghép tạng một cách cưỡng ép và lạm dụng. Luật buôn người vẫn chưa can thiệp vào hình thức xảo quyệt hơn mà chế độ cộng sản Trung Quốc đã áp dụng thành thạo đối với các học viên Pháp Luân Công,” ông nói với The Epoch Times.
“Người Úc nên lo ngại trước ảnh hưởng của Trung Quốc cộng sản. Nếu không kiểm soát, thì việc không hành động có thể làm hỏng các giá trị của chúng ta khi coi trọng lợi ích vật chất hơn là sự thiêng liêng của nhân mạng.”
Trước đó, ông Matas đã viết trên tờ The Epoch Times, tiết lộ động cơ đằng sau việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức của ĐCSTQ, nói rằng đây là một “mỏ vàng” để tài trợ cho lĩnh vực công của Trung Quốc.
Ông nói: “Hệ thống bệnh viện nhanh chóng nhận ra rằng số lượng học viên Pháp Luân Công bị bôi nhọ thanh danh và bị giam giữ một cách tùy tiện, vô thời hạn nhiều đến mức việc bán nội tạng của họ có thể trở thành một ngành kinh doanh sinh lời trên toàn cầu.”
“Đối với hệ thống y tế, quá trình công nghiệp hóa việc bán nội tạng đã trở thành một cơn nghiện. Để giữ cho guồng máy này hoạt động thì lúc nào cũng cần có nguồn nội tạng tươi mới.”
“Việc sát hại các học viên Pháp Luân Công để lấy nội tạng trở nên tràn lan, và các biện pháp đàn áp Pháp Luân Công trở nên rất hiệu quả. Với việc giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, nội tạng của người Duy Ngô Nhĩ cũng trở thành nguồn cấy ghép.”
Bà Triệu Ngọc Linh (Lucy Zhao), chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Úc, hy vọng chính phủ Úc sẽ không chỉ tập trung vào việc “bình thường hóa quan hệ” với Bắc Kinh mà bỏ qua sự áp bức nhân quyền.
Bà hy vọng chính phủ Úc sẽ gửi một thông điệp rõ ràng tới Thủ tướng Bắc Kinh trong chuyến thăm của ông và kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại này.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times